Sau khi mổ ruột thừa và bóc nang buồng trứng, bao lâu em mới có thể chạy bộ được?
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, Em năm nay 21 tuổi. Cách đây 2 tuần em bị đau bụng, sau đó em đi siêu âm 2 lần ở 2 bệnh viện khác nhau và kết luận là: tử cung cấu trúc đồng nhất, 2 phần phụ: kích thước bình thường, không nang, không u. Em được chẩn đoán là ruột thừa, thế nhưng, sau khi mổ, bác sĩ ghi: - Chỉ định phẫu thuật: Bóc nang buồng trứng (P) + cắt ruột - Giải phẫu bệnh: viêm ruột thừa mủ, u nang nội mạc tử cung ở buồng trứng AloBacsi cho em hỏi: - Nang buồng trứng là gì, và tại sao khi siêu âm lại nói không nang, không u (hay do em chỉ có 1 cái u) - Cách phòng ngừa bệnh u nang, hậu quả của bệnh có dẫn đến vô sinh không? - Sau khi phẫu thuật thì bao lâu mới có thể chơi thể thao, chạy bộ, xách nặng được? - Nếu em muốn tư vấn thêm về bệnh phụ khoa thì em nên liên lạc qua số điện thoại hay phòng khám nào? Em xin cảm ơn BS! (Jenny Jenny)
Trả lời
Chào Jenny,
Trường hợp của em qua 2 lần siêu âm ở 2 BV khác nhau, nhưng đều có kết quả giống nhau (tử cung cấu trúc đồng nhất, 2 phần phụ: kích thước bình thường, không nang, không u) thì không thể nói BS đọc sai hoặc không nhìn ra u nang buồng trứng.
Do vậy, qua siêu âm không phát hiện ra u buồng trứng là do các yếu tố sau:
- Em uống nước chưa đủ làm căng đầy bàng quang để làm cửa sổ siêu âm tử cung và 2 phần phụ.
- Hoặc uống nước quá nhiều, bàng quang căng đầy chèn ép tử cung và buồng trứng, nên tốt nhất là khảo sát qua siêu âm đầu dò âm đạo…
Qua kết quả giải phẫu bệnh em bị u lạc nội mạc tử cung, lạc chỗ đến buồng trứng phải, không phải bản thân buồng trứng có u. U nang buồng trứng là một khối phát triển bất thường trên buồng trứng. Vì giải phẫu bệnh của em là u lạc nội mạc tử cung (ULNMTC) nên BS sẽ đề cập đến vấn đề này.
ULNMTC thường gặp trong các bệnh phụ khoa, là lớp nội mạc tử cung (tổ chức tuyến hay mô đệm) có mặt ở ngoài buồng tử cung.
ULNMTC thường xuất hiện ở bề mặt buồng trứng, vòi trứng, phúc mạc vùng chậu, dây chằng tử cung - cùng, âm đạo, tầng sinh môn... thường gây đau vùng chậu và có liên quan đến hiếm muộn.
Cơ chế do ULNMTC gây dính làm thay đổi cấu trúc giải phẫu học vùng chậu, ảnh hưởng đến trứng, phôi và chức năng của vòi trứng, nội mạc tử cung và khả năng làm tổ của phôi, rối loạn về nội tiết ảnh hưởng đến sự phát triển của noãn và sự phóng noãn.
Nguyên nhân gây bệnh còn đang bàn cãi nên chưa có phác đồ điều trị chuẩn cho bệnh lý này, sau khi điều trị lại dễ tái phát. Do nguyên nhân chưa rõ nên không có biện pháp phòng ngừa.
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng (đau bụng nhiều khi hành kinh, rối loạn kinh nguyệt…), bằng mổ nội soi ổ bụng, sinh thiết và giải phẫu bệnh lý.
Sau phẫu thuật, em nên vận động nhẹ nhàng càng sớm càng tốt, để ruột lưu thông, không ứ dịch, khí trong ổ bụng, hạn chế sự dính ruột sau mổ.
Bao lâu có thể chơi thể thao, chạy bộ hay xách nặng… còn tùy thuộc vào thời gian hậu phẫu (là thời gian nằm tại BV) của em có tốt không, sau mổ có nhiễm trùng vết mổ không, ruột hoạt động có tốt không…? Bình thường phải sau 6 tháng em có thể chơi các môn thể thao nhẹ nhàng, các hoạt động gắng sức tốt nhất sau 1 năm.
Em muốn tư vấn và khám bệnh phụ khoa em có thể liên hệ:
Phòng khám Ngọc Lan
Địa chỉ: 55/27 Lê Thị Hồng Gấm, Q.1, TPHCM
Điện thoại: 08 2219 4473 - 08 2219 4474
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, từ ngày 15/6/2011, danh sách BS tư vấn Khám bệnh Online của AloBacsi có thêm hai chuyên gia tâm huyết. Đó là GS - BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Nguyên giám đốc BV Từ Dũ sẽ "gỡ rối" cho chị em về bệnh phụ khoa. Và, TS.BS Lê Tuyết Hoa - 20 năm công tác tại BV Chợ Rẫy - chuyên ngành Đái tháo đường - Nội tiết sẽ giải đáp mọi thắc mắc về Nội Tiết - Tiểu đường. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn.
AloBacsi.vn
|
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình