Hotline 24/7
08983-08983

Khám và điều trị sàn chậu sau sanh - vấn đề quan trọng không thể bỏ qua

Tại Lầu 2, Khoa khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương có Đơn vị Niệu sàn chậu sẽ khám ưu tiên cho những phụ nữ sau sanh. Quá trình thăm khám diễn ra như một cuộc khám phụ khoa thông thường, không gây khó khăn hay đau đớn. Vì vậy, chị em phụ nữ đừng ngần ngại mà hãy chăm sóc để sàn chậu được tốt hơn, thậm chí tốt hơn trước khi tổn hại.

Trong bài viết này hai chuyên gia của Bệnh viện Hùng Vương sẽ chia sẻ các thông tin liên quan đến bệnh lý sàn chậu sau sanh. Được biết, PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương là chuyên gia được các chị em, người bệnh “săn đón”, tìm kiếm nhiều trên AloBacsi. Ông có gần 30 năm công tác tại Bệnh viện Hùng Vương với nhiều cương vị, đồng thời còn là người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ tại nhiều bệnh viện. Với kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, chuyên gia đã ứng dụng các phương pháp trong điều trị và cứu sống nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những trường hợp được xem là rất hiếm gặp.

Cùng với đó là ThS.BS Trần Thị Bảo Châu. Bà công tác tại Bệnh viện Hùng Vương ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM. Trải qua nhiều năm không ngừng học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm, hiện tại ThS.BS Trần Thị Bảo Châu là Phó Trưởng khoa khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương và hằng tuần tham gia khám bệnh tại phòng khám chuyên gia (khám thai, phụ khoa, tiền mãn kinh-mãn kinh, khám tư vấn bệnh lý niệu sàn chậu, kế hoạch gia đình). BS Bảo Châu còn đạt giải nhất trong các cuộc thi bác sĩ chuyên nghiệp Bệnh viện Hùng Vương năm 2019 và năm 2022.

1. Có cách nào để ngăn chặn hoặc phục hồi các bệnh lý sàn chậu sau sanh?

Chúng ta liệu có cách nào để ngăn chặn các bệnh lý sàn chậu, phục hồi cho sàn chậu cho phụ nữ sau sanh hiệu quả, thưa BS? Nếu có thì đó là những giải pháp nào ạ?

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Trong quá trình mang thai nếu cân nặng người phụ nữ không gia tăng quá mức thì áp lực đã giảm bớt, tỷ lệ rất thấp so với nhóm tăng cân nhiều.

Nếu gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hóa do ăn uống trong quá trình mang thai như bị táo bón, tăng áp lực thường xuyên, tăng cân nặng,… sẽ gặp nhiều tổn hại hơn.

Trong những lần mang thai sau, nguy cơ có thể cao hơn nếu lần mang thai đầu tiên không chú ý, cho rằng còn trẻ nên bỏ qua. Nhóm có triệu chứng trước khi mang thai như són tiểu ở mức độ tăng gắng sức và không điều trị, đến lần mang thai sau tổn hại sẽ tích lũy và gia tăng lên. Nếu trước đó đã can thiệp, điều trị thì lần mang thai sau sẽ đỡ bị nặng hơn.

Trong lúc sanh, cách thở, phối hợp sức rặn của thai vụ giúp cuộc sanh diễn ra thuận lợi và rút ngắn thời gian, từ đó ít tổn hại sàn chậu hơn. Vì vậy, hiện nay ở các bệnh viện tổ chức những lớp học tiền sản để thai phụ biết trong quá trình chuyển dạ, cuộc chuyển dạ như thế nào, khi nào nên hít sâu, rặn hay dùng sức. Như vậy, sẽ giúp giảm tổn hại sàn chậu ở mức thấp nhất và phục hồi sau đó thuận lợi hơn.

Một số đơn vị hiện nay phát triển nhằm mục tiêu phát hiện tổn hại sàn chậu ở mức độ sớm nhất. Sau đó hướng dẫn tập luyện. Vì sàn chậu cấu trúc bởi các lớp cơ, nhưng không lộ ra ngoài như bắp tay, bắp chân hay cơ bụng có thể nhìn thấy và tập dễ dàng.

Hiện nay, có những phương pháp giúp người phụ nữ trong quá trình tập luyện biết được vùng sàn chậu của mình co lại và co như thế nào, co theo nhịp thở,… gọi là những phản hồi sinh học. Nếu người phụ nữ biết cách tập, vùng sàn chậu không những phục hồi mà còn cải thiện và tốt hơn.

Trong cuộc sống hay ngành y chữ “nguy cơ” là trong “nguy” lại có “cơ”. Tức là cơ hội để tái tạo lại phần bị tổn hại, thậm chí sau tái tạo phần đó còn tốt hơn.

2. Kiểm tra sàn chậu sau sanh gồm những gì, khi nào nên thực hiện?

Việc thăm khám sức khỏe sau sanh, đánh giá chức năng sàn chậu là điều rất quan trọng để phát hiện sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả. Nhờ BS chia sẻ thêm:

- Tại Bệnh viện Hùng Vương triển khai thăm khám sức khỏe - kiểm tra sàn chậu cho các chị em phụ nữ sau sanh như thế nào? Thời điểm tốt nhất để thăm khám là khi nào?

- Quy trình thăm khám, tư vấn và các cận lâm sàng chị em nên làm trong giai đoạn này đánh giá chức năng sàn chậu cũng như phát hiện sớm bệnh lý sàn chậu gồm những gì, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Bảo Châu trả lời: Các thai phụ sau khi xuất viện được hẹn tái khám. Bên cạnh đó, trước khi sanh và trước khi xuất viện 2 - 3 ngày bệnh viện sẽ khám 1 lần để kiểm tra chức năng sàn chậu, từ đó có những hướng tư vấn điều trị phù hợp nếu có rối loạn.

Các mốc thời gian quan trọng là từ 4 - 6 tuần sau sanh và không trễ hơn 3 tháng. Vì phát hiện và điều trị càng sớm hiệu quả sẽ càng cao. Các bác sĩ sẽ thăm khám, điều trị, tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ, ngừa thai sau sanh, quan hệ tình dục hoặc rối loạn về tâm lý sau sanh,… song song với khám sàn chậu, khám tổng quát để đánh giá những biến đổi trong thai kỳ như tăng huyết áp, tiểu đường, phục hồi cân nặng, chế độ dinh dưỡng sau sanh.

Vấn đề quan trọng là đánh giá sàn chậu. Thăm khám để kiểm tra sau khi sanh vết thương tầng sinh môn có lành hay không? Lành có tốt không và chức năng có bị thay đổi không? Để từ đó đưa ra những giải pháp điều trị phù hợp nhất.

Tại Lầu 2, Khoa khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương có Đơn vị Niệu sàn chậu sẽ khám ưu tiên cho những phụ nữ sau sanh. Khi đến sẽ được khám rất nhanh, gọn để các chị em về chăm sóc con, cho con bú. Đối với các chị em không sanh tại Bệnh viện Hùng Vương, cũng có thể đến khám sau sanh để được ưu tiên.

Các chị em có thể đăng ký khám trực tiếp hoặc qua fanpage của bệnh viện (có số điện thoại và link đăng ký). Mặc dù khám sàn chậu có thể dùng các dụng cụ đặc biệt để đánh giá chức năng của các cơ sàn chậu sau sanh nhưng quá trình thăm khám hoàn toàn diễn ra như một cuộc khám phụ khoa sẽ không gây khó khăn hay đau đớn.

3. Có phải phụ nữ nào sau khi sanh cũng cần khám sàn chậu?

Vậy có phải bất kỳ người phụ nữ nào sau khi sanh cũng đều cần khám sàn chậu, hay chỉ những người có nguy cơ cao mới cần kiểm tra? Các chị em nên chuẩn bị gì trước khi khám chức năng sàn chậu sau sanh, thưa BS?

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Có 2 nhóm bệnh nhân: Nhóm một, sau sanh lần thứ nhất (con so). Nếu có một cuộc sanh khó khăn (ghi nhận trong hồ sơ), tăng cân rất nhiều (nguy cơ tổn hại sàn chậu) nên đi khám.

Nhóm hai, đã sanh nhiều lần (từ 2 lần trở lên), càng sanh nhiều càng có nguy cơ. Nếu có thể nên đến Đơn vị Niệu sàn chậu để phát hiện sớm, đừng đợi đến khi có triệu chứng.

Việc hướng dẫn cho bệnh nhân cách phòng ngừa và phục hồi sàn chậu ngay từ khi mang thai thông qua các bài tập ở lớp tiền sản rất quan trọng. Tại đây sẽ hướng dẫn các động tác tập gần giống yoga vì tập nhẹ nhàng, mềm mại, hướng dẫn hít thở, tập cách giãn cơ, gồng cơ, giữ các hơi thở trong lúc vận động và tập trung vào những nhóm cơ mong muốn sẽ có ảnh hưởng.

Không chỉ tập trong lúc mang thai mà sau sanh 2 tuần đầu tiên vùng hội âm và vùng tầng sinh môn đang phục hồi nên có thể tập luyện nhẹ nhàng, cho đến các bài tập có sự thay đổi tim nhanh hơn hoặc áp lực tăng lên trước khi quay lại tái khám (thời điểm 4 - 6 tuần).

Tóm lại, những người có vấn đề trong lúc sanh nên đi khám ở Đơn vị Niệu sàn chậu, ngoài đi khám thông thường. Đối với những người sanh nhiều lần nên khám về sàn chậu để được phát hiện và hướng dẫn sớm (can thiệp không dùng thuốc) sẽ mang lại lợi ích rất nhiều.

Khi mang thai, sàn chậu đã bắt đầu chịu áp lực và có ảnh hưởng nên việc phát hiện sớm sẽ tốt hơn. Quá trình thăm khám rất thuận lợi cho chị em phụ nữ, chỉ cần chuẩn bị tâm thế. Vì tâm lý phụ nữ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng rất ngại ngùng khi đi khám và ngại đến mức không thăm khám.

Chỉ có 30% phụ nữ gặp vấn đề về sàn chậu cần thăm khám nên không thể vừa khám sau sanh thông thường vừa khám đơn vị sàn chậu cho toàn bộ phụ nữ mà cần phân luồng. Nhiều người vì không có thời gian, bận rộn, chăm con,… nên không dành thời gian chăm chút đến sàn chậu, kể cả những thăm khám thông thường cũng không.

Hoặc người chồng ngại đưa vợ đi khám. Tuy nhiên sàn chậu có chức năng rất quan trọng trong cuộc sống là chức năng tình dục nên nếu người phụ nữ phục hồi sàn chậu, biết chăm sóc sàn chậu đúng cách thì cả 2 vợ chồng đều có lợi. Hy vọng qua chương trình này, chị em hãy biết chăm sóc để sàn chậu được tốt hơn, thậm chí tốt hơn trước khi tổn hại.

4. Điều trị bệnh lý sàn chậu sau sanh như thế nào, có khỏi hoàn toàn không?

Nếu phát hiện các rối loạn, bệnh lý sàn chậu sau sanh, người phụ nữ sẽ được điều trị như thế nào và tình trạng này có thể chấm dứt hoàn toàn không, thưa BS? Trường hợp nào có thể điều trị nội khoa, thay đổi thói quen sinh hoạt và trường hợp nào cần phẫu thuật?

ThS.BS Trần Thị Bảo Châu trả lời: Các chị em có thể an tâm vì bệnh lý sàn chậu có thể xảy ra nhưng hoàn toàn dự phòng và điều trị được nếu chúng ta quan tâm, đi khám và điều trị đúng thời điểm, đúng cách.

Bất kỳ một rối loạn nào trên cơ thể, đặc biệt là phụ nữ ở vùng sàn chậu, vùng niệu, sinh dục, hậu môn, trực tràng khi có thay đổi nên đi khám sớm để điều trị sớm vì phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu không biết cách để phòng bệnh thì hãy đi khám để bác sĩ tư vấn giải pháp, đưa ra các phương pháp phòng bệnh phù hợp giúp việc điều trị sau này đỡ tốn thời gian, đỡ kéo dài và hạn chế tốn kém hơn.

Có rất nhiều cách để điều trị bệnh lý sàn chậu: Trường hợp điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) là khối sa sinh dục, khối sa ra ở âm đạo, âm hộ, cửa mình,… ở mức độ nặng (độ 3, độ 4) theo đánh giá của bác sĩ.

Những trường hợp khối sa nhẹ hoặc rối loạn chức năng sàn chậu chỉ liên quán đến són tiểu, són phân có thể điều trị nội khoa (không phẫu thuật) bằng nhiều cách như thay đổi chế độ sinh hoạt, thay đổi lối sống, giảm những việc tăng áp lực ổ bụng (làm việc nặng nhọc) hoặc giảm cafe, thuốc lá (yếu tố nguy cơ góp phần tăng bệnh lý sàn chậu).

Ngoài ra, có những điều trị nội khoa khác như các bài tập cơ sàn chậu. Bên cạnh đó, còn có thuốc để hỗ trợ chị em thoa hoặc đặt ở vùng hội âm, vùng âm đạo để giảm bớt tình trạng rối loạn sàn chậu.

5. Điều trị nội khoa có ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ không và cần lưu ý gì nếu mắc bệnh lý sàn chậu sau sanh?

Trong điều trị nội khoa, người phụ nữ cần tuân thủ những nguyên tắc nào? Việc điều trị này có ảnh hưởng đến chất lượng sữa của người phụ nữ đang nuôi con nhỏ?

- Các thói quen sinh hoạt nào cần thiết lập nếu mắc bệnh lý sàn chậu sau sanh, thưa BS? Chế độ dinh dưỡng nên tăng cường ăn gì và hạn chế thực phẩm nào?

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Hiện nay, việc nuôi con bằng sữa mẹ được sự ủng hộ của toàn thế giới. Vì lợi ích đem lại rất lớn và phải cho em bé bú ít nhất 6 tháng.

Trong lúc đang mang thai, sau sanh và cho con bú, chị em phụ nữ đều có thể mắc tất cả các bệnh mà khi không mang thai gặp phải. Ví dụ như sốt do nhiễm siêu vi, viêm họng, viêm ruột thừa hay tai nạn,… khi đó chắc chắn phải dùng thuốc.

Chị em phụ nữ nên yên tâm vì nếu đang cho em bé bú mà bác sĩ kê thuốc sẽ luôn luôn có các cảnh báo về sự ảnh hưởng đến em bé, thậm chí không liên quan đến hoạt chất nhưng ảnh hưởng đến mùi vị bác sĩ cũng không cho uống.

Miễn là không tự mua thuốc uống hoặc tin vào “doctor Google”. Người bệnh nên đến bệnh viện vì các bác sĩ biết phải lựa chọn thuốc gì để không ảnh hưởng đến quá trình nuôi con, cho con bú.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý sàn chậu là tăng cân quá mức, vì vậy phải giảm cân, có chế độ ăn phù hợp cho người đang mang thai nhưng có nguy cơ tăng cân quá mức hoặc dư cân. Tuy nhiên, không nên giảm cân cấp tốc vì khi cho em bé bú mẹ cần có sức khỏe, năng lượng để có sữa cho bé bú.

Trong quá trình mang thai, cơ thể phụ nữ có nội tiết tố progestogen để bảo vệ thai, giúp co tử cung không xảy ra quá sớm hoặc không đúng thời điểm, tuy nhiên làm ruột không co thắt dẫn đến táo bón (do nội tiết trong lúc mang thai). Sau khi sanh, một số người vẫn bị táo bón. Để không tăng áp lực bụng, không bị táo bón nên ăn bơ, đủ đủ,… Bên cạnh đó, phải uống đủ nước, giúp tạo nguồn sữa. Một ngày tối thiểu 2 - 2,5 lít nước.

Nhiều người rất vất vả mưu sinh, trước khi mang thai, trong khi mang thai hoặc sau sanh phải làm các việc nặng nhọc. Tuy nhiên phải tìm cách để bảo vệ sàn chậu, tránh các công việc quá nặng. Những người thân xung quanh và rộng hơn là xã hội phải giúp đỡ người phụ nữ để họ có cơ hội giữ sàn chậu không bị tổn thương, sau này không bị sa sinh dục, són tiểu, tiểu không kiểm soát thì chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn.

Về vận động sau khi sanh, 6 tuần đầu tiên là thời kỳ có nhiều biến cố, chưa trở lại bình thường. Lúc đó, cơ thể cần sự phục hồi tối thiểu về cấu trúc cơ, cấu trúc bao xung quanh cơ, collagen,… Tối thiểu trong 6 tuần này, thực hiện các sinh hoạt bình thường nhưng các vận động nặng, vận động nhiều không được khuyến cáo.

Sau sanh cần lưu ý thời kỳ hậu sản, rất quan trọng. Vì có thể xảy ra nhiều biến cố quan trọng về mặt phục hồi, nguy hiểm, tỷ lệ tai biến, biến chứng, thậm chí tử vong. Vì vậy, bệnh viện luôn hẹn tái khám trong 4 - 6 tuần. Nếu không có điều kiện thăm khám về sàn chậu, cũng nên đến tái khám vì có thể phát hiện những bệnh nguy hiểm hơn trong giai đoạn này.

Phần 1: Ghi nhớ thời điểm cần thăm khám sàn chậu sau sinh, ngăn ngừa són tiểu - són phân

Phần 2: Bài tập cơ sàn chậu phục hồi sau sinh hiệu quả phụ nữ cần biết

Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 4 chủ đề:

Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ

Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại

Viêm âm đạo và những điều cần biết

Bệnh lý sàn chậu sau sinh - Dự phòng và điều trị

Kỳ 5 sẽ phát sóng vào lúc 19h, thứ 4, ngày 17/4/2024 với chủ đề "Viêm gan siêu vi B và thai kỳ: Những điều nên làm để sinh con khỏe mạnh" trên AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương. Mời bạn đọc đón xem.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X