Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Hay tưởng tượng những sự việc không có thực, đau đầu, nhanh quên, bệnh gì?
Câu hỏi
Chào BS, em năm nay lớp 10 (15 tuổi ạ). + Từ năm lớp 6 tới bây giờ em rất thích tưởng tượng ra khung cảnh nhảy và hát (thường thì hát nhép như ảo tưởng) khi ở 1 mình trong phòng, lúc chán thì tự nghĩ ra tình huống tự nói chuyện cười đùa như thực sự có người ở đó. Khi đi chơi, đi học trên xe hay bất kì phương tiện gì mà không có ai để ý thì em hay tự dưng nghĩ ra đối thoại, tình huống nói chuyện về bất kì cái gì đó em tự nghĩ ra với những người cũng do em tự tưởng tượng ra. Những lúc em 1 mình là lúc hạnh phúc, vui vẻ nhất có lẽ bởi không có ai làm phiền em khi đang nhảy, hát, nói chuyện với người em tự tưởng tượng vậy nên em luôn muốn ở 1 mình để lên mạng mở nhạc và hầu hết em đều nhảy, tự nói chuyện (đôi khi có kèm theo hành động) thôi. Thế nhưng, em lại là người hướng nội, bạn bè chỉ có vài người, khá tự ti; chưa bao giờ nhảy, hát trước người khác thậm chí là người thân, bạn thân. + Đôi khi em hay bị đau nhói đầu, có khi đau nửa đầu, nhưng ba em bảo là do em mất ngủ; cũng có 2-4 lần trong đầu em như có rất rất nhiều tiếng nói inh ỏi khiến cho đầu em có cảm giác bị quá tải, đau đầu, khó chịu, nhiều khi chỉ muốn chết vì mấy tiếng nói trong đầu nhưng mẹ em bảo là chắc do stress, nhưng em thấy học không nhiều nhưng lại bị stress thì hơi kì. + Dạo gần đây em rất nhanh quên, định làm việc gì thì vài giây sau em quên bẫng đi, có khi có 1 chuyện gì đó em vừa làm là vài phút sau em quên mất em vừa làm gì, nói gì, em lo là em bị chứng hay quên. + Khi tức giận, quá buồn em có xu hướng hay đập tay vào tường, càng giận em đập càng mạnh, có hôm khớp ngón trỏ của em bị sưng, bầm rất to, rõ vì đập mạnh và nhiều. Vậy em có bị gì nặng không ạ? Nguyên nhân do đâu ạ?
Trả lời
Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, chí ít là em nhận ra được những hành vi, suy nghĩ trên là “khác thường” và tìm đến sự giúp đỡ của y khoa, trường hợp này ở độ tuổi của em là điều ít gặp và cũng là sự tiến bộ.
Mặc dù trong độ tuổi của em hiện giờ, suy nghĩ và cảm xúc của các em chưa ổn định, nhiều mơ mộng và có khi thích ở 1 mình. Tuy nhiên, mức độ của em có phần nặng hơn, cho thấy những bất ổn thật sự về mặt tâm lý - tâm thần. Nguyên nhân và cơ chế sinh lý bệnh của nhóm bệnh này rất phức tạp, người ta ghi nhận thấy không nhất thiết người bệnh phải trải qua cú sốc tâm lý hay áp lực gia đình, áp lực cuộc sống thì mới dẫn tới bệnh. Thế nhưng, nếu có bệnh mà không chữa thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất (đau đầu, giảm trí nhớ).
Em đừng dị ứng với 2 chữ tâm thần, bệnh về tâm lý - tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân – chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay – dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm lý - tâm thần hay không, loại bệnh nào, mức độ ra sao thì BS chuyên khoa Tâm thần cần phải trò chuyện và khám trực tiếp cho em, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác và tầm soát các bệnh lý tổn thương thực thể (như bệnh về nội tiết, thần kinh…) mới định bệnh được và điều trị thích hợp.
Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần - tâm lý để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu). Vì em mới 15 tuổi nên em có thể đến khám tại BV Nhi đồng 1, 2, em nhé.
Thân mến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình