Hotline 24/7
08983-08983

Ít nước ối, thiểu ối có thể gây sảy thai, sinh non, trẻ kém phát triển

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương, có nhiều nguyên nhân gây ra thiểu ối, ít nước ối, tình trạng này có thể dẫn đến hậu quả nặng nề như sảy thai, thai lưu, sinh non, trẻ sinh ra kém phát triển so với trẻ bình thường.

5 vai trò quan trọng của nước ối đối với thai nhi

Nước ối quan trọng như thế nào trong thai kỳ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Nước ối là một phần quan trọng của thai nhi do em bé nằm trong tử cung và được bao bọc bởi nước ối. Nước ối có vai trò giúp bé phát triển và ổn định.

Thứ nhất, tạo ra khoảng không cho bé vận động, nếu nước ối ít, bé sẽ bị giới hạn vận động, các cử động của tay, chân, do đó các khớp hoặc các hoạt động cơ bắp sẽ giảm.

Thứ hai, hoạt động của hệ hô hấp. Đường thở của bé khi nước ối ít hoặc thiểu ối sẽ có tình trạng thiểu sản phổi và làm phổi kém chức năng khi bé ra đời.

Thứ ba, đóng vai trò là màng đệm giúp giảm các chấn động vào bụng người mẹ hoặc khi không cần thiết sẽ giảm chấn động cho em bé. Đồng thời, bảo vệ dây rốn, giảm lực tác động lên dây rốn, đặc biệt là khi có các cơn gò.

Thứ tư, màng ối là một màng nguyên vẹn trong suốt thai kỳ cho đến khi màng ối vỡ ra trong quá trình chuyển dạ, giúp em bé được bảo vệ với thế giới bên ngoài, không cho vi khuẩn xâm nhập, đây là màng vô trùng tuyệt đối.

Thứ năm, ổn định thân nhiệt, cung cấp một số dưỡng chất cần thiết.

Theo dõi lượng nước ối bằng siêu âm

Lượng nước ối của phụ nữ mang thai thế nào là bình thường? Thế nào là ít và thế nào là thiểu ối?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Nước ối bắt đầu hình thành từ ngày thứ 12 của thai kỳ, dần dần nước ối ngày càng nhiều. Tuần thứ 36 của thai kỳ là thời điểm nước ối đạt nhiều nhất (gần 1000ml), sau đó có tình trạng giảm nhẹ, đến tuần thứ 40 gần thời điểm sinh, nước ối giảm còn khoảng 600 - 800ml.

Nước ối giảm làm mẹ bầu hoang mang, do đó cần hiểu thế nào là nước ối ít.

Nước ối ít là hiện tượng lượng nước ối ít hơn lượng nước ối theo từng tuổi thai. Tuy nhiên, không thể đong đếm, tính được trong bụng mẹ, vì vậy để biết được tình trạng nước ối, các bác sĩ sẽ theo dõi qua siêu âm, đây là biện pháp vô hại giúp đánh giá lượng nước ối cho bé khi còn trong thai kỳ, chưa đến giai đoạn chuyển dạ.

Đo xoang ối bằng 2 cách. Một là đo xoang ối sâu nhất, nếu xoang ối sâu nhất từ 20-80mm là bình thường; dưới 20mm là thiểu ối và trên 80mm là đa ối. Hai là đo chỉ số ối, nếu chỉ số ối <5cm là thiểu ối; <3cm là vô ối.

Vì sao mẹ bầu bị thiểu ối?

Thiểu ối là gì? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thiểu ối là ít nước ối hơn số lượng nước ối bình thường của thai kỳ và được định nghĩa bằng tiêu chuẩn của siêu âm. Siêu âm xoang ối sâu nhất là <20mm và <5cm đối với siêu âm đo chỉ số nước ối - AFI được xác định là thiểu ối.

Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng ít nước ối: do mẹ, do thai và do phần phụ (bánh nhau, màng ối)

Đối với nguyên nhân từ mẹ, do mẹ có các bệnh lý nội khoa như cao huyết áp, tiểu đường, thận, làm quá trình nhau thai nuôi em bé suy giảm, sức khỏe người mẹ yếu dẫn tới tình giạng giảm máu nuôi em bé và giảm nước ối.

Đối với nguyên nhân từ em bé, do em bé suy dinh dưỡng, nhỏ hơn so với tuổi thai, lượng máu nuôi em bé giảm, do đó máu tới thận của bé giảm, hệ tiết niệu ít được cung cấp máu, bé tiểu ra ít dẫn đến nước ối ít.

Các em bé có các bất thường, ví dụ như bất thường của hệ tiết niệu, thận đa nang hoặc thiểu sản thận, khiến em bé tiểu ít vào nước ối, làm giảm lượng nước ối.

Các nguyên nhân do màng ối, nếu bị rỉ hoặc vỡ nước ối, làm nước ối chảy ra cũng làm giảm lượng nước ối. Một số tình huống song thai, có hội chứng truyền máu giữa hai thai, dẫn đến một bé thiểu ối và một bé đa ối.

Dùng thuốc điều trị bệnh nền có thể ảnh hưởng lượng nước ối

Thiểu ối thường xảy ra trên những thai phụ nào và giai đoạn nào trong thai kỳ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thiểu ối thường xảy ra trên các thai phụ có bệnh lý ảnh hưởng đến sự phát triển và vai trò nuôi dưỡng của bánh nhau đối với em bé, làm cản trở tuần hoàn đến nuôi em bé, giảm máu của mẹ tới thận của bé và giảm lượng nước tiểu.

Những người mẹ có dùng thuốc như các thuốc điều trị bệnh nền cũng có thể ảnh hưởng đến lượng nước ối.

Thiểu ối gây ra những hậu quả gì cho mẹ và bé?

Nước ối ít hoặc thiểu ối ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ? Thiểu ối xuất hiện ở những giai đoạn khác nhau tiềm ẩn những nguy cơ khác nhau như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thiếu nước ối làm ảnh hưởng trực tiếp tới em bé. Trong tam cá nguyệt đầu, nguy cơ sảy thai, thai lưu, thai ngừng phát triển.

Tam cá nguyệt thứ hai dễ dẫn đến tình trạng sinh non, người mẹ có các bệnh lý trong thai kỳ như tiền sản giật khiến em bé không được bảo vệ đến đủ ngày, đủ tháng.

Tam cá nguyệt thứ ba, có nguy cơ chậm tăng trưởng trong tử cung, em bé dễ bị suy thai và chèn ép dây rốn trong bụng mẹ, khi ra đời, sức khỏe của bé kém hơn các em bé bình thường.

Các phương pháp điều trị thiểu ối khi mang thai

Điều trị thiểu ối khi mang thai như thế nào? Ưu điểm và nguy cơ của kỹ thuật truyền ối trong điều trị thiểu ối ra sao?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Điều trị thiểu ối cần dựa vào từng nguyên nhân. Nếu nguyên nhân do rỉ/ vỡ nước ối, không thể can thiệp vì hiện tại chưa có phương pháp hàn màng ối để lành màng ối.

Nếu nguyên nhân do em bé như thận đa nang, thiểu sản thận, truyền ối có thể hỗ trợ một phần giúp em bé có lượng ối để phát triển trong bụng mẹ, sau khi ra đời sẽ tùy vào nguyên nhân để điều trị cho bé.

Nếu thiếu ối do tình trạng giảm tuần hoàn nuôi bé, cần đánh giá sức khỏe em bé song song với quá trình dưỡng thai.

Ngoài ra, có thể tư vấn cho sản phụ chế độ tăng cường lượng nước uống mỗi ngày đối với thai phụ ít uống nước. Một số trường hợp có thể dùng phương pháp truyền ối, nghĩa là đưa các dung dịch đẳng trương phù hợp, vô khuẩn, sau đó siêu âm để xác định vị trí không chạm vào em bé, bác sĩ đưa cây kim để truyền dung dịch vào bụng ối, tạo lượng dịch mới trong bụng mẹ, tăng lượng thể tích nước ối.

Truyền ối đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn

Truyền ối có nguy hiểm cho thai nhi không? Nên thực hiện ở những cơ sở y tế như thế nào? Chỉ định và chống chỉ định của những phương pháp này ra sao?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Không phải tất cả các cơ sở y tế đều làm được phương pháp truyền ối, chỉ có những cơ sở y khoa chuyên về mẹ và thai. Chỉ định truyền ối rất nghiêm ngặt, đúng từng trường hợp và được thảo luận giữa bác sĩ sản khoa, bác sĩ di truyền và bác sĩ nhi. trong những trường hợp cần thiết mới chỉ định truyền ối, bởi vì khi thực hiện vẫn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn nếu không tuân thủ nguyên tắc vô trùng.

Bên cạnh đó, khi truyền ối là truyền dung dịch vào buồng tử cung, nếu nguyên nhân không được giải quyết, thiểu ối vẫn có thể tái phát.

Thai phụ thiểu ối làm gì để tăng lượng nước ối?

Khi được chẩn đoán thiểu ối, thai phụ cần làm gì để tăng lượng nước ối cũng như theo dõi sự phát triển của thai nhi?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Một thai phụ có kết quả siêu âm, chẩn đoán thiếu nước ối, việc đầu tiên là đánh giá sức khỏe em bé bao gồm: tình trạng tăng trưởng, siêu âm đánh giá kích thước của bé so với tuổi thai, siêu âm lượng máu nuôi doppler tới não và tới rốn của bé để xác định lượng máu có còn trong giới hạn đủ ổn định để tiếp tục dưỡng thai hay không.

Ngoài việc siêu âm đánh giá sức khỏe em bé, còn cần siêu âm tim thai bằng monitor tim thai cơn gò để đánh giá nhịp tim của bé. Bên cạnh đó, cần tư vấn thêm cho thai phụ, nếu mẹ uống nước ít, phải tăng cường lượng nước uống mỗi ngày. Thông thường, lượng nước cần thiết cho dịch ối là từ 2-3 lít nước/ngày. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào cũng thiếu nước trong chế độ dinh dưỡng, có thể kèm theo các bệnh lý của mẹ và bào thai dẫn đến tình trạng thiếu nước ối, do đó cần quan tâm đến nguyên nhân của từng trường hợp để có hướng xử trí phù hợp.

Uống đủ 2 lít nước trong 2 tiếng để cải thiện thiểu ối

Bị thiếu ối, phụ nữ cần lưu ý gì trong sinh hoạt và lao động, dinh dưỡng? Uống nước có lợi ích gì cho trường hợp này và cần uống sao cho đúng?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Đầu tiên, khi bị thiếu nước ối, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là chế độ dinh dưỡng (thai phụ có chế độ dinh dưỡng phù hợp hay không, chế độ ăn có đủ chất dinh dưỡng hay không) vì yếu tố này có thể làm trẻ chậm tăng trưởng trong tử cung, bé nhỏ so với tuổi thai sẽ ảnh hưởng đến lượng nước ối.

Thứ hai, lượng nước thai phụ cung cấp cho cơ thể hàng ngày có ít quá hay không, nếu uống ít, cần tư vấn tăng lượng nước nạp vào hàng ngày của thai phụ lên đến số lượng cần thiết.

Thứ ba, xem lại tình trạng bệnh lý của thai, của mẹ, của bánh nhau, màng ối, làm ảnh hưởng đến ốp lượng nước ối, tùy vào mức độ của từng trường hợp để can thiệp phù hợp.

Nếu một thai phụ bị thiểu ối, việc đầu tiên bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên tăng lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày. Cụ thể, trong hai tiếng thai phụ cần uống 2 lít nước và thường uống trong buổi sáng, vì nếu uống buổi chiều dễ khiến thai phụ tiểu nhiều vào chiều tối gây khó ngủ.

Sau 2 tiếng, thai phụ có thể uống nước như bình thường. Theo nhiều nghiên cứu, nếu thực hiện biện pháp này có thể cải thiện lượng ối cho một số tình trạng thiểu ối.

Làm sao để ngăn ngừa thiểu ối cho mẹ bầu?

Mang thai lần đầu bị thiếu ối, nguy cơ ở những lần mang thai tiếp theo như thế nào? Liệu có cách nào để ngăn ngừa thiểu ối?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thiểu ối khi mang thai lần đầu không liên quan đến những lần mang thai sau. Mỗi thai kỳ là một lần mang thai khác nhau, do đó tùy theo nguyên nhân để xử trí vấn đề thiểu ối.

Nếu nguyên nhân thiểu ối do rỉ/ vỡ màng ối, thường do viêm nhiễm đường âm đạo dẫn đến viêm nhiễm màng ối, khiến màng ối kém đàn hồi, dễ vỡ, khi nước ối chảy ra làm thiểu ối. Vấn đề này có thể ngăn ngừa bằng cách những lần mang thai tiếp theo, mẹ nên đi khám thai, nếu có khí hư, có màu bất thường, có mùi hôi, để tầm soát điều trị viêm âm đạo sớm trong thai kỳ, tránh nguy cơ rỉ/ vỡ ối dẫn đến thiểu ối.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X