Hotline 24/7
08983-08983

Có nên nêm gia vị vào đồ ăn dặm của bé?

Câu hỏi

Thưa BS, Bé nhà em chuẩn bị bước vào độ tuổi ăn dặm (bé hiện 5.5 tháng). Vậy cần cho bé ăn dặm như thế nào ạ? Có cần nêm gia vị như bột ngọt, muối… vào đồ ăn dặm của bé không ạ?

Trả lời
Cho bé ăn dặm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Cho bé ăn dặm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Bột ngọt làm sẵn là bột gồm tinh bột, sữa, rau củ chứ không phải làm bột xong bỏ đường vào.

Bột mặn làm sẵn là có thêm đạm và dầu chứ không phải là nêm cho mặn.

Trẻ 6 tháng (180 ngày) ăn 1 cữ bột ngọt, 7 tháng ăn 2 cữ bột ngọt, 9 tháng ăn 3 cữ cháo đủ dầu, đạm, rau và tinh bột: 100ml cháo thì có 10ml dầu; 20gr đạm (1 lạng thịt, cá nấu được 400-500ml cháo); 20gr rau; 40gr gạo.

Dưới 1 tuổi thì không có nêm mắm muối vì trong đạm đã có vị và muối rồi, sau 1 tuổi có thể nêm nhưng không nêm mặn vì thói quen ăn mặn khi lớn sẽ gây nhiều bệnh.

Trẻ dưới 2 tuổi không uống nước trái cây, trẻ từ 4-5 tháng có thể ăn trái cây nghiền nát hoặc ăn nguyên xác, ăn 1-2 muống cà phê cho biết.

Trẻ sau 1 tuổi hãy ăn sữa chua, váng sữa, phô mai. Trước 1 tuổi khoan ăn gấp làm chi, đủ bụng mà bú.

Thân mến.

 Mời tham khảo thêm:



Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sẽ được tập cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thu những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ, trẻ thật sự cần những thức ăn bổ sung để cơ thể phát triển khỏe mạnh vì nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nữa.

Từ khuyến cáo trên, những chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi và kết thúc ở tháng thứ 24. Từ tháng thứ 6 trở đi sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 450 kcal/ngày trong khi đó trẻ cần tới 700 kcal/ngày cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản và sự phát triển của cơ thể.

Giai đoạn 6 tháng tuổi là cột mốc quan trọng, giúp trẻ dần làm quen với những “thức ăn mới lạ”. Tuy nhiên để xác định xem trẻ đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa, phụ huynh cần dựa vào những biểu hiện sau đây của trẻ:

- Cân nặng của trẻ đã tăng gấp đôi so với cân nặng khi sinh.

- Trẻ đã biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi để mẹ có thể đút thức ăn dễ dàng cho trẻ.

- Trẻ biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa/muỗng khi cho trẻ ăn.

- Trẻ đã biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó, điều này giúp người nuôi trẻ chọn lựa món ăn thích hợp đối với khẩu vị của từng trẻ.

- Lưỡi trẻ không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (lúc trẻ còn nhỏ khi cho bất cứ vật gì vào miệng trẻ cũng đẩy ra, trừ núm vú).

- Trẻ thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà gia đình hay cha mẹ cho ăn.

- Giai đoạn ăn bột: bắt đầu từ lúc 6 tháng tuổi trở đi, cha mẹ có thể cho trẻ tập quen dần với các loại bột dinh dưỡng. Trong giai đoạn này, có thể mua bột dinh dưỡng đóng hộp của những hãng sản xuất sản phẩm dinh dưỡng có uy tín, vì loại bột này có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Nếu là loại bột tự chế biến cho trẻ ăn, cần đảm bảo hợp vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng, tuy nhiên nên lưu ý những thức ăn có thể làm cho trẻ bị dị ứng.

- Giai đoạn ăn cháo: khi trẻ được 9 – 10 tháng tuổi đã ăn được kha khá, cha mẹ có thể nấu cháo cho trẻ ăn. Không nên chỉ hầm xương lấy nước, vì nước ngọt của xương hoàn toàn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, mà trẻ cần ăn cả xác thịt, cá, rau củ. Nên hầm riêng một nồi cháo nhừ. Mỗi bữa ăn của trẻ, nên múc cháo ra và cho thịt, cá, rau củ vào nấu chín từng bữa, thêm dầu ăn cho đủ dưỡng chất.

- Giai đoạn ăn cơm: khi trẻ đã có đủ răng (tổng cộng 20 cái), trẻ mới có thể nhai cơm thật kỹ. Cha mẹ nên nấu cơm mềm và dằm nát cho trẻ ăn. Tập cho trẻ ăn các loại rau, củ bằng cách nấu canh rau đay, canh mồng tơi, canh bí đỏ, canh súp (nấu với cà-rốt, khoai tây, súp-lơ, su hào), nên chú ý cắt ngắn rau cho trẻ dễ nhai để trẻ không bị hóc cọng rau.


BS Trương Hữu Khanh
Trưởng khoa nhiễm - thần kinh - BV Nhi đồng 1
Trích từ "Hỏi bác sĩ nhi đồng"

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X