Hotline 24/7
08983-08983

Lo ngại biến chứng do chủ quan với sốt xuất huyết

Hiện cả nước có trên 60.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 18 ca tử vong và dự báo trong thời gian tới, tình hình bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp hơn...

Bệnh SXH do virus Dengue gây ra thường bắt đầu bằng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2 - 7 ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu răng hoặc chảy máu cam. Có trường hợp diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số 18 ca tử vong có 4-5 trường hợp xuất huyết não. "Đây là một hiện tượng hơi khác thường, các năm khác chỉ có khoảng có 1- 2 ca xuất huyết não do SXH, trong khi mới đầu vụ dịch năm nay đã có 5 ca. Vì vậy, chúng ta phải đặc biệt phải lưu tâm," PGS Kính lo ngại.

Theo PGS Kính, dịch SXH tại Hà Nội đang rất căng thẳng và diễn biến phức tạp, trung bình một tuần ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh. BV phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH, đồng thời phải luân chuyển bệnh nhân liên tục. Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sẽ được chuyển về tuyến dưới; người nào thoát sốc thì chuyển sang cơ sở 2 của BV tại Đông Anh để tiếp tục điều trị.

Lo ngại biến chứng do chủ quan với sốt xuất huyếtPGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương

Trước những diễn biến khó lường của bệnh, PGS Kính khuyến cáo, ở thời điểm này, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39 - 40 độ, đừng chần chừ mà hãy đi khám ngay để được test SXH. "Không phải SXH, lúc ấy mới có thể yên tâm theo dõi các sốt khác như sốt virus, sốt viêm họng...", PGS Kính nói.

Việc phát hiện SXH sớm có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh, khi bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa không cầm được cực kỳ nguy hiểm.

Người bệnh cũng cần lưu ý theo dõi chặt ngày thứ 4 sốt, hầu hết mọi biến chứng đều xảy ra ở ngày này.

BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (BV Nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà.

Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. "Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người bệnh hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng”, BS Cấp lưu ý.

Bệnh nhân SXH có thể gặp phải nguy cơ sốc và giảm tiểu cầu. Trường hợp bệnh nhân sốc, là do tính thấm mao mạch gia tăng, với hậu quả thoát huyết tương ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn, là nguyên nhân của tình trạng cô đặc máu. Trường hợp bệnh nhân nếu bị thoát dịch quá nhiều có thể dẫn tới sốc. Khi bệnh nhân bị sốc nếu không được xử lý sớm, đúng cách bệnh nhân có thể bị suy đa phủ tạng và có thể dẫn tới tử vong.

“Vấn đề thứ 2 là bệnh nhân sẽ bị giảm tiểu cầu trong máu, khiến cho khi chảy máu bệnh nhân sẽ không cầm được máu. Trong trường hợp chảy máu ở những vị trí quan trọng như: chảy máu não, xuất huyết dạ dày, dong kinh ồ ạt… bệnh nhân mất máu nhiều có thể nguy kịch”, BS nói.

Lo ngại biến chứng do chủ quan với sốt xuất huyếtBác sĩ BV Nhiệt đới thăm khám cho bệnh nhi bị bệnh SXH

Theo các chuyên gia, SXH ở người mẹ mang thai có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Với người mẹ thì rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ. Do đó với phụ nữ có thai, nếu có các triệu chứng nghi SXH cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS Nguyễn Trung Cấp đánh giá: “Dịch SXH năm nay có những diễn biến bất thường, đến sớm hơn mọi năm và ngay từ đầu mùa dịch đã xuất hiện các ca biến chứng nặng. Với tình hình này, rất có thể đến cuối mùa dịch, số lượng các ca mắc bệnh sẽ tăng mạnh và sẽ xuất hiện nhiều ca biến chứng nặng khác”.

Nhận định về nguyên nhân gia tăng SXH tập trung ở các thành phố lớn, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, do tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng gia tăng về số lượng ca mắc và mở rộng khu vực, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề. Cộng thêm sự biến đổi khí hậu mưa nắng thất thường, người dân còn chủ quan, xem thường bệnh SXH và chưa chủ động thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh như vệ sinh môi trường.

Cũng theo ông Phu, dù cơ quan chức năng có tổ chức phun thuốc diệt muỗi mà người dân không vệ sinh môi trường thì muỗi cũng lại phát triển, gây bệnh. “Do đó, quan trọng nhất là làm cho người dân nhận thức rõ biện pháp phòng chống SXH tốt nhất là diệt bọ gậy, loại bỏ hoặc đậy, úp các thùng, chai, lọ… có thể chứa nước quanh nhà, mắc màn, đốt hương hoặc dùng kem xoa chống muỗi để tránh muỗi đốt… Đặc biệt, cần nghiêm túc thi hành xử phạt với cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống SXH để nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, đơn vị, tổ chức đối với cộng đồng”, ông Phu nhấn mạnh.

Theo Thảo Nguyên - Công lý

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X