Hotline 24/7
08983-08983

Mang thai dưới 18 và trên 45 tuổi tăng nguy cơ sảy thai liên tiếp

Theo BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ, nếu mang thai sớm trước 18 tuổi và sau 45 tuổi, nguy cơ sảy thai tăng lên rất nhiều do nhóm tuổi dưới 18 chưa đủ sức khỏe, cơ thể, nội tiết chưa tốt và cơ quan sinh dục chưa thích nghi tốt, còn nhóm trên 45 tuổi nằm trong các yếu tố nguy cơ cao của sảy thai liên tiếp.

1. Sảy thai do chấn thương không được tính là sảy thai liên tiếp

Trường hợp nào được xem là sảy thai liên tiếp? Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đối với những chị em bị sảy thai một lần đã khiến họ lo lắng, về mặt y khoa, bác sĩ sẽ giải thích cho chị em hiểu rõ sảy thai liên tiếp là gì, tùy theo các hiệp hội trên thế giới, có thể 2 lần sảy thai đã được chẩn đoán là sảy thai liên tiếp, một số tiêu chuẩn khác quy định phải 3 lần sảy thai trở lên.

Tuy nhiên đối với những trường hợp đã sảy thai một lần, đến lần sảy thai thứ 2 đã quá lo lắng, do đó chị em cần biết thời điểm phải đi khám và điều trị.

Sảy thai liên tiếp có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân từ mẹ, từ thai… do đó đối với những trường hợp đã sảy thai lần 2 nên đi khám để được kiểm tra.

Sảy thai liên tiếp nghĩa là sảy thai lần thứ nhất ở thời điểm trước 14 tuần, đến lần hai tiếp tục sảy thai ở tình trạng thai nhỏ, chị em nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra các bệnh lý di truyền, xét nghiệm máu mẹ để kiểm tra nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp. Thậm chí cần khám sức khỏe của cả hai vợ chồng.

Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân sảy thai liên tiếp có thể điều trị và phòng ngừa sảy thai lần kế tiếp, vì vậy cần lưu ý đi khám.

Bên cạnh đó khi sảy thai liên tiếp cần lưu ý có những trường hợp sảy thai không do nguyên nhân bệnh lý, ví dụ như chấn thương không được tính vào sảy thai liên tiếp.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM)

2. Động thai lần mang thai thứ hai chưa được tính là sảy thai liên tiếp

Một số trường hợp mang thai lần đầu sảy thai sớm dưới 10 tuần, sau đó mang thai nhưng tiếp tục doạ sảy có được tính là sảy thai liên tiếp?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Điều kiện chẩn đoán sảy thai liên tiếp là chị em phải có 2 lần sảy thai, còn trường hợp đang doạ sảy khiến chị em lo lắng thì cần đi khám.

Ở lần thứ hai mang thai, những người đang ở giai đoạn dưới 14 tuần (3 tháng đầu thai kỳ) nếu ra máu sẽ khiến chị em lo lắng, khi đi khám có thể được bác sĩ sản phụ khoa tư vấn đang bị động thai hoặc có khối máu tụ sau nhau và kích thước về khối máu đó. Những trường hợp này chị em nên cố gắng điều trị, khi đó bác sĩ sẽ có nhiều can thiệp, xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị lâu dài.

3. Nguy cơ sảy thai liên tiếp tăng cao ở nhóm phụ nữ dưới 18 và trên 45 tuổi

Những người có tiền sử sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày và khẩn cấp trước đó có ảnh hưởng đến nguy cơ sảy thai?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Theo các bằng chứng lâm sàng đến thời điểm hiện tại, việc sử dụng thuốc ngừa thai hằng ngày hoặc khẩn cấp đều không ảnh hưởng đến nguy cơ sảy thai.

Thuốc ngừa thai là phương pháp tránh thai an toàn, chủ động cho chị em. Có nhiều thắc mắc cho rằng sử dụng thuốc ngừa thai hàng ngày có gặp vấn đề hoặc ảnh hưởng đến chức năng sinh sản hay không?

Nếu chị em có các chống chỉ định như mắc một số bệnh lý tim mạch, huyết khối tĩnh mạch, không được sử dụng thuốc ngừa thai thì chị em không nên sử dụng, còn các trường hợp có sức khỏe bình thường có thể sử dụng thuốc ngừa thai một cách an toàn.

Đa số trường hợp sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp có thể gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi sử dụng. Nhiều trường hợp đến gặp bác sĩ sản phụ khoa sẽ than phiền về vấn đề rong huyết, kinh nguyệt đảo lộn, tuy nhiên thuốc ngừa thai khẩn cấp không làm tăng nguy cơ sảy thai liên tiếp.

Về độ tuổi, đối với các bác sĩ sản phụ khoa về mặt y khoa, nếu mang thai sớm trước 18 tuổi và sau 45 tuổi, nguy cơ sảy thai tăng lên rất nhiều.

Ví dụ mang thai trước 18 tuổi, sức khỏe chưa đủ, cơ thể, nội tiết chưa tốt và cơ quan sinh dục chưa thích nghi tốt. Những phụ nữ trên 40 tuổi nằm trong nhóm nguy cơ cao và trên 45 tuổi là nguy cơ sảy thai liên tiếp rất cao.

Lưu ý những chị em trên 45 tuổi, do tuổi đã rất cao dẫn đến nhiều trường hợp chất lượng trứng không còn tốt, về mặt sản khoa nhóm tuổi này có nguy cơ dị tật thai cao hơn, đa số các trường hợp sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ có 70-80% do bất thường thai, ví dụ như bất thường nhiễm sắc thể, bất thường gen, cơ thể tự đào thải dẫn đến sảy thai. Nguy cơ sảy thai tăng lên đối với các chị em lớn tuổi do nguy cơ bất thường thai cao hơn.

4. Đột biến gen MTHFR, tăng đông… một số bệnh lý gây sảy thai liên tiếp

Ngoài các yếu tố trên, còn những nguyên nhân bệnh lý nào dẫn đến tình trạng sảy thai liên tiếp?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Độ tuổi hay các vấn đề kèm theo chỉ làm tăng nguy cơ sảy thai liên tiếp, có rất nhiều nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp ví dụ như trong một số tình trạng đột biến gen của người mẹ như đột biến gen MTHFR có thể làm tăng nguy cơ sảy thai vì có liên quan đến sự chuyển hóa Folat (axit Folic) trong cơ thể người phụ nữ.

Những chị em có đột biến gen MTHFR sẽ được bác sĩ hướng dẫn uống một loại thuốc Folat đã được chuyển hóa và bổ sung một số loại chất dinh dưỡng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, chị em có thể mang thai bình thường.

Một số bệnh lý khác như tăng đông, có một số bất thường gen và một số bệnh lý như kháng photpho lipid, đây là bệnh lý làm tăng nguy cơ tăng đông khiến các chị em dễ bị sảy thai. Tuy nhiên các bệnh lý này có thể điều trị phòng ngừa được, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc điều trị từ giai đoạn đầu của thai kỳ để ngăn tình trạng sảy thai liên tiếp xảy ra.  

5. Sảy thai liên tiếp cần kiểm tra nguyên nhân cả vợ và chồng

Những phương pháp nào giúp chẩn đoán một người có nguy cơ sảy thai liên tiếp thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Việc thăm khám nguyên nhân sảy thai liên tiếp được thực hiện cho cả vợ và chồng vì nguyên nhân từ cả hai phía. Sau khi có kết quả bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị cho cả hai vợ chồng.

Một số bệnh lý có thể điều trị dễ dàng bằng thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn, một số vấn đề khác có thể điều trị lâu dài hơn. Những bệnh lý gây sảy thai liên tiếp đều có thể điều trị được.

Một quy trình khám đối với các chị em có sảy thai liên tiếp không chỉ khám phụ khoa, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu cho vợ mà người chồng cũng cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Vì vậy chị em nên lưu ý nếu gặp vấn đề này nên đi khám cùng chồng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X