Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM
Vai trò của dinh dưỡng đối với hệ thống miễn dịch?
Câu hỏi
Xin chào bác sĩ! Em có câu hỏi mong được bác sĩ giải đáp. Trong cuộc sống hàng ngày dinh dưỡng là điều rất cần thiết, nhưng chúng có vai trò và tác động như thế nào đến hoạt động của hệ miễn dịch ạ? Em cảm ơn.
Trả lời
Dinh dưỡng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn
Chào bạn,
Để chống lại tác nhân gây bệnh, cơ thể chúng ta có 2 hàng rào quan trọng.
Đầu tiên là hàng rào vật lý gồm có da, tế bào niêm mạc, lớp màng nhầy nằm ở niêm mạc, hầu họng, đường tiêu hóa, hô hấp. Để có thể vượt qua hàng rào này, các tác nhân gây bệnh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn.
Thứ 2 là hàng rào sinh học gồm có 2 phần. Thứ nhất là các tế bào bạch cầu, tế bào bạch cầu đa nhân hoặc đại thực bào... giúp chống lại tác nhân gây bệnh khi nó đã vượt qua được hàng rào vật lý vào cơ thể. Ngoài ra, chúng ta còn có hệ thống quan trọng hơn, đó chính là các kháng thể được sản xuất ra để bảo vệ cơ thể.
Dinh dưỡng sẽ cung cấp năng lượng để giúp các tế bào của hệ thống miễn dịch tồn tại và hoạt động hiệu quả.
Dinh dưỡng sẽ cung cấp nguyên liệu để sản xuất ra các tế bào miễn dịch, các kháng thể. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu để bảo vệ các tế bào trong hệ thống miễn dịch cũng như sửa chữa bù đắp tổn thương của các tế bào miễn dịch trong quá trình chống lại các tác nhân gây bệnh.
Ví dụ như bạch cầu có vai trò chống lại tác nhân gây bệnh. Khi nó bắt các vi khuẩn và bị tổn thương trong quá trình đấu tranh thì lúc này sẽ cần các nguyên liệu để hàn gắn màng tế bào. Nếu hệ miễn dịch hoạt động tốt sẽ giúp tiến trình “lành thương” tốt hơn.
Và dinh dưỡng là một yếu tố tác động tích cực để hệ miễn dịch hoạt động hoàn hảo. Hay nói cách khác, nếu có một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt, thể hiện hết các chức năng của nó, nâng cao sức đề kháng. Từ đó giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Kể cả khi mắc bệnh nhiễm trùng rồi cũng sẽ giúp hạn chế, giảm thiểu khả năng xảy ra biến chứng. Nhờ có sức đề kháng tốt sẽ giúp lành bệnh nhanh hơn, thời gian phải nằm viện ngắn lại.
Nhất là đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, những người bị các bệnh lý khiến hệ thống miễn dịch suy giảm, hoặc có các bệnh lý nền, nếu có sức đề kháng tốt thì khả năng nhiễm bệnh sẽ thấp hơn, giảm thiểu nguy cơ và tác hại của biến chứng, giảm nguy cơ tử vong, bạn nhé.
Thân mến.
(Trích từ Livestream BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp hướng dẫn cách ăn uống để tăng sức đề kháng trước dịch COVID-19)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình