Hotline 24/7
08983-08983

Bị chèn dây thần kinh trụ tay có nên phẫu thuật?

Câu hỏi

Chào BS, Tôi năm nay 31 tuổi. Trước đây tôi có bị tê ngón tay út và áp út, đi khám tại BV thì BS bảo tôi bị chèn dây thần kinh trụ tay, kê đơn thuốc về nhà uống. Sau đó hết khoảng gần năm, bây giờ thì lại tái phát lại, gấp cánh tay thì hơi đau chỗ khuỷu tay, kèm theo triệu chứng hơi tức ngực và tức lưng nhẹ. Tôi có đến 1 BV khác khám thì BS bảo phẫu thuật (di chuyển dây thần kinh để khỏi bị chèn), nhưng tôi còn phân vân, chưa đồng ý. Vậy BS có thể cho tôi lời khuyên được không? Cảm ơn BS.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Đau khuỷu tay do chèn dây thần kinh trụ tay. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Đau khuỷu tay do chèn dây thần kinh trụ tay. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Thần kinh trụ là một trong ba dây thần kinh chính của chi trên, chạy từ vùng cổ xuống đến bàn tay và có thể bị chèn ép ở một số vị trí trên đường đi của nó gây nên biểu hiện tê đau vùng chi phối của thần kinh này, vị trí chèn ép thường gặp nhất là ở sau khuỷu tay.

Tình trạng thần kinh trụ bị chèn ép ở khuỷu tay được gọi là "hội chứng đường hầm thần kinh trụ". Tại vị trí này, thần kinh trụ nằm rất nông ngay dưới da nên khi va chạm vào đó sẽ gây ra cảm giác như điện giật. Thần kinh trụ dễ bị chèn ép ở khuỷu tay là vì nó phải chạy qua một khu vực rất chật hẹp với rất ít mô bảo vệ.

Như vậy khi khám, chụp phim và đo điện cơ, BS nhận thấy có tổn thương thần kinh trụ do chèn ép, không đáp ứng với điều trị nội khoa, cần thiết phải giải áp thì phải phẫu thuật. Trong phẫu thuật này, lớp dây chằng bao phủ quanh thần kinh trụ sẽ được cắt nới rộng để làm tăng thể tích của đường hầm trụ và giảm áp lực đè ép lên thần kinh.

Phẫu thuật giải phóng thần kinh trụ thường hiệu quả trong trường hợp thần kinh bị chèn ép mức độ nhẹ và thần kinh chưa bị trượt ra trước khi gấp khuỷu. Kết quả phẫu thuật thường tốt với điều kiện chẩn đoán ban đầu đúng.

Nếu chưa sẵn sàng cho phẫu thuật, bạn có thể khám thêm ở một BV chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được tư vấn cụ thể hơn, khi khám bạn nên mang theo các xét nghiệm đã có bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Hội chứng chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay xảy ra khi thần kinh trụ bị đè ép hoặc kích thích.

Có một số phương pháp điều trị bạn có thể tự thực hiện tại nhà để giúp làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng gây ảnh hưởng đến công việc hàng ngày hoặc kéo dài trong vài tuần, bạn nên đi khám bệnh sớm.

- Tránh các hoạt động đòi hỏi phải gấp khuỷu trong thời gian dài.
- Nếu thường xuyên sử dụng máy vi tính, bạn không nên ngồi ghế quá thấp, không nên tựa khuỷu tay lên mặt bàn hoặc tay ghế.
- Tránh tựa trên khuỷu tay hoặc gây áp lực lên khuỷu tay, chẳng hạn như lái xe với khuỷu tay tựa trên cửa xe.
- Giữ cho khuỷu tay thẳng khi ngủ. Có thể dùng khăn quấn quanh khuỷu để giữ cho khuỷu thẳng.

Trừ trường hợp chèn ép thần kinh đã dẫn đến teo cơ, thông thường bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị không phẫu thuật trước.

Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật giải chèn ép thần kinh khi:

- Các phương pháp điều trị không phẫu thuật không có hiệu quả.
- Thần kinh trụ bị chèn ép nặng.
- Chèn ép thần kinh gây teo cơ.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X