Điều cần lưu ý là bệnh khởi phát chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên (từ 14 – 18), trẻ gái mắc nhiều hơn trẻ trai. Nếu không được điều trị và phát hiện sớm có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là đối với lứa tuổi đang có sự phát triển mạnh về thể chất.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết chính xác. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, sự phát triển của xã hội, truyền thông, quảng cáo trong việc đề cao hình dáng mảnh khảnh của giới người mẫu đã làm thay đổi suy nghĩ của các trẻ vị thành niên, thúc đẩy hình thành các rối loạn ăn uống. Có ba loại phổ biến nhất:
Chán ăn tâm lý
Là một dạng rối loạn ăn uống đặc trưng bởi chỉ số khối cơ thể thấp, người gầy ốm; có nhận thức “méo mó” về vóc dáng cơ thể và rất sợ tăng cân. Bệnh thường gặp ở phụ nữ hơn. Những người mắc chứng chán ăn này thường nhịn ăn để kiểm soát cân nặng của mình. Các biện pháp thường được dùng trong nhóm người này: tập thể dục quá mức, lạm dụng các thuốc gây chán ăn, hoặc thuốc giảm cân.
Các dấu hiệu thường thấy ở người bị chán ăn tâm lý: vóc người gầy, ốm nhưng vẫn muốn giảm cân; không dám ăn dù đang đói; luôn tránh ăn thức ăn có chất béo; tập thể dục, thể thao nhiều. Tác hại của chứng chán ăn tâm lý: da khô, tóc khô, dễ rụng, móng tay dễ gãy.
Làm việc không tập trung, mau mệt; hay bị chuột rút; loãng xương; rối loạn tiêu hoá: khó tiêu, ói, táo bón hoặc tiêu chảy; dễ bị nhiễm trùng tiết niệu, hô hấp, tiêu hoá; rối loạn thân nhiệt: thường có cảm giác lạnh; có thể rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ không đều, thiểu kinh, vô kinh.
Phát hiện và điều trị sớm giúp tăng khả năng hồi phục. Việc điều trị bao gồm điều trị các triệu chứng khác đi kèm (bổ sung dinh dưỡng, vi chất, hỗ trợ đường tiêu hoá…), kết hợp tâm lý trị liệu nhằm thay đổi những quan niệm không đúng về vóc dáng và thói ăn kiêng quá mức của bệnh nhân.
Tham vấn, giáo dục cho gia đình và bạn bè trong quá trình điều trị rất cần thiết, vì những người này có vai trò quan trọng giúp bệnh nhân thay đổi nhận thức.
Chứng cuồng ăn
Đặc trưng bởi của chứng này là sợ tăng cân nhưng rất thèm ăn và ăn nhiều thức ăn trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó có cảm giác xấu hổ nên cố gắng loại bỏ thực phẩm vừa ăn bằng cách gây nôn ói, dùng thuốc xổ, tập thể dục quá mức, bỏ bữa sau đó.
Do cố gắng loại bỏ thức ăn khỏi cơ thể, người mắc chứng cuồng ăn dễ bị thiếu dinh dưỡng và một số tác hại khác: mòn men răng, viêm tuyến nước bọt do tiếp xúc thường xuyên với axít trong chất ói ra; viêm loét dạ dày, thực quản; rối loạn cân bằng nước, điện giải, nhồi máu cơ tim trường hợp rối loạn điện giải nặng...
Các dấu hiệu thường thấy ở người mắc chứng cuồng ăn: thường đi vào nhà vệ sinh sau ăn; thường ăn riêng, tránh ăn ở chỗ đông người; sử dụng thuốc giảm cân, thuốc gây chán ăn; cố tập thể dục và tập quá mức; có biểu hiện dằn vặt, hối lỗi sau bữa ăn quá nhiều.
Theo nghiên cứu về nhận thức vóc dáng cơ thể của học sinh trung học cơ sở tại TP.HCM, có hơn 25% học sinh đánh giá không đúng về vóc dáng hiện tại của mình, 33% học sinh nữ mong muốn giảm cân mặc dù cân nặng hiện tại ở mức cân đối hoặc suy dinh dưỡng.
|
Cần phát hiện sớm và điều trị ngay vì chứng cuồng ăn gây nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong. Khoảng 10% bệnh nhân của chứng này tử vong do cơ thể suy kiệt, nhồi máu cơ tim hoặc tự tử.
Điều trị chứng rối loạn này cần có sự tác động vào nhiều mặt: y tế, dinh dưỡng và tâm lý. Hình thức thường dùng là tư vấn trực tiếp với vai trò nâng đỡ của gia đình, bạn bè trong suốt quá trình điều trị và sau đó.
Chứng ăn uống thả giàn
Những người mắc chứng này cũng thấy mặc cảm sau những bữa ăn no nê, nhưng lại không tìm cách ói ra như người mắc chứng cuồng ăn.
Dấu hiệu nhận biết là ăn lượng nhiều và liên tục, ăn không có cảm giác no. Do ăn nhiều, bệnh nhân thường bị thừa cân, béo phì, từ đó gây ra tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ trong máu, sỏi túi mật…
Hầu hết bệnh nhân không nhận ra hoặc không đi điều trị cho đến khi có tăng cân quá mức hoặc các vấn đề lớn về sức khoẻ. Việc điều trị chứng rối loạn ăn uống này thông thường dựa trên tác động tâm lý giáo dục nhằm thay đổi thói quen, một số trường hợp nặng có thể dùng thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, nhưng phải do bác sĩ khám và chỉ định.
Trong thời gian điều trị, bản thân bệnh nhân cần cố gắng xây dựng một lối sống phù hợp: ăn điều độ: bắt đầu với những bữa ăn nhỏ, ít thực phẩm; tránh bỏ bữa vì sẽ làm bệnh nhân có cảm giác đói bụng dễ gây thói quen ăn nhiều vào bữa tối để bù trừ; ăn cân đối dựa vào nhu cầu cơ thể.
Ghi nhật ký ăn uống nhằm kiểm soát được lượng thức ăn để từ đó điều chỉnh; tham gia các hoạt động thể thao, thiền, nghe nhạc… nhằm tránh suy nghĩ nhiều về việc ăn uống. Hạn chế tham gia dự tiệc hoặc ăn tại nhà hàng phục vụ thức ăn tuỳ chọn (buffet).
Theo TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn - Sài Gòn Tiếp Thị