Hotline 24/7
08983-08983

Loãng xương diễn tiến âm thầm, làm sao nhận biết?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Giảng viên - Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã giúp bạn đọc AloBacsi cung cấp những kiến thức bổ ích về bệnh loãng xương như: Dấu hiệu nhận biết; Độ tuổi cần phòng ngừa hay cách phân biệt với bệnh xương thủy tinh... Mời bạn đọc theo dõi bài tư vấn.

1. Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần. Xin BS cho biết nguyên nhân hay yếu tố thuận lợi dẫn đến hiện tượng này ạ?

Xương không giống như bề ngoài mà là một mô sống, được thay đổi liên tục theo quá trình tạo xương mới và hủy xương cũ. Bình thường 2 quá trình này cân bằng nhau giúp ổn định sức khỏe xương. Tuy nhiên, khi có sự mất cân bằng, việc hủy xương cũ tăng mạnh hơn việc tạo xương mới thì xương sẽ trở nên xốp và dễ vỡ.

Nguyên nhân gồm nhiều yếu tố nguy cơ:

- Tuổi tác: theo độ tuổi, ở những người già có tình trạng gia tăng của mất xương

- Yếu tố di truyền: thể hiện qua tiền căn gia đình, trong gia đình có người bị gãy xương, loãng xương.

- Nội tiết tố nữ: estrogen đóng vai trò quan trọng với việc duy trì sức khỏe xương. Khi nồng độ estrogen giảm xuống trong giai đoạn mãn kinh sẽ làm cho tốc độ mất xương tăng cao, gây ra tình trạng loãng xương, ở nữ nhiều hơn nam, đặc biệt sau khi mãn kinh.

Bên cạnh những yếu tố không thay đổi đó, còn có những yếu tố khác nữa: loãng xương đi kèm với một số bệnh lý được gọi là loãng xương nguyên phát, trong đó có những bệnh lý liên quan chặt chẽ đến cơ xương là bệnh lý tuyến giáp, tuyến phó giáp, suy thận, gan và bệnh đường tiêu hóa, ngay cả bệnh ung thư và viêm khớp mạn tính cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương.

- Các loại thuốc ảnh hưởng đến chuyến hóa xương: thuốc chống động kinh, thuốc điều trị ung thư và ngay cả thuốc điều trị bệnh lý dạ dày, quan trọng nhất là thuốc corticoid, có những tên thuốc rất quen thuộc như: betamethasone, cortisone, dexamethasone, hydrocortisone,… gây nên loãng xương.

Dinh dưỡng và lối sống thông thường cũng có nguy cơ gây loãng xương như ăn quá nhiều thực phẩm béo, thiếu nguồn canxi. Hoặc lối sông thụ động, ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia góp phần gia tăng bệnh lý loãng xương.

2. Loãng xương và bệnh xương thủy tinh giống và khác nhau thế nào, thưa BS?

Bệnh xương thủy tinh hay còn gọi là bệnh tạo xương bất toàn, là một bệnh lý hoàn toàn do di truyền hoặc đột biến gen. Khi bị ảnh hưởng sẽ làm thay đổi thành phần của collagen - thành phần chính của xương, làm cho chất lượng xương suy giảm, gắn liền với tình trạng gãy xương. Tuy nhiên bệnh tạo xương bất toàn và bệnh loãng xương hoàn toàn khác nhau. Trong bệnh lý tạo xương bất toàn, collagen là thành phần bị tổn thương, còn trong bệnh lý loãng xương, thành phần bị tổn thương lại là chất khoáng trong xương, canxi.

3. Nhiều người không nhận ra bản thân mình bị loãng xương cho đến khi bị gãy xương. Vậy có dấu hiệu nào để nhận biết sớm mình có bị loãng xương không ạ?

Bệnh loãng xương diễn tiến từ từ và âm thầm, không có biểu hiện cho đến khi có biến chứng là gãy xương, lúc này chúng ta mới biết vì xương khi gãy sẽ gây đau.

Tuy nhiên, trong biến chứng gãy xương này, thường gặp nhất là gãy xương cột sống thì đa số lại không có triệu chứng, gãy lúc nào bệnh nhân không hay biết. Chỉ có một ít trường hợp bị đau vùng lưng. Nhưng nếu quan sát thì gãy xương cột sống sẽ có biểu hiện trên lâm sàng, đó là chiều cao của bệnh nhân thấp đi do gãy đốt sống.

Như vậy, dấu hiệu báo động loãng xương là khi bệnh nhân giảm chiều cao trên 2,5 cm hoặc có tình trạng gù, vẹo cột sống mà trước đây không có. Đây là dấu hiệu gián tiếp của biến chứng gãy xương do loãng xương.


4. Xin BS cho biết tuổi nào cần phòng ngừa loãng xương? Tuổi trẻ và nam giới có cần quan tâm vấn đề loãng xương hay không?

Loãng xương thường xảy ra khi về già, nhất là phụ nữ sau mãn kinh. Người trẻ không có tình trạng loãng xương.

Tình trạng loãng xương gắn liền với mật độ xương, khi mật độ xương giảm xuống làm xốp gây ra loãng xương. Mật độ xương không phải cố định ở tất cả lứa tuổi nhưng lúc còn nhỏ thì mật độ xương thấp, sau đó nhờ vào quá trình tạo xương tăng nhanh làm mật độ xương phát triển mạnh và đạt lên tới mật độ xương đỉnh ở tuổi 25-30. Vì vậy nếu như đo mật độ xương ở độ tuổi 20, mặc dù thấp nhưng đó vẫn không phải là loãng xương mà xương còn đang tiếp tục phát triển chưa đạt được tới đỉnh.

Sau khi đạt được mật độ xương tốt nhất thì tình trạng này sẽ duy trì một thời gian sau đó giảm dần theo tuổi tác. Ở nữ, mật độ xương sẽ giảm dần nhanh sau mãn kinh.

Trên thế giới, chỉ những đối tượng có nguy cơ cao bị loãng xương mới nên đi đo mật độ xương để có thể chẩn đoán sớm tình trạng loãng xương.

Theo khuyến cáo, nữ trên 65 tuổi nên đo mật độ xương, nam thì trên 70 tuổi. Ở tuổi này có chỉ định nên đo mật độ xương 1-2 năm/lần.

Phụ nữ từ 65 tuổi trở xuống nếu như có kèm 1 trong những yếu tố nguy cơ quan trọng: bản thân có gãy xương sau 50 tuổi, tiền căn gia đình có người bị gãy xương do loãng xương, thể trạng gầy (BMI<18.5 và cân nặng dưới 40kg), có sử dụng thuốc corticoid kéo dài thì nên đo mật độ xương dù chưa đến 65 tuổi.

Ở lứa tuổi trẻ hơn, chưa mãn kinh thì gần như không cần thiết đo mật độ xương.

5. Hiện nay phương pháp đo loãng xương nào đáng tin cậy nhất, thưa BS? Chi phí là bao nhiêu ạ?

Có rất nhiều phương pháp, khi đi siêu thị có một chiếc máy, bạn chỉ cần đưa gót chân vào sẽ cho ra một tờ giấy nhỏ đưa ra kết quả có loãng xương hay không. Đây gọi là phương pháp siêu âm gót chân.

Ngoài ra còn một loại máy đo loãng xương, chỉ cần đưa ngón tay hoặc cổ tay vào hoặc cổ chân, đó là phương pháp DXA, tức là Xquang năng lượng kép. Tuy nhiên, khi đến những trung tâm lớn, cũng là máy DXA nhưng bạn phải nằm lên bàn dài và có đầu quét từ trên xuống dưới.

Siêu âm gót chân hoặc DXA đo ở nhiều vị trí khác nhau nhưng cho đến hiện nay, các khuyến cáo trên thế giới chỉ công nhận đo mật độ xương bằng phương pháp DXA nhưng chỉ với 2 vị trí: cổ xương đùi hoặc cột sống lưng. Chỉ ở 2 vị trí này mới có đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán loãng xương.

Còn việc đo bằng máy siêu âm hoặc DXA ở các vị trí còn lại chỉ mang ý nghĩa tầm soát, gợi ý bệnh nhân có nguy cơ cao bị loãng xương cần được đo đế xác định lại bằng phương pháp chuẩn là đo DXA ở 2 vị trí cổ xương đùi hoặc cột sống lưng.

Chi phí đo mật đọ xương bằng phương pháp DXA ở các trung tâm thường là 250-300 nghìn đồng cho 2 vị trí, đo 1 vị trí là 150 nghìn đồng.

Ngoài ra, còn có đo mật độ xương toàn thân, giá chỉ 450- 500 nghìn đồng, nhưng đo như vậy hoàn toàn không giúp chẩn đoán được mật độ xương mà chỉ giúp đo lượng nạc và mỡ trong cơ thể.

Nếu nói đo mật độ xương ở 2 vị trí cổ xương đùi hoặc cột sống lưng là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán mật độ xương thì đo mật độ xương toàn thân là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán béo phì.

6. Nếu được chẩn đoán là bị loãng xương thì bệnh nhân sẽ được điều trị như thế nào? Có thông tin uống nhiều canxi không chữa được loãng xương, điều này đúng không ạ?

Trên TV thường hay quảng cáo, loãng xương chỉ cần uống sữa sau vài tháng sẽ khỏi, điều này chỉ là quảng cáo. Sự thật, để có thể điều trị loãng xương, bắt buộc phải sử dụng thuốc chống loãng xương. Canxi có trong xương là thành phần luôn luôn phải có để xây dựng xương nhưng để đưa được can xi vào trong xương lấp đầy những khoảng trống bị mất thì bắt buộc phải sử dụng thuốc.

Cơ chế loãng xương có 2 quá trình: hoặc hủy xương tăng hoặc tăng xương giảm đều làm mất quân bình giữa hủy và tạo, đều làm mất xương. Nếu hủy xương tăng nhanh cần dùng thuốc chống hủy xương, tạo xương giảm cần dùng thuốc tăng tạo xương. Hiện nay trên thế giới có hàng loạt thuốc nằm trong 2 nhóm này.

Tuy nhiên cơ chế quan trọng nhất là tình trạng mất xương theo độ tuổi, ở nữ giới mãn kinh luôn luôn có tìn trạng hủy xương. Do đó thuốc chống hủy xương phổ biến hơn, ở Việt Nam chỉ có thuốc chông hủy xương, trong đó có nhiều thuốc quen thuộc với chúng ta là Biphosphonate, Alendronate, Risedronate, Ibadronate thuộc dạng thuốc uống; Zoledronate ở dạng truyền không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn trên thế giới phòng ngừa gãy xương do loãng xương.

7. Nếu vấn đề loãng xương không được cộng đồng quan tâm đúng mức, và bệnh nhân loãng xương không được điều trị thì có thể dẫn đến những hậu quả gì, thưa BS?

Loãng xương không có triệu chứng nhưng biến chứng rất nguy hiểm, vì biến chứng của loãng xương là gãy xương và sau đó là một loạt hệ quả nghiêm trọng:

- Tăng nguy cơ tái gãy xương: tức là khi có 1 chỗ xương gãy trên cơ thể thì những xương khác có thể gãy bất kỳ lúc nào.

- Tăng nguy cơ tử vong: khi gãy xương cổ đùi thì nguy cơ tử vong trong năm đầu tăng khoảng 20-30% và gãy xương cột sống cũng làm tăng nguy cơ tử vong. Việc gãy những xương nhỏ như cổ tay cổ chân hoặc cẳng chân cũng gây ra tử vong nhưng với mức độ thấp hơn. Đây là điều chúng ta cần biết để cải thiện cho người thân của mình.

- Nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, tim mạch, nội tiết cũng gia tăng.

- Khi bị loãng xương gây đau, vẹo cột sống… làm cho người bệnh phụ thuộc vào người khác. Việc gãy xương gia tăng làm giảm chất lượng cuộc sống, cũng là gánh nặng cho gia đình và của toàn xã hội về y tế.

8. Theo BS, có những cách nào để phòng ngừa loãng xương?

Loãng xương có thể phòng ngừa, việc đầu tiên phải cung cấp đầy đủ thành tố của xương là canxi và vitamin D. Trong khuyến cáo phòng ngừa loãng xương có: cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và vận động. Bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cơ thể cũng cần có canxi và vitamin D. Để khởi đầu cho phòng ngừa loãng xương, có thể bắt đầu từ trong bào thai của mẹ.

Việc phòng ngừa không bao giờ muộn, bất kỳ giai đoạn nào cũng cần bổ sung canxi và vitamin D. Bên cạnh đó, để có thể hấp thu vitamin D, mỗi ngày chúng ta chỉ cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 5-10 phút vào khoảng thời gian vitamin D được tổng hợp cao nhất từ 9-10g sáng hoặc 15-16g chiều. Tuy nhiên, phụ nữ rất ngại tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì có thể gây ung thư da, nám da, sạm da, nhăn da… thì có thể bổ sung viên vitamin D nhu cầu hàng ngày là 800-1000 đơn vị.

Việc vận động cũng quan trọng không kém, vì khi vận động quá trình tạo xương mới và hủy xương cũ mới phát triển tốt. Vận động gồm có vận động chịu sức nặng và vận động tăng sức bền, sức căng của cơ. Các vận động như leo cầu thang, đi bộ, leo núi, yoga, gym, aerobic… đều rất tốt cho sức khỏe xương. Bên cạnh đó, chạy xe đạp, bơi lội cũng tốt cho sức khỏe tim mạch, sức khỏe thông thường nhưng không tốt cho sức khỏe xương.

9. Mỗi ngày chúng ta phải dung nạp bao nhiêu canxi để phòng ngừa loãng xương? Với những người không thích uống sữa hay dùng chế phẩm từ sữa (do không ưa chuộng mùi vị của những món này) thì nên phòng ngừa loãng xương thế nào ạ?

Để phòng ngừa hoạc điều trị loãng xương, thành tố quan trọng nhất của xương là canxi, khoảng 80% cấu trúc của xương là chất khoáng, trong đó 80% là canxi. Vì vậy canxi là thành tố cực kỳ quan trọng, bằng mọi cách chúng ta phải cung cấp đủ để góp phần xây dựng bộ xương vững chắc.

Canxi có nhiều trong thực phẩm, nhiều nhất trong sữa và chế phẩm của sữa, cứ 1 ly sữa 250ml cung cấp 250mg canxi. Yêu cầu canxi cho 1 ngày là 1000mg, trong đó 1 bữa ăn đầy đủ các chất lipid, protid, glucid (có rau, thịt cá, cơm) đã có thể cung cấp khoảng 500mg canxi, còn lại cần dùng sữa và chế phẩm của sữa: 2 ly sữa mỗi ngày hoặc yaourt, phô mai, bơ sẽ cung cấp phần canxi còn lại.

Nếu không thích uống sữa hay dùng chế phẩm từ sữa, có một số thực phẩm cũng giàu canxi phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của Việt Nam là rau xanh: rau ngót, rau dền, rau mồng tơi, bông cải… những loại rau màu xanh đậm cũng là nguồn canxi phong phú. Không chỉ rau xanh, đậu nành và chế phẩm từ đậu nành cũng chứa hàm lượng cao canxi hoặc các loại cá cũng là nguồn canxi trong thực phẩm hàng ngày, chúng ta nên bổ sung đầy đủ.

Tuy nhiên để cung cấp đủ, mỗi ngày chúng ta cần ăn một lượng lớn rau xanh và cá. Như vậy để có thể tiện lợi hơn từ trường hợp này, chúng ta có thể dùng viên bổ sung canxi như: canxi cacbonat, canxi citrat, canxi lactate, canxi gluconate… đều có thể sử dụng được.

Khi bổ sung viên canxi cần chú ý tính toán thành phần canxi, giả sử như 1 viên canxi cacbonat 1000mg chỉ có khoảng 400mg là thành tố canxi. Theo khuyến cáo, chúng ta nên chia nhỏ viên thuốc và uống trong các bữa ăn vì chia nhỏ sẽ giúp hấp thu canxi dễ hơn và sẽ bảo đảm được nhu cầu canxi hàng ngày.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X