11 loại nước uống người bị máu nhiễm mỡ nên sử dụng
Đối với bệnh nhân máu nhiễm mỡ, bên cạnh việc duy trì cân nặng khỏe mạnh, hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên và theo dõi sức khỏe, tình trạng máu nhiễm mỡ định kỳ thì lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh là điều không thể thiếu. Dưới đây là một số loại thức uống mà người bệnh máu nhiễm mỡ nên sử dụng.
I. Các loại thức uống tốt cho người máu nhiễm mỡ
1. Trà xanh
Trà xanh có chứa hàm lượng catechin, một loại chất chống oxy hóa rất dồi dào. Chất này có tác dụng giúp giảm cholesterol xấu và cholesterol toàn phần rất hiệu quả.
Cách chế biến rất đơn giản, lấy lá trà xanh còn tươi rửa sạch, để ráo nước. Vò nhẹ rồi cho vào ấm đổ 1 ít nước sôi vào rồi gạn bỏ phần nước đầu. Đổ lượt nước sôi tiếp theo đến ngập trà, đợi trà ngấm là có thể uống được. Lưu ý không uống trà xanh khi đói, khi trà còn quá nóng. Nên uống trà trước giờ đi ngủ từ 1 - 2 tiếng.
Các loại trà khác, như trà đen cũng có thể hỗ trợ lượng cholesterol khỏe mạnh, cải thiện chức năng mạch máu và làm giảm mức cholesterol xấu, dù ở mức độ thấp hơn so với trà xanh.
2. Sinh tố quả mọng
Nước ép hoặc sinh tố từ các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, quả nho, mâm xôi, anh đào,… vừa thơm ngon, ngọt mát, lại chứa nhiều dưỡng chất cực kì tốt cho sức khỏe. Hầu hết các loại quả mọng đều có nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ.
Do đó, chúng có thể giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu một cách đáng kể. Thêm các loại quả mọng này vào chế độ ăn uống hằng ngày sẽ rất tốt cho những ai đang bị máu nhiễm mỡ. Bạn có thể ăn trực tiếp, làm sinh tố hoặc thêm vào sữa chua để ăn.
3. Nước ép lựu
Nước ép lựu chứa chất chống oxy hóa, đặc biệt là polyphenol ở mức độ cao hơn nhiều loại trái cây khác. Chất chống oxy hóa trong nước ép lựu được cho là có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự tích tụ cholesterol trong động mạch, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, nước ép lựu cũng có thể cải thiện lưu lượng máu và giữ cho động mạch không trở nên cứng và dày hơn. Không chỉ vậy, nước lựu có thể làm chậm sự tăng trưởng của mảng bám và sự tích tụ cholesterol trong động mạch.
4. Nước ép quả mâm xôi
Nước ép quả mâm xôi mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe bằng cách giảm mức cholesterol xấu và tăng mức cholesterol tốt. Các nhà nghiên cứu cho rằng những lợi ích này đến từ mức độ cao của chất chống oxy hóa tự nhiên được gọi là polyphenol có chứa trong các loại quả mọng như quả mâm xôi.
5. Nước ép lê
Lê rất giòn, ngọt và chứa nhiều chất xơ tự nhiên, phần lớn ở dạng pectin, có tác dụng làm giảm mức cholesterolxấu. Pectin liên kết với cholesterol và đưa nó ra khỏi cơ thể trước khi nó có thể được hấp thụ. Ngoài ra, một quả lê cỡ trung bình cung cấp 16% giá trị chất xơ mà cơ thể chúng ta cần.
Nhiều loại trái cây giàu pectin khác cũng có thể dùng để làm các loại nước ép giảm mỡ máu hiệu quả như táo, chuối, cam và đào.
6. Nước ép cà chua
Cà chua rất giàu lycopene, có thể cải thiện mức độ lipid và giảm cholesterol xấu trong máu. Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng đã cho thấy rằng chế độ ăn giàu cà chua (khoảng 300g mỗi ngày trong một tháng) làm tăng mức HDL cholesterol tốt đáng kể lên đến 15,2%.
Một nghiên cứu khác vào năm 2015 cho thấy, 25 phụ nữ đang trong độ tuổi từ 20 - 30 tuổi uống 280ml nước ép cà chua mỗi ngày trong 2 tháng đã giảm mức cholesterol trong máu.
7. Sữa đậu nành
Đậu nành có ít chất béo bão hòa và là một loại thực phẩm có tác dụng giúp làm giảm cholesterol hiệu quả. Với những người có nguy cơ cao bị máu nhiễm mỡ, việc thay thế các ly sữa giàu chất béo bằng sữa đậu nành hoặc sữa tươi không đường có thể giúp giảm hoặc kiểm soát mức cholesterol trong máu.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến nghị, nên tiêu thụ 25g protein từ đậu nành mỗi ngày (khoảng 250ml sữa đậu nành) kết hợp với chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol để giúp giảm mức cholesterol xấu từ 5 - 6%. Khi sử dụng, nên uống sữa đậu nành nguyên chất, hạn chế thêm đường, muối và chất béo khác.
Xem thêm: Các thực phẩm không tốt cho tim mạch
8. Sữa yến mạch
Ăn các loại thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như yến mạch, lúa mạch giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Yến mạch và lúa mạch đặc biệt hơn vì chúng chứa nhiều chất xơ hòa tan được gọi là beta glucan. Một ly sữa yến mạch 25 ml có thể cung cấp 1g beta glucan giúp ức chế sự hấp thụ cholesterol từ thức ăn và giúp giảm cholesterol xấu trong máu một cách hiệu quả.
Đồ uống yến mạch, bao gồm cả sữa yến mạch, có thể được sử dụng thay thế cho các sản phẩm từ sữa, có xu hướng chứa nhiều chất béo và nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
Sữa yến mạch có thể có thêm đường và chúng có ít chất xơ hơn yến mạch nguyên chất. Sữa yến mạch chứa 90 - 120 calo mỗi cốc, vì vậy điều quan trọng là phải kiểm tra khẩu phần, người bệnh máu nhiễm mỡ cũng chỉ nên uống sữa yến mạch với liều lượng vừa phải.
9. Sữa hạnh nhân
Sữa hạnh nhân có nguồn gốc từ thực vật, nhờ có chứa axit béo không bão hòa đa nên có khả năng hỗ trợ làm giảm lượng cholesterol xấu. Ngoài ra, còn giàu canxi và vitamin D không chỉ tốt cho xương mà còn rất tốt đối với tim mạch.
Chính vì vậy, người bị máu nhiễm mỡ nên uống một ly sữa hạnh nhân không đường mỗi ngày. Loại sữa này cũng rất thích hợp dùng cho người ăn chay hoặc đang ăn kiêng.
10. Cacao
Polyphenol là chất chống oxy hóa tự nhiên, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm viêm, hỗ trợ tuần hoàn máu, hạ huyết áp và giúp giảm lượng cholesterol trong máu. Cacao là một trong những thức uống có nguồn polyphenol phong phú, có khả năng chống oxy hóa và kháng viêm mạnh mẽ, rất tốt cho những ai đang bị mỡ máu cao. Ngoài ra, cacao còn có chứa axit béo không bão hòa đơn cao, cũng hỗ trợ giúp làm giảm mức cholesterol.
Nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng đồ uống cacao trong 1 tháng, với khoảng 450mg mỗi ngày sẽ giúp giảm cholesterol xấu, đồng thời tăng được cholesterol tốt. Tuy nhiên, khi dùng thức uống cacao, bạn nên hạn chế việc thêm đường, muối và chất béo sẽ tốt hơn.
11. Đồ uống có chứa sterol và stanol
Sterol và stanol là các chất tồn tại tự nhiên trong những loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như: Trái cây, rau củ, dầu thực vật, các loại hạt,… Sterol và stanol có cấu trúc hóa học gần giống với cholesterol, nên khi vào cơ thể, chúng sẽ chiếm lấy vị trí trên thụ thể của màng ruột.
Từ đó, chúng cạnh tranh, ngăn chặn sự hấp thu cholesterol của cơ thể. Lượng cholesterol không được hấp thu đó sẽ được cơ thể đào thải qua phân. Nhờ đó mà lượng cholesterol trong máu được giảm đi đáng kể.
Trong chế độ ăn của người bị máu nhiễm mỡ, nên tăng cường thêm các loại thực phẩm, đồ uống giàu sterol và stanol như: cám gạo, ngô, mầm lúa mì, dừa, cam, hạnh nhân, cà rốt, súp lơ trắng,… Bên cạnh đó, sterol và stanol cũng được bổ sung vào các chế phẩm như sữa, sữa chua, ngũ cốc, nước cam,…
II. Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống, đặc biệt là thay đổi một số loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày và hoạt động thể chất thường xuyên là điều rất quan trọng để giúp giảm cholesterol xấu.
Bỏ hút thuốc giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và có thể giảm mức cholesterol. Bên cạnh đó, rượu không phải là một phần cần thiết hoặc được khuyến nghị trong chế độ ăn uống lành mạnh cho tim.
Người bệnh có thể phải dùng thuốc giảm cholesterol để kiểm soát lượng cholesterol và giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Không chỉ vậy, cần có sự tư vấn của bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả nhất.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình