Hotline 24/7
08983-08983

Tê tay sau khi ngủ dậy, nguyên nhân do đâu?

Câu hỏi

Chào bác sĩ,con có câu hỏi muốn nhờ bác sĩ tư vấn. 

Cách đây một tháng có một ngày vào buổi sáng con thức dậy thì tay phải của con bị ngay cổ tay, nó cụp xuống và không thể cử động được nữa, các ngón tay thì hơi co lại một nửa và không thể duỗi lên trên được. Chỉ có thể co lại và ngón cái thì khó hoạt động, tay con vẫn còn cảm giác chỉ có những triệu chứng như vậy thôi. Con đi bác sĩ thì bác sĩ cũng chỉ nói để từ từ máu nó lưu thông lại là sẽ hoạt động lại thôi nhưng con cảm giác không nghĩ như vậy.

Bác sĩ làm ơn cho con biết con bị gì và con phải làm như thế nào để tay con trở lại bình thường để con còn có thể đi làm lo cho cuộc sống của con.

Hiện tại con không ở Việt Nam nên con không có thể đi khám, con rất mong bác sĩ giúp cho con, con chân thành cảm ơn bác sĩ nhiều!

(Nguyễn lam Ngọc - 09066…)

Trả lời

Tê tay sau khi ngủ dậy, nguyên nhân do đâu?Tay có cảm giác tê sau khi khi ngủ dậy có thể do nhiều nguyên, cần xác định đúng để từ đó khắc phục kịp thời

Chào bạn Lam Ngọc,

Tê tay sau khi ngủ dậy là hiện tượng các khớp ngón tay, cổ tay, bàn tay, thậm chí cả cánh tay bị tê cứng, mất cử động. Những cơn tê tay có thể diễn tiến nặng thành các cơn đau và lan ra vùng chi xung quanh. Nguyên nhân của hiện tượng này rất đa dạng, nhưng bao gồm 2 nhóm chính:

- Nguyên nhân sinh lý:

+ Do tư thế ngủ: tư thế nằm ngủ không thoải mái, nằm bất động trong thời gian dài, đặc biệt là tư thế nằm ngủ tì đầu lên tay sẽ gây chèn ép các mạch máu và các thần kinh chi phối cơ tay-cánh tay khiến tay bị thiếu máu nuôi, có biểu hiện dị cảm, thậm chí có thể mất vận động tạm thời. Tuy nhiên, tình trạng này có thể phục hồi nhanh nếu như tuần hoàn được tái lập vè chèn ép được giải thoát.

+ Do căng thẳng, thiếu ngủ: trạng thái căng thẳng tâm lý thường xuyên, thường kèm với mất ngủ sẽ làm não bộ luôn ở trạng thái stress. Khi đó, hoạt động chi phối các cử động ở chi sẽ bị ảnh hưởng, khiến bệnh nhân có cảm giác tê tay chân khi thức dậy.- Nguyên nhân bệnh lý:

+ Hội chứng ống cổ tay: Đây là tình trạng thường gặp ở các bệnh nhân có công việc thường xuyên phải sử dụng cổ tay hoặc ở phụ nữ mang thai. Nếu không điều trị hiệu quả, tình trạng tê tay, mất vận động có thể lan rộng gây ảnh hưởng nặng nề sinh hoạt.

+ Bệnh lý thần kinh ngoại biên: thường hay gặp là tình trạng đái tháo đường không kiểm soát gây biến chứng thần kinh ngoại biên. Các dây thần kinh chi phối vận động các chi có sợi trục được bao phủ bởi myelin. Đường huyết tăng cao và liên tục có thể là tác nhân gây phá hủy myelin gây bệnh lý thần kinh ngoại biên, biểu hiện là hiện tượng rối loạn cảm giác ( tê, châm chích, nóng rát…) kèm mất vận động chủ yếu đầu xa của các chi (kiểu mang găng mang vớ).

+ Các bệnh lý khớp viêm: các tình trạng bệnh lý xương khớp do cơ chế viêm thường gây cứng khớp, giảm vận động khớp buổi sáng, có thể kéo dài hơn 1 tiếng. Tình trạng bệnh lý khớp viêm ảnh hưởng đến các khớp nhỏ ngoại biên như cổ tay, ngón tay thường gặp nhất là viêm khớp dạng thấp (thấp khớp).

+ Thiếu hụt các chất điện giải, các khoáng chất: tình trạng hạ calci máu, hạ kali máu, thiếu vitamin D hoặc một vài vitamin nhóm B có thể gây ra tình trạng tê cứng tay chân khi ngủ dậy. Nguyên nhân gây thiếu hụt có thể là do chế độ dinh dưỡng không cân đối (ví dụ chế độ ăn chỉ có thịt hoặc tinh bột mà thiếu rau củ) hoặc có thể do các tình trạng bệnh lý tiềm tàng (ví dụ như cường aldosterone gây hạ kali máu kéo dài).

+ Bệnh lý tim mạch do xơ vữa: đây là nhóm các bệnh lý về tim mạch, tác động chủ yếu lên hệ mạch máu, do cơ chế hẹp hoặc tắc nghẽn lòng các mạch máu liên quan đến các mảng xơ vữa trong lòng mạch. Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá.

+ Các nguyên nhân khác: nhiều tình trạng bệnh lý tự miễn tác động lên mạch máu hoặc thần kinh hoặc khối u chèn ép thần kinh cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng tê tay chân sau ngủ dậy, mặc dù hiếm gặp hơn.

Do đó, để tìm nguyên nhân và can thiệp điều trị, bác sĩ cần phải thăm khám tổng quát và hỏi rõ tiền sử bản thân, gia đình để đánh giá và xem xét chỉ định cận lâm sàng phù hợp.

Nếu đã áp dụng các biện pháp điều chỉnh yếu tố sinh lý liệt kê ở trên mà vẫn không cải thiện, bạn nên sắp xếp khám bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh bạn nhé!

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X