Hotline 24/7
08983-08983

Kỹ năng chăm sóc người hen suyễn tại nhà trong mùa dịch COVID-19

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan đánh giá, trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, nếu người bệnh hen suyễn chẳng may mắc phải COVID-19 tình trạng sẽ có khả năng diễn tiến nặng hơn, thậm chí là tử vong. Vậy người bệnh hen suyễn cần trang bị những gì để tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh?

Trên thực tế đã có nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu vì không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình tự điều trị tại nhà. Những lý do thường gặp là người bệnh không tiếp cận được với trung tâm chăm sóc và quản lý hen suyễn; tin dùng các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc để tự điều trị. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh lạm dụng hoặc không biết cách sử dụng thuốc cắt cơn hen suyễn cấp.

1. Làm thế nào để nhận biết bệnh hen suyễn?

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV ĐHYD TPHCM, triệu chứng lâm sàng điển hình của hen suyễn là ho, khò khè, khó thở và nặng ngực.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người bệnh hen suyễn chỉ khó thở đơn thuần hoặc có người bệnh chỉ lên cơn suyễn khi giao mùa. Chính vì vậy, triệu chứng của bệnh suyễn rất đa dạng và rất khó để phát hiện nếu không có các xét nghiệm chuyên sâu.

Triệu chứng ho của bệnh hen suyễn rất dễ nhầm lẫn với bệnh lao. Điều quan trọng là người bệnh cần làm phương pháp hô hấp ký (dành cho người bệnh từ 5 tuổi trở lên) và phương pháp hô hấp xung ký (dành cho người từ 2 tuổi trở lên) để được bác sĩ đánh giá, chẩn đoán kịp thời.

>>> PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Người bệnh hô hấp, hen, COPD cần bảo vệ mình trước đại dịch COVID-19

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV ĐHYD TPHCM đang thăm khám cho người bệnh

2. Vì sao người bệnh bị dẫn đến cơn hen suyễn cấp?

Yếu tố dễ dẫn đến cơn suyễn cấp là do thay đổi thời tiết. Việc nuôi thú cưng như mèo, chó cũng là một nguy cơ cho người bệnh hen suyễn khi dễ hít phải lông của chúng. Bên cạnh đó, việc dùng nước hoa, nước xả vải hoặc các chất tạo ra mùi thơm cũng là tác nhân gây gia tăng số cơn hen suyễn cấp của người bệnh.

“Có hai nhóm nguy cơ vô cùng quan trọng đối với người bệnh hen suyễn là dị ứng với thức ăn và dị ứng với thuốc. Nếu gặp những thức ăn bị dị ứng thì người bệnh rất dễ bị lên cơn hen cấp, thậm chí bị sốc phản vệ. Người bệnh phải nắm rõ yếu tố nào là yếu tố nguy cơ gây ra cơn hen suyễn của mình để phòng tránh”, PGS.TS.BS Tuyết Lan chia sẻ.

3. Lưu ý khi chăm sóc người bệnh hen suyễn tại nhà

Các toa thuốc của người bệnh thường được cá thể hóa, mỗi người bệnh với mỗi triệu chứng, yếu tố nguy cơ khác nhau sẽ được chỉ định toa thuốc khác nhau. Do đó, người bệnh không nên dùng thuốc của người khác để điều trị cho bản thân.

Theo PGS.TS.BS Tuyết Lan, việc sử dụng thuốc chiếm 50% tỉ lệ thành công trong việc kiểm soát bệnh, 50% còn lại phụ thuộc vào việc người bệnh và người nhà người bệnh chú ý phòng ngừa các yếu tố nguy cơ.

Chẳng hạn người bệnh dị ứng sầu riêng, nếu ăn phải một miếng bánh có sầu riêng cũng có thể dẫn tới nguy cơ tử vong.

Người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ. Điều này có thể gây ra việc sốc phản vệ và dẫn tới tử vong trong thời gian rất ngắn.

PGS.TS.BS Tuyết Lan khuyến cáo, người bị hen suyễn cần phải tuân thủ các biện pháp chung như: không để các chất có mùi lạ trong nhà, nhất là trong phòng ngủ, nơi làm việc, không dùng mền gối bằng lông. Khi ra ngoài trời, nên quấn khăn che mũi và che miệng, nhất là khi thời tiết lạnh để sưởi ấm không khí trước khi vào đường hô hấp.

Tránh dùng các thực phẩm hay thuốc uống có gốc sunfit (thường có trong rượu, bia và các thực phẩm cần bảo quản lâu). Người bệnh không nên hút thuốc hoặc sống trong môi trường có khói thuốc lá. Đặc biệt, cần tái khám đúng lịch và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh tốt, tránh các biến chứng nguy hiểm.

4. Kiểm soát bệnh hen suyễn tại nhà trong mùa dịch COVID-19

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, trường hợp mắc COVID-19 nếu có bệnh nền là hen suyễn thì khả năng diễn tiến nặng hơn và nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, người bệnh nên hạn chế khả năng bị lây nhiễm COVID-19 bằng cách tuân thủ các khuyến cáo chung của Bộ Y tế, đồng thời chủ động kiểm soát tốt bệnh bằng cách:

- Dùng thuốc kiểm soát hen (còn gọi là thuốc dự phòng), thuốc cắt cơn hen đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Ghi lại số điện thoại liên lạc của bác sĩ hoặc nhân viên y tế, cơ sở y tế mà mình đã từng được cung cấp để liên hệ khi cần.

- Khi các triệu chứng trở nặng, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh cần đi khám bệnh, tuân thủ các công tác sàng lọc, kiểm soát nhiễm khuẩn mà cơ sở y tế đang áp dụng.

- Trong trường hợp không thể khám bệnh, người bệnh không được tự ý ngưng điều trị mà cần liên lạc nhân viên y tế để được hướng dẫn.

- Nếu không thể liên lạc được với nhân viên y tế, các thuốc hen suyễn được kê toa dùng hàng ngày phải được tiếp tục dùng cho đến khi liên lạc được và không được ngưng điều trị đột ngột dù cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X