Khi phát hiện người bị đột quỵ, cần sơ cứu thế nào?
Sơ cứu đột quỵ đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sống còn của người bệnh. Vậy nếu gặp người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần xử trí thế nào? Mời quý vị cùng nghe chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Bệnh viện Thống Nhất.
1. Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ mùa nắng nóng
Thưa bác sĩ, đột quỵ mùa lạnh thì được ghi nhận thường xảy ra vào lúc nửa đêm, rạng sáng. Vậy đối với đột quỵ mùa nắng nóng dễ xảy ra vào thời điểm nào trong ngày ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga:
Chúng ta cần phân biệt đột quỵ do tắc mạch động mạch hay do sốc nhiệt. Đột quỵ do tắc động mạch thường xảy ra vào nửa đêm hoặc rạng sáng. Đây là thời gian huyết áp ở mức thấp nhất, do đó lưu lượng máu lên não cũng ở mức thấp nhất và dễ gây ra đột quỵ.
Trường hợp đột quỵ do nhiệt, còn gọi là sốc nhiệt, thường liên quan đến nhiệt độ của môi trường như làm việc trong môi trường nắng nóng kéo dài, do đó, thời điểm dễ bị đột quỵ nhất là thời điểm nhiệt độ ở mức cao nhất. Theo thống kê, khoảng thời gian nhiệt độ cao nhất là từ 10h - 16h trong ngày.
2. Các bước sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
Nên làm gì khi gặp người nghi ngờ bị đột quỵ thưa bác sĩ (các bước sơ cứu)?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga:
Trước tiên, chúng ta cần phân biệt trường hợp này là đột quỵ do tắc động mạch hay do sốc nhiệt. Cơ chế gây bệnh của đột quỵ do tắc động mạch là một động mạch trong cơ thể bị tắc nghẽn, còn đột quỵ do sốc nhiệt là do thân nhiệt tăng quá cao (trên 40 độ C), kéo dài.
Triệu chứng của 2 loại đột quỵ này đôi khi gây nhầm lẫn, nhưng thông thường các triệu chứng này sẽ khác nhau. Một số triệu chứng đặc trưng nhận biết đột quỵ do tắc động mạch:
- Méo miệng: xảy ra đột ngột, thay đổi giọng nói, nói lớ, không phát âm được mặc dù nghe, hiểu được lời nói của người khác.
- Tê nửa người, yếu liệt nửa người, yếu tay
Trường hợp sốc nhiệt thì triệu chứng thường: nhức đầu, rối loạn tiêu hóa (nôn ói), vã mồ hôi, da khô nóng, da khô tái. Ngoài ra, những biểu hiện khác như chuột rút, mệt mỏi toàn thân, bủn rủn tay chân. Trường hợp sốc nhiệt nặng thì bệnh nhân có biểu hiện lú lẫn, co giật, nặng hơn là hôn mê.
3. Những thao tác sơ cứu đột quỵ sai
Trong quá trình công tác, theo kinh nghiệm của bác sĩ, những sai lầm thường gặp khiến tình trạng người bệnh đột quỵ trở nặng hơn là gì ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga:
Đối diện với trường hợp đột quỵ, những người xung quanh cần sơ cứu bệnh nhân và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có thể can thiệp đột quỵ.
Việc sơ cứu nhằm mục đích giữ an toàn cho bệnh nhân trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của y tế. Những biện pháp sơ cứu giúp bệnh nhân an toàn đó là:
- Đưa bệnh nhân tới nơi an toàn: nếu một bệnh nhân đang đột quỵ trên đường thì phải đưa bệnh nhân vào lề đường hoặc vào nhà.
- Nếu bệnh nhân hôn mê, co giật hoặc nôn ói thì chúng ta phải giữ bệnh nhân ở tư thế an toàn để chất nôn ói không đi vào đường thở, gây tắc đường thở. Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng.
- Cần gọi ngay hệ thống cấp cứu 115 để được sự hỗ trợ về y tế. Hệ thống cấp cứu 115 sẽ nhận diện được bệnh nhân bị đột quỵ do tắc động mạch hay do nhiệt và vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có thể điều trị đột quỵ cấp.
4. Xử trí khi bệnh nhân đột quỵ bị tăng huyết áp
Một trong những lời khuyên quan trọng nhất của bác sĩ là trong sơ cứu đột quỵ không được tùy tiện cho bệnh nhân uống các loại thuốc, bao gồm cả thuốc hạ huyết áp. Vì sao như vậy thưa bác sĩ? Những trường hợp có sẵn bệnh nền tăng huyết áp, nếu huyết áp liên tục tăng trên 200-220mmHg thì nên xử trí thế nào?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga:
Chúng ta biết rằng đột quỵ có 2 thể, trong đó có nhồi máu do tắc động mạch và đột quỵ xuất huyết não do vỡ mạch máu não. Khoảng 80% các trường hợp bị nhồi máu não.
Việc xử trí huyết áp trong 2 trường hợp đột quỵ này là khác nhau. Trong trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết não thì phải đưa mức huyết áp xuống mức an toàn để tránh việc xuất huyết tiến triển nặng. Trong khi đó, nếu trường hợp bị nhồi máu não mà chúng ta điều trị hạ áp nhanh chóng và quá mức thì sẽ làm giảm lượng máu lên não, tình trạng đột quỵ sẽ nặng hơn.
Do đó, trường hợp chúng ta nhận định bệnh nhân bị nhồi máu não thì chỉ xử trí huyết áp trong một số tình huống huyết áp tăng quá cao (trên 220/120mmHg). Hoặc mức huyết áp dưới 220/120mmHg nhưng gây ra tổn thương ở cơ quan khác như tim, thận thì chúng ta có thể xử trí hạ áp cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc hạ áp cho bệnh nhân cần có sự giám sát về y tế, tức là không nên tự ý sử dụng thuốc hạ áp ngậm dưới lưỡi, bởi vì khi sử dụng chúng ta sẽ không biết huyết áp sẽ hạ tới mức bao nhiêu và khi hạ huyết áp quá thấp thì không thể đảo ngược tình huống. Do đó, chúng ta không nên tự ý hạ huyết áp cho bệnh nhân mà không có sự giám sát y tế.
5. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến người có nguy cơ mắc đột quỵ
Trời nắng nóng là nỗi lo của những người có yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu … Xin hỏi bác sĩ, thời tiết mùa hè ảnh hưởng như thế nào đến những người mắc các bệnh này để gây ra đột quỵ? Vậy trong thời điểm này, những người có yếu tố nguy cơ cần làm gì để phòng bệnh tốt hơn?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga:
Trong mùa hè, nếu chúng ta lao động, sinh hoạt trong môi trường nóng kéo dài mà không bổ sung nước thì sẽ dễ bị mất nước, bởi khi đó cơ thể sẽ đổ nhiều mồ hơi, thở nhanh để thải nhiệt trong cơ thể ra ngoài. Trong trường hợp chúng ta không bổ sung nước thì cơ thể sẽ mất nước và thể tích tuần hoàn sẽ giảm đi, máu sẽ cô đặc hơn bình thường. Đó là cơ hội để hình thành huyết khối trong lòng mạch, đặc biệt là những người đã có bệnh lý về mạch máu như hẹp mạch, xơ vữa động mạch, bệnh lý về mạch vành, tim mạch.
6. Những người có yếu tố nguy cơ cao thì trong ngày nắng nóng cần lưu ý điều gì?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga:
Người có nhiều yếu tố nguy cơ là người lớn tuổi có nhiều bệnh nền. Trong thời tiết nóng thì nên uống nhiều nước để giúp cơ thể thải nhiệt. Nếu có luyện tập thể dục thì nên lựa chọn môi trường mát, có bóng râm và không đi ra ngoài môi trường trong khung giờ nhiệt độ cao (từ 10h - 16h), nếu đi ra ngoài trời nắng thì nên đội mũ, mang theo chai nước.
7. Có phải thuốc dự phòng đột quỵ càng đắt tiền càng tốt?
Nhiều người tin rằng có thuốc phòng ngừa đột quỵ nên dù rất đắt lên đến hàng triệu đồng cũng mua phòng thủ trong nhà. Trong chương trình hôm nay, bác sĩ có lời khuyên gì cho khán thính giả trước những thông tin này ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga:
Đột quỵ là bệnh có biện pháp dự phòng. Những biện pháp dự phòng đột quỵ được chứng minh có hiệu quả là kiểm soát những yếu tố nguy cơ như ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, điều chỉnh rối loạn lipid máu, hạn chế thuốc lá, rượu bia,...
Đối với người có tiền sử về tim mạch hoặc đột quỵ thì phải có thuốc dự phòng trường hợp tái phát như thuốc chống đông, nhằm phòng ngừa sự tạo thành huyết khối trong lòng mạch, ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
Như vậy, chúng ta có những loại thuốc dự phòng đã được chứng minh hiệu quả. Chúng ta nên sử dụng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ.
8. Lợi ích của sản phẩm hỗ trợ đột quỵ
Trên thị trường có nhiều sản phẩm hỗ trợ đột quỵ từ Nattokinase và việc tìm hiểu các tiêu chí chọn sản phẩm được kiểm chứng, được chứng nhận từ hiệp hội Nattokinase Nhật Bản từ các công ty dược uy tín sẽ giúp ích gì cho người dùng?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga:
Thuốc dùng để phòng ngừa đột quỵ thường là những loại thuốc giúp chống hình thành huyết khối trong lòng mạch. Vậy thì những loại thuốc đó có tác dụng phòng ngừa và ngăn chặn đột quỵ.
Ngoài ra, có một số sản phẩm hỗ trợ để ngăn ngừa sự tạo thành huyết khối. Những sản phẩm hỗ trợ này giúp hỗ trợ đến chức năng của những cơ quan có nguy cơ, dễ bị tổn thương và tăng đề kháng, bổ sung dinh dưỡng.
Những sản phẩm này được sự cấp phép của những cơ quan y tế có thẩm quyền. Những sản phẩm này chỉ hỗ trợ điều trị và không thể thay thế thuốc điều trị đột quỵ.
9. Lời khuyên của bác sĩ dành cho người người có nguy cơ bị đột quỵ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga:
Lời khuyên với những người lớn tuổi, người có tiền sử đột quỵ hoặc người có nguy cơ đột quỵ là trong mùa nắng nóng, nên tuân thủ chế độ điều trị, chế độ điều trị dự phòng, uống nhiều nước, luyện tập thể dục thích hợp trong môi trường mát mẻ.
Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình