Hotline 24/7
08983-08983

Hướng dẫn chăm sóc trẻ nổi mề đay đúng cách

BS.CK2 Phan Hoàng Yến - Phụ trách chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã có những chia sẻ hữu ích về việc điều trị, chăm sóc trẻ mắc đề đay để đảm bảo an toàn cho trẻ.

1. Bệnh mề đay là gì?

Đầu tiên, xin nhờ BS giải đáp cho quý vị phụ huynh hiểu rõ hơn mề đay là tình trạng bệnh lý như thế nào thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Mề đay là một dạng sẩn phù hoặc nổi đỏ khiến em bé cảm thấy ngứa, khó chịu, thường nguyên nhân do dị ứng hoặc tiếp xúc.

2. Nguyên nhân nào khiến trẻ bị nổi mề đay?

Vậy có những nguyên nhân nào khiến trẻ bị nổi mề đay và trong đó đâu là nguyên nhân phổ biến nhất thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Mề đay có những dạng rất vô căn, khoảng 5 - 25% không tìm được nguyên nhân.

Nguyên nhân thường gặp gây tình trạng mề đay gồm có 4 nhóm:

- Những sản phẩm ăn vào (thực phẩm, nước)

- Các chất hít phải (bụi, phấn hoa, khói, thuốc lá)

- Dạng tiêm (thuốc, vắc xin hoặc côn trùng cắn tiêm độc chất vào)

- Bệnh lý nội khoa (tuyến giáp, lupus, một số dạng ung thư).

3. Mề đay có mấy loại?

Vậy mề đay ở trẻ có được phân loại không thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Mề đay ở trẻ và người lớn được phân loại dựa theo thời gian kéo dài của mề đay.

- Dưới 6 tuần gọi là mề đay cấp tính

- Trên 6 tuần gọi là mề đay mạn tính.

4. Dấu hiệu của mề đay là gì?

Khi trẻ bị nổi mề đay sẽ có những dấu hiệu nào để giúp phụ huynh nhận biết thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Phụ huynh sẽ thấy em bé nổi các sẩn hoặc mảng hồng ban, viền rõ, trên những vùng thân mình như vùng mặt, tay chân và khiến em bé ngứa, gãi nhiều.

Đặc điểm của mề đay thường là nổi - lặn. Vì vậy, phụ huynh có thể để ý nếu em bé có các biểu hiện này có thể nghi ngờ nổi mề đay.

5. Các cận lâm sàng nào giúp chẩn đoán trẻ bị mề đay?

Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ cho làm các cận lâm sàng nào để xác định đúng tình trạng trẻ đang bị mề đay thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Mề đay cấp tính không cần phải làm xét nghiệm. Ngoại trừ trường hợp có phản ứng nặng sẽ làm xét nghiệm để em bé dị ứng với những loại nào để tránh sau này.

Những trường hợp mề đay mạn tính, ngoài tầm soát nguyên nhân thì cần có một số xét nghiệm như định lượng IgE, xét nghiệm máu để tìm chất dị ứng hoặc xét nghiệm máu xem bệnh nhi có nhiễm ký sinh trùng đường ruột, HP đường ruột hoặc tầm soát bệnh lý tuyến giáp để loại trừ những nguy cơ tìm ẩn có thể gây ra bệnh mề đay.

6. Điều trị mề đay cho trẻ thế nào?

Hướng điều trị khi trẻ bị mề đay gồm có những phương pháp nào thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Chủ yếu có 2 phương pháp:

- Phương pháp uống: Điều trị càng ít càng tốt. Trước đây, các trường hợp mề đay chủ yếu sử dụng nhóm Antihistamine thế hệ 1 gọi là Clorpheniramin, có tính an thần gây buồn ngủ. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều thế hệ mới như Desloratadine, Fexofenadin,… giúp giảm ngứa, giảm mề đay mà hầu như không có tác dụng phụ an thần.

- Phương pháp thoa: Khi em bé nổi mề đay sẽ bôi các sản phẩm có thành phần như Menthol giúp bé giảm ngứa để giảm khó chịu.

7. Desloratadine được khuyến cáo sử dụng mỗi ngày 1 lần vậy sao bác sĩ lại cho uống 1 ngày 2 - 3 lần?

Một số phụ huynh hỏi rằng con tôi bị mề đay được điều trị bằng Desloratadine và trong giấy hướng dẫn sử dụng thuốc của nhãn hàng khuyến cáo là dùng mỗi ngày 1 lần nhưng tại sao bác sĩ lại cho uống 1 ngày 2 - 3 lần thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Hiện nay, trình độ dân trí của phụ huynh rất cao nên đa phần khi bác sĩ kê toa phụ huynh vẫn sẽ kiểm tra lại xem hoạt chất hoặc số lượng có đúng hay không.

Ví dụ nhãn hàng khuyến cáo thành phần Desloratadine liều chuẩn là 1 lần/ngày đối với những trường hợp dị ứng thông thường. Tuy nhiên, với những trường hợp mề đay sử dụng liều chuẩn không đáp ứng thì có thể tăng lên tối đa từ 3 - 4 lần/ngày.

Vì vậy, phụ huynh có thể yên tâm khi đi khám bác sĩ ở những cơ sở chính thống sẽ hoàn toàn an toàn cho các bé.

8. Trẻ bị mề đay sẽ kéo dài trong bao lâu?

Thông thường trẻ bị mề đay sẽ kéo dài trong bao lâu thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Khoảng thời gian mắc mề đay rất khó để xác định.

- Dưới 6 tuần gọi là mề đay cấp tính

- Trên 6 tuần gọi là mề đay mạn tính

Thời gian mề đay kéo dài bao lâu là do phản ứng của cơ thể. Một số bé trong một thời gian ngắn đã được kiểm soát nhưng có những bé kéo dài lâu hơn.

Quan trọng là khi phụ huynh thấy bé bị mề đay kéo dài phải đưa bé đến khám, nếu cần thiết bác sĩ sẽ cho thực hiện các xét nghiệm tầm soát nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng này.

9. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ nổi mề đay ra sao?

Thưa BS khi trẻ bị mề đay, chế độ dinh dưỡng như thế nào là đúng, có nên kiêng khem quá mức hay không?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Một trong những nguyên nhân phổ biến của mề đay là dạng ăn vào, hít vào và tiêm vào. Khi đã bị dị ứng với loại này vẫn có khả năng dị ứng với loại khác.

Vì vậy, nếu bé đã có tiền sử ăn những loại thực phẩm đó bị nổi mề đay, dị ứng thì nên hạn chế. Những loại thực phẩm khác không bắt buộc không ăn, nhưng nguyên tắc là phải thử, thử ăn một lượng nhỏ, nếu cảm thấy không sao thì có thể tăng số lượng.

Có những phụ huynh hỏi rằng tại sao trước đây con ăn hải sản bình thường nhưng bây giờ ăn hải sản lại dị ứng? Trường hợp này phải cần lưu ý xem hải sản đó có tươi hay không. Hải sản tươi sẽ ít thành phần histamine dị ứng, còn hải sản để lâu sẽ sản sinh ra các chất histamine, thậm chí những loại gia vị bảo quản cũng có thành phần gây dị ứng trong đó.

10. Nên chăm sóc, vệ sinh da cho trẻ bị mề đay như thế nào?

Ngoài dinh dưỡng thì vấn đề chăm sóc làn da khi trẻ bị mề đay cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Vậy khi con bị mề đay, nổi rất nhiều hồng ban trên da thì nên chăm sóc, vệ sinh cho trẻ như thế nào là đúng thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Đặc điểm mề đay là khi bé nổi các sẩn và cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Những sản phẩm dễ gây kích ứng da có thể làm tăng tình trạng nổi mề đay của bé. Vì vậy, khi tắm phải ưu tiên chọn những sản phẩm dịu nhẹ, trung tính và hạn chế có mùi.

Phải chọn quần áo rộng, thoáng mát, vải mềm để giảm kích ứng da. Bên cạnh đó, có thể bôi thêm một số sản phẩm an toàn để giảm ngứa da như methol để hỗ trợ cho làn da của bé.

11. Khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da cần lưu ý những gì?

Khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da như sữa tắm hoặc kem chống nắng,… nên lưu ý những vấn đề gì thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời:

- Lựa chọn những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi

- Sản phẩm trung tính phù hợp với pH của da

- Hạn chế những loại gây kích ứng và có mùi

12. Có trường hợp trẻ lúc nhỏ thường xuyên bị mề đay nhưng khi lớn lên sẽ hết không?

Có trường hợp nào trẻ lúc nhỏ thường xuyên bị mề đay nhưng đến độ tuổi nào đó hoặc lơn hơn sẽ hết hẳn không thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Vì mề đay là phản ứng của cơ thể mà cơ thể có thể thay đổi nên một số trẻ lúc nhỏ bị phản ứng nhiều nhưng khi lớn lên có sức đề kháng hoặc có chế độ ăn uống (nhiều vitamin), sinh hoạt đúng sẽ hỗ trợ cơ thể giảm tình trạng mề đay.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X