Hotline 24/7
08983-08983

Mang thai 4 tuần sau 20 ngày chụp tử cung vòi trứng, có bỏ thai?

Câu hỏi

Thưa BS, Chị tôi 39 tuổi, cách đây 3 năm bị thai chết lưu và dính tử cung, từ đó không mang thai được. Sau khi chụp tử cung vòi trứng 20 ngày thì chị phát hiện có thai gần 4 tuần tuổi. Liệu thai có bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có phải bỏ thai không ạ? Rất mong BS trả lời để gia đình tôi yên tâm. Xin cám ơn BS và AloBacsi rất nhiều! (Thu Trang - Bắc Ninh)

Trả lời

BS Nguyễn Vỹ

BS Nguyễn Vỹ

Bác sĩ khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ảnh minh họa - nguồn internet

Bạn Thu Trang thân mến,

Chụp buồng tử cung vòi trứng (HSG- hysterosalpingogram) là phương pháp sử dụng tia X để khảo sát ống dẫn trứng và buồng tử cung. Đây là phương pháp thường dùng trong đánh giá vô sinh, ngoài ra còn được chỉ định ở những phụ nữ có bệnh sử sẩy thai liên tiếp hay đánh giá sau phẫu thuật thắt ống dẫn trứng...

HSG thường được thực hiện vào 10 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, và một test thử thai được thực hiện trước khi khảo sát để chắc chắn phụ nữ được khảo sát hiện không mang thai.

Tuy nhiên, ngay cả với test thử thai trước và một chu kỳ kinh nguyệt đều cũng vẫn có một số nhỏ phụ nữ mang thai trong khi chụp HSG.

Nguy cơ chụp HSG ở phụ nữ đang mang thai mà không biết có thể gây ra sự gián đoạn thai kỳ, sự dịch chuyển trứng được thụ tinh vào ống dẫn trứng hay vào ổ bụng (thai ngoài tử cung), và ảnh hưởng tia bức xạ trên thai nhi đang phát triển.

Số lượng bức xạ ảnh hưởng từ HSG phụ thuộc vào thiết bị kỹ thuật, số lượng phim chụp, thời gian chiếu tia, kích cỡ bệnh nhân... Mức phơi nhiễm bức xạ trong chụp HSG theo tính toán của Jongen là 3.7 mGy, một mức được cho là có khả năng gây ra nguy cơ thấp.

Mặc dầu sự gây quái thai khi phơi nhiễm trong tử cung với tia bức xạ không rõ, nhưng có lẽ cũng rất nhỏ. Do đó, bỏ thai không được khuyến cáo khi chỉ dựa trên cơ sở phơi nhiễm bức xạ trong chẩn đoán.

Cho đến nay, có trên 20 trường hợp được báo cáo mang thai mà không biết ở thời điểm chụp HSG. Tất cả em bé được sinh ra đều khỏe mạnh và không có bất kỳ khuyết tật bẩm sinh nào.

Tia X sử dụng trong y khoa không làm tăng số lượng trẻ em sanh ra bị dị dạng hay khuyết tật bẩm sinh. Ngay cả trường hợp không phơi nhiễm với tia X, cũng có 4-6% trẻ sinh ra với một số dị tật.

Như vậy, khả năng sinh ra em bé có dị tật là thấp khi có hay không có phơi nhiễm với tia bức xạ. Do đó, nếu chị của bạn quyết định tiếp tục thai kỳ thì cần trao đổi với BS sản khoa về chăm sóc và theo dõi, cũng như đánh giá nguy cơ thai nhi từng giai đoạn theo xét nghiệm sàng lọc để có hướng xử trí.



AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X