Kiểm soát bệnh lý dị ứng, xác định dị nguyên, giảm mẫn cảm để ngăn ngừa sốc phản vệ
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, nguy cơ đáng sợ nhất của phản vệ là bệnh nhân tử vong, đặc biệt là tình trạng sốc phản vệ làm co thắt đường thở ngay lập tức, làm giãn mạch máu gây tụt huyết áp... Đặc biệt, phản vệ không thể điều trị dứt điểm vì đó đã là phản ứng dị ứng nặng.
1. Những nguy cơ gây ra tình huống phản vệ
Với một người đã có dị ứng trong quá khứ, ví dụ 1, 2, 3 lần thì khả năng găp tình huống phản vệ trong tương lai có xác suất bao nhiêu % ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Vấn đề gặp tình huống phản vệ trong tương lai ở người có tiền sử dị ứng được phân thành nguy cơ thấp, nguy cơ cao.
Đối với một đứa trẻ nếu có các phản ứng dị ứng khi còn nhỏ sẽ có khả năng tự dung nạp, vì vậy trẻ ít khi có nguy cơ phản ứng về sau.
Tuy nhiên, với bất kỳ một trẻ nào hoặc bất kỳ một người đã có tiền căn phản ứng dị ứng xảy ra thì nguy cơ phản vệ xảy ra trong tương lai rất lớn.
Nếu người đó có các yếu tố nguy cơ, nặng nhất là tình trạng bệnh lý dị ứng chưa được kiểm soát tốt. Ví dụ như hen suyễn chưa được kiểm soát, đó là những yếu tố nguy cơ rất lớn gây cho một người có triệu chứng phản vệ khi tiếp xúc với dị nguyên trong tương lai.
Một số nguy cơ khác kèm theo ví dụ như người lớn tuổi, dùng quá nhiều loại thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng viêm không steroid, thuốc ức chế beta bloker, thuốc hạ lipid máu… đó là các yếu tố nguy cơ khiến người đó có thể bị phản vệ nặng hơn trong tương lai.
Một tip nhỏ có thể không hoàn toàn chính xác, căn cứ dựa theo loại dị nguyên mà bệnh nhân dị ứng. Đối với trẻ nhỏ, thông thường phản ứng nặng nhất sẽ xảy ra với trứng, sữa, các loại hạt như đậu phộng. Nếu trẻ có phản ứng dị ứng nặng sau khi tiêu thụ các thực phẩm đó thì nên tư vấn và theo dõi trẻ sớm với một bác sĩ chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguy cơ sốc phản vệ trong tương lai là như thế nào.
Còn đối với người trường thành, cần lưu ý những trường hợp bệnh nhân dị ứng với các loại thuốc ví dụ như kháng sinh, đặc biệt là nhóm beta-lactam, đó là một trong các nguyên nhân rất thường gặp gây ra các tình huống phản vệ ở người trưởng thành.
2. Các xét nghiệm xác định nguyên nhân gây phản vệ
Thưa BS, khi bệnh nhân đến cơ sở y tế sẽ được thực hiện những phương pháp nào để giúp tìm ra những nguyên nhân đúng và chính xác nhất?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với xét nghiệm sẽ làm các test liên quan đến loại dị nguyên nghi ngờ. Trong đó thức ăn sẽ làm xét nghiệm máu để tìm ra kháng thể IgE dị ứng với dị nguyên đó, hoặc test lẩy da.
Đối với thuốc có thể làm test lẩy da với loại thuốc đó. Còn với nọc côn trùng có thể làm xét nghiệm kháng thể IgE với côn trùng.
Tuy nhiên, có 25% các trường hợp không thể tìm ra nguyên nhân chính xác dị nguyên đó là gì, trong những trường hợp này, nếu bệnh nhân có nhiều triệu chứng gợi ý, các bác sĩ sẽ đi tìm thêm những bệnh hiếm gặp hơn như bệnh tăng tế bào mast hệ thống…
Đối với khám tìm nguyên nhân sốc phản vệ, bệnh sử của bệnh nhân rất quan trọng, do đó đối với với những người có tiền căn bị phản vệ, sau khi đã qua cơn cấp cứu, tốt nhất nên cố gắng ghi chú lại việc xảy ra trong khoảng thời gian 2 giờ trước đó.
Các thông tin cần ghi chú bao gồm: các loại thức ăn đã ăn, thuốc đã uống (nếu có). Đây là tư liệu quý để bác sĩ lâm sàng có thể định hình dị nguyên là gì, thể lâm sàng của bệnh nhân và từ đó tìm phương pháp chẩn đoán chính xác nhất cho bệnh nhân.
3. Tử vong là nguy cơ đáng sợ nhất của phản vệ
Nếu cấp cứu phản vệ không kịp thời thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân như thế nào, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Nguy cơ đáng sợ nhất là bệnh nhân tử vong, đặc biệt là tình trạng sốc phản vệ sẽ làm bệnh nhân co thắt đường thở ngay lập tức, làm giãn mạch máu gây tụt huyết áp, giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng. Do đó nguy cơ lớn nhất là ngưng hô hấp tuần hoàn.
Nếu nhẹ hơn, các trường hợp được cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ qua cơn và điều trị cho bệnh nhân đến khi ổn định triệu chứng, các nguồn phản vệ và tiếp tục có kế hoạch điều trị để tầm soát nguyên nhân gây nên phản vệ cho bệnh nhân sau này.
4. Làm gì để phòng tránh phản vệ?
Nhờ BS chia sẻ đến bạn đọc, đặc biệt là những bệnh nhân đã có tình trạng dị ứng trước đó, cần có lối sống, sinh hoạt như thế nào để phòng ngừa tình trạng phản vệ ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Để phòng ngừa tình trạng dị ứng nói chung, cần khám tầm soát với bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Bên cạnh đó, cần xác định rõ mình dị ứng với loại dị nguyên nào.
Ngoài ra, bác sĩ thường nhấn mạnh bệnh sử lâm sàng của bệnh nhân rất quan trọng, nếu hiện tại bệnh nhân bị dị ứng nhưng không tìm được nguyên nhân thì khả năng tiên đoán và ngăn ngừa tái phát trong tương lai sẽ bằng 0. Do đó việc bệnh nhân ghi lại các triệu chứng của bản thân, tiền sử dùng thức ăn, dùng thuốc, bệnh lý đi kèm, đặc biệt là tiền căn trong gia đình có bao nhiêu người bị dị ứng, đã từng có nền bị phản vệ, bị phù mạch di truyền, tăng tế bào mast hệ thống…
Khi bệnh nhân lo sợ một nguy cơ gây phản vệ có thể tìm đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng để tầm soát xem đó liệu có thật sự là dị nguyên gây bệnh. Nếu đã xác định được nguồn dị nguyên, bệnh nhân có nguy cơ phản ứng chéo với dị nguyên khác hay không.
Dựa trên các thông tin đó bác sĩ dị ứng có thể có một kế hoạch cụ thể giúp bệnh nhân phòng tránh các phản vệ của họ trong tương lai.
5. Phản vệ không thể điều trị dứt điểm
Thưa BS, tình trạng phản vệ có điều trị được hay không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Phản vệ gần như không thể cắt đứt hoàn toàn vì đó đã là phản ứng dị ứng nặng, do đó việc điều trị có thể chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn cấp tính và giai đoạn đã qua cơn phản vệ.
Giai đoạn cấp tính (bệnh nhân vào cơn cấp), hiện nay có một số phác đồ điều trị phản vệ và sốc phản vệ cho bệnh nhân hiệu quả. Khi khảo sát tại TPHCM, hầu hết bệnh nhân đều được cấp cứu kịp thời và không có ca nào tử vong. Tuy nhiên việc ngăn ngừa phản vệ trong tương lai vẫn là bài toán rất khó, bởi vì có đến 25%, nghĩa là 1/4 các ca không tìm được nguyên nhân.
Vì vậy để ngăn ngừa được phản vệ bệnh nhân nên tầm soát để biết thông tin về các tiền sử dị ứng của bản thân và gia đình, từ đó có kế hoạch phối hợp với bác sĩ dị ứng để phòng ngừa chính xác và hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó bệnh nhân có thể có phản vệ với các nguyên nhân hiếm gặp, như thời kì vừa qua người dân chích vắc xin ngừa COVID-19, một số bệnh nhân có phản ứng với vắc xin, trong khi trước đó họ không có tiền sử dị ứng. Tuy nhiên, tỷ lệ sốc phản vệ với vắc xin COVID-19 khá thấp, nếu cấp cứu kịp thời sẽ không có hậu quả quá lớn cho bệnh nhân.
Tóm lại đối với phản vệ, việc điều trị giai đoạn cấp hiện nay đã có khá nhiều tiến bộ, quan trọng là khi bệnh nhân xảy ra triệu chứng, người xung quanh cần hỗ trợ bệnh nhân và cấp cứu, hỗ trợ y tế kịp thời nhất.
Còn giai đoạn bệnh nhân đã qua cơn phản vệ, điều tốt nhất là nên khám chuyên khoa dị ứng để tầm soát nguyên nhân và có kế hoạch dự phòng trong tương lai.
6. Phối hợp với bác sĩ chuyên khoa dị ứng để lên kế hoạch tiếp xúc lại dị nguyên an toàn
Nếu một người có cơ địa dị ứng thì phải sống với căn bệnh này suốt đời hay như thế nào ạ? Nhiều người đặt câu hỏi nếu họ dị ứng với trứng thì liệu có thể tập ăn hay không, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Nếu bệnh nhân đã có phản vệ, đầu tiên là khoan tiếp xúc với dị nguyên đó vì nguy cơ rất cao.
Các bác sĩ dị ứng khi muốn cho bệnh nhân tiếp xúc lại dị nguyên và họ muốn cho bệnh nhân giảm mẫn cảm với dị nguyên cần cân nhắc nhiều yếu tố như: triệu chứng có nặng hay không vì bệnh nhân đã từng bị phản vệ, nếu cho bệnh nhân tiếp xúc lại thì nguy cơ phản vệ lần 2 rất lớn.
Cân nhắc yếu tố thời gian, xem phản vệ đã xảy ra với bệnh nhân cách thời điểm hiện tại bao lâu. Đồng thời cần xét nghiệm máu và xét nghiệm da để đánh giá mức độ phản ứng với dị nguyên đó. Nếu bệnh nhân đã có phản vệ xảy ra thời gian dài không bị lại, kết quả xét nghiệm nhận thấy mức độ mẫn cảm của bệnh nhân đã giảm thì có thể lên kế hoạch giúp bệnh nhân giảm mẫn cảm.
Tuy nhiên việc giảm mẫn cảm còn phụ thuộc vào dị nguyên, một số loại có thể giảm mẫn cảm thành công nhưng số khác rất khó để giảm. Sau đó bác sĩ sẽ có kế hoạch giúp bệnh nhân giảm mẫn cảm từ từ, tuy nhiên cần lựa chọn những dị nguyên với hàm lượng phù hợp để không đưa bệnh nhân vào trạng thái nguy hiểm.
Do đó có thể hi vọng vào việc giảm mẫn cảm nhưng phải biết dị nguyên đó là gì và mức độ mẫn cảm, đồng thời có kế hoạch để làm việc với bác sĩ chuyên khoa dị ứng dài lâu.
>>> Hướng dẫn nhận biết và xử lý khi gặp người bị phản vệ, sốc phản vệ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình