Hotline 24/7
08983-08983

Lựa chọn sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng sao cho an toàn và hiệu quả?

Theo thống kê, hơn 90% người dân Việt Nam có vấn đề về răng miệng. Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ thói quen chăm sóc răng miệng chưa đúng cách kết hợp với các thói quen xấu hằng ngày. Vậy làm thế nào để răng miệng khỏe? Và để lựa chọn sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng như kem đánh răng, nước súc miệng, chỉ nha khoa cần chú trọng thành phần nào? Tất cả đã được BS.CK2 Trần Xuân Thông - Trưởng khoa Khoa Răng Hàm Mặt - Mắt, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Thực trạng bệnh răng miệng tại nước ta hiện nay như thế nào?

Một số liệu cho thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ người dân mắc bệnh răng miệng khá cao, với 90% người có bệnh về răng miệng. Xin hỏi BS, thực trạng bệnh răng miệng tại nước ta hiện nay như thế nào? 

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Các bệnh lý về răng miệng là một trong những thực trạng mà chúng ta đối diện hàng ngày nhưng lại hay bỏ qua. 

Trong báo cáo của Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương từng công bố, hiện có hơn 90% người Việt Nam có bệnh lý về răng miệng. Có thể nêu đơn cử như hơn 85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa, còn tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn gia tăng dần theo độ tuổi. 

Một báo cáo về sức khỏe răng miệng người dân Việt Nam đăng trên tạp chí khoa học của Mỹ, nếu số răng trung bình của một người là 22 chiếc thì người Việt Nam có 19,5 răng (tỷ lệ 88,6%) bị chảy máu nướu. Riêng bệnh viêm nướu ở trẻ em 85-90%, nhiều nhất là tỷ lệ vôi răng ở người trung niên và cao tuổi rất nghiêm trọng, có nơi đến hơn 90%. 

Thậm chí, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tỷ lệ bệnh nha chu cao nhất vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Nhiều năm qua, dù ngành y tế đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp kết hợp các chương trình dự phòng, can thiệp cộng đồng nhưng tỷ lệ bệnh sâu răng, bệnh nha chu hay các bệnh lý về răng miệng ở Việt Nam còn rất cao, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi.

2. Đâu là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh răng miệng ở nước ta thuộc top “cao”?

Theo BS, đâu là những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh răng miệng ở nước ta thuộc top “cao” như vậy ạ? Việc xem nhẹ các bước chăm sóc răng miệng sẽ để lại những hậu quả, gánh nặng ra sao?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Người xưa có câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Nguyên nhân đầu tiên chính là do các thói quen xấu và chế độ ăn uống gây hại cho răng miệng. Chúng ta ăn uống thực phẩm nhiều đường, chất bột dính, có gas... mà không chải răng thường xuyên, đúng cách. 

Khi tiêu thụ nhiều đường, chúng tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trong miệng phát triển, gây ra sự phân hủy các thành phần trong miệng và tạo ra axit. Các axit này tác động đến men răng bằng cách làm giảm độ pH trong miệng, gây ăn mòn men răng và làm cho răng dễ bị sâu răng.

Bên cạnh đó, ý thức khám răng định kỳ của người dân chưa cao, dịch vụ chăm sóc răng miệng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn… Ở nước ta, đa phần mọi người chỉ đi khám khi có triệu chứng đau hoặc các biểu hiện khác như chảy máu chân răng, răng lung lay, ê buốt dữ dội,… Việc không đi khám định kỳ khiến không kịp cập nhật tình hình hiện tại của bản thân dẫn đến những tình huống xấu, đơn cử như bệnh ung thư miệng. 

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, nam giới thường có nguy cơ ung thư miệng gấp đôi phụ nữ. Trong đó, nam giới trên 50 tuổi là đối tượng phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ngay từ những giai đoạn đầu.

Cuối cùng và quan trọng nhất, chủ yếu xuất phát từ ý thức, hành vi của người dân trong vấn đề tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe răng miệng chưa đạt yêu cầu và không toàn diện. Chúng ta hiểu rằng mỗi ngày phải vệ sinh răng miệng nhưng vệ sinh thế nào cho đúng thì lại không tìm hiểu chuyên sâu. 

Tâm thế xem nhẹ các bước chăm sóc răng miệng và đánh giá thấp hệ quả để lại khiến chúng ta chưa có những hành động phù hợp để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Trong khi đây lại là bộ phận cửa ngõ có mối liên hệ trực tiếp đến sức khỏe cơ thể,

3. Khoang miệng bao gồm các bộ phận nào, vì sao phải quan tâm khoang miệng?

Dưới góc độ y học, khoang miệng bao gồm các bộ phận nào? Và vì sao chúng ta phải quan tâm khoang miệng?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Khoang miệng bao gồm môi trên, môi dưới, sàn miệng, phần lưỡi di động (hay gọi là phần 2/3 trước của lưỡi), niêm mạc má, lợi hàm trên, lợi hàm dưới và vòm khẩu cái.  

Trong khoang miệng có khoảng 600-700 loại vi khuẩn khác nhau, gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Do lối sinh hoạt chưa thích hợp, nên nhiều trường hợp dù vệ sinh răng miệng tốt, nhưng vẫn có thể dẫn đến sự mất cân bằng, làm tỷ lệ vi khuẩn có hại tăng cao và gây ra các bệnh về răng miệng. 

Các vi khuẩn không chỉ tập trung ở răng, mà phân bố rộng rãi ở mọi bề mặt bên trong như lưỡi, má trong… Vì thế chúng ta phải quan tâm toàn bộ khoang miệng do sức khoẻ khoang miệng có liên đới trực tiếp đến sức khỏe cơ thể.

4. Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe toàn diện, đặc biệt là bệnh nội khoa?

Thực tế cho thấy đa phần người Việt chưa có ý thức chủ động chăm sóc sức khỏe răng miệng, chỉ thực hiện một cách qua loa. Sức khỏe của răng miệng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe toàn diện của cơ thể, và đặc biệt có mối liên hệ ra sao với các bệnh nội khoa ạ? 

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Miệng là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể chúng ta. Ngoài việc cho phép chúng ta nói, phát ra âm thanh và giao tiếp, đó cũng là cách thức ăn được ăn vào và tham gia vào quá trình thở. Nói nôm na, hệ vi sinh trong khoang miệng là “cửa ngõ” cho các mối nguy hại đến sức khỏe cơ thể. 

Nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ đóng vai trò là mầm bệnh cơ hội và từ đó, các bệnh lý về răng miệng phát triển gây nên mối nguy cho sức khỏe cơ thể như bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư, vì thế chúng ta phải quan tâm đến toàn thể khoang miệng 

Nhiều triệu chứng của các bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng cũng được nhìn thấy trực tiếp trong miệng. Chỉ cần quan sát những thay đổi xảy ra trong khoang miệng, đội ngũ Bác sĩ có thể phát hiện bất kỳ vấn đề sức khỏe và thực hiện các biện pháp thích hợp trong mỗi trường hợp. 

Một ví dụ về điều này là bệnh trào ngược dạ dày thực quản, đặc trưng bởi hôi miệng và hao mòn dần men răng. Hôi miệng mãn tính cũng có thể là dấu hiệu của sự cố thận. Bệnh này biểu hiện với các triệu chứng đặc trưng như khô miệng và vị kim loại. Bệnh thận cũng liên quan đến bệnh nha chu, dẫn đến nhiễm trùng toàn thân khác nhau.

Viêm nướu răng, hoặc viêm nha chu, có liên quan đến các vấn đề tim mạch khác nhau, tắc nghẽn động mạch và thậm chí viêm nội tâm mạc. Khi nhiễm trùng nướu tiến triển, vi khuẩn lây lan qua máu và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tim.

Hay những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị viêm và nhiễm trùng nướu răng. Khi đường huyết không được kiểm soát ở bệnh nhân tiểu đường, một phần glucose từ máu đi vào nước bọt. Điều này tạo ra môi trường hoàn hảo cho sự phát triển của vi khuẩn và nấm miệng, làm hỏng nướu răng và tăng nguy cơ viêm nha chu.

Kết luận lại, khi chúng ta chú ý đến chăm sóc sức khỏe răng miệng sẽ giúp tăng cường các rào cản tự nhiên để vi khuẩn hạn chế “nhập cảnh”.​​

5. Chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách, khoa học sẽ mang lại lợi ích gì?

Như vậy, nếu chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách, khoa học sẽ mang lại những lợi ích ra sao cho mỗi giai đoạn, độ tuổi ạ?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Khi chúng ta biết cách chăm sóc răng miệng đúng cách và theo cách khoa học nhất thì hệ vi sinh trong khoang miệng sẽ được cân bằng, từ đó sức khoẻ của cơ thể sẽ phần nào được bảo vệ một cách tốt hơn, toàn diện hơn 

Ở mỗi giai đoạn, độ tuổi đều sẽ có những đặc điểm khác nhau, những điểm chung ở đây sẽ là phải chú trọng vào việc chăm sóc sức khỏe răng miệng một cách toàn diện và sớm nhất có thể.

6. Hệ vi sinh khoang miệng là gì, đóng vai trò và chức năng ra sao?

Hệ thống vi sinh vật ở đường tiêu hóa được đề cập với một vai trò quan trọng với sức khỏe con người. Vậy còn với hệ vi sinh khoang miệng là gì, đóng vai trò và chức năng ra sao, thưa BS?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Hệ vi sinh khoang miệng có hơn 700 loại vi khuẩn khác nhau được phát hiện. Tuy nhiên, không phải tất cả vi sinh vật đang sống trong khoang miệng của chúng ta đều có hại. Có một số loài vi khuẩn dường như vô hại, một vài loại khác là chế phẩm sinh học hỗ trợ cho quá trình tiêu hoá thức ăn hoặc các loại có thể bảo vệ răng và nướu. 

Khi sự cân bằng về hệ vi sinh vật bị phá bỏ, các vi khuẩn có hại sẽ gia tăng số lượng và tạo điều kiện cho bệnh có thể phát triển. Do đó, chúng ta phải có biện pháp chăm sóc răng miệng đúng cách, để duy trì sự cân bằng hệ vi sinh.

7. Cần làm gì để duy trì sự cân bằng hệ vi sinh răng miệng?

Vậy, để duy trì cán cân công bằng giữa vi khuẩn lợi và hại trong hệ vi sinh khoang miệng, chúng ta cần làm những gì, thưa BS? 

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Vệ sinh răng miệng toàn diện là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của những “vi khuẩn xấu” này. Khi chúng không có sinh kế hoặc thức ăn phù hợp để phát triển, vi khuẩn không thể phát triển hoặc giải phóng các axit làm hỏng răng và nướu. 

8. Đâu là những thói quen sai lầm gây hại hệ vi sinh khoang miệng cần tránh?

Đâu là những yếu tố tác động hay thói quen sai lầm gây hại hệ vi sinh khoang miệng mà chúng ta cần tránh ạ? Chúng ta cần lưu ý gì khi ăn uống, lựa chọn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe răng miệng? Đặc biệt là với những người thường xuyên ăn uống đồ có màu như cà phê, trà...?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Đầu tiên, phải chú ý đến chế độ ăn. Cần hạn chế tối đa chế độ ăn nhiều đường, có chất dính, chất có gas.

Vệ sinh răng miệng đòi hỏi sự “cầu kỳ” hơn những gì người Việt Nam đang thực hiện mỗi ngày. Nếu chỉ đánh răng sẽ không đủ để đảm bảo cho khoang miệng mạnh khỏe trước “đội binh” vi sinh vật có hại hùng mạnh. Việc đánh răng đầy đủ 2 lần/ngày không đồng nghĩa với “vệ sinh khoang miệng” đảm bảo.

9. Đâu là những yếu tố quan trọng để có một “nụ cười khỏe”?

Một nụ cười đẹp là điều ai cũng muốn. Nhưng ngày nay, không chỉ cần đẹp, mà nụ cười cần khỏe nữa. Theo BS, để có một “nụ cười khỏe”, đâu là những yếu tố quan trọng chúng ta cần đạt được? 

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: “Nụ cười khỏe” là nụ cười được bảo vệ và chăm sóc toàn diện. Một nụ cười tự tin từ bên trong lẫn bên ngoài bên ngoài lẫn bên trong cần có, có răng sạch, nướu khỏe, miệng thơm tho, hệ vi sinh khoang miệng được cân bằng bảo toàn

10. Các bước chăm sóc răng miệng toàn diện gồm những gì và thứ tự ra sao?

Xưa nay, đa phần thói quen chăm sóc răng miệng duy nhất đó là đánh răng. Thực tế, việc chăm sóc này còn cần nhiều hơn nữa. Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS chia sẻ thêm: các bước chăm sóc răng miệng toàn diện gồm những gì? Thứ tự thực hiện nên ra sao ạ? 

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Điều quan trọng nhất khi chăm sóc răng miệng là hiểu về tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng, chải răng đúng và đủ để làm sạch răng, chế độ ăn uống phù hợp và đến thăm khám với bác sĩ nha khoa định kỳ để kiểm tra, lấy vôi răng và chữa trị kịp thời trong lúc bệnh còn sớm để hạn chế xâm lấn.

Nhưng để chăm sóc răng miệng toàn diện mỗi ngày ngay tại nhà, chúng ta nên thực hiện đủ 3 bước như sau:

1. Đánh răng 

2. Dùng chỉ vệ sinh 

3. Sử dụng nước súc miệng và xịt thơm miệng. 

Đánh răng sẽ giúp làm sạch bề mặt bên ngoài, dùng chỉ nha khoa sẽ lấy đi vụn thức ăn thừa giữa các kẽ răng mà bàn chải không thể chạm tới và nước súc miệng có thể làm sạch những vùng mà bàn chả hay chỉ nha khoa khó tiếp cận được.​​ Các bước này bổ trợ cho nhau giảm vi khuẩn, mảng bám, góp phần giúp khoang miệng khỏe mạnh.

11. Khi lựa chọn và sử dụng sản phẩm chăm sóc răng miệng cần lưu ý những thành phần nào?

Như BS đã đề cập trong phần trước, chăm sóc răng miệng cần chú ý đến vi sinh trong khoang miệng. Khi lựa chọn và sử dụng sản phẩm chăm sóc răng miệng cần lưu ý những thành phần nào vừa thân thiện với các vi sinh vật có lợi, vừa kiểm soát được vi sinh vật có hại trong khoang miệng?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng cần phải đảm bảo đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất là công thức thành phần phải thân thiện với hệ vi sinh khoang miệng. Đó là những sản phẩm có thành phần thiên nhiên, thân thiện với các vi sinh vật có lợi và kiểm soát được vi sinh vật có hại cho sức khỏe khoang miệng và cơ thể.

12. Cần lưu ý gì khi lựa chọn kem đánh răng và bàn chải ạ?

Bước đầu tiên để chăm sóc khoang miệng là làm sạch. Vậy, theo BS, chúng ta cần lưu ý gì khi lựa chọn kem đánh răng và bàn chải ạ? Đâu là những thành phần cần có và đâu là thành phần cần tránh lựa chọn?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Kem đánh răng trên thị trường có rất nhiều loại, hầu hết đều có chứa Fluoride. Đây là chất có khả năng bổ sung và phục hồi cho men răng, giúp men răng khỏe mạnh và chắc khỏe hơn.

Tuy nhiên để tối ưu hơn, người tiêu dùng nên tìm kiếm sản phẩm có thêm các thành phần khác như công nghệ Reminact. Công nghệ này mang đến khả năng bù khoáng ưu việt, cung cấp hoạt chất làm răng trắng bóng mà vẫn bảo vệ men răng.

Bàn chải đánh răng là dụng cụ chăm sóc răng miệng đi kèm với kem đánh răng. Có nhiều kích cỡ, hình dạng khác nhau, và có những bàn chải được thiết kế đặc biệt chuyên dụng cho trẻ em, người lớn. Ngoài ra, cũng có những loại bàn chải chuyên dụng cho răng mắc cài, răng implant, răng ê buốt, loại có lông bàn chải siêu mềm chăm sóc nướu nhạy cảm,… Các loại này có thiết kế bàn chải tinh tế khác nhau phù hợp với tình trạng răng miệng chuyên biệt cho từng tình trạng người sử dụng.

Đối với việc lựa chọn bàn chải cần đảm bảo các tiêu chí 

- Kích cỡ phù hợp với khoang miệng

- Lông bàn chải mềm hoặc vừa

- Thiết kế hình dáng đặc biệt gồm lưng bàn chải được tối ưu để vệ sinh lưỡi, má trong, cổ bàn chải linh hoạt, lông bàn chải đa dạng chiều cao.

13. Vì sao nên thay thế thói quen xỉa răng bằng tăm tre với cách sử dụng chỉ vệ sinh và khi lựa chọn chỉ vệ sinh có những lưu ý nào?

Bước 2 là loại bỏ mảng bám bằng chỉ vệ sinh. Nhưng có vẻ người Việt khá hững hờ với việc này. Nhờ BS giải thích cho khán thính giả hiểu rõ hơn: Vì sao chúng ta nên thay thế thói quen xỉa răng bằng tăm tre với cách sử dụng chỉ vệ sinh? Lựa chọn chỉ vệ sinh, đâu là điểm nhất đáng chú ý?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Sau khi dùng bữa, thức ăn có thể mắc kẹt trong những kẽ răng hẹp mà bàn chải không thể chạm đến, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, để loại bỏ mảng bám và những mầm bệnh trong khoang miệng, bạn có thể dùng chỉ vệ sinh. 

Nên lựa chọn chỉ vệ sinh, để loại bỏ triệt để mảng bám trên bề mặt răng mà không gây đau nướu. Ngoài ra, khi lựa chọn cần xem thành phần của chỉ, tuyệt đối không chọn sản phẩm có chất BPA, PVC và phthalates.

Đặc biệt, nên chọn sản phẩm có dạng dẹt để dễ dàng làm sạch kẽ răng và ưu tiên các loại có sợi chỉ  được bọc một lớp sáp ong để di chuyển nhẹ nhàng và không tổn hại đến nướu cũng như hệ vi sinh khoang miệng.

14. Lựa chọn nước súc miệng sao cho hiệu quả và an toàn?

Bước 3 là dùng nước súc miệng để làm sạch hoàn toàn. Nhờ BS chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm nước súc miệng hiệu quả, an toàn cho mọi lứa tuổi cần có những gì ạ?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Sau khi làm sạch, bước súc miệng rất quan trọng để lọc những mảng bám còn sót lại, ngăn vi khuẩn có hại làm mất cân bằng hệ vi sinh khoang miệng. 

Nước súc miệng là sản phẩm chăm sóc răng miệng không chỉ chứa các thành phần kháng khuẩn để làm sạch kẽ răng mà còn có các thành phần giúp tạo hương thơm đặc trưng. Một số loại nước súc miệng có chứa cồn, trong khi một số sản phẩm khác thì không chứa thành phần này.

Thực tế thì mọi người đang bị lầm tưởng là nước súc miệng phải thật sạch, càng the mát thì mới tốt, tuy nhiên trên thực tế nên sử dụng nước súc miệng không chứa cồn, không gây khó chịu, tê lưỡi khi súc miệng. 

Nước súc miệng thường không được khuyên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với trẻ trên 6 tuổi, phụ huynh cần lựa chọn loại nước súc miệng không chứa cồn. Đối với người lớn, tôi khuyến nghị nên sử dụng 2 lần mỗi ngày.

15. Làm thế nào để có nụ cười khoẻ và luôn thơm tho?

Bên cạnh các bước trên, làm thế nào để vừa có nụ cười khoẻ nhưng luôn thơm tho thưa BS?

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Xịt thơm miệng là sản phẩm chứa thành phần chủ yếu là các thảo dược thiên nhiên giúp hơi thở thơm mát, sảng khoái, các phân tử mùi hương kích thích các tế bào khứu giác cơ thể và gây ra các phản ứng tích cực đối với não bộ. 

Sử dụng xịt thơm miệng sẽ giúp giảm nhanh tình trạng hôi miệng, thường dùng sau khi hút thuốc lá hoặc ăn thức ăn nặng mùi. Tác dụng khử mùi sẽ kéo dài từ 4-6 giờ nhưng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không điều trị được nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng một cách triệt để. 

Đây là bước bổ trợ hoàn hảo để hơi thở tự tin thơm mát. Dĩ nhiên, trước đó chúng ta cần phải chăm sóc răng miệng đầy đủ các bước để bảo vệ khoang miệng một cách toàn diện hơn.

16. Tầm quan trọng của hệ vi sinh khoang miệng với sức khoẻ?

Cuối cùng, nhờ BS nhấn mạnh lại cho khán thính giả về tầm quan trọng của hệ vi sinh khoang miệng với sức khoẻ cùng các bước bảo vệ hệ vi sinh này ạ.

BS.CK2 Trần Xuân Thông trả lời: Để có một cơ thể khỏe mạnh chúng ta cần chăm sóc hệ vi sinh khoang miệng đủ 3 bước: 

1. Đánh răng

2. Dùng chỉ vệ sinh

3. Súc miệng

Có như vậy, chúng ta mới có thể khoẻ mạnh hơn, hạnh phúc hơn!

Trân trọng cảm ơn nhãn hàng GLISTER đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X