Hotline 24/7
08983-08983

Lên cơn đau tim, coi chừng đột quỵ do huyết khối

Đang ngồi xem tivi cùng các con, bà Hoa (TP HCM) ngã bất tỉnh. Nghĩ mẹ lại lên cơn đau tim nên đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ kết luận bà bị đột quỵ do thuyên tắc mạch máu. Các xét nghiệm cho thấy một khối máu đông nằm sâu trong động mạch chính gây thuyên tắc phổi. Đây là nguyên nhân khiến hôn mê sâu. May mắn, bệnh nhân được cứu sống.

Một trường hợp khác, anh Sơn nhà ở quận 7, TP HCM, cũng được đưa đến cấp cứu tại BV tim Tâm Đức cũng trong tình trạng nguy kịch. Vợ bệnh nhân cho biết, anh đã thay van tim nhân tạo từ gần một năm trước. Các bác sĩ thực hiện xét nghiệm và xác định bệnh nhân này bị huyết khối gây kẹt van tim cơ học.

PGS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc chuyên môn BV Tim Tâm Đức - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Đai học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, hai trường hợp trên là những điển hình của bệnh lý huyết khối. Những bệnh nhân khác có thể gặp nguy hiểm vì các khối máu đông làm người bệnh bị rối loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim.

“Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 200.000 người được chẩn đoán đột quỵ. Còn trên thế giới, mỗi năm cũng có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ liên quan đến khối máu đông, trong đó khoảng 5 triệu người tử vong và ngần ấy người bị tàn phế suốt đời”, ông Vinh nói.

Khẳng định 4 bệnh lý thường dẫn đến chứng huyết khối là bệnh nhân thay van tim, tim mạn tính, người nhồi máu cơ tim và loạn nhịp tim, tuy nhiên theo phó giáo sư Vinh, nguyên nhân chính để khối máu đông gây đột quỵ là do bệnh nhân không hoặc chưa được thường xuyên thực hiện xét nghiệm máu, đặc biệt là mức INR (International Normalized Ratio) - chỉ số dùng để đánh giá nguy cơ hình thành cục máu đông của các để đảm bảo việc điều trị đúng hướng.

PGS Vinh cũng cho biết thêm khoa học đã chứng minh thuốc kháng đông, ví dụ như warfarin, có khả năng giảm ít nhất 2 phần 3 nguy cơ đột quỵ (khoảng 68%), nhưng dược phẩm này vẫn chưa được tận dụng đúng mức để điều trị cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Tính trên toàn thế giới, chỉ có 30% bệnh nhân rung nhĩ được uống thuốc chống đông máu trong khi con số này lẽ ra phải ở mức từ 60% đến 70%.

“Ngoài ra, các yếu tố về lối sống như thức ăn, các thuốc điều trị khác, bệnh tật và mức độ hoạt động thể lực cũng ảnh hưởng tới kết quả điều trị kháng đông. Do đó phải thường xuyên giám sát và theo dõi để đảm bảo mức INR luôn chính xác”, ông Vinh nói.

Theo BS Huỳnh Thanh Kiều, BV Tim Tâm Đức, thông thường bệnh nhân sẽ được xét nghiệm INR bằng cách lấy máu tĩnh mạch. Tuy nhiên, theo nhiều bệnh nhân, phương pháp này thường gây đau và ảnh hưởng đến việc tuân thủ xét nghiệm, chưa kể tới việc phải đi lại nhiều lần và mất thời gian chờ đợi kết quả.

Khắc phục tình trạng này nhằm giảm nguy cơ tử vong do đột quỵ có liên quan đến nguyên nhân do huyết khối, BV Tim Tâm Đức đã thành lập phòng khám kháng đông. Đây cũng là trung tâm điều trị kháng đông chuyên ngành đầu tiên tại Việt Nam kiểm soát mức INR để quản lý hiệu quả hơn cho những bệnh nhân điều trị kháng đông.

“Tại phòng khám, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm INR bằng hệ thống CoaguChek XS thông qua việc lấy máu mao mạch từ đầu ngón tay và cho kết quả tức thời. Điều này giúp bệnh nhân không phải chờ đợi lâu mà vẫn biết được tình trạng bệnh của mình một cách chính xác để có cách xử trí sớm”, bác sĩ Kiều nói

Không những bệnh nhân được xét nghiệm INR ngay tại phòng khám, qua hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân cũng có thể sử dụng CoaguChek XS tại nhà hoặc khi đi du lịch để theo dõi mức INR độc lập để khi thấy có dấu hiệu bất thường thì đến bệnh viện để được điều trị.

AloBacsi.vn
Theo Cao Quang - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X