Lo lắng thái quá, suy diễn lung tung về COVID-19… kệ mồ nó!
Nhiều bạn đọc gọi về tổng đài AloBacsi với những nỗi lo lắng thái quá về COVID-19: người thì sợ tiêm vắc xin bị hành, người thì sợ virus bay qua từ nhà hàng xóm, người thì sợ phơi quần áo virus không chết rồi tự cách ly 2 tuần…
Hẳn bạn đọc thân thiết của AloBacsi còn nhớ tình huống một anh đi dự đám tang rồi về tự cách ly 23 ngày mà chúng tôi đã kể trong bài nhật ký: Cảnh giác với kẻ mạo danh bác sĩ gọi điện chăm sóc F0 tại nhà từ xa. Những câu chuyện nảy sinh từ sự lo lắng thái quá về COVID-19 vẫn nhiều lắm.
Cụ thể, bạn đọc tên Lê Duyên nhắn về fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời như sau: “Bác sĩ ơi, cách đây 2 tuần em có đi khám bệnh ở bệnh viện. Về nhà em sợ lây COVID-19. Có người chỉ cho em là xịt khuẩn khắp người quần áo rồi đem quần áo bỏ vào góc ban công cho có nắng và gió virus sẽ chết. Nhưng hôm nay em giật mình nghĩ ra từ lúc để quần áo chủ yếu trời mưa không có nắng. Vậy liệu virus có sinh sản thêm không bác sĩ? Em tính đem bỏ bộ đồ vào thùng rác luôn.
Từ hôm em đi khám về tới ngày hôm nay là đúng 16 ngày em sợ nên tự cách ly với gia đình. Mỗi ngày em đều test nhanh cho đến ngày thứ 16 kết quả âm tính vậy em có cần cách ly thêm không ạ?”
Có lẽ nhiều bạn đọc có cùng suy nghĩ rằng virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại trong không khí, bám vào quần áo rồi gây bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, virus không đủ nhẹ để bay lơ lửng trong không khí, cách lây lan của nó chỉ có thể thông qua giọt bắn từ người bệnh.
Virus có thể tồn tại với nhiệt độ khoảng 4-20 độ C trong vòng 5 ngày và sẽ mất khả năng lây nhiễm sau 30 phút nếu tồn tại ở nhiệt độ từ 56 độ C. Tia cực tím UV và các dung dịch khử trùng y tế thông thường có thể diệt được virus trong vòng 60 phút.
Tùy theo môi trường, nhiệt độ, độ ẩm mà virus có thời gian tồn tại khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy ở 4 độ C, virus SARS-CoV-2 có khả năng sống khoảng 1 tháng. Từ 20-25 độ C virus sẽ yếu dần, sống được khoảng 5-7 ngày. Từ 33 độ C trở lên, virus suy yếu nhanh, ít có khả năng gây bệnh.
Chính vì vậy, như trường hợp của bạn Lê Duyên thì virus “muốn sống cũng không yên” vì chúng phải qua cả thảy 2 hàng rào là xịt khử khuẩn và tia UV (tia UV vẫn tồn tại dù chúng ta không thấy nắng). Do đó, bạn đọc hoàn toàn có thể yên tâm và không phải cách ly nữa vì đã có kết quả test nhanh là âm tính rồi, cũng không cần vứt bỏ bộ quần áo một cách… oan uổng nhé.
Câu hỏi về việc dùng nước nóng giặt quần áo để tiêu diệt virus SARS-CoV-2 khiến bác sĩ tư vấn bật cười
Trường hợp khác, một bạn đọc 62 tuổi, có bệnh nền về tim, đái tháo đường (tiểu đường) nhưng vẫn làm việc nội trợ và buôn bán nhỏ. Gọi về tổng đài 08983 08983, bà lo lắng vì thấy con trai đi chích ngừa COVID-19 về bị hành suốt 2 ngày nên đến lượt mình sợ quá không dám tiêm. Tư vấn viên phải ra sức thuyết phục để bà yên tâm về các tác dụng có thể xảy ra khi chích ngừa, cũng như tầm quan trọng của tiêm vắc xin đối với sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Bạn đọc khác thấp thỏm chia sẻ với tư vấn viên rằng, trước đó chị đã tiêm mũi 1 vắc xin Pfizer nhưng vài ngày sau thì bị bệnh. Khi hết bệnh được 13 ngày, chị tiếp tục tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer. Đi tiêm về chị lên mạng tìm hiểu, mới biết rằng trường hợp của mình không cần chích ngừa trong 6 tháng. Thế là bồn chồn vì “nghe người ta nói” tiêm như vậy sẽ bị “dập” và chết người. Vốn dĩ chị đang trải nghiệm rõ nhất về tình trạng của mình hiện tại, vậy mà chỉ vì những lời hù dọa trên mạng mà đâm ra lo lắng suốt ngày.
Ngoài những trường hợp nổi bật trên, còn rất nhiều bạn đọc khác gọi về, với 1001 nỗi lo: sao chích ngừa về cả dãy nhà trọ bị hành mà mình không bị?; nghe đồn chích xong phải kiêng ăn món này món kia mà lỡ ăn rồi thì sao?; ngay giữa hẻm có nhà F0 muốn đi ngang phải làm sao?; nhiều cô bác lớn tuổi khăng khăng bác sĩ phải coi dùm toa thuốc đang dùng, chắc chắn không có thuốc nào “đụng” với vắc xin COVID-19 rồi mới yên tâm chích ngừa…
Xin mượn lời “hiệp sĩ chống dịch” BS Trương Hữu Khanh: Stress mùa COVID-19, cứ “kệ mồ” nó! nhắn gửi đến những ai đang quá hoang mang vì đại dịch.
AloBacsi cũng đang triển khai loạt clip hướng dẫn khử khuẩn đúng cách trong dịch COVID-19, đăng trên kênh AloBacsi Video, quý bạn đọc có thể tham khảo để yên tâm hơn.
Anh Thi - Hồng Nhung
[DAP]Quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khoẻ tại kênh youtube: AloBacsi - video.
Nếu có thắc mắc về sức khoẻ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:
Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
Group: AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch
Email: tuvan@alobacsi.vn
Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983
Trân trọng![/DAP]
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình