Hotline 24/7
08983-08983

Lựa chọn và sử dụng thuốc ho, thuốc nhỏ mũi, nhỏ tai đúng cách cho trẻ em

Sổ mũi, cảm lạnh hay ho đều là những căn bệnh trẻ rất dễ mắc phải khi thời tiết giao mùa. Vậy những loại thuốc trị ho, thuốc nhỏ mũi kháng sinh nào thường được chỉ định và cần lưu ý gì khi dùng thuốc? Mời bạn đọc AloBacsi cùng tham khảo trong bài viết dưới đây, với sự tư vấn của BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM.

Giao mùa, cảnh giác bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ

Trong thời tiết giao mùa, trẻ em thường bị tấn công bởi những mầm bệnh nào? Các bệnh lý nào thường gặp ở trẻ em trong điều kiện thời tiết như hiện nay?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong thời tiết hiện nay, trẻ chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp. Thời tiết miền Bắc lạnh nên trẻ mắc bệnh nhiều hơn, trong miền Nam mát nên trẻ ít bệnh.

Bệnh nào về đường hô hấp, tai - mũi - họng phổ biến nhất ở trẻ em, khiến trẻ phải nhập viện?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh lý hô hấp dẫn đến trẻ phải nhập viện nhiều nhất là viêm tiểu phế quản, sau đó là phổi. Trẻ mắc hai bệnh này khá nhiều. Tuy nhiên, đa số trẻ hiện nay bị bệnh viêm hô hấp trên do siêu vi hay do cảm thông thường chiếm đa số.

Sử dụng thuốc ho theo từng độ tuổi

Trẻ ho thế nào thì nên dùng thuốc ho? Những loại thuốc ho nào hiệu quả, an toàn cho trẻ và độ tuổi nào có thể dùng được?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi một em bé bị ho, phải để ý xem cái ho đó có ảnh hưởng đến sinh hoạt không. Trẻ ho đến mức không ăn, không ngủ được, ảnh hưởng đến việc học, khiến trẻ khó chịu, ho kéo dài cả ngày mới cần đến thuốc ho. Nếu trẻ lâu lâu mới ho vài tiếng thì chưa cần thiết.

Khi sử dụng thuốc ho cần chú ý lứa tuổi. Thông thường, em bé dưới 12 tháng rất khó dùng thuốc ho tân dược, cha mẹ có thể cho trẻ dùng những thuốc ho thảo dược. Trường hợp trẻ ho quá sức, bác sĩ sẽ kê các thuốc ho tân dược. Sau 12 tháng đến 18 tháng, có thể cân nhắc. Từ 18 tháng trở lên hoặc trẻ em trên 3 tuổi dễ sử dụng thuốc ho hơn.

Tuy nhiên, khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng phải có chỉ định của bác sĩ.

Thành phần nào của thuốc ho không được dùng cho trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cần cẩn thận khi dùng thuốc ho tân dược cho trẻ. Lời khuyên là cẩn thận khi dùng chứ không phải cấm dùng. Nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Còn nếu tự mua tại nhà thuốc, phụ huynh có thể mua thuốc ho thảo dược thông thường để cho trẻ uống dễ hơn.

Tìm nguyên nhân gây ho để điều trị hiệu quả nhất

Nhiều trẻ bị ho dai dẳng, dù đã khỏi bệnh nhưng mãi không dứt ho. Xin hỏi BS vì sao lại có tình trạng này? Với những trẻ bị ho dai dẳng, chúng ta nên sử dụng thuốc ho với thành phần nào và dùng đến khi nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong các bệnh cảm, sổ mũi, ho thì ho có thời gian bệnh lâu nhất, kéo dài đến vài tuần là bình thường. Một em bé ho nhưng không khó chịu, không ảnh hưởng đến việc ăn, ngủ thì không cần sốt ruột. Tuy nhiên, nếu ho ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của trẻ thì phải dùng thuốc ho.

Thuốc ho cũng giống như tất cả các loại thuốc khác, phải có chỉ định của bác sĩ, dùng theo đúng lứa tuổi. Trẻ có thể uống được thuốc ho thảo dược trong thời gian dài.

Khi trẻ ho kéo dài, nên phân tích xem có cần sổ giun cho trẻ không, có phải trẻ bị ho do hô hấp hay chỉ do nước mũi chảy xuống. Trẻ bị dị ứng, suyễn cũng có thể bị ho. Cần phải tìm được nguyên nhân mới trị được ho, nếu không thì dừng uống thuốc trẻ sẽ ho lại.

Vì sao trẻ ngộ độc thuốc nhỏ mũi?

Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng từng ghi nhận nhiều bệnh nhi có biểu hiện ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin. Xin hỏi BS, thuốc nhỏ mũi có công dụng như thế nào khi dùng cho trẻ em và được chỉ định trên những trường hợp, bệnh lý nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi một đứa trẻ bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi sẽ rất khó chịu, đặc biệt là trẻ nhỏ bị sổ mũi, lại ngậm thêm miệng để bú thì không thở được nên phải há miệng để thở, vậy nên trẻ bỏ bú. Trẻ nghẹt mũi cũng không ngủ được. Sổ mũi, nghẹt mũi ảnh hưởng tới đứa trẻ.

Có 2 loại thuốc nhỏ mũi: nước muối sinh lý và không phải nước muối sinh lý. Nước muối có thể có ưu trương hay sinh lý là đẳng trương. Những loại thuốc khác có thể là kháng sinh hay làm co mạch. Thông thường, an toàn nhất là nhỏ nước muối sinh lý đẳng trương. Khi nào có chỉ định của bác sĩ mới được dùng nước muối ưu trương. Nhưng cũng không nên lạm dụng 2 loại này.

Loại thuốc gây ngộ độc được nói ở trên là thuốc co mạch, phải trên 13 tuổi mới dùng được. Thuốc này có tác dụng rất nhanh vì khi nhỏ vào thuốc gây co mạch, hết nghẹt mũi. Sau này, người ta chế ra dẫn xuất của Naphazolin có thể nhỏ cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên còn phải tùy vào nồng độ và tùy vào hướng dẫn của bác sĩ. Không thể tự ý mua và nhỏ cho trẻ vì có thể làm co mạch, tím người.

Thuốc nhỏ mũi có thành phần nào có thể sử dụng cho trẻ em và thành phần nào không nên sử dụng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có thể dùng nước muối nhỏ mũi cho trẻ. Đương nhiên là không dùng nước muối tự pha mà dùng các loại nước muối đẳng trương và ưu trương. Thuốc gây co mạch phải có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý nhỏ.

Vệ sinh mũi để giúp trẻ mau hết nghẹt

Phụ huynh cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ em? Một ngày nên dùng mấy lần và có nên dùng kéo dài hay không, tối ưu nhất nên sử dụng trong bao lâu?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Một em bé bị sổ mũi mà nhỏ nước muối sinh lý 2 - 3 ngày vẫn không hết thì nên đi khám, không nên để kéo dài.

Một ngày có thể nhỏ mũi cho trẻ từ 3 - 5 lần và tối đa 3 ngày nếu trẻ không thuyên giảm nên đến khám bác sĩ để tìm nguyên nhân. Khi trẻ bị nghẹt mũi, nên làm bấc sâu kèn để lấy bớt mũi ra để mũi sạch rồi nhỏ thuốc vào sẽ mau hết hơn.

Không tự ý dùng thuốc nhỏ tai cho trẻ

Thuốc nhỏ tai hoặc thuốc xịt tai thường được chỉ định trong trường hợp nào? Cha mẹ có nên tự mua thuốc nhỏ tai hay xịt tai sử dụng cho trẻ không? Cần lưu ý gì khi sử dụng loại thuốc này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Em bé không cần nhỏ tai trừ trường hợp như đi bơi bị nước vô tai, cần nhỏ để rửa lại. Một số trẻ có ráy tai khiến trẻ khó chịu thì có một loại thuốc nhỏ để làm tan ráy tai. Tự lấy ráy tai rất nguy hiểm, có thể làm trầy ống tai, thủng màng nhĩ.

Phụ huynh đừng tự ý nhỏ tai. Nếu trẻ khó chịu sau khi bơi, có thể nhỏ nước muối sinh lý và nằm nghiêng để nước chảy ra. Nếu trẻ bị viêm tai, bác sĩ sẽ cho kháng sinh nhỏ tai. Lúc này hãy dùng thuốc nhỏ tai, còn bình thường thì không cần.

Trẻ thủng màng nhĩ vì bố mẹ lấy ráy tai sai cách

Đối với những trường hợp được chỉ định nhỏ tai, sử dụng thuốc nhỏ hay xịt tai thế nào là đúng cách? Những thói quen sai lầm cần tránh khi dùng thuốc nhỏ tai, xịt tai cho trẻ là gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chỉ khi có chỉ định của bác sĩ mới được nhỏ tai cho trẻ. Khi nhỏ, nên cho trẻ nằm nghiêng một lát để thuốc ngấm rồi nghiêng sang bên còn lại cho chảy ra.

Dùng thuốc xịt tai phải hết sức cẩn thận. Khi ráy tai người ta mới xịt, cũng hạn chế không nên làm. Đặc biệt là đừng bao giờ dùng tăm bông ngoáy tai cho trẻ, tự lấy ráy tai ở nhà. Một số trường hợp đã bị sang chấn ống tai, thậm chí thủng màng nhĩ do không biết cách làm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X