Hướng dẫn sơ cấp cứu khi bé ngạt thở, sặc và choáng
Dù cha mẹ có trông nom trẻ thường xuyên thì việc trẻ bị ngạt, bị sặc hay bị choáng... vẫn không tránh khỏi xảy ra.
Nếu không được sơ cấp cứu kịp thời rất có thể dẫn đến việc tính mạng của trẻ gặp nguy hiểm. Dưới đây là một số gợi ý về sơ cấp cứu mà bạn có thể tham khảo.
>> TƯ VẤN TÂM LÝ - KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ TẠI AloBacsi.vn
Với trẻ bị sặc
Nguyên nhân
Bé sặc khi bị một vật nhỏ hoặc một miếng thức ăn lọt vào khí quản, gây nên những cơn ho. Trẻ thường bị như vậy là do bé hay bỏ mọi thứ cầm được ở tay và cho vào miệng.
Cách sơ cứu cho bé
Bước 1: Giữ em bé của bạn trong tư thế mặt úp, đầu dốc ngược thấp hơn thân, đầu và vai của bé nằm trên tay bạn. Vỗ mạnh 5 cái vào lưng bé.
Bước 2: Xoay mặt bé về phía cánh tay kia của bạn. Rồi nhìn vào trong miệng và dùng một ngón tay sạch lấy dị vật ra. Chú ý không thọc sâu vào cổ họng của bé.
Bước 3: Nếu vỗ ngực không thành công thì bạn để hai ngón tay ở phần nửa dưới của xương ức và ấn mạnh xuống với nhịp độ 3 giây một lần. Làm như vậy để tạo ra một cơn ho nhân tạo. Sau đó, kiểm tra miệng bé lại lần nữa.
Bước 4: Nếu vật cản vẫn chưa lấy ra được thì bạn hãy lặp lại từ bước 1 đến bước 3 thêm 3 lần nữa. Đồng thời bạn vừa giữ bé vừa gọi xe cấp cứu.
Cứu chữa cho trẻ lớn hơn
Bước 1: Nếu con bạn có thể tự ho để lấy dị vật ra, bạn hãy khuyến khích cháu làm như vậy, nhưng cũng đừng để mất thời gian quá nhiều. Nếu như cháu không ho ra được thì hãy cho cháu khum người ra phía trước, rồi vỗ mạnh vào giữa xương bả vai 5 cái.
Bước 2: Kiểm tra miệng cháu, lấy ngón tay sạch của bạn đè lưỡi của cháu xuống cho dễ nhìn. Bạn hãy lấy tất cả những dị vật mà bạn nhìn thấy.
Bước 3: Nếu vỗ lưng không thành công thì hãy ấn mạnh vào ngực cháu. Nắm tay lại và đặt nắm tay của bạn lên phần dưới xương ức. Lấy tay kia giữ chặt nắm tay, kéo mạnh nắm tay vào trong đến 5 lần với nhịp độ 3 giây một lần.
Bước 4: Nếu ấn ngực không thành công thì hãy ấn bụng. Đặt nắm tay của bạn ngay giữa bụng trên dưới xương sườn. Vòng tay kia qua bụng cháu, nắm lấy nắm tay. Ấn mạnh hướng lên trên 5 cái. Sau đó, kiểm tra miệng lại lần nữa.
Bước 5: Nếu nhấn bụng không thành công, thì hãy lặp lại từ bước 1 đến bước 4 thêm 3 lần nữa. Và nếu cũng không thành công thì hãy gọi xe cấp cứu ngay, trong lúc chờ đợi vẫn tiếp tục chu trình trên.
Hãy gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi
- Con bạn ngừng thở.
- Bạn không thể lấy dị vật gây tắc nghẽn ra được.
- Con bạn vẫn tiếp tục bị sặc, sau khi bạn đã lấy được vật gây tắc nghẽn ra.
Khi trẻ bị ngạt thở
Nguyên nhân
Bất kì vật gì nằm che ngang mặt con bạn đều có thể bịt mũi và miệng bé và làm cho trẻ ngạt thở.
Đối với trẻ sơ sinh
- Vỗ lên lưng bé: Đặt bé nằm sấp, xuôi trên cánh tay của bạn, đầu của bé chúc xuống dưới và 2 vai đặt lên 2 cánh tay bạn. Vỗ mạnh vào xương bả vai của trẻ 5 cái.
- Ấn ngực: Lật ngửa bé lên và đặt bé nằm xuôi theo cần tay của bạn. Đặt 2 ngón tay bạn vào giữa ngực của bé, phần ngay dưới 2 đầu vú và ấn mạnh 5 lần, sâu khoảng 2cm.
- Kiểm tra miệng: Đặt ngón tay của người cấp cứu lên lưỡi của bé. Nếu nhìn thấy có vật gì trong miệng của bé, hãy dùng ngón tay sạch của bạn để móc nó ra. Nhưng chú ý là không được thọc quá sâu vào cổ họng của bé. Nếu không lấy được vật cản ra hãy gọi xe cấp cứu ngay và lặp lại các bước trên cho đến khi xe cấp cứu đến.
Đối với trẻ lớn hơn
- Bước 1: Từ phía sau của trẻ, bạn tự xác định vị trí bằng cách nắm chặt tay lại, ngón cái đặt lên rốn của trẻ.
- Bước 2: Dùng bàn tay còn lại ôm khít bàn tay này, với cùi trỏ của 2 tay hướng ra phía ngoài trẻ.
- Bước 3: Trong tư thế trên, bạn ấn và thả một lần thật dứt khoát nhưng nhẹ nhàng. Nếu bằng cách này vẫn không lấy được vật cản ra, hãy gọi cấp cứu và lặp lại các bước cho đến khi xe cấp cứu đến.
Trẻ bị choáng
Choáng là thuật ngữ để chỉ tình trạng sụt giảm lượng oxy lưu thông trong các cơ quan và tế bào ở mức gây nguy hiểm đến tính mạng cho con người. Choáng có thể trở nên trầm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nếu bị sợ hãi hoặc đau đớn.
Triệu chứng
Đầu tiên, cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra chất adrenalin, làm cho nhịp mạch tăng cao. Da của trẻ trở nên nhợt nhạt, nhất là quanh vùng môi, mồ hôi ứa ra và ướt đẫm. Khi cơn choáng phát triển, trẻ có thể bị khát nước, ngã bệnh, và có khi còn nôn mửa. Trẻ có vẻ như bị suy nhược, hơi thở nông gấp, nhịp mạch của trẻ nhanh và không đều. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ sẽ bị hôn mê và tim ngừng đập.
Cách chữa trị
- Nếu nghi trẻ đang gặp phải cơn choáng, hãy gọi cấp cứu càng sớm càng tốt. Di chuyển trẻ càng ít càng tốt, bắt trẻ phải nằm xuống, gác 2 chân lên cao, sao cho chân trẻ phải cao hơn ngực. Tháo bỏ những vướng bận ở cổ, ngực và bụng, rồi xoay đầu trẻ về một phía để đề phòng trẻ nôn mửa.
- Nếu trẻ kêu khát nước, bạn hãy thấm nước lên môi trẻ. Không nên cho trẻ ăn uống bất kì thứ gì, vì có thể trẻ sẽ phải làm phẫu thuật nếu bị thương.
- Trẻ đang trong cơn choáng thường rất lo lắng, do đó điều quan trọng là phải ở bên cạnh trẻ và trấn an. Cố gắng giữ cho trẻ được bình tĩnh và thư thái. Hãy chắc chắn là trẻ được ấm áp bằng chăn, nhưng không nên quá nóng. Theo dõi trẻ và chờ đến khi xe cấp cứu đến.
>> TƯ VẤN TÂM LÝ - KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ TẠI AloBacsi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình