Hotline 24/7
08983-08983

Mệt mỏi, chán ăn sau 1 tháng bị tiêu chảy, bệnh gì?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Con năm nay 23 tuổi, 1 tháng trước có bị đau bụng tiêu chảy, sau khi uống thuốc thì hết tiêu chảy, nhưng bị đau bụng bên trái rốn, sau khi uống thuốc thì hết đau bên trái rốn thì lại bị đau bụng ở trên rốn, và giờ hết đau rồi. Tuy nhiên con thấy trong người mệt mỏi, chán ăn. Vậy con bị bệnh gì ạ?

Trả lời
Tiêu chảy cấp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Tiêu chảy cấp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Em bị đau bụng + tiêu chảy kéo dài vài ngày rồi hết là triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp. Tiêu chảy cấp với phân không lẫn đàm máu, không sốt thìtác nhân thường gặp nhất là virus, thức ăn, thuốc, loạn khuẩn ruột, bệnh thường tự giới hạn, không để lại di chứng.

Hiện tại em không còn đau bụng, không còn tiêu chảy nữa nhưng người mệt mỏi, chán ăn thì có thể có liên quan đến đợt tiêu chảy cách đây 1 tháng (như nhiễm giun sán), cũng có thể không có liên quan đến đợt tiêu chảy đó (như thiếu dưỡng chất, làm việc quá sức, tâm trạng buồn chán nên ăn uống kém).

Để xác định vấn đề thì em cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, đăng ký khám chuyên khoa Tiêu hóa, em nhé. Trong thời gian này, em cần chú ý vẫn duy trì ăn uống mới có sức, ăn chín uống sạch, ăn thực phẩm dễ tiêu ít dầu mỡ, uống đầy đủ nước trong ngày, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, không bia rượu, không thức khuya.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần mỗi ngày, cùng với các triệu chứng kèm theo là nôn, mất nước, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh tiêu chảy cấp như: đầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả: phân toàn nước đục như nước vo gạo); nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; người mệt lả, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, chân tay lạnh…

Tính nguy hiểm và khả năng lây lan thành đại dịch lớn của bệnh tiêu chảy cấp đã được thực tiế kiểm nghiệm, có nhiều người đặc biệt là trẻ em đã phải bỏ mạng vì căn bệnh này. Do vậy, công tác phòng chống bệnh tiêu chảy cấp cần được đề cao và nghiêm túc thực hiện:

- Đẩy mạnh vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:

+ Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

+ Không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.

+ Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.

+ Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với vùng đang có dịch.

- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm:

+ Thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

+ Không ăn các thức ăn khi chưa được nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, nem chua...

+ Chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng.

+ Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.

+ Không tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan... trong vùng đang có dịch.

+ Ngoài ra, cần bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào;  không đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối...

Đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X