Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì khi ngộ độc thuốc, quá liều thuốc paracetamol, thuốc huyết áp, thuốc tiểu đường…?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Gia An 115 tư vấn: liều paracetamol như thế nào là an toàn, nếu uống quá liều thì có dấu hiệu nào cần phải đi bệnh viện ngay? Phương pháp lọc máu hấp phụ ngoài việc điều trị ngộ độc thuốc còn có chỉ định thế nào?

1. Liều paracetamol như thế nào là an toàn?

Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt được bán rộng rãi tại các nhà thuốc và không cần kê toa. Tuy nhiên, đã xảy ra một số ca ngộ độc vì lạm dụng thuốc này. Nhờ BS nhắc lại, liều paracetamol như thế nào là an toàn?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Tên biệt dược của paracetamol là acetaminophen - thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt rất thông dụng và được bán rộng rãi ở các nhà thuốc không chỉ Việt Nam mà còn ở nước ngoài; đặc biệt thuốc có thể mua mà không cần kê toa.

Liều thông thường sử dụng paracetamol sẽ tùy theo cân nặng, người lớn hay trẻ em.

Đối với người lớn liều an toàn (paracetamol dạng uống và tiêm) tối đa 4gram/ngày. Nghĩa là nếu uống viên 0.5g chỉ uống tối đa 8 viên/ngày.

Đối với trẻ em liều paracetamol được tính theo cân nặng. Thông thường liều khuyến cáo từ  10-15mg/kg cho mỗi lần, và cách 6-8 giờ dùng một lần. Tổng liều không quá 60-70mg/1 ngày cho trẻ.

Trên thực tế thường xảy ra tình trạng quá liều ở trẻ. Vì đa số các bậc phụ huynh khi thấy con đau sốt là lấy paracetamol ra cho con uống liền. Do đó, cần lưu ý:

Đối với bé 10 kg, với liều 10mg/kg mỗi lần thì bé sẽ được sử dụng liều 100mg/kg và tối đa 4 lần/ngày. Tổng liều 400mg/ngày. Nên cho dù bé có sốt 4 lần hay hơn thì vẫn không cho phép vượt quá liều này.

Tuy nhiên, nếu trường hợp bé sốt xuất huyết thì tình trạng sốt sẽ rất dày và cao, thời gian cắt sốt của paracetamol rất ngắn. Ví dụ, một em bé viêm họng thông thường, sốt 38- 38,5 độ thì với liều 10mg/kg sẽ cắt sốt được 8 tiếng, nghĩa là chỉ cần cho bé uống 3 lần/ngày là bé sẽ không lên cơn sốt.

Nếu mẹ cho bé uống trong 1 ngày với liều cao thì bé sẽ có biểu hiện ngộ độc paracetamol cấp tính như đau bụng, buồn nôn, nôn ói.

Còn trường hợp mẹ cho uống từ từ, chẳng hạn có bé bị ung thư giai đoạn cuối hoặc có bệnh lý nào đó gây đau mãn tính mà mẹ cho uống từ ngày này qua ngày khác thì đến một lúc nào đó bé sẽ ngộ độc (gọi là ngộ độc paracetamol mãn tính). Và đến giai đoạn ngộ độc bé sẽ có biểu hiện như buồn nôn, nôn ói, đau bụng, chán ăn, suy kiệt,… khi có biểu hiện ở gan sẽ gây vàng da, vàng mắt.

2. Những ai cần thận trọng khi uống paracetamol?

Những người có tiền sử bệnh gì phải thận trọng khi sử dụng paracetamol, thưa BS?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Paracetamol được chuyển hóa tại gan và độc tính của paracetamol cũng chủ yếu tại gan, nên nếu bệnh nhân có bệnh lý gan tiềm ẩn, suy giảm chức năng tế bào gan trước đó thì cần hết sức thận trọng khi sử dụng paracetamol.

3. Dấu hiệu uống quá liều paracetamol?

Nếu uống quá liều thì có dấu hiệu nào cần phải đi BV ngay?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Ở giai đoạn sớm, triệu chứng quá liều paracetamol thường không thể hiện rõ. Trừ khi người nhà phát hiện bệnh nhân uống 1 lượng lớn thuốc thì mới theo dõi để phát hiện.

Trường hợp ngộ độc paracetamol cấp tính, tức là người bệnh uống cùng lúc 1 lượng lớn paracetamol thì sẽ xuất hiện triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, khó chịu, bứt rứt.

Trường hợp ngộ độc paracetamol mãn tính, tức là bệnh nhân uống tích lũy dần 1 lượng paracetamol và đạt đến liều ngộ độc thì triệu chứng sẽ âm thầm hơn như chán ăn, buồn nôn, đau bụng lâm râm vùng hạ sườn phải.

4. Làm gì khi vô tình uống quá liều paracetamol?

Trường hợp vô tình uống quá liều paracetamol (mới quá liều so với liều an toàn) nhưng chưa có dấu hiệu nguy hiểm thì có cần đi bệnh viện không? Tại nhà có cách gì giúp thuốc mau đào thải không ạ?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Đối với quá liều hoặc ngộ độc paracetamol thì trước đây dân gian có sử dụng một số biện pháp đó là tìm cách kích thích để bệnh nhân nôn ói. Nhưng tôi khuyên, nếu bạn khi nghi ngờ hoặc phát hiện người nhà uống quá liều thuốc thì tốt nhất nên đưa vào bệnh viện kiểm tra sẽ an toàn hơn.

Vì các phương pháp tại nhà nhằm loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể không an toàn cho người bệnh và không hiệu quả.

5. Uống quá liều thuốc nên xử lý thế nào?

Với thuốc tránh thai hằng ngày, thuốc hạ huyết áp, thuốc tiểu đường,… đã xảy ra tình huống người bệnh quên mất mình đã uống thuốc rồi và vô tình uống thêm 1 liều nữa. Xin BS cho biết trường hợp này nên theo dõi, xử trí thế nào ạ?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Nếu uống thêm 1 liều 1 lần thuốc hạ huyết áp, tiểu đường thì với cơ địa một người bình thường khỏe mạnh sẽ không quá nguy hiểm.

Tuy nhiên, nếu trên cơ địa 1 người suy kiệt, ốm yếu, đường huyết thấp, mà không kiểm soát uống thêm 1 liều nữa dĩ nhiên sẽ có nguy cơ hạ đường huyết.

Do đó, nếu bệnh nhân uống dư 1 liều không được bác sĩ chỉ định thì nên theo dõi sát, và thấy có triệu chứng bất thường nào cần đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay.

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Gia An 115

6. Quy trình cấp cứu bệnh nhân ngộ độc thuốc tại Bệnh viện Gia An 115

Bệnh nhân ngộ độc thuốc khi đến BV Gia An 115 sẽ được cấp cứu, điều trị như thế nào, thưa BS? Mới đây bệnh viện cũng tiếp nhận một ca ngộ độc thuốc nặng, bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn ạ?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Khi bệnh viện Gia An 115 nhận được thông tin bệnh nhân ngộ độc thuốc thì bệnh viện sẽ có 1 đội cấp cứu đến đón bệnh nhân tại nhà.

Thông thường chúng tôi sẽ thực hiện các thao tác cấp cứu ngay trên xe. Và khi tới khoa cấp cứu của bệnh viện, nếu bệnh nhân uống thuốc trong vòng từ 2 - 4 giờ sẽ được rửa dạ dày; đặt 1 ống vào dạ dày bệnh nhân để bơm nước lọc rửa dạ dày và thải nhanh thuốc còn đọng ở dạ dày chưa kịp hấp thu xuống ruột. Sau đó, cho bệnh nhân được cho uống than hoạt tính.

Tùy theo thuốc bệnh nhân ngộ độc hoặc quá liều sẽ có thuốc hóa giải, bác sĩ sẽ là người chọn lựa.

Tiếp đến, bác sĩ sẽ lọc máu để tiếp tục đào thải thuốc ra khỏi máu bệnh nhân, ngăn ngừa tác dụng độc hại của thuốc trên các cơ quan.

Cụ thể, gần đây bệnh viện Gia An 115 đã cấp cứu và điều trị thành công trường hợp ngộ độc thuốc rất nặng là phụ nữ 39 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình mà bệnh nhân đã uống 1 lượng lớn thuốc. Qua lời khai của bệnh nhân và gia đình chúng tôi khai thác được bệnh nhân uống tổng cộng 90 viên paracetamol 0.5mg, kèm theo nhiều loại thuốc khác.

Đặc biệt, bệnh nhân này lại pha tất cả các thuốc tan với nước, nên khiến thuốc hấp thu nhanh và triệu chứng ngộ độc rất nặng nề, dữ dội.

Thông thường, paracetamol liều ngộ độc là 10g cho 1 lần uống sẽ dẫn đến ngộ độc cấp tính. Bệnh nhân này lại uống tổng lượng thuốc là 45g, tức là hơn 4 lần liều ngộ độc.

Nên khi tới bệnh viện, bệnh nhân đã được cấp cứu bằng cách rửa dạ dày và uống than hoạt. Sau đó được chuyển nhanh lên khoa Nội tổng hợp, xác định đây là trường hợp ngộ độc nặng nên chúng tôi đã tiến hành cho bệnh nhân điều trị với thuốc hóa giải paracetamol.

Tiếp đến chúng tôi đã hội chuẩn với bác sĩ Hồi sức tích cực để tiến hành lọc máu cho bệnh nhân trong 24 giờ.

Bệnh nhân cũng được theo dõi sát các chỉ số chức năng gan, thận và hiện đã hồi phục, xuất viện.

7. Uống quá liều thuốc ngủ, phải làm sao?

Nếu bệnh nhân uống quá liều thuốc ngủ, bao gồm trường hợp 1: thuốc kê toa và trường hợp 2: thuốc có nguồn gốc thảo dược không cần kê toa, thì trong 2 tình huống này người nhà nên làm gì để giúp bệnh nhân ạ?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Thuốc ngủ rất phong phú và đa dạng. Đối với thuốc có kê toa thường sẽ dễ cho bác sĩ hơn vì bác sĩ biết rõ thành phần, cấu trúc và chọn lựa chất hóa giải, cũng như tiên lượng trước được diễn tiến của quá liều thuốc đó.

Còn với thảo dược hay thực phẩm chức năng thì thành phần thường không rõ ràng, gây khó khăn cho bác sĩ khi tìm thuốc hóa giải. Trường hợp này bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm xét nghiệm máu để làm định tính và định lượng độc chất trong máu, qua đó sẽ xác định được loại thuốc bệnh nhân uống để có hướng xử trí thích hợp.

8. Tác dụng của phương pháp lọc máu hấp phụ?

Phương pháp lọc máu hấp phụ ngoài việc điều trị ngộ độc thuốc còn sử dụng trong những trường hợp nào nữa ạ?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Khi thuốc hoặc độc chất xâm nhập vào cơ thể do bệnh nhân uống quá liều (vô tình hoặc chủ đích) thì thường thuốc sẽ đi vào đường tiêu hóa đầu tiên. Tức là sau khi uống thuốc ở dạ dày thuốc sẽ được đưa đến ruột non, chất độc sau đó nhanh chóng hấp thu vào máu.

Ở giai đoạn độc tố chưa đến các cơ quan đích, còn lưu thông trong máu thì sẽ áp dụng phương pháp loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể đó là lọc máu. Khi thuốc và độc chất còn nằm ở dạ dày, ruột chúng ta sẽ tìm cách loại bỏ nhanh bằng rửa dạ dày và uống than hoạt để loại bỏ chất độc ra khỏi đường tiêu hóa.

Ở giai đoạn muộn, tức là thuốc đã ra khỏi đường tiêu hóa và hấp thu vào máu để loại bỏ chất độc sẽ sử dụng phương pháp lọc máu hấp phụ.

Bác sĩ sẽ sử dụng máy để đưa máu bệnh nhân ra khỏi cơ thể và qua 1 hệ thống màng lọc với những dung dịch lọc và quả lọc sẽ hấp thu, loại bỏ dần những thuốc này ra khỏi cơ thể.

Quá trình thực hiện sẽ kéo dài 24 đến 48 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn tùy thuộc vào loại độc tố bệnh nhân bị ngộ độc.

Ngoài ra, phương pháp lọc máu hấp phụ còn sử dụng trong các trường hợp ngộ độc thuốc, chất với trọng lượng phân tử lớn, không tác dụng với phương pháp lọc máu thông thường (VD ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat). Hoặc tùy theo độc chất hoặc máu này có kết hợp với protein hay không mà sử dụng phương pháp lọc máu hấp phụ.

9. Cách tránh quá liều và ngộ độc thuốc?

Lời khuyên của BS để tránh xảy ra việc quá liều thuốc, ngộ độc thuốc…?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Ngộ độc thuốc gây ra hệ quả khôn lường. Đôi lúc nó trở thành gánh nặng không chỉ người bệnh mà còn cho cả gia đình, xã hội. Nhất là những trường hợp ngộ độc thuốc không cướp đi sinh mạng của người bệnh nhưng chất lượng cuộc sống rất thấp do tổn thương cơ quan và bệnh lý trở thành mạn tính.

Lời khuyên của tôi đó là:

  • Tủ thuốc gia đình nên bố trí ở 1 nơi chuyên biệt, có khóa và để xa tầm tay trẻ em.
  • Đối với gia đình có người lớn tuổi mắc bệnh lý suy giảm trí tuệ, hay quên thì không nên cho người bệnh tự ý sử dụng thuốc. Nếu phải uống thuốc mỗi ngày nên có người thân, con cháu phát thuốc mỗi cữ.
  • Với người khỏe mạnh chỉ nên uống thuốc theo toa của bác sĩ, kể cả loại thuốc thông thường như paracetamol.

Lệ Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X