Hotline 24/7
08983-08983

Khi răng sậm màu

Răng chuyển màu không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ khác. Vì thế, cần hiểu rõ nguyên nhân để có hướng điều trị thích hợp.

ThS-BS Trần Ngọc Phương Thảo - Khoa Kỹ thuật cao - BV Răng Hàm Mặt TPHCM cho rằng, nguyên nhân làm cho răng sậm màu thường do vết dính trên bề mặt men gây ra bởi thức ăn, thức uống, thuốc lá, do nước súc miệng (thường được gọi là nguyên nhân ngoại sinh).

Những người thường xuyên ăn trầu, uống nước chè đặc, ăn sôcôla nhiều cũng làm cho răng trở nên sậm màu. Một số người có sở thích trám lên răng những kim loại đắt tiền, do lâu ngày sự ôxy hóa kim loại làm cho răng bị ố vàng.

Mặt khác, chỗ trám kim loại trên răng là điều kiện cho các loại vi khuẩn, bợn thức ăn bám vào làm đổi màu răng và có thể làm gia tăng nguy cơ sâu răng, nhất là đối với những người vệ sinh răng miệng kém.

Cơ chế thứ hai do sự hiện diện của các chất có màu trong men hay trong ngà răng (thường được gọi là nguyên nhân nội sinh). Các chất này có thể đi sâu vào trong cấu trúc răng trước hay sau khi mọc răng.

Bên cạnh đó, sự sậm màu răng còn do nhiễm tétracycline xảy ra trong quá trình tạo ngà và là kết quả của sự tương tác kháng sinh với tinh thể hydroxyapatite trong giai đoạn khoáng hóa mô răng.


Các kháng sinh cùng nhóm với tétracycline như doxycycline, oxytétracycline, minocycline cũng gây ra sự đậm màu răng tương tự. Răng sữa có thể bị ảnh hưởng sớm nếu người mẹ dùng tétracycline sau khi mang thai 4 tháng hoặc trẻ được dùng tétracycline trước 9 tháng tuổi. Sậm màu răng sẽ xảy ra trên răng vĩnh viễn nếu trẻ dùng tétracycline trước 7 tuổi.

Răng cũng có thể sậm màu do nuốt fluor quá nhiều trong quá trình hình thành và canxi hóa men răng tạo thành những điểm hơi nâu hay trắng đục. Những trường hợp nhiễm nặng gây khiếm khuyết men nhiều hơn không thể điều trị tẩy trắng răng thông thường mà phải phối hợp phục hình răng sứ thay thế hoàn toàn men răng bị khiếm khuyết đó.

Một số bệnh rối loạn máu như erythroblastosis fetails (phá hủy hồng cầu không tương hợp yếu tố rhesus giữa mẹ và thai nhi), thalassemia… có thể làm cho răng có màu nâu xanh hay nâu đỏ.

Răng sau khi mọc bị sậm màu cũng xảy ra theo cơ chế tương tự trong trường hợp hoại tử tủy do chấn thương: việc chảy máu trong tủy dẫn đến sự xâm nhập máu vào các ống ngà. Tuổi càng cao cũng gây ra sậm màu răng do sự tích tụ ngà thứ cấp, hay do những thay đổi trên bề mặt men (mòn, nứt…) làm cho răng dễ nhiễm màu hơn.

Ngoài ra các thủ thuật nha khoa có thể gây sậm màu răng do sự phóng thích kim loại từ miếng trám amalgam hay để sót lại mô tủy trong điều trị. Yếu tố di truyền có một vai trò quan trọng trong biểu hiện màu răng.

Thông thường, các vết sậm màu răng bên ngoài này thường có thể được điều trị bằng phương pháp đánh bóng răng (đối với những người bị răng đen, vàng do khói thuốc hoặc dùng nước chè đặc lâu ngày, muốn làm cho răng trắng trở lại thường là đi lấy cao răng, cạo sạch những vùng răng bị bám đen).

Trám răng bằng vật liệu composite là cách thường được áp dụng cho những trường hợp răng mất men nhiều, đen sậm màu không có khả năng hồi phục độ sáng trắng.

Đối với sậm màu nội sinh thì cần đến phương pháp phức tạp và cao cấp hơn là phục hình răng sứ thay đổi màu răng. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại răng sứ, do đó nên tìm đến các nha sĩ có chuyên môn cao để được tư vấn kỹ, tránh tình trạng thay răng theo cảm tính, tốn tiền mà lại kém chất lượng.

Điều quan trọng là phải giữ gìn vệ sinh răng miệng. Phụ nữ mang thai cũng như trẻ ở độ tuổi mọc răng, thay răng cần có chế độ dinh dưỡng bảo đảm. Khi bị sâu răng, viêm lợi, viêm tủy răng nên điều trị sớm, tránh để bệnh nặng sẽ ảnh hưởng đến màu răng.

Theo Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X