Hotline 24/7
08983-08983

Lo lắng, trầm cảm, ý muốn tự sát hậu COVID-19, làm sao thoát?

Gần 900.000 người bệnh COVID-19 đã được chữa khỏi. Vậy nhưng không phải chữa khỏi là hoàn toàn yên tâm. Trong số những người khỏi bệnh, có một tỷ lệ không nhỏ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần. Làm thế nào để kiểm soát những vấn đề này hậu COVID-19?

1. Những rối loạn tâm thần thường gặp hậu COVID-19?

Trong chương trình truyền thông và giáo dục sức khỏe do Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện vừa qua, ThS.BS Lê Thành Tân - Giảng viên Bộ môn Tâm thần tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã mang đến những con số đáng chú ý về tác động của đại dịch COVID-19 đến các vấn đề tâm lý - tâm thần.

Theo kết quả khảo sát và đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại Khoa điều trị của Bệnh viện Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, do bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách thực hiện cho thấy:

  • Hơn 53,3% bệnh nhân bị rối loạn lo âu.
  • 16,7% bệnh nhân gặp vấn đề stress.
  • 20% bệnh nhân bị trầm cảm.

Bệnh do virus SARS-CoV-2 (COVID-19) gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần trên nhiều nhóm đối tượng, bao gồm:

  • Bệnh nhân nhiễm COVID-19,
  • Người dân sống trong thời dịch.
  • Người chăm sóc bệnh nhân.

TPHCM vừa trải qua một đợt dịch hơn 4 tháng, hiện chỉ mới bắt đầu đi vào giai đoạn thích ứng mới. Một số vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần phát sinh hậu COVID-19 trên nhiều đối tượng khác nhau, dù có nhiễm hoặc không nhiễm virus SARS-CoV-2 cần được quan tâm và điều trị sớm.

Theo các nghiên cứu, có hơn 200 triệu chứng hậu COVID-19. Trong đó, một số triệu chứng có xác suất mắc rất cao như:

  • Mệt mỏi.
  • Nhức đầu.
  • Kém tập trung.
  • Rối loạn lo âu.
  • Trầm cảm.
  • Rối loạn giấc ngủ.

Trong đó, một số vấn đề thường gặp trong hậu COVID-19 đó là:

Đối với bệnh nhân mới mắc COVID-19:

  • Rối loạn thích nghi biểu hiện qua lo âu, hoảng loạn, tăng cảnh giác, trầm cảm, mất ngủ…
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Loạn thần mới xuất hiện.
  • Buồn tang tóc khi có người thân mất.
  • Trầm cảm, ý nghĩ tự sát, hành vi tự sát.
  • Lạm dụng chất kích thích.

Đối với bệnh nhân COVID-19 kéo dài (hậu COVID-19):

  • Triệu chứng tâm thần ở bệnh nhân COVID-19 (Hậu COVID-19).
  • Mệt mỏi.
  • Khó ngủ.
  • Lo âu và trầm cảm.
  • Khó tập trung, khó suy nghĩ thẳng vào vấn đề.

2. Bệnh nhân COVID-19, người sống trong thời dịch, nhân viên y tế đều bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần

ThS.BS Lê Thành Tân cho biết, bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần trên nhiều nhóm người, bao gồm bệnh nhân mắc COVID-19, những người sống trong thời dịch và người chăm sóc bệnh nhân. Cụ thể:

Với những bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện:

  • Mất ngủ: 42%.
  • Suy giảm sự tập trung: 38%.
  • Lo âu: 36%.
  • Giảm trí nhớ: 34%.
  • Khí sắc trầm cảm: 33%.
  • Lú lẫn: 28%.
  • Thay đổi trạng thái ý thức: 21%.

Với dân số chung sống trong thời dịch:

  • Lo âu: 29% (Trung Quốc).
  • Trầm cảm: 9 - 17%.
  • Căng thẳng tâm lý (triệu chứng trầm cảm, tuyệt vọng, lo lắng,…): 8 - 36%. Tại Trung Quốc là 8 - 12%, tại Mỹ là 36%.
  • Các triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) 3 - 7% như cơn hồi tưởng, tăng kích thích, nhận thức và tâm trạng tiêu cực.

Với nhân viên y tế:

  • Lo âu: 12 - 20%.
  • Trầm cảm: 15 - 25%.
  • Mất ngủ: 8%.
  • Các triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD): 35 - 49% như cơn hồi tưởng, né tránh, tăng kích thích, nhận thức và tâm trạng tiêu cực.

3. Cách kiểm soát triệu chứng hậu COVID-19:

Để kiểm soát các triệu chứng hậu COVID-19, Giảng viên Bộ môn Tâm thần tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đưa ra một số hướng dẫn như sau:

a. Nhận biết sớm các triệu chứng:

  • Cần quan tâm, tham gia các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe để nhận biết sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần do COVID-19 kéo dài/Hậu COVID-19.
  • Tham gia các chương trình tầm soát, phát hiện sớm và điều trị phục hồi các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần tại cơ sở y tế.

b. Cách kiểm soát triệu chứng:

Đối với triệu chứng mệt mỏi:

  • Cân đối lại nhịp làm việc của cơ thể bạn: có kế hoạch làm việc và không làm quá sức.
  • Chia nhỏ công việc thành nhiều công đoạn, quá trình nhỏ và dễ thay đổi giữa việc dễ và việc khó.
  • Chọn khoảng thời gian lý tưởng nhất trong ngày để làm một số việc làm tăng tinh thần, năng lượng cho cơ thể.

Tăng cường khí sắc, giữ sức khoẻ tinh thần cao:

  • Đối xử tử tế, yêu thương bản thân - chuẩn bị tâm lý cho những ngày tệ hơn ngày khác.
  • Kết nối với gia đình, bạn bè: giúp giảm cảm giác cô đơn vì chính cô đơn là thứ sẽ tàn phá sức khoẻ tinh thần.
  • Tạo thói quen sinh hoạt tốt đều đặn mỗi ngày.
  • Năng động, tăng cường các hoạt động thể chất.

Với vấn đề trí nhớ, suy nghĩ:

  • Có thói quen ghi chú lại những gì cần nhớ.
  • Cố gắng bớt phân tâm, lo ra.
  • Có kế hoạch rõ ràng khi làm việc và chia nhỏ khối lượng công việc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X