Lác bẩm sinh, trẻ không chữa sớm coi chừng mất thị lực
Hiện tượng bị lác bẩm sinh ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ.
Thị lực khó phục hồi vì lác bẩm sinh
Đưa con đến khám tại BV Mắt Hà Nội 2, chị Nguyễn Mai Anh (Tuyên Quang) chia sẻ: "Cách đây khoảng hơn 1 năm, khi được khám ở địa phương, các bác sĩ cho biết thị lực một bên mắt của con rất kém, nguyên nhân do con lác bẩm sinh. Tuy nhiên, gia đình cũng không có điều kiện nên đành chấp nhận. Hôm nay lên đây khám bác sĩ chỉ định con cần phẫu thuật với hi vọng kéo lại được thị lực. Giờ còn mới 4 tuổi thôi".
Còn trường hợp của bé N.B.T (cũng đến từ Tuyên Quang), sau khi thăm khám cũng được bác sĩ chẩn đoán nhược thị nặng, nguyên nhân do lác bẩm sinh không được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên bé chưa được chỉ định phẫu thuật mà cần tập để phục hồi thêm thị lực trước.
Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ. Bên cạnh đó, bệnh lý sụp mí mắt cũng khá thường gặp ở trẻ em. Tuy không gây mù mắt nhưng cũng khiến trẻ bị giảm chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt.
Phát hiện lác bẩm sinh sớm trước 2 tuổi, trẻ có cơ hội tốt
Sáng ngày 27/7, các bác sĩ BV Mắt Hà Nội 2 đã thăm khám miễn phí cho nhiều trẻ em đến từ Tuyên Quang. Theo đó, từ nay đến 29/7 tại Hà Nội, có khoảng hơn 100 trẻ em nghèo đến từ Tuyên Quang được khám sàng lọc và phẫu thuật mắt miễn phí. Đây là một phần trong chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” 2018 do Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khuyết tật về mắt có cơ hội phục hồi thị lực, tìm lại niềm vui và niềm tin vào cuộc sống.
PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng Khoa Khúc xạ, BV Mắt HN 2 cho biết: Lác, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh nếu không được phát hiện kịp thời sẽ khiến trẻ nhược thị. Nếu không được điều trị trẻ sẽ mất đi thị lực. Việc phát hiện và điều trị muộn khi trẻ đã nhược thi gây nhiều khó khăn. Thậm chí, phẫu thuật chỉ có thế giúp trẻ cân bằng hai mắt đối với trẻ lác, nhưng thị lực không được hồi phục. Thông thường, nếu trẻ được phát hiện sớm trước 2 tuổi việc điều trị, phẫu thuật khả quan. Thậm chí trẻ không cần phẫu thuật chỉ đeo kính cũng chỉnh được lác.
"Việc phát hiện sớm với các bệnh lý bẩm sinh này không quá khó, nếu cha mẹ thực sự lưu ý quan tâm đến trẻ. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này thấp vì trẻ được cha mẹ cho đi khám định kỳ tuy nhiên ở các tỉnh xa, số trẻ mắc bệnh lý này khá cao và để lại di chứng rất đáng tiếc cho trẻ", ông Đức Anh chia sẻ.
Theo BS Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cho biết: “Năm 2017 Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí bảo trợ trẻ em các địa phương thực hiện phẫu thuật nhân đạo chữa các bệnh lý, dị tật về mắt cho khoảng 400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với mong muốn trẻ có đôi mắt sáng để tiếp tục vui chơi, học tập và hoà nhập cộng đồng, chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” năm 2018 sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương phối hợp cùng các bệnh viện phẫu thuật cho trẻ mắc các bệnh lý về mắt.
Theo Vũ Vũ - Báo Giao thông
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình