Hotline 24/7
08983-08983

Suy giãn tĩnh mạch sâu có phải do nhảy dây, chạy bộ?

Câu hỏi

BS cho tôi hỏi, suy giãn tĩnh mạch sâu có phải do nhảy dây và chạy bộ không? Tôi bị sưng ở mắt cá chân, nhảy dây chạy bộ có làm suy giãn tĩnh mạch nặng hơn không bác sĩ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa

Chào bạn,

Suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới không phải do nhảy dây và chạy bộ gây nên. Ngược lại, người bị suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới còn được khuyến khích đi bộ, chạy bộ để cải thiện bệnh, nhưng cần phải thực hiện đúng cách.

Để điều trị hiệu quả bệnh suy giãn tĩnh mạch chân cần kết hợp nhiều biện pháp thay đổi lối sống như tập thể dục, giảm cân, vật lý trị liệu, kê cao chân khi nghỉ, hay mang vớ áp lực tĩnh mạch. Trong đó, thay đổi lối sống và mang vớ áp lực tĩnh mạch đóng vai trò nền tảng, tiếp theo mới đến sử dụng thuốc và can thiệp thủ thuật.

Người bị suy giãn tĩnh mạch chân có nên chạy bộ hay đi bộ không? Câu trả lời là có. Khi bạn nhấc gót lên cao để đi bộ, máu từ đám rối tĩnh mạch phía dưới gót chân và lòng bàn chân sẽ được đẩy vào các tĩnh mạch sâu của vùng cẳng chân. Sau đó, động tác co cơ bắp chân giúp đẩy máu đi lên tĩnh mạch vùng đùi. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, lượng máu về tĩnh mạch nhiều hơn rồi trở về tim.

Sự co cơ khi đi bộ sẽ giúp quá trình bơm máu của tĩnh mạch diễn ra hiệu quả hơn bao giờ hết. Lực co của cơ trong hệ tĩnh mạch sâu đo được khi vận động cao hơn nhiều so với khi đứng yên. Từ đó, máu được đẩy về tim một cách dễ dàng, giảm tình trạng tắc nghẽn cũng như áp lực ở các tĩnh mạch nông.

Hầu hết bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch đều nhận thấy các triệu chứng bệnh được cải thiện rõ rệt sau một thời gian đi bộ và thay đổi lối sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bị suy tĩnh mạch mạn tính đi bộ ít hơn 10 phút/ngày có nguy cơ tiến triển đến loét chân cao hơn những người duy trì vận động trên 10 phút/ngày. Chính vì thế, các Hiệp hội phẫu thuật mạch máu trên thế giới đều khuyến cáo bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nên đi bộ đều đặn mỗi ngày.

Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của mỗi người sẽ khác nhau, nên bệnh nhân có bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới cần lưu ý những điều sau trong quá trình chạy bộ:

- Nếu bạn chưa có thói quen đi bộ thì nên bắt đầu với tốc độ vừa phải với quãng đường ngắn, sau đó tăng dần cự ly.

- Nên đi bộ hoặc chạy bộ trên mặt phẳng mềm như đường đất, đường cỏ… để cơ thể không bị sốc mỗi khi chân tiếp đất. Đồng thời, không chạy bộ trên đường bê tông hoặc bề mặt cứng vì sẽ khiến triệu chứng suy giãn tĩnh mạch nặng hơn.

- Lựa chọn giày chạy bộ vừa chân, không được quá chật và phải có đệm để giảm sốc khi chạy.

- Mang vớ áp lực tĩnh mạch khi tập luyện vì nó sẽ giảm thiểu triệu chứng của tĩnh mạch hiệu quả.

- Đi bộ đòi hỏi sự chuyển động linh hoạt của mắt cá chân để mang lại hiệu quả. Trong khi đó, những người bị loét chân do giãn tĩnh mạch sẽ bị hạn chế vận động ở mắt cá chân. Do đó, nếu bạn đang bị loét mắt cá chân hãy điều trị vết loét trước khi tập luyện.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X