Hotline 24/7
08983-08983

Hội thảo ung thư phổi của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức: Sinh thiết lỏng đã tiến bộ đến đâu?

Hội thảo khoa học “Cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư phổi” do Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tổ chức đã cập nhật những thông tin mới về tầm soát và điều trị ung thư phổi trên thế giới như: sinh thiết lỏng, điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch… và tình hình ung thư phổi tại Việt Nam.

Hội thảo khoa học “Cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư phổi” do Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tổ chức ngày 20/5/2023 có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Israel và Singapore, cùng các bác sĩ đầu ngành tại Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, nhiều bệnh viện ở TPHCM và các tỉnh lân cận. Hội thảo có trực tuyến cho các bác sĩ tham dự từ xa với sự hỗ trợ của Y học cộng đồng và TS.BS Phạm Nguyên Quý - Kyoto, Nhật Bản.

Hội thảo khoa học “Cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư phổi” do Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tổ chức ngày 20/5/2023 tại TPHCM

Nội dung hội thảo có các thông tin cập nhật về vai trò của tầm soát ung thư phổi trong việc giúp giảm được tử vong do căn bệnh này. ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết: cách tầm soát mỗi nước khác nhau một chút nhưng chủ yếu vẫn dựa vào CT phổi liều thấp để phát hiện sớm sang thương ở phổi.

Hiện giờ điều trị ung thư phổi cũng có nhiều tiến bộ ở các thuốc nhắm trúng đích và thuốc miễn dịch. Đi kèm với các thuốc mới là những xét nghiệm chuyên biệt. Ung thư phổi có rất nhiều loại u khác nhau, nếu xét nghiệm chính xác loại u nào thì việc dùng thuốc mới hiệu quả và tiết kiệm” - BS Triệu Vũ cho hay.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức - người điều phối hội thảo

Về xét nghiệm, có thể thấy sự “bùng nổ” của sinh thiết lỏng. U phổi nằm sâu trong lồng ngực, không phải dễ dàng tiếp cận để làm sinh thiết khối u, do đó một số trường hợp sẽ thực hiện sinh thiết lỏng bằng cách xét nghiệm máu để tìm ra các yếu tố đặc biệt, hướng dẫn cho việc điều trị sau này.

Sinh thiết lỏng không phải là kỹ thuật mới tại Việt Nam, tuy nhiên qua nhiều năm thì xét nghiệm này có độ nhạy cao hơn, giá thành giảm hơn so với trước.

Sinh thiết lỏng có thể hỗ trợ theo dõi, đánh giá đáp ứng và tiên đoán điều trị nhưng không thể thay thế được sinh thiết u vì sinh thiết u vẫn có vai trò riêng. Đương nhiên, một số trường hợp khó, chúng ta vẫn phải cố gắng tiếp cận khối u, phải lấy được mẫu mô trong khối u để xét nghiệm, điều này bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định.

BS Nir Peled (Israel) báo cáo đề tài: Ung thư phổi tế bào nhỏ - sinh thiết lỏng đầu tay hay chỉ cần sinh thiết lỏng

Một vấn đề được đặt ra là liệu có thể dùng xét nghiệm máu để tầm soát ung thư phổi được hay không? BS Triệu Vũ khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng nào chắc chắn về việc xét nghiệm máu có ý nghĩa tầm soát ung thư phổi. Ở Việt Nam và thế giới mới chỉ có một số bước đầu dùng xét nghiệm máu tầm soát ung thư phổi nhưng phải đợi nhiều năm mới khẳng định được hiệu quả của việc này”.

Nhìn chung, dùng xét nghiệm máu để tầm soát ung thư vẫn còn đang được nghiên cứu chứ chưa áp dụng rộng rãi, chưa đưa vào các hướng dẫn của quốc tế và Việt Nam. Tầm soát ung thư phổi vẫn dựa vào CT phổi liều thấp, tầm soát ung thư vú dựa vào siêu âm và nhũ ảnh, tầm soát ung thư cổ tử cung dựa vào xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV… là những công cụ tầm soát truyền thống.

Gần đây, ở các nước cũng rộ lên việc kết hợp X-quang phổi với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép phát hiện nhiều hơn và sớm hơn những khối u phổi. Nhưng liệu X-quang phổi kết hợp với AI có hiệu quả được như CT liều thấp hay không thì vấn đề này vẫn chờ thời gian. Hiện giờ, CT phổi liều thấp vẫn là công cụ chính để tầm soát ung thư phổi.

TTƯT.BS.CK2 Trần Đình Thanh, trưởng khoa Ung bướu BV Hoàn Mỹ (TPHCM)

TTƯT.BS.CK2 Trần Đình Thanh, trưởng khoa Ung bướu BV Hoàn Mỹ (TPHCM) nhận định các bài báo cáo tại hội thảo đều rất bổ ích: “Các tác giả giới thiệu các phương pháp chẩn đoán, đi tới kết luận cho người bệnh và đưa ra hướng điều trị. Bài báo cáo của BS Nir Peled (Israel) tổng kết các lựa chọn điều trị theo đích và điều trị theo miễn dịch. Trong đó, một điểm mới là chúng ta có thể điều trị miễn dịch ở bước “tân hỗ trợ” trong trường hợp bệnh nhân có bướu lớn quá, thuốc có tác dụng làm bướu nhỏ lại để việc phẫu thuật sau đó được thuận lợi.

Sinh thiết lỏng trước nay được thực hiện bằng cách lấy máu hay lấy dịch màng phổi. Trong bài báo cáo nói về bệnh nhân bị di căn não, tác giả Ooi Wei Seong (Singapore) đã lấy dịch não tủy để làm sinh thiết lỏng, đây cũng là một hướng tiếp cận để chẩn đoán rõ ràng hơn”.

Bác sĩ Ooi Wei Seong (Singapore) với bài báo cáo: Bàn luận ca lâm sàng ung thư phổi - thực tế và áp dụng

Về tình hình ung thư phổi tại Việt Nam, hiện nay các xét nghiệm khá đầy đủ và bắt kịp thế giới nhưng cơ sở xét nghiệm lớn vẫn tập trung ở TPHCM và Hà Nội, do đó bệnh nhân ở tỉnh vẫn gặp khó khăn để tiếp cận xét nghiệm. Bệnh nhân nghèo thì ít tiếp cận được với thuốc mới vì chi phí không rẻ.

Hi vọng thời gian tới Bộ Y tế sẽ hỗ trợ chi phí cho các xét nghiệm mới và thuốc mới để người bệnh ung thư được tiếp cận nhiều hơn” - ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ mong mỏi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X