Hướng dẫn xử lý đám cháy thiết bị điện
Theo thống kê của Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, có trên 70% các vụ cháy được điều tra và làm rõ nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Điều này cho thấy, người dân vẫn chưa có nhận thức đủ tốt trong việc đảm bảo an toàn điện cũng như phòng cháy chữa cháy khi có hỏa hoạn diễn ra trong nhà hoặc cơ sơ kinh doanh, sản xuất.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây chập cháy điện như: Quá tải hệ thống điện khi sử dụng dây dẫn có tiết diện không phù hợp; Không lắp đặt thiết bị bảo vệ; Mối nối, điểm tiếp xúc kém dẫn đến sự cố chạm chập gây cháy nổ;… Trên thực tế, không phải lúc nào người dân cũng nhớ tắt nguồn thiết bị điện để đảm bảo an toàn điện, cũng như an toàn phòng chống cháy nổ.
Trong quá trình sử dụng thiết bị điện, chúng ta cần phải lưu ý đến quy trình an toàn điện. Thường xuyên kiểm tra đường dây, các thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện như: Cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm và các thiết bị sử dụng điện trong nhà. Đặc biệt, phải ngắt hẳn nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện.
Cách xử lý khi xảy ra cháy các thiết bị điện theo các bước như sau:
Bước 1: Khi phát hiện ra đám cháy phát sinh từ các thiết bị điện, phải lập tức ngắt cầu dao của khu vực đang xảy ra cháy hoặc ngắt điện của toàn bộ ngôi nhà.
Bước 2: Nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy (bình chữa cháy khí, bột …) để dập lửa, hoặc sử dụng chăn, quần áo, rèm cửa… nhúng nước che phủ bao trùm toàn bộ diện tích thiết bị điện đang cháy (tuyệt đối không được sử dụng nước để dập cháy khi chưa cắt điện).
Bước 3: Trong mọi trường hợp khi có cháy nổ xảy ra, người dân phải gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114.
Lưu ý:
- Trường hợp đám cháy đã phát triển lớn, cần hô hoán, báo động cho mọi người trong nhà biết để nhanh chóng thoát nạn ra khu vực an toàn.
- Khi lối thoát ra ngoài đã bị khói che phủ, nhiệt độ cao thì hãy dùng khăn mềm thấm nước hoặc mặt nạ phòng độc để bảo vệ đường hô hấp, cơ thể; hạ thấp người khi di chuyển; tuyệt đối không trốn, nấp trong phòng, nhà vệ sinh …
- Trường hợp nhà có nhiều tầng mà đám cháy đã phát triển mạnh ở tầng 1, người trong nhà không thể thoát nạn qua lối cửa chính thì nhanh chóng sơ tán mọi người lên sân thượng hoặc các tầng trên, thoát nạn qua ban công, tum sang nhà bên cạnh và thoát ra nơi an toàn, cần chú ý các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thoát nạn.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ, mỗi người dân cần có kiến thức cho các tình huống thoát nạn khi sự cố xảy ra; trang bị thêm các bình cứu hỏa, các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vòi mềm dẫn nước để vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết; luyện tập kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn.
Các khu tập thể, chung cư mini… cần tăng cường trang bị hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho người dân.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình