Hotline 24/7
08983-08983

Phù hạch bạch huyết nặng có chữa khỏi được không?

Câu hỏi

Bác sĩ cho tôi hỏi. Bị phù hạch bạch huyết nặng thì có chữa được không, thưa bác sĩ?

(Phạm Thị Cúc - tantien...@gmail.com)

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Chào bạn,

Phù bạch mạch là hiện tượng phù một chi do thiểu sản hệ bạch mạch (nguyên phát), tắc nghẽn hoặc gián đoạn (thứ phát) của hệ bạch mạch. Triệu chứng cơ năng và thực thể là: phù cứng, ấn không lõm ở một hoặc nhiều chi.

Hệ bạch huyết dẫn lưu dòng bạch huyết (chất lỏng không màu có chứa bạch cầu di chuyển trong cơ thể), giúp chống lại nhiễm trùng và các bệnh lý khác. Dòng bạch mạch di chuyển trong các ống nhỏ được gọi là mạch bạch huyết. Còn hạch bạch huyết là những tuyến nhỏ có khả năng bắt giữ vi khuẩn, lọc các chất có hại ra khỏi dòng bạch huyết. Khi các hạch bạch huyết bị cắt bỏ hoặc tổn thương thì dịch bạch huyết sẽ bị ứ đọng, tích tụ trong các mô xung quanh, gây phù nề.

Có 2 nguyên nhân chính gây phù bạch huyết là nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát. Cụ thể:

Nguyên nhân nguyên phát: Khá hiếm gặp, chủ yếu do những rối loạn phát triển và thường xảy ra ở người dưới 20 tuổi. Cụ thể:

- Bệnh Milroy: Là 1 rối loạn di truyền từ trong trứng, gây các dị tật hạch bạch huyết, dẫn tới phù bạch huyết;

- Bệnh Meige: Là khi mạch bạch huyết hình thành nhưng không có van giữ dịch, khiến bạch huyết chảy ngược, có những hoạt động bất thường ở tay, chân;

- Phù bạch huyết khởi phát muộn: Xuất hiện ở người từ 35 tuổi trở lên.

Nguyên nhân thứ phát: Bất kỳ thủ thuật nào gây tổn hại tới mạch bạch huyết đều có thể gây phù. Đó là:

- Phẫu thuật ung thư vú;

- Xạ trị ung thư;

- Ung thư;

- Nhiễm trùng.

Hiện không có phương pháp điều trị bệnh phù bạch huyết đặc hiệu. Các phương pháp can thiệp chủ yếu giúp làm giảm sưng, giảm đau cho bệnh nhân. Cụ thể:

- Băng quấn ở nơi bị tổn thương: Việc quấn băng quanh toàn bộ chi bị tổn thương giúp tạo áp lực đẩy dịch bạch huyết chảy ngược vào trong chi và thân thể. Khi quấn, cần quấn chặt ngón tay và ngón chân, quấn lỏng dần khi di chuyển tới cánh tay và cẳng chân;

- Tập luyện: Bạn nên thường xuyên vận động, di chuyển tay và chân bị phù để kích thích dịch bạch huyết lưu thông. Bạn cần lưu ý không nên tập luyện quá sức mà chỉ cần co nhẹ các cơ là được. Các bài tập bệnh nhân nên áp dụng là: Tập kéo giãn, tập tăng cường tính linh hoạt, tập xây dựng sức mạnh cơ bắp. Một số phương pháp được khuyến nghị là nên tập thể dục nhịp điệu tập trung vào phần trên cơ thể, giảm cân, hít thở sâu,...;

- Massage: Là phương pháp giúp dòng chảy bạch huyết di chuyển nhẹ nhàng tới các hạch bạch huyết. Dù vậy, không phải người bệnh nào cũng có thể áp dụng phương pháp massage. Nếu vùng da bị tổn thương có nhiễm trùng hoặc có cục máu đông thì cần tránh massage. Nếu bệnh nhân đang mắc ung thư thì nên tránh massage ở vùng đã xạ trị;

- Ép nén: Là phương pháp sử dụng máy bơm gắn vào quần áo ở vùng bị tổn thương rồi bơm hơi vào ống tay áo để gây áp lực, kích thích dịch bạch huyết di chuyển từ ngón tay, ngón chân, làm giảm sưng ở cánh tay và chân;

- Mặc đồ nén: Chọn quần áo dài tay hoặc vớ để nén cánh tay và chân. Phương pháp này thường được bác sĩ khuyến nghị áp dụng sau khi đã giảm sưng ở tay hoặc chân bằng những thủ thuật khác;

- Phẫu thuật: Với những trường hợp bị phù mạch bạch huyết trầm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ các mô thừa ở tay và chân. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật chỉ làm giảm tình trạng sưng nặng, không thể điều trị dứt điểm căn bệnh này;

- Phương pháp khác: Trị liệu bằng laser liều thấp, chăm sóc da, dùng thuốc (kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hoặc thuốc giảm đau), vật lý trị liệu,...

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X