Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: Cấp cứu đột quỵ thế nào để vừa nhanh vừa chuẩn?

Trong chương trình phát sóng ngày 30/5, BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ và BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên đến từ Bệnh viện Gia An 115 giải đáp nhiều thông tin về cấp cứu đột quỵ như cách xử lý khi có người bị đột quỵ, gọi cấp cứu cần cung cấp thông tin gì, thời gian cấp cứu đột quỵ quyết định như thế nào đến việc điều trị, cứu sống người bệnh... Mời bạn đọc đón xem.

1. Cảnh giác đột quỵ mùa nắng nóng

Thưa BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, hơn 20 năm công tác trong ngành Y và có nhiều kinh nghiệm tiếp nhận, xử trí tại Trung tâm Cấp cứu 115 của TPHCM, BS có nhận định như thế nào về tình hình đột quỵ tại TPHCM trong mỗi mùa nắng nóng?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trả lời:

Hiện nay, đột quỵ là căn bệnh ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại. Đây là bệnh lý dễ dàng cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, với tỷ lệ thương tật đứng đầu thế giới, việc chăm sóc cho người sống sót cũng rất khó khăn.

Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ. Những con số đáng báo động, trong 10 người đột quỵ có 2 người tử vong, 5 người bị di chứng cần chăm sóc y tế suốt đời, 3 người còn lại có thể trở về trở về cuộc sống bình thường nếu được phát hiện và can thiệp sớm.

Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch và ung thư. Cứ 6 người thì có 1 người bị đột quỵ. Những con số này cho thấy đột quỵ là căn bệnh vô cùng nguy hiểm.

Hiện nay nắng nóng bao phủ khắp ba miền. Như thông tin BS vừa cung cấp, đây là điều kiện thuận lợi để đột quỵ “ghé thăm”. Xin hỏi BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên, vì sao mùa nắng nóng dễ xảy ra đột quỵ? Ai là người dễ bị đột quỵ trong thời điểm này và thường gặp nhất là trong những tình huống nào (đang làm gì) ạ? Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ đang xảy đến là gì, thưa BS? Lúc này những người xung quanh nên làm gì?

Vì MC đã từng đọc rất nhiều bài báo, có những cô bác đang chạy xe bỗng nhiêm thấy chân tay yếu, mất cảm giác. Trong tình huống này nên xử trí thế nào? Nhiều người còn hay lầm tưởng đây là say nắng nữa BS.

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Nắng nóng là một yếu tố thúc đẩy đột quỵ ở những người có sẵn bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì và những bệnh lý về tim mạch. Khi nhiệt độ tăng đến ngưỡng cơ thể không chịu đựng được thì có thể xảy ra đột quỵ.

Các triệu chứng cảnh báo đột quỵ bao gồm: đột ngột đau đầu dữ dội; đột ngột tê yếu liệt một bên mặt, chân, đặc biệt là một bên cơ thể; đột ngột nói khó, không nói được hoặc không hiểu ngôn ngữ; đột ngột bị mất thị lực một bên mắt; chóng mặt, mất thăng bằng, mất phối hợp động tác.

Khi người bệnh hoặc thân nhân của ai đó có những triệu chứng của đột quỵ thì cần nhanh chóng gọi Cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu, điều trị đột quỵ gần nhất. Trong thời gian đợi xe cứu thương thì nên đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng, không tụ tập đông người, nới rộng quần áo, theo dõi nét mặt hoặc hơi thở, cho người bệnh nằm nghiêng một bên nếu có nôn ói.

Lưu ý, không giữ bệnh nhân ở nhà để tự điều trị, vì như vậy sẽ làm mất thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ. Nếu chúng ta nghi ngờ có người bị đột quỵ thì tốt nhất nên đưa đi cấp cứu, vì một số trường hợp cơn thiếu máu não thoáng qua có những triệu chứng như đột quỵ sau đó biến mất rồi sẽ quay trở lại, và khi đó bệnh nhân sẽ bị cơn đột quỵ thực sự.

Cấp cứu đột quỵ thế nào để vừa nhanh vừa chuẩn?

Được biết, Bệnh viện Gia An 115 đã trở thành Trung tâm cấp cứu vệ tinh thứ 32 của TPHCM. Ngoài tim mạch thì cấp cứu đột quỵ cũng là một trong những thế mạnh của bệnh viện. Xin hỏi bác sĩ, bệnh viện đã xây dựng quy trình như thế nào, từ khâu tiếp nhận cuộc gọi đến việc điều trị để tranh thủ từng giây, từng phút cho bệnh nhân?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trả lời:

Bệnh viện Gia An 115 hiện đã xây dựng quy trình cấp cứu đột quỵ khẩn cấp hay còn gọi là báo động đỏ đột quỵ. Khi có bệnh nhân đột quỵ thì phải kích hoạt quy trình này và tất cả các chuyên gia phải có mặt tại khoa Cấp cứu để đón bệnh nhân. Nếu như bệnh nhân đang trên xe cứu thương mà nhóm cấp cứu đang đi ngoài hiện trường phát hiện đột quỵ thì nhanh chóng kích hoạt qua điện thoại để ê-kíp tại bệnh viện sẵn sàng đón bệnh nhân.

Quy trình báo động đỏ đột quỵ được kích hoạt, các chuyên gia từ bác sĩ, điều dưỡng khoa Cấp cứu, Nội Thần kinh, Can thiệp mạch, Chẩn đoán hình ảnh đã sẵn sàng.

Khi bệnh nhân đến, chúng tôi sẽ bỏ qua các thủ tục hành chánh và đẩy thằng vào phòng chụp CT, trong thời gian đó bác sĩ sẽ khai thác bệnh lý của bệnh nhân. Sau khi có kết quả chụp, nếu xác định là đột quỵ và chỉ định tiêu sợi huyết (thuốc tái thông mạch máu nếu có cục máu đông làm nghẽn mạch máu, trong thời gian vàng) thì nhanh chóng thực hiện điều trị này cho bệnh nhân. Nếu tiêu sợi huyết thành công tình trạng bệnh nhân sẽ tốt lên, cải thiện yếu liệt cũng như rối loạn ngôn ngữ, nếu không thành công sẽ chuyển bệnh nhân lên phòng mổ để tiến hành can thiệp mạch, tái thông mạch máu vào dụng cụ.

Đây là quy trình cấp cứu đột quỵ mà Bệnh viện Gia An 115 đã xây dựng để ứng phó với tình huống khẩn cấp trong thời gian nắng nóng như hiện nay.

Trạm cấp cứu vệ tinh thành phốMới đây, Bệnh viện Gia An 115 đã trở thành trạm cấp cứu vệ tinh 32 của TPHCM

Như vậy, nếu chẳng may bản thân bị đột quỵ hoặc gặp người đột quỵ thì nên liên hệ đến số điện thoại nào? Lúc này nên cung cấp những thông tin gì, thưa BS? Trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân, BS nhận thấy sai lầm thường gặp trong cấp cứu, sơ cấp đột quỵ là gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trả lời:

Nhận biết được đột quỵ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng. 90% trường hợp đột quỵ thì bệnh nhân có yếu liệt một bên. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ thường nói không tròn tiếng, một bên mắt có thể bị sụp xuống, miệng méo một bên. Đây là những dấu hiệu dự đoán đột quỵ rất tin cậy.

Những trường hợp này chúng ta không nên chậm trễ mà gọi cấp cứu ngay qua số điện thoại của thành phố là 115, Trung tâm cấp cứu sẽ điều phối 32 trạm vệ tinh phủ khắp thành phố. Hoặc nếu bệnh nhân ở gần khu vực Bệnh viện Gia An 115 thì gọi số cấp cứu 028 62 655 115. Các bạn cứ mạnh dạn gọi, ê-kíp bác sĩ cấp cứu sẽ đến trong thời gian nhanh nhất và điều quan trọng là chúng tôi biết nên chuyển đến bệnh viện nào phù hợp trong vấn đề điều trị đột quỵ. Vì có những bệnh viện tuy rằng gần nhà nhưng không điều trị đột quỵ thì bệnh nhân sẽ bị đi lòng vòng, đánh mất thời gian vàng, ảnh hưởng đến sinh mạng. Trong cấp cứu đột quỵ, vấn đề thời gian rất quan trọng nhất, người ta hay nói thời gian là não, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết đi.

Sai lầm thường gặp của nhiều người là chần chừ để người bệnh nằm nghỉ một chút xem có khỏe lại không hay loay hoay thực hiện các động tác sơ cấp cứu khi không có chuyên môn. Thậm chí có người còn tự ý cho thân nhân uống các loại thuốc mà không biết rằng điều này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, vì đa phần bệnh nhân đột quỵ có rối loạn tri giác nên những viên thuốc này vô tình rớt vào đường thở hoặc vào phổi. Ngoài ra, còn một số sai lầm khác như cho người bệnh vắt chanh, ngậm nhanh, chích lễ 10 đầu ngón tay… Tất cả các sai lầm này không những làm mất thời gian vàng mà còn làm “kẹt” đường thở, thậm chí là nhiễm trùng cho người bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều người vì sốt ruột quá mà sốc, vác bệnh nhân lên xe oto hoặc xe máy, điều này rất nguy hiểm, đồng thời gây cản trở cho đội ngũ y tế, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

2. "Thời gian vàng" trong cấp cứu đột quỵ - yếu tố quyết định sinh tồn của bệnh nhân

Xin BS cho biết “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ có ý nghĩa gì, do tổ chức nào quy định ạ? Liệu sau này giờ vàng có được sửa đổi hay không?

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Trong nhiều trường hợp đột quỵ thiếu máu não nguyên nhân là do cục huyết khối làm tắc động mạch lớn trong não. Mục tiêu chính của điều trị đột quỵ thiếu máu não là tái thông mạch máu, để mạch máu không còn tắc nghẽn nữa thì sẽ cứu được phần não bị tổn thương bằng các phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch, lấy huyết khối ở động mạch. Thông thường từ 3-4 giờ tính từ sau khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ được gọi là giờ vàng. Sau 3-4 giờ, nếu các nhu mô não không được cứu thì sẽ chết đi. Người ta thấy rằng cứ 1 phút mà bệnh nhân đột quỵ thiếu mãu não không được điều trị đặc hiệu thì sẽ có khoảng 2 triệu tế bào thần kinh chết đi. Nếu càng trì hoãn điều trị thì tế bào thần kinh chết càng nhiều. Hậu quả là sẽ đưa đến tàn phế và tỷ lệ tử vong cao hơn ở những bệnh nhân được điều trị sớm.

Trong đột quỵ hay gọi là giờ vàng vì nếu mạch máu được tái thông trong thời gian đó sẽ giúp bệnh nhân khôi phục gần như hoàn toàn các khiếm khuyết về thần kinh, sẽ thoát được cảnh tàn phế và quay trở về cuộc sống bình thường.

Thưa bác sĩ, không chỉ riêng đột quỵ mà nhiều bệnh lý khác MC thường thấy BS nhắc đến cụm từ “thang điểm”. Vậy thang điểm trong đột quỵ mang ý nghĩa gì? Bệnh lý này thường dùng thang điểm nào để đánh giá sự “sống còn”? Có phải điểm số càng thấp thì càng ít cơ hội sống? MC thường nghe đến glasgow, liệu đây có phải là thang điểm tiên lượng chính của bệnh nhân đột quỵ?

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Trong cấp cấp và điều trị đột quỵ người ta sử dụng các thang điểm để tiên lượng mức độ nặng - nhẹ của người bệnh. Có những thang điểm càng thấp thì càng nặng, ví dụ như thang điểm ASPECT, còn có những thang điểm càng cao thì bệnh nhân càng nặng, ví dụ như thang điểm NIHSS.

Thang điểm glasgow dùng để đánh giá tiên lượng về ý thức của người bệnh. Thang điểm này càng thấp thì bệnh nhân càng hôn mê sâu, tiên lượng càng xấu.

Điều trị đột quỵ thế nào

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rất nhiều trong y khoa. Riêng về cấp cứu đột quỵ thì khá nhiều trung tâm đã trang bị phần mềm RAPID. Nhiều người nghĩ phần mềm này sẽ giúp cứu được nhiều bệnh nhân đột quỵ đến sau giờ vàng, đồng nghĩa với việc đi cấp cứu không cần quá khẩn trương như trước, cách hiểu này đã đúng chưa ạ?

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Trong điều trị đột quỵ thiếu máu não sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch nếu có tắc mạch máu lớn sẽ bắt đầu tiến hành lấy huyết khối đường động mạch bằng dụng cụ. Trước khi phần mềm RAPID ra đời tất cả các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để thực hiện lấy huyết khối thường là với cửa sổ thời gian dưới 6 giờ. Nhưng do điều kiện giao thông, tình trạng đi lại hạn chế nên phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện bị quá giờ vàng. Ngay cả ở các nước tiên tiến người ta cũng nhận thấy bệnh nhân đến điều trị trong giờ vàng cũng rất thấp, chỉ khoảng 10%.

Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID là ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong công cuộc điều trị, giúp bác sĩ quyết định có nên can thiệp cho những bệnh nhân đến muộn sau 6 giờ. Phần mềm RAPID sẽ tính toán các thang điểm ASPECT một cách chính xác; xác định chính xác vị trí mạch máu bị tắc; giúp biết được tuần hoàn bằng hệ tốt hay xấu; giúp định lượng nhu mô chết và những nhu mô còn sống cần tái thông sớm, cuối cùng là giúp bác sĩ có chỉ định can thiệp nội mạch.

Khi bệnh nhân đột quỵ đến sau 6 giờ, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp CT hoặc MRI để định tính phần nhu mô não đã chết và phần nhu mô não bị thiếu máu có thể tái thông được. Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID sẽ giúp bác sĩ xác định lượng phần nhu mô não này.

Khi hình ảnh CT, MRI được chụp xong sẽ đưa ra phần mềm RAPID tính toán, thời gian xử lý này rất nhanh, chỉ khoảng 20 - 120 giây, kết quả sẽ được đưa vào hệ thống PAC của bệnh viện hoặc gửi trực tiếp đến điện thoại, máy tính của bác sĩ. Thông qua RAPID bác sĩ sẽ ra quyết định lấy huyết khối động mạch hay không.

Trong quá trình làm MC đã nghe nhiều câu chuyện rất đau lòng, đó là bị đột quỵ mà nhà ngay tại TPHCM nhưng khi đi đến được bệnh viện thì đã bỏ lỡ thời gian vàng, vì kẹt xe. Điều này khiến MC và nhiều bạn đọc băn khoăn, bệnh nhân đột quỵ nên đi cấp cứu ở đâu, có phải cứ đến bệnh viện gần nhất là được? Việc bệnh nhân đến muộn, sau giờ vàng thì công tác cấp cứu có khác nhau hay không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trả lời:

Tôi cũng xin nhắc lại với quý độc giả, nếu có tình trạng cấp cứu thì hãy mạnh dạn gọi cho Trung tâm Cấp cứu, tại TPHCM có rất nhiều trạm cấp cứu, điều này sẽ giúp ích cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân ở tỉnh thì đội ngũ cấp cứu chưa nhiều các thành phố lớn và xác định đây là tình trạng đột quỵ mà muốn di chuyển thì nên đi bằng xe hơi. Lúc này đặt bệnh nhân nằm nghiêng và cổ nên hướng về phía trước một chút để đường thở được thông thoáng, giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn. Đồng thời nếu bệnh nhân bị ói, sặc thì tư thế nằm này sẽ giúp các chất dịch chảy ra ngoài, không sặc đường thở, phổi, gây tắc đường thở hoặc viêm phổi.

Như vậy, vấn đề cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là rất quan trọng. Thời gian của bệnh nhân phải được tranh thủ bằng giây. Do đó trường hợp nào cần thì nên gọi cấp cứu, chúng tôi sẽ đến trong thời gian nhanh nhất, nếu ở tỉnh để đảm bảo an toàn thì hãy di chuyển bằng xe hơi, đừng đi bằng xe máy.

Với bệnh nhân mới ăn cơm xong thì cần lưu ý đặc biệt gì không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trả lời:

Bệnh nhân đột quỵ đa phần có rối loạn tri giác thì rất dễ xảy ra tình trạng nôn ói. Với những bệnh nhân mới ăn cơm xong thì khả năng nôn ói lại càng tăng cao hơn. Như vậy, dịch ói sẽ trào ngược vào phổi gây nguy hiểm cho bệnh nhân trong quá trình sặc vào phổi gây nghẽn đường thở, viêm phổi. Nếu bệnh nhân đã ăn rồi, chúng ta di chuyển bệnh nhân bằng cách cho nằm trên mặt cứng, nghiêng một bên, nếu lỡ có ói thì dịch đó không tràn vào phổi.

Hiện, Bệnh viện Gia An 115 đã ứng dụng những kỹ thuật nào trong điều trị chẩn đoán và điều trị đột quỵ?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trả lời:

Bệnh viện Gia An 115 được trang bị rất tối tân những phương tiện chẩn đoán hiện đại ví dụ CT, DSA, MRI 1.5 Tesla, phần mềm RAPID. Tại TPHCM chỉ có 2 bệnh viện có phần mềm RAPID ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán và điều trị đột quỵ rất tốt.

Từ việc quan tâm của Ban Giám đốc đến đội ngũ chuyên sâu của bệnh viện Gia An 115 kịp thời cấp cứu cho người bệnh. Thậm chí những người bệnh cấp cứu như vậy sẽ có thể trở về cuộc sống đời thường rất cao.

Cấp cứu đột quỵ đúng cách

Xin BS cho biết sơ lược về các bước cấp cứu đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não tại Bệnh viện Gia An 115? Khi nào thì cần can thiệp DSA ạ?

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Khi đã chẩn đoán được nguyên nhân gây đột quỵ thì sẽ có 2 phương pháp điều trị khác nhau.

Trong trường hợp điều trị bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não, sau khi bác sĩ chụp CT không thấy xuất huyết não thì nghĩ đây là trường hợp đột quỵ nhồi máu não. Nếu bệnh nhân đến trong giờ vàng bác sĩ có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sau đó chụp mạch máu não để biết xem bệnh nhân có tắc động mạch lớn hay không.

Nếu có tắc động mạch lớn thì sẽ chuyển bệnh nhân qua chụp DSA mạch máu để can thiệp.

3. Cấp cứu đột quỵ đúng cách để hành trình hồi phục bớt nhọc nhằn

Câu hỏi tiếp theo, MC xin được gửi đến BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên. Xin hỏi BS, sau khi được cấp cứu đột quỵ, bệnh nhân nên được tập vật lý trị liệu vào thời điểm nào? Thời gian lý tưởng để cho việc tập VLTL đạt hiệu quả cao nhất là khi nào ạ? Sau khi đã qua thời gian lý tưởng này thì có cần tập VLTL nữa không?

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Sự cải thiện chức năng của bệnh nhân sau đột quỵ phụ thuộc vào thời điểm bệnh nhân hồi phục chức năng, cường độ và môi trường phục hồi chức năng.

Quá trình phục hồi đòi hỏi thời gian, thường thường là trong vòng 3 -6 tháng sau khi đột quỵ, nhưng mà sự phục hồi này có thể kéo dài trên 2 năm. Do đó, bệnh nhân đừng mất hy vọng khi mình bị đột quỵ nặng và sự phục hồi chức năng nên được theo dõi bởi bác sĩ.

Khuyến cáo tất cả bệnh nhân sau đột quỵ phải phục hồi chức năng càng sớm càng tốt, tránh ra khỏi giường 24h sau đột quỵ và phải tập vận động sớm sau đột quỵ nếu không có chống chỉ định.

Nội dung tập hồi phục chức năng tùy thuộc vào mục tiêu và khả năng dung nạp của tùy cơ thể bệnh nhân.

Khi bệnh nhân xuất viện, sự phục hồi chức năng cần nên tiếp tục tại nhà hoặc tại các cơ sở ngoại trú hoặc viện dưỡng lão nếu có.

Quá trình phục hồi cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não có khác nhau không ạ? Dường như tình trạng của bệnh nhân xuất huyết não thường trầm trọng hơn, có phải không BS?

Trong quá trình cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ tại hiện trường, ê-kíp cấp cứu có đánh giá, phân loại được là xuất huyết não hay nhồi máu não để có hướng xử trí tiếp theo không thưa BS? Việc phân loại này có giúp ích cho quá trình điều trị cũng như phục hồi sau này không ạ?

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Đột quỵ thiếu máu não chiếm khoảng từ 80-85%, đột quỵ xuất huyết não thì chiếm 10-15%. Tuy nhiên, đột quỵ xuất huyết não thường có tiên lượng nặng hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn.

Trong quá trình phục hồi thường thường sẽ có những điểm chung, thì ngoài thuốc điều trị chuyên biệt thì trong quá trình phục hồi mình cần để ý vấn đề dinh dưỡng, tránh nuốt sặc, tránh loét do tư thế nằm lâu, đề phòng viêm phổi,… và cần điều trị các di chứng đột quỵ như phục hồi về chức năng vận động ngôn ngữ.

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trả lời:

Đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não, về mặt lâm sàng thì đa phần giống nhau. Tuy nhiên, nhồi mãu não có tỷ lệ cao hơn 80-85% và xuất huyết não thì thấp hơn từ 10-15%, nhưng xuất huyết não thì đa phần sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với nhồi máu não.

Về cấp cứu cũng rất khó để phân biệt được thể này nếu chúng ta không có phương tiện chẩn đoán trong bệnh viện. Vấn đề lâm sàng tuy khó những chúng tôi vẫn nghĩ đến được đâu là nhồi máu não, đâu là xuất huyết não.

Ví dụ, một bệnh nhân có thang điểm glasgow thấp dưới 10 điểm thì mình có thể nghĩ đến đó là xuất huyết não, hoặc trong thời gian ngắn khoảng 10 phút mà thang điểm glasgow giảm xuống 2 điểm thì coi chừng nó là xuất huyết não.

Hay một bệnh nhân có tình trạng huyết áp cao, mạch chậm hay một đồng tử bất thường hoặc hôn mê nhanh thì vẫn có thể nghĩ tới xuất huyết não.

Đó là cách phân biệt ngoài hiện trường. Tuy nhiên, trong vấn đề điều trị cái nào cũng là thời gian quan trọng hết.

Cho nên khi gặp tình huyết nhồi máu não hay xuất huyết não thì chúng tôi đều có thể sơ cứu và chuyển đên bệnh viện. Và điều quan trọng để mình phân biệt 2 thể này ở ngoài hiện trường để có thể xem dùng thuốc hạ áp hay không.

Đa phần nhồi máu não không dùng hạ áp nếu huyết áp dưới 230mmHg, còn nếu tình trạng xuất huyết não thì có thể dùng thuốc hạ áp tại vì huyết áp cao khả năng gây ra xuất huyết liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng tính mạng người bệnh.

Việc định lượng ca nào xuất huyết não hay nhồi máu não cũng giúp ích cho việc cấp cứu ngoài hiện trường.

Nhiều người quan niệm bệnh nhân đột quỵ nên được ăn những món giúp bổ não càng nhiều càng tốt, theo BS điều này có đúng không? Họ nên ăn uống thế nào để vừa giúp bồi bổ vừa tránh được nguy cơ tăng cân do ít vận động?

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não sẽ có 25% tái phát trong vòng 5 năm đầu tiên, như vậy ngoài việc uống thuốc riêng biệt người bệnh cần xây dựng chế độ ăn lành mạnh giúp làm giảm yếu tố nguy cơ đột quỵ tái phát, ví dụ bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loại lipid máu, béo phì cần ăn ít muối (2,5g/1 ngày), ít mỡ, nhiều rau xanh và trái cây, ăn nhiều các loại hạt, tránh thức ăn nhanh. Chế độ ăn cần có nhiều loại thực phẩm khác nhau và đa dạng.

Bên cạnh đó, duy trì cân nặng bằng cách hoạt động thể lực thường xuyên ít nhất 30 phút 1 ngày và 5 ngày/1 tuần, tránh stress, không nên uống rượu bia, thuốc lá. Nếu bệnh nhân bị hạn chế di chuyển thì có thể vận động tại chỗ.

Muốn kiểm soát cân nặng thì nên tránh thực phẩm nhiều tinh bột, chất béo hoặc rượu bia. Không nên bỏ bữa ăn vì bệnh nhân sẽ có khuynh hướng ăn bù vào các bữa sau. Nên để xa những thức ăn vặt, có chất béo khỏi tầm tay bệnh nhân, thay vào đó nên để trái cây.

Những điều cần biết về cấp cứu đột quỵ

Phục hồi cho một bệnh nhân đột quỵ là một hành trình gian nan với cả bệnh nhân và người nhà. BS có thể đưa ra những chỉ dẫn giúp cho hành trình này bớt nhọc nhằn mà đạt được hiệu quả tốt? Một số bệnh nhân đột quỵ bị trầm cảm thì người nhà nên làm gì để giúp đỡ họ?

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Người ta nhận thấy khoảng 30-60 bệnh nhân sau khi bị đột quỵ có triệu chứng của trầm cảm trong năm đầu tiên. Trầm cảm có yếu tố nguy cơ gặp ở những bệnh nhân nặng và những bệnh nhân có tiền căn trầm cảm trước đó, hoặc giảm sút nhận thức, hạn chế về mặt giao tiếp xã hội.

Việc trầm cảm sẽ làm vấn đề phục hồi chậm đi, cho nên phát hiện sớm và điều trị sớm rất quan trọng.

Phương pháp điều trị có thể dùng thuốc chống trầm cảm nếu không có chống chỉ định, đồng thời khuyến khích người bệnh nên tham gia các hoạt động thường ngày trong cuộc sống, và quay về công việc trước đó của họ trong giới hạn cho phép.

Di chứng đột quỵ gây ra ảnh hưởng rất lớn đối với bệnh nhân và bản thân gia đình bệnh nhân. Người bệnh thường rất cần sự trợ giúp của thân nhân trong quá trình phục hồi, nên người nhà cũng cần hiểu và phải sẵn sàng giúp đỡ người bệnh, bằng cách chia sẻ tình cảm của mình đối với người bệnh, cho người bệnh biết lúc nào mình cũng thương yêu và chăm sóc người bệnh, luôn luôn thấy hiểu và lắng nghe người bệnh.

Bên cạnh đó, giúp người bệnh bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của họ để cho họ không cảm giác cô đơn, tách biệt. Quan trọng mình không nên lúc nào cũng hỗ trợ, hay làm hết việc nhà cho người bệnh, mà nên khuyến khích tự chăm sóc bản thân và tạo mức độ tự lập càng nhiều càng tốt, giảm bớt phụ thuộc vào gia đình.

Đối với người chăm sóc người bệnh, cần tập thích nghi với hoàn cảnh vừa xảy ra và chấp nhận một sự thay đổi, vì mình trở thành người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ. Người chăm sóc để tránh stress và bảo đảm sức khỏe trong thời gian dài cũng cần tìm sự trợ giúp nếu cần thiết, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, duy trì công việc hay thú vui giải trí nào mình ưa thích càng nhiều càng tốt.

4. Tầm soát đột quỵ sao cho đúng?

Ngoài việc điều trị, Bệnh viện Gia An 115 có xây dựng gói tầm soát đột quỵ chưa ạ? Nếu có, người bệnh sẽ được làm những xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán nào? Ý nghĩa của mỗi xét nghiệm là gì?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trả lời:

Trong tầm soát đột quỵ có 2 yếu tố nguy cơ. Thứ nhất là yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được đó là tuổi, dân tộc, màu da, di truyền. Tuy nhiên có yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đó là những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, béo phì, hút thuốc lá nhiều, ít vận động bằng cách đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên ở bệnh viện hoặc đơn vị y tế.

Nếu béo phì cần có chính sách giảm cân sao cho hợp lý hoặc hút thuốc lá, uống rượu bia thì phải có biện pháp loại bỏ.

Ở bệnh viện Gia An 115 có chính sách xây dựng gói tầm soát cho bệnh nhân đột quỵ, khi bệnh nhân đăng ký sẽ được làm xét nghiệm và cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm động mạch cảnh, MRI não, siêu âm tim… để bác sĩ loại trừ yếu tố nguy cơ này cao hay thấp để khuyên bệnh nhân có hướng điều trị thích hợp.

Một vấn đề ngoài lề nhưng MC tin rằng nhiều bạn đọc sẽ có thắc mắc như MC. Quả thực khi nhìn những hình ảnh của Bệnh viện Gia An 115, sang trọng và hiện đại, tâm lý chung của nhiều người là chắc giá cả cũng vô cùng đắt đỏ. Liệu có phải bệnh viện càng lớn, giá càng mắc như nhiều người vẫn nghĩ không bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trả lời:

Bệnh viện Gia An 115 về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị khá tốt, tuy nhiên về mặt bằng giá tôi nghĩ có thể chấp nhận được và không cao hơn bệnh viện công lập khác nhiều.

Ví dụ như bệnh nhân vào khám dịch vụ ở bệnh viện công lập thì tỉ lệ đóng tiền cao hơn hoặc ngang với BV Gia An 115. Và tôi nghĩ phù hợp với mức thu nhập của người dân mình hiện nay.

Cuối chương trình, 2 chuyên gia có lời khuyên nào dành cho tất cả mọi người để phòng tránh bệnh đột quỵ khi nó chưa xảy ra, cũng như những người đã từng bị đột quỵ, làm sao để tránh tái phát?

BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên trả lời:

Tôi có lời khuyên là chúng ta nên phòng ngừa để đột quỵ đừng xảy ra bằng cách kiểm soát và điều trị tốt các yếu tố nguy cơ đưa đến đột quỵ. Ví dụ như điều trị tốt bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn nhịp, các bệnh xơ vữa động mạch…

Bên cạnh đó cần có chế độ ăn lành mạnh và bỏ rượu bia, thuốc lá, tập thể dục thường xuyên.

Còn nếu đột quỵ xảy ra rồi, nên phòng ngừa đột quỵ tái phát bằng việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ tốt bởi các bác sĩ chuyên khoa và sử dụng thuốc điều trị thích hợp. Việc phòng ngừa sẽ làm giảm tỷ lệ tái phát nếu bệnh nhân được sử dụng thuốc phòng ngừa thích hợp.

Sau khi bệnh nhân ra viện cần uống thuốc theo toa bác sĩ kê và tái khám đều đặn. Nếu có dấu hiệu tái phát bệnh cần đưa đi cấp cứu không nên ở nhà để làm mất thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.

Trân trọng cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên, Bệnh viện Gia An 115 đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X