Hotline 24/7
08983-08983

Có phải con mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng bức?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, Bề ngoài con là một cô gái rất hoạt bát, vui tính nhưng thật ra con luôn có thần kinh căng thẳng và bị dằn vặt bởi nhiều thứ. Con có nghiên cứu về bệnh OCD và con nghĩ mình đã bị mắc, con xin nhờ bác sĩ xem những biểu hiện mà con đã tổng hợp sau đây để chẩn đoán: Lúc nhỏ con có những hành động kỳ quặc cứ lặp đi lặp lại liên tục trong 1-2 tháng rồi hết, nếu không hành động như vậy sẽ cực kì khó chịu. Cách duy nhất để chấm dứt nó là kiếm cái gì đó để trí não bị phân tâm, chẳng hạn như chơi game và nếu cố gắng không làm những hành động đó trong 1-2 ngày thì sẽ khống chế được nó vĩnh viễn. Nhưng tiếc là hết cái tật này ắt có cái tật khác. Ví dụ: 1. Chửi lảm nhảm chị hàng xóm là “ con M điên” 2. Đập con chuột của máy tính liên tục 4. Nhìn những thứ bị cấm nhìn như bài kiểm tra của bạn mặc dù mình biết làm 5. Nói những câu vô nghĩa. Lúc lớn lên: 1. Nhìn vòi nước nhiều lần (có khi kéo dài 2 phút) để đảm bảo nó đã được khóa 2. Nhìn toilet để kiểm tra nó đã được dội nước chưa nhiều lần 3. Kiểm tra giấy tờ nhiều lần trước khi nộp (khoảng 7,8 lần), xem số báo danh nhiều lần trước kỳ thi (hơn 30 lần) 4. Đếm tiền nhiều lần trước khi mua thứ gì, xem lại 1 thông tin dạng chữ số nhiều lần trước khi gửi ai đó 5. Phân tích 1 bài toán nhiều lần mặc dù nó không khó và vừa nhìn vào đã biết làm 6. Suy diễn hay tưởng tượng ra mình đã mắc 1 thiếu sót trong bài kiểm tra, chẳng hạn như quên ghi đáp số hay ghi nhầm công thức và trằn trọc, stress về nó nhiều ngày mặc dù thực tế không có sai sót nào 7. Khi phê bình một người nào đó với đám bạn thì chợt sợ hãi cực độ suốt ngày vì cho rằng người đó sẽ phát hiện mình nói sau lưng họ 8. Rửa tô chén nhiều lần vì không an tâm nó đã sạch 9. Hay rửa tay 1 cách không cần thiết 10. Hay tưởng tượng rằng mình mắc bệnh và lo sợ thái quái, từ đó dẫn đến nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi 11. Cảm thấy hồi hộp, đổ mồ hôi tay chân khi chờ đợi ai đó đọc tên; chẳng hạn như lên nhận đồ, lên chụp ảnh thẻ hay để điểm danh... 12. Không dám mặc đồ sáng vì sợ lỡ bị đèn đỏ bất tử sẽ rất mất mặt, mặc dù 5 năm chỉ bị tai nạn đèn đỏ 1 lần 13. Không dám chạy xe máy vì nghi ngờ mình sẽ bị đụng 14. Khi khóa cửa cứ kiểm tra nó lại nhiều lần 15. Không dám kêu tài xế cho xuống trạm khi đi xe buýt vì có 1 chướng ngại vô hình làm chùn bước, gây áp lực và căng thẳng 16. Lo lắng thái quá khi tiếp xúc với những thứ mới mẻ vì sợ mình không có thao tác hoàn hảo, điêu luyện và khiến người khác chê cười, ví dụ như: • Sợ đi đến 1 quán ăn mới vì lo rằng nó có những phong tục lạ • Sợ đi xe buýt bằng vé tập sinh viên khi chưa có thẻ sinh viên mặc dù tỷ lệ bị kiểm thẻ cực thấp • Sợ chơi trò chơi tập thể vì bi quan rằng mình chậm trong việc nắm luật chơi, từ đó chơi dở và nếu bị phạt sẽ rất quê • Sợ đi chơi với con trai buổi sáng vì khi đó thâm quầng, ria mép, mụn và thâm sẽ rất rõ • Sợ tranh luận vì lo rằng mình sẽ nói không lại và mất mặt • Sợ thuyết trình vì lo rằng sẽ bị đặt câu hỏi Con xin cảm ơn bác sĩ. (Ngân Anh - Vĩnh Long)

Trả lời

BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp

BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp

Nguyên trưởng khoa Khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần -

Chào em,

Các biểu hiện em liệt kê trong thư cho thấy em đang mắc phải bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng bức kèm theo rối loạn ám ảnh sợ xã hội (sợ bị phê bình, chỉ trích, chê bai… trong các tình huống xã hội).

Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD: Obsessive– Compulsive Disorder), đây là một bệnh trong nhóm rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự tái diễn các ý nghĩ ám ảnh thường kèm theo các hành vi cưỡng bức (là những hành vi luôn thôi thúc buộc phải thực hiện, nếu không sẽ gây ra trạng thái bất an). Mặc dù người bệnh nhận thức được sự vô lý và quá đáng của các ý nghĩ và hành vi này và cố gắng chống lại nhưng không có kết quả.

Bệnh chiếm tỷ lệ 1,2% trong dân số chung, có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, không có khác biệt nhiều về giới tính, về tình trạng văn hóa xã hội và được xếp vào nhóm 4 bệnh tâm thần thường gặp nhất. Ở nam, bệnh thường khởi phát sớm hơn ở độ tuổi vị thành niên, còn với nữ ở độ tuổi 20.

Các biểu hiện của OCD rất đa dạng nhưng chủ yếu thuộc 4 nhóm sau: buộc phải kiểm tra nhiều lần, sợ bị lây nhiễm, tích trữ đồ vật không cần thiết, ý nghĩ sợ xâm hại người khác.

Chẩn đoán được đặt ra khi các ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức này chiếm phần lớn thời gian trong ngày, làm cho người bệnh luôn cảm thấy căng thẳng, đau khổ và ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động xã hội, cuộc sống gia đình và các mối quan hệ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, bệnh có thể dẫn đến trầm cảm, lạm dụng chất, tự tử và gây mất năng lực trong cuộc sống. Ngoài ra, OCD còn có thể kết hợp với các bệnh tâm thần khác, đặc biệt các rối loạn khác trong nhóm rối loạn lo âu (rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt, ám ảnh sợ xã hội…), trầm cảm…

Ám ảnh sợ xã hội khá phổ biến ngày nay (theo một số nghiên cứu của Mỹ, tỷ lệ 2,6% đến 13,3% người trưởng thành). Người bệnh cảm thấy bối rối, xấu hổ, lo lắng trong các tình huống giao tiếp xã hội: cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, đỏ hay tái mặt, vã mồ hôi, run tay, nói ấp úng, mắt không dám nhìn thẳng; cảm giác như mình đang bị quan sát, đánh giá, chê bai; sợ mình làm hay nói những điều không đúng, vụng về. Họ biết được những lo sợ này là vô lý, không có căn cứ nhưng không thể tự kiểm soát được.

Bệnh có thể xảy ra với tất cả các tình huống xã hội hoặc chỉ một hay một vài tình huống đặc biệt. Dần dần, người bệnh trở nên thu rút hay né tránh tình huống gây lo âu đó. Do vậy, bệnh có thể gây những ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội (giao tiếp, quan hệ xã hội, nghề nghiệp).

Tuổi của em còn trẻ, các biểu hiện cũng khá rõ và có lẽ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của em không ít. Do vậy, em nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt để được đánh giá mức độ và có một điều trị thích hợp, giúp em kiểm soát tình trạng bệnh và cải thiện được chất lượng cuộc sống.

Chúc em mau hồi phục.

 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X