Hotline 24/7
08983-08983

Sốt xuất huyết đang vào mùa, nên chuẩn bị những gì?

Hiện nay, sốt xuất huyết đang vào mùa. Hà Nội và TPHCM đã ghi nhận những ca tử vong đầu tiên do biến chứng của sốt xuất huyết. Dù công tác tuyên truyền vẫn được triển khai thường xuyên nhưng tỷ lệ tử vong vẫn không thuyên giảm. Vì sao lại như vậy? Mời bạn đọc đón xem bài phân tích sau đây để hiểu rõ hơn.

Tổng quan về sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành.

Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu ở những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách, chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.

Theo các bác sĩ, với SXH, người bệnh cần đặc biệt quan tâm từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu nôn ói nhiều, đau bụng, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu hay đi cầu phân đen phải theo dõi, xử lý kịp thời.

Điều khác với nhiễm siêu vi là da bệnh nhân ửng đỏ lên, nếu sốt kèm theo triệu chứng điển hình như vậy nên nghĩ là SXH.

Với tình hình diễn biến thất thường của thời tiết như năm nay nóng ấm kéo dài cộng với mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, khiến bệnh dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Đối với người dân, ngoài việc chủ động thau vét bọ gậy, dọn dẹp các dụng cụ có khả năng là nơi sinh sản của muỗi trước và trong suốt mùa mưa, sử dụng các biện pháp để tránh và diệt muỗi thì cần phải nắm được các dấu hiệu cơ bản của SXH nhằm thể chăm sóc và điều trị kịp thời.

TS.BS Nguyễn Hữu Châu Đức - Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược Huế cho biết, SXH Dengue do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Nếu chấm dứt được nguồn lây, tức là không cho muỗi truyền bệnh thì dịch bệnh mới không xuất hiện.

Nguyên nhân có thể do thời tiết thay đổi. Thời gian gần đây nắng nóng kéo dài, và có những đợt mưa làm muỗi sinh sôi, nảy nở nhiều hơn. Muỗi truyền bệnh SXH Dengue thường gặp là Aedes aegypti, ngoài ra còn có muỗi Aedes albopictus, những loại muỗi này sống ở môi trường nước sạch.

Muỗi vằn Aedes - vec tơ truyền virus Dengue

Do đó, trong dự phòng, chúng ta mới chỉ nói phát quang bụi rậm, ao tù nước bẩn, cống rãnh là chưa đủ mà còn phải loại bỏ những vật dụng có nước đọng như chậu nước, lọ hương có thể là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản.

Ngoài ra, bệnh SXH Dengue là bệnh chủ yếu ở thành thị, không phải ở vùng nông thôn, nhưng do tốc độ đô thị hóa vùng nông thôn càng ngày càng phát triển, nên bệnh càng lan rộng hơn.

Chu kỳ SXH Dengue là 2-3 năm/ lần do liên quan đến đáp ứng miễn dịch bảo vệ của mỗi loại virus Dengue. Virus Dengue có 4 chủng. Với mỗi chủng, nếu đã nhiễm sẽ có miễn dịch bảo vệ ít nhất 3 tháng, nhưng có nhiều nghiên cứu phát hiện sự miễn dịch này xuất hiện trong vòng 2 năm. Do đó, cứ 2-3 năm sẽ có một đợt dịch bệnh quay trở lại. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh năm nay nặng hơn và kéo dài hơn năm ngoái.

Mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết, đặc biệt là khi bùng phát thành dịch?

SXH nếu nhiễm lần thứ hai sẽ nặng hơn lần thứ nhất. Do cơ thể khi nhiễm virus lần đầu tiên sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus, nhưng lại miễn dịch chéo với loại kế tiếp ít hơn, nên lần thứ 2 vẫn bị nhiễm như thường.

Thứ nữa là kháng thể lưu hành sẵn trong máu khi gặp kháng nguyên virus thứ 2 chỉ có nhận diện chứ không tiêu diệt, và lại giúp virus vào cơ thể nhiều hơn. Chính vì vậy tải lượng virus trong cơ thể nhiều hơn tăng cường miễn dịch nhiều hơn và làm cho người bệnh nặng hơn như thoát huyết tương gây sốc, rối loạn đông cầm máu do giảm thiểu số lượng tiểu cầu, gây suy tạng là những nguyên nhân gây tử vong so SXH Dengue.

Thực tế hằng năm vẫn có nhiều người tử vong do sốt xuất huyết. Vì sao công tác tuyên truyền vẫn được triển khai thường xuyên nhưng tỷ lệ tử vong vẫn không thuyên giảm?

Chúng ta phải đặt ra 2 vấn đề từ phía cộng đồng và y bác sĩ.

Từ cộng đồng, phải tăng cường nhận thức như diệt bọ gậy, không có bọ gậy thì không có SXH. Thứ hai, người dân cần nhận biết các dấu hiệu của bệnh SXH để được thăm khám kịp thời, không chủ quan để bệnh diễn tiến nặng mới đến bệnh viện bởi lúc này rất khó cứu chữa và nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều.

Về phía nhân viên y tế, cần cập nhật những thông tin mới nhất về SXH Dengue, phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm sớm, bởi những dấu hiệu nặng của SXH Dengue khi xuất huyết ra bên ngoài rất dễ nhận thấy nhưng cơ chế chủ yếu của SXH Dengue là thoát huyết tương, điều này khó phát hiện trên lâm sàng. Do đó cần biết những dấu hiệu cảnh báo của SXH Dengue để điều trị kịp thời.

Ngoài ra cần áp dụng đúng phác đồ điều trị của SXH Dengue, bởi SXH Dengue gây mất nước, sốc, dẫn đến tử vong, do đó cần bù dịch kịp thời. Tuy nhiên, khi đã bù dịch kịp thời nhưng không đúng (nghĩa là bù quá nhiều so với tình trạng mất nước của bệnh nhân) thì vô tình truyền dịch nhiều hơn, và điều này giống như “cú đấm thứ 2” sau phản ứng viêm nặng làm quá tải dịch khiến bệnh nhân tử vong.

Chúng ta có câu: đưa vào thì dễ, lấy ra thì khó. Điều này đúng ở bệnh nhân SXH. Khi đã ứ dịch gây phù cấp ở bệnh nhân SXH Dengue, lúc này sẽ xuất hiện thêm tình trạng rối loạn đông cầm máu. Nếu can thiệp vào dễ xuất huyết nhiều hơn, làm tình trạng bệnh nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Vì vậy, về phía cộng đồng, nhân viên y tế cần nâng cao nhận thức trong phòng và chống bệnh SXH Dengue.

Phân biệt sốt xuất huyết Dengue và sốt do virus

Trẻ em là đối tượng dễ bị muỗi đốt hơn do thân nhiệt cao và chưa có ý thức phòng tránh. Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, thời gian sốt từ 2-7 ngày kèm theo biểu hiện đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu.

Tiếp theo đó có thể biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết không biến mất khi ấn vào, thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu. Điều đáng lưu ý là giai đoạn nguy hiểm của trẻ mắc SXH là giai đoạn ngay sau khi trẻ hạ sốt.

Sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn

SXH Dengue là sốt do virus. Do đó, những loại sốt do virus hầu như khá giống nhau về các triệu chứng: sốt cao đột ngột, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt, nhức mỏi cơ thể, chảy nước mũi, đau mỏi cơ.

Những loại sốt virus khác, thường 3 ngày trẻ sẽ hết sốt và tươi tỉnh, vui vẻ, ăn uống bình thường, nhưng SXH Dengue có 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm, hồi phục.

Giai đoạn sốt kéo dài từ ngày đầu đến ngày 3 của bệnh, sốt cao, liên tục, đột ngột (buổi sáng trẻ có thể chơi bình thường nhưng đến chiều tối sốt cao 39, 40 độ), mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau quanh 2 hốc mắt. Uống thuốc hạ sốt 1-2 tiếng sau mới hạ, nhưng 3-5 tiếng sau lại sốt trở lại.

Qua ngày thứ 3, khi bắt đầu giảm sốt và ổn định (38-38.5 độ) thì chính trong giai đoạn này là giai đoạn nguy hiểm của SXH Dengue bởi gây thoát huyết tương, mất nước, người bệnh sẽ mệt mỏi nhiều hơn, lừ đừ, nếu nặng sẽ ngủ lịm, khó đánh thức, mệt mỏi, nhức mỏi nhiều, nôn mửa nhiều, nếu nôn trên 3 lần trong 1 giờ hay 4 lần trong 6 tiếng là dấu hiệu cảnh báo người bệnh/ trẻ đang vào giai đoạn sốc.

Khi mất nước trẻ bị đau hoặc khóc liên tục. Nếu ấn vào vùng bụng bên phải, đặc biệt là vùng gan (vùng dưới hạ sườn phải) rất đau, chứng tỏ nước căng tức nên đau và cảm giác tăng dần, đó là dấu hiệu cảnh báo khả năng đang chuẩn bị sốc.

Trong giai đoạn từ ngày thứ 3 đến thứ 5, sau khi sốt có dấu hiệu xuất huyết. Nếu nhẹ sẽ chỉ xuất huyết trên da. Xuất huyết khác với xung huyết. Khi căng nốt phát ban, nếu không biến mất thì đó là xuất huyết; nhưng nếu khi căng thì biến mất, thả ra thì hiện lại - đó là xung huyết.

Phát ban trong sốt xuất huyết là những chấm xuất huyết không biến mất khi ấn vào

Nếu xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam) kéo dài, không cầm là nặng. Bên cạnh đó còn rong kinh (đối với trẻ đã dậy thì hoặc phụ nữ đang hành kinh), xuất huyết nội tạng (xuất huyết tiêu hóa gây đi cầu ra máu, tiểu ra máu)… đó là những dấu hiệu nặng từ ngày 3 đến ngày 5, khác với sốt do virus. Đây là những dấu hiệu trên lâm sàng.

Để chắc chắn hơn, cần sự hỗ trợ của cận lâm sàng. Chỉ cần xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (xét nghiệm công thức máu) sẽ thấy: trong giai đoạn đầu (từ ngày 1 đến ngày 3 - giai đoạn sốt), số lượng bạch cầu sẽ giảm, trong khi đó số lượng tiểu cầu vẫn bình thường. Khi số lượng bạch cầu có xu hướng tăng, tiểu cầu giảm dần, kết hợp lâm sàng và cận lâm sàng sẽ chắc chắn hơn bệnh nhân nhiễm SXH Dengue.

Đối với người lớn và trẻ em, khi mắc sốt xuất huyết có gì khác nhau? Đối với trẻ em khi bị sốt xuất huyết cần chăm sóc như thế nào cho đúng cách?

Trẻ em và người lớn có triệu chứng SXH khá giống nhau, nhưng tùy theo cơ địa có những điểm khác và làm bệnh trầm trọng hơn. Đối với người lớn, đặc biệt phụ nữ mang thai nhiễm SXH Dengue có nguy cơ xuất huyết, dị tật thai nhi; người lớn có bệnh lý mãn tính như viêm gan, suy giảm miễn dịch mắc phải nếu mắc SXH Dengue sẽ nguy hiểm hơn.

Đối với trẻ em cần lưu ý, khi mắc bệnh, trẻ nhỏ dễ bị nguy hiểm hơn trẻ lớn. Trẻ gái đã hành kinh; trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh như huyết tán, tan máu miễn dịch, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch cũng làm nặng tình trạng bệnh lý của SXH Dengue. Ngoài ra, trẻ béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm dễ vào sốc hơn so với trẻ bình thường. Khi vào sốc, nguy cơ bù dịch quá tay hơn bởi mất nước ở SXH Dengue là mất nước trong lòng mạch, bù dịch sẽ theo ca nặng. Trong trẻ béo phì (nặng lên do mỡ), nếu lấy theo cân nặng hiện tại của trẻ để bù dịch thì vô tình làm nặng hơn tình trạng SXH Dengue. Do vậy, nếu bù dịch phài bù theo cân nặng lý tưởng, tức là trừ đi lớp mỡ.

Đối với SXH, nếu trẻ sốt trên 38.5 độ thì cho dùng thuốc hạ sốt đơn chất là Paracetamol. Cần lưu ý đến con số 38.5 độ, đó là chỉ cần đo ở trán, nách. Như vậy, nếu đo ở nách 38.5 độ thực ra là 39 độ, vậy SXH từ 39 độ trở lên mới dùng thuốc hạ sốt paracetamol, còn nếu dưới 39 độ chỉ cần lau. Lau ở đây là lau ấm, tức là nhiệt độ của nước dùng để lau phải thấp hơn 1-2 độ so với nhiệt độ cơ thể hiện tại. Ví dụ, nhiệt độ cơ thể là 39 độ, cần sử dụng nhiệt độ nước ấm 37 độ; lau toàn người, ở nách, ở bẹn và không cần phải đắp lên trán.

Cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên khi trẻ bị SXH

Với thuốc, lưu ý Paracetamol đơn chất, không phối hợp với các loại thuốc khác như Ibuprofen; dùng liều từ 10-15mg/kg cân nặng 1 lần; dùng cách nhau 4-6 tiếng nếu có sốt.

Sốt cao kéo dài có thể khiến trẻ mất nước, do đó phải bù nước. Loại nước cần bù tốt nhất là oresol, nếu không có thể bổ sung bằng nước trái cây hoặc nước uống thông thường. Tôi cũng khuyến cáo nên dùng nước dừa tuơi cho trẻ bởi nước dừa có nhiều kali. SXH Dengue có nguy cơ mất kali nhiều hơn nên chúng ta bù nước dừa là tốt nhất.

Ăn gì để phòng chống sốt xuất huyết, tăng cường miễn dịch?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh sốt xuất huyết đang xảy ra như hiện nay, mọi người dân cần chú ý đến chế độ ăn nâng cao sức khỏe, tăng cường miễn dịch cơ thể để phòng chống bệnh.

Chế độ ăn cần lành mạnh, cân đối giữa các nhóm thực phẩm chất bột, đạm, béo và các vitamin, khoáng chất từ rau xanh, quả chín. Đặc biệt cần chú trọng các yếu tố giúp nâng cao miễn dịch, giàu chất chống oxy hóa.

Ăn nhiều hoa quả, trái cây để tăng sức đề kháng

Trước hết là về các vitamin. Đầu tiên, vitamin A là yếu tố giúp tăng cường miễn dịch rất tốt, có trong thực phẩm động vật, trứng, sữa. Trong thực vật là các rau củ màu vàng, màu xanh thẫm cũng giàu tiền tố vitamin A.

Vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, có nhiều trong nhóm quả chín như cam, quýt, bưởi.

Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm giàu kẽm cũng giúp tăng cường miễn dịch rất tốt, có nhiều trong các loại hải sản nói chung, hoặc thịt bò, thịt gà…

Vitamin E cũng có tác dụng chống oxy hóa, nâng cao miễn dịch, có nhiều trong các hạt nảy mầm như giá đỗ...

[DAP]Sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn.

Tuy nhiên, COVID-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Sốt xuất huyết có triệu chứng sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...[/DAP]

Trích từ chương trình:

Phòng ngừa sốt xuất huyết - Đài TRT

Dinh dưỡng phòng và điều trị sốt xuất huyết - VTC14

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X