Loại đồ uống nào người bị máu nhiễm mỡ không nên sử dụng?
Máu nhiễm mỡ gồm 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ phát (lối sống, ăn nhiều chất béo bão hòa, đái tháo đường, suy thận mạn, suy giáp, do dùng thuốc,…) và nguyên nhân tiên phát (đột biến gen, có tính gia đình,…). Để tránh tình trạng mỡ máu tăng cao người bệnh nên kiêng một số loại đồ uống như nước ép trái cây, thức uống chứa nhiều chất kích thích.
I. Tìm hiểu về bệnh máu nhiễm mỡ
Máu nhiễm mỡ, còn được gọi là mỡ máu cao hoặc rối loạn lipid máu, thường dẫn đến mức tăng của các hợp chất mỡ trong hệ thống tuần hoàn. Thông thường, máu luôn chứa một lượng nhất định các hợp chất mỡ. Bệnh lý này thường được đánh giá thông qua các chỉ số xét nghiệm như triglycerid, cholesterol…
Khi mắc bệnh máu nhiễm mỡ, các chỉ số này sẽ vượt quá mức bình thường. Chỉ số cholesterol cao thường là đặc điểm chung của tình trạng rối loạn mỡ máu.
Tình trạng này có thể do chế độ ăn uống không cân đối, tiếp xúc với thuốc lá hoặc có yếu tố di truyền, dẫn đến tình trạng bệnh tim mạch với các biến chứng nghiêm trọng.
Nếu không điều trị cholesterol có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong thời gian dài gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như bệnh động mạch vành (CAD), bệnh động mạch ngoại biên (PAD), gây ra các biến chứng như cơn đau tim, đột quỵ não, tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu hoặc bệnh nhồi máu cơ tim.
Người bệnh cần chú ý đến các triệu chứng cảnh báo về đau tim hoặc dấu hiệu sớm của đột quỵ, bao gồm: buồn nôn, khó nói, đau thắt ngực, tê hoặc yếu ở các chi, tăng huyết áp. Nếu có bất kỳ lo ngại nào về các triệu chứng đang gặp phải, người bệnh cần đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm máu và được thăm khám kịp thời.
II. Các loại thức uống làm tăng mỡ máu nên tránh
1. Thức uống chứa chất kích thích
Không riêng gì người bị máu nhiễm mỡ mà tất cả chúng ta cũng đều nên tránh xa các loại nước uống có chất kích thích. Trong đó, điển hình là cà phê, nước ngọt có ga, soda, rượu, bia,…
Những chất kích thích này nếu lạm dụng sẽ tác động lên hệ thần kinh, gây mất ngủ, căng thẳng, ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, tăng cholesterol trong máu, tăng huyết áp cùng nhiều tác hại khác đến sức khỏe.
2. Nước ép trái cây có lượng đường cao
Mặc dù trái cây có chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là có nhiều chất chống oxy hóa tốt cho người bị mỡ máu cao. Tuy nhiên, nó chỉ tốt khi bạn ăn nguyên quả. Còn khi ép thành nước, kèm với việc cho thêm đường để tạo vị ngọt, lại trở thành loại nước làm tăng đường và rối loạn lipid máu.
Do đó, nếu muốn uống nước ép trái cây, bạn nên uống ở mức độ vừa phải một số loại như: nước ép cà rốt, bí đao, nước chanh,…
3. Sữa nguyên kem
Đây là một trong những thực phẩm “âm thầm” làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu nếu bạn sử dụng nó hằng ngày. Dùng sữa nguyên kem trong một thời gian dài còn có nguy cơ gây thừa cân, béo phì. Vì vậy, nếu bạn có thói quen bắt đầu ngày mới bằng sữa nguyên kem hay bơ thì nên cân nhắc.
4. Nước cốt dừa
Nước cốt dừa không chỉ được dùng trong chế biến ẩm thực, mà còn là thức uống chăm sóc sức khỏe và làm đẹp được nhiều chị em áp dụng ngày nay. Tuy nhiên, nước cốt dừa lại không tốt trong trường hợp bạn bị máu nhiễm mỡ.
Vì trong nước cốt dừa có chứa axit béo no hàm lượng cao. Chất béo này làm tăng quá trình tổng hợp cholesterol có hại trong máu, từ đó làm tăng mỡ máu, nguy cơ gây nên các bệnh lý về động mạch, sỏi thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…
Xem thêm: 11 loại nước uống người bị máu nhiễm mỡ nên sử dụng
III. Cần lưu ý gì khi sử dụng các loại nước uống giúp giảm mỡ máu
Việc sử dụng các loại nước uống phù hợp có tác dụng hỗ trợ cải thiện tình trạng mỡ máu, tuy nhiên không phải điều trị tận gốc bệnh. Do đó, người bệnh cần kết hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cùng với chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh để giúp giảm mỡ máu hiệu quả.
Đối với việc uống các loại nước giúp cải thiện sức khỏe, cần sử dụng kiên trì trong một thời gian dài mới nhận thấy sự cải thiện. Đồng thời, khi dùng các loại nước uống giúp giảm mỡ máu, bạn cũng nên lưu ý:
- Chỉ sử dụng một lượng vừa phải, không nên lạm dụng uống quá nhiều.
- Không nên uống khi bụng đói.
- Không uống trước khi đi ngủ.
- Cần kiểm soát kỹ lượng đường có trong các loại nước uống hằng ngày.
IV. Một số lưu ý cho người mỡ máu cao
Ngoài thay đổi chế độ ăn, người bệnh mỡ máu cao cần có sinh hoạt điều độ như:
- Hoạt động thể thao thường xuyên và đều đặn: ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần.
- Bỏ thuốc lá.
- Hạn chế uống rượu.
- Duy trì BMI cân đối trong khoảng từ 20 - 22.
Ngoài ra, người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều này, trước tiên sẽ giúp phát hiện kịp thời những vấn đề về sức khỏe. Nếu có bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm khác để củng cố chẩn đoán. Từ đó, bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ theo dõi được mức độ đáp ứng điều trị bệnh của cơ thể, đồng thời tư vấn về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bị mỡ máu cao.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình