Huyết trằng và cách phòng ngừa
Huyết trắng là dịch tiết từ đường sinh dục, có thể gặp trong các giai đoạn khác nhau của nữ (bé gái, thiếu nữ, tuổi hoạt động tình dục, mãn kinh).
Huyết trắng bình thường có màu trắng trong, dai, hơi tanh, giống như lòng trắng trứng. Huyết trắng thay đổi số lượng và tính dai theo chu kỳ kinh nguyệt. Nếu là huyết trắng bệnh lý, do viêm nhiễm đường sinh dục dưới (âm đạo, âm hộ), gây khô, rát, ngứa, có mùi hôi. Tác nhân gây huyết trắng bệnh có thể do nấm men, tạp trùng hoặc trùng roi.
Huyết trắng do nấm men thường gây ngứa bộ phận sinh dục ngoài, số lượng ít, màu trắng đục thành mảng dính hoặc đóng cục, không có mùi tanh hôi. Bệnh thường gặp sau khi dùng kháng sinh, có thai hoặc những trường hợp suy giảm miễn dịch.
Huyết trắng do tạp trùng có số lượng trung bình, màu vàng loãng, mùi hôi. Bệnh thường xuất hiện sau khi mới bắt đầu quan hệ hoặc do thao tác thụt rửa vào sâu bên trong ống sinh dục.
Tại vùng sinh dục có rất nhiều vi khuẩn thường trú, vi khuẩn gây bệnh, nấm men cùng sinh sống. Bình thường vi khuẩn thường trú chiếm đa số và chúng sản sinh các chất có lợi cho môi trường ống sinh dục. Khi gặp điều kiện thuận lợi như thói quen thụt rửa vô tình đẩy vi trùng từ ngoài vào hoặc dùng thuốc kháng sinh gây chết các vi khuẩn thường trú... thì các tác nhân gây bệnh sẽ phát triển mạnh gây huyết trắng bệnh.
Cơ địa một số người dễ bị huyết trắng nấm tái phát sau khi dùng kháng sinh uống điều trị cảm, sốt, đau họng... hoặc một lý do nào đó gây thay đổi độ pH trong môi trường ống sinh dục. Vì vậy, để phòng bệnh cần:
- Vệ sinh sạch vùng kín nhưng không dùng dung dịch rửa quá nhiều lần trong ngày vì có thể làm thay đổi độ pH; lau khô bằng khăn sạch hoặc giấy vệ sinh sau mỗi lần rửa.
- Năng thay quần lót, tránh mặc quần ẩm ướt; không nên mặc quần bên ngoài bằng vải dày.
- Giặt sạch quần áo, phơi ra nắng và là nóng bề trái trước khi mặc lại.
Không thụt rửa khi vệ sinh mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng bên ngoài vì ống sinh dục có khả năng tự làm sạch bằng cách tạo ra dịch tiết và các nhu động hướng từ trong ra để đẩy các tác nhân gây bệnh ra ngoài nếu có.
Khi có các dấu hiệu mắc bệnh, cần đến khám bệnh tại một cơ sở chuyên khoa để được điều trị thích hợp (điều trị nấm, phối hợp điều trị tạp trùng, và có thể điều trị phòng ngừa nhiễm nấm tái phát hoặc điều trị cả cho chồng của bạn).
AloBacsi.vn (Theo BS Hồng Hạnh - Sức khỏe & Đời sống)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình