Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao chấm dứt tình trạng “nhớ nhớ, quên quên” hậu COVID-19?

Rối loạn trí nhớ, suy giảm trí nhớ là một triệu chứng thường gặp ở những người bệnh bị nhiễm COVID-19. Vậy làm cách nào cải thiện tình trạng này, khi nào cần dùng thuốc và khi nào nên đến bác sĩ? TS.BS Đinh Vinh Quang đã giải đáp tất cả các vấn đề liên quan trong bài viết dưới dây.

1. Khi nào giảm trí nhớ cần đi khám và điều trị?

Thưa BS trong các vấn đề BS vừa nêu thì những tình huống nào chúng ta phải nghĩ đến việc gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Sau khi chúng ta bị nhiễm COVID-19 sẽ có các triệu chứng của hệ thần kinh như đau đầu, chóng mặt, rối loạn trí nhớ, suy giảm nhận thức, suy giảm về các chức năng phán đoán cũng như lên kế hoạch hoặc thực hiện các kế hoạch.

Ở mức độ chưa ảnh hưởng đến công việc hằng ngày (quên ở mức độ vừa phải) vẫn thực hiện được các kế hoạch cũng như lịch hẹn một cách tương đối hoàn hảo thì chúng ta chưa cần đến sự thăm khám bệnh của bác sĩ. Nếu các triệu chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống, làm cuộc sống gần như bị đảo lộn thì lúc đó cần phải xem xét đến việc đi khám bác sĩ để có liệu trình điều trị thích hợp, giúp các triệu chứng được thuyên giảm và chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.

2. Giảm trí nhớ hậu COVID-19, làm sao khắc phục?

Thưa BS, trong những trường hợp chưa phải sử dụng thuốc thì có thể áp dụng những giải pháp nào? Khi bắt đầu có những dấu hiệu cần phải thăm khám bác sĩ thì sẽ điều trị bằng cách nào để giải quyết thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Rối loạn trí nhớ, suy giảm trí nhớ là một triệu chứng thường gặp ở những người bệnh bị nhiễm COVID-19. Khi chúng ta cung cấp máu, cung cấp oxi hoặc các dưỡng chất tốt cho các tế bào não sẽ giúp hoạt động được tốt và trọn vẹn. Trước khi tình trạng suy giảm trí nhớ tiến triển chúng ta có một số biện pháp, cách thức để duy trì hoạt động tế bào não tốt như:

- Tập thể dục: Khi đó lưu lượng máu não sẽ tăng lên giúp đưa oxi lên nuôi các tế bào não.

- Ngủ đủ giấc: Khi các tế bào não được nghỉ ngơi sẽ hồi phục lại và ngày hôm sau hoạt động minh mẫn và hoàn hảo hơn. Tùy thuộc vào cơ thể, trung bình chúng ta sẽ ngủ khoảng 6 - 7 tiếng/ngày, tuy nhiên có những người cần nhu cầu ngủ cao hơn như 8 - 9 tiếng/ngày miễn sao khi ngày hôm sau chúng ta thức dậy cảm thấy sảng khoái, không bị buồn ngủ và thực hiện các công việc, hoạt động một cách chỉn chủ, hoàn hảo thì lúc đó giấc ngủ đã đủ.

- Phải có chế độ ăn hợp lý: Ăn những thức ăn không làm hại cho tế bào não và đồng thời giúp sự chuyển hóa của tế bào não tốt hơn. Ăn một chế độ nhiều rau củ quả đặc biệt là các hạt ngũ cốc sẽ cung cấp các dưỡng chất cho tế bào não. Một số chất béo tốt như chất béo trong dầu olive hoặc cá. Cải thiện trí nhớ bằng cách làm não luôn được kích thích như học một ngôn ngữ mới, học chơi cờ, học nhạc cụ. Nếu cần có thể sử dụng các dụng cụ trợ giúp trí nhớ như đặt lịch hẹn trong điện thoại.

Thưa BS, về mặt y học, khi gặp phải các vấn đề giảm trí nhớ có cách nào để giúp cải thiện trí nhớ tốt hơn hoặc khắc phục ở giai đoạn hậu Covid này không ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Các phương pháp không dùng thuốc:

- Thay đổi lối sống

- Tập thể dục thể thao

- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý

- Tham gia các hoạt động của xã hội

- Tập cho não luôn được kích thích sẽ làm các tế bào não chậm tiến triển về suy giảm trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức.

Ngoài ra, nếu cần thiết bệnh nhân sẽ đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh, tâm thần để được hỗ trợ thêm một số các dược liệu để cung cấp đầy đủ oxi và các dưỡng chất cho tế bào não hoạt động một cách tốt hơn.

3. Hậu COVID-19, hay quên do thức khuya - dậy sớm, có nên dùng Tebonin?

Thưa BS, do công việc mẹ em thường hay thức sớm khoảng 1, 2 giờ sáng mẹ em đã thức dậy. Mấy năm gần đây mẹ em lại quên nhiều hơn trước, nói trước quên sau và mẹ em cũng có nhiễm Covid trước đó. Như vậy, với những vấn đề hậu Covid như mẹ em thì có thể dùng Tebonin hay không và làm như thế nào để sử dụng một các hiệu quả và an toàn?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Ngoài COVID-19 thì tuổi tác cũng là vấn đề có thể ảnh hưởng, tế bào não theo thời gian sẽ bị thoái hóa và số lượng cũng sẽ giảm đi đặc biệt là những người trên 60 tuổi. Từ đó ảnh hưởng đến các chức năng về trí tuệ, trí nhớ cũng như nhận thức. Suy giảm trí nhớ, nhớ nhớ quên quên là một triệu chứng trong các bệnh lý về thần kinh khác.

Một số nghiên cứu cho thấy, Tebonin chiết xuất từ lá cây bạch quả, thành phần là Gingko biloba. Tác dụng làm tăng tưới máu lên hệ thống mạch máu não, đặc biệt là những mạch máu nhỏ và từ đó sẽ cung cấp lượng oxi tốt hơn cho các tế bào não để hoạt động nên có thể sử dụng cho người bệnh suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức. Để sử dụng một các an toàn phải đến các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh, tâm thần để đánh giá xem có phải suy giảm trí nhớ sau COVID-19 hay trong các bệnh lý khác để được tư vấn cũng như chỉ định thuốc hợp lý và chính xác hơn.

4. Hay quên những chuyện lặt vặt do nguyên nhân nào gây ra?

Thưa BS, dạo này em hay quên những chuyện lặt vặt, mỗi khi nhớ ra chuyện gì phải ghi vào giấy ngay nếu không sẽ rất dễ quên. Trước đó em cũng có nhiễm COVID-19 nên không biết tình trạng này do COVID-19 hay do công việc quá nhiều?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Giảm trí nhớ sau khi bị COVID-19 là một triệu chứng đơn độc, không thể dựa vào để chẩn đoán đây có phải là giảm trí nhớ do COVID-19 hay không mà phải đánh giá một cách toàn diện mới biết được nguyên nhân do đâu.

5. Ăn gì để cải thiện tình trạng "nhớ nhớ, quên quên"?

Thưa BS, có những thực phẩm nào khi ăn vào có thể cải thiện tốt hơn hoặc giảm tình trạng nhớ nhớ quên quên hay không?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Các thực phẩm giúp cải thiện trí nhớ:

- Các loại rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh

- Các hạt ngũ cốc, đặc biệt là hạt óc chó

- Các thực phẩm nhiều vitamin, chất béo như cá, đặc biệt là cá hồi.

Đối với những người bệnh lớn tuổi cũng như người bị hậu COVID-19, những thực phẩm này sẽ giúp duy trì hoạt động của các tế bào não và làm giảm các triệu chứng suy giảm trí nhớ cũng như là các triệu chứng khác do COVID-19 gây ra.

6. Người mắc bệnh COVID-19 ảnh hưởng trí nhớ ngắn hạn hay dài hạn?

Thưa BS, em vẫn thường nghe nói đến 2 dạng trí nhớ là trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Như vậy với những người hay gặp phải tình trạng nhớ nhớ quên quên trong đó có cả hậu COVID-19 thì có phải tình trạng quên đó nằm ở trí nhớ ngắn hạn hay không và nếu là trí nhớ ngắn hạn sẽ dễ hơn cho việc khắc phục cũng như là có những giải pháp phải không ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Khi chúng ta chứng kiến hoặc tham dự vào sự kiện nào đó, tế bào não sẽ bắt đầu kích hoạt nếu sự kiện đó lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo ra đường mòn trong não và giúp chúng ta nhớ được sự kiện đó. Ví dụ, khi học bài 1 lần, 2 lần sẽ chưa nhớ được nhưng sau đó chúng ta cứ lặp đi lặp lại tạo thành trí nhớ dài hạn. Bộ não của chúng ta khi kích thích lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành một trí nhớ hoặc một sự kiện ảnh hưởng đến sinh tồn của cơ thể thì chúng ta sẽ nhớ rất lâu.

Vấn đề quên trong người bệnh bị COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến cả trí nhớ dài hạn cũng như trí nhớ ngắn hạn. Một khi các tế bào nơron thần kinh bị ảnh hưởng, ngoài tổn thương trực tiếp (tổn thương ngay tại các tế bào đó gây ra) thì sự hiện diện của virus trong cơ thể chúng ta sẽ kích hoạt các hệ thống phản vệ phản ứng lại các hiện tượng viêm và tăng các nồng độ chất cytokine trong cơ thể ảnh hưởng lên hoạt động của tế bào não và ảnh hưởng lên trí nhớ của chúng ta.

7. Ngủ ít nhưng chất lượng giấc ngủ tốt có hiệu quả hơn với ngủ nhiều mà không có chất lượng?

Thưa BS, từ khi công việc của em trở nên nhiều và áp lực hơn thì em cảm thấy giấc ngủ của mình cũng bị ảnh hưởng, đôi khi rất khó vào giấc ngủ hoặc không ngủ đủ 6 hay 7 tiếng mà em chỉ ngủ khoảng 5 tiếng. Xin hỏi BS là chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ có bắt buộc phải tỷ lệ thuận với nhau không? Giả sử em chỉ ngủ 5 tiếng nhưng 5 tiếng đó chất lượng thì có thể được tính bằng với giấc ngủ của 8 tiếng hay không? Nếu trong tình trạng dễ bị ảnh hưởng khi công việc căng thẳng thì có cách nào khắc phục vấn đề này hay không?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Đa số mọi người cần 6 - 7 tiếng/ngày để ngủ nhưng đôi khi một số người có nhu cầu ngủ khác, có người cần 8, 9 tiếng thậm chí 10, 11 tiếng/ngày nhưng có những người chỉ cần ngủ 3, 4 tiếng/ngày là đủ. Như vậy thời gian ngủ cũng chỉ là tương đối ở phần đông một số người, không bắt buộc tất cả mọi người đều theo quy chuẩn 6 - 7 tiếng/ngày. Miễn sao sau một đêm ngủ dậy chúng ta thấy người sản khoái, không uể oải, không buồn ngủ và thực hiện công việc hiệu quả thì đó là giấc ngủ đã đạt chất lượng.

Thời gian ngủ được tính bằng tổng thời gian chúng ta ngủ trong 24 tiếng. Ví dụ, 1 người ban đêm ngủ khoảng 5 tiếng nhưng ngày hôm sau có giấc ngủ trưa khoảng 1 tiếng nữa thì có thể tính là một ngày đã ngủ 6 tiếng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X