Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị khoa học thường niên Tai mũi họng 2023: Từ viêm mũi xoang do nấm, cấy ốc tai cho đến phẫu thuật đầu cổ

Tại Thái Bình, 2 ngày cuối tuần vừa qua (3/3 và 4/3), Hội nghị khoa học thường niên Tai Mũi Họng 2023 đã chính thức diễn ra. Đây là diễn đàn khoa học tầm cỡ, quy tụ các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Tai Mũi Họng với hơn 90 bài báo cáo chất lượng.

Hội nghị khoa học thường niên Tai Mũi Họng 2023 do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam phối hợp với Hội Tai Mũi Họng Thái Bình tổ chức với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán - điều trị tai mũi họng - thính học và phẫu thuật đầu cổ 2023” với hơn 90 bài báo cáo, thu hút gần 1.000 người tham dự, 30 gian hàng triển lãm.

Trong đó, gian hàng của DHG Pharma - nhà tài trợ bạc cho hội nghị với các sản phẩm kháng sinh (Klamentin, Zaromax) điều trị hiệu quả, giá thành tốt được nhiều bác sĩ quan tâm. Trong dịp này, DHG Pharma cũng kết nối 100 bác sĩ tham dự hội nghị, bởi đây là cơ hội tốt nhất giúp các chuyên gia cập nhật kiến thức chuyên ngành, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau.

Chương trình hội nghị thu hút người tham dự từ Nam ra Bắc

Hội nghị chỉ diễn ra 2 ngày nhưng đón nhận sự quan tâm của đông đảo nhân viên y tế trên khắp cả nước. Trong đó, chương trình tiền hội nghị triển khai vào ngày 3/3, với 2 workshop thính học, mũi xoang và 1 hội thảo vệ tinh mang đến nhiều nội dung hấp dẫn.

Về hội nghị chính, mặc dù chỉ diễn ra trong 1 ngày 4/3 nhưng đã tổ chức, xây dựng chương trình với tổng số bài báo cáo “khủng”, cập nhật nội dung phong phú, thực hiện xuyên suốt trên 12 phiên, trong 5 chuyên đề chính bao gồm: Mũi - Xoang; Tai - Thính học, Họng thanh quản - Tai mũi họng nhi; Phẫu thuật đầu cổ; Điều dưỡng tai mũi họng.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM nhìn nhận: “Trong hội nghị còn có sự tham dự của Liên chi hội Thính học, Liên chi hội Phẫu thuật Đầu cổ, Liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi, Liên chi hội Mũi Xoang. Bên cạnh hội thảo khoa học, chương trình còn thực hiện chương trình hoạt động thiện nguyện - khám bệnh cho 250 người dân tại Thái Bình.

Hội nghị với số lượng lớn người tham dự và bài báo cáo là nỗ lực của Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam - Hội Tai Mũi Họng Thái Bình để nội dung hữu ích lan rộng, dễ tiếp cận. Đây cũng là tâm niệm của cố bác sĩ Huỳnh Khắc Cường - người thầy, người anh cả của ngành tai mũi họng Việt Nam nói chung và LCH nói riêng”.

Gian hàng của DHG Pharma nhận được sự quan tâm của y bác sĩ, khách tham dự

1. Viêm mũi xoang - căn bệnh ảnh hưởng đến 35 triệu người trên thế giới

Chuyên đề Mũi - Xoang nhận được sự quan tâm của đông đảo học viên tham dự. Trong bài báo cáo “Điều trị viêm mũi xoang ở người lớn”, PGS.TS.BS Trần Minh Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, mỗi năm, viêm mũi xoang ảnh hưởng đến 30-35 triệu người, 25 triệu lượt khám, chi phí trực tiếp đến 2,4 tỷ đô la và ngày càng tăng, cùng với chi phí phẫu thuật thêm 1 tỷ đô la. Đây là chẩn đoán phổ biến thứ 3 liên quan đến sử dụng kháng sinh.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang, trong đó nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, vi nấm) là hay gặp nhất. Trong đó, vi khuẩn gây bệnh viêm xoang gặp chủ yếu là một trong các loại: Hemophillus, influenzae, Streptococcus pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), E.coli, cầu khuẩn (tụ cầu và liên cầu), Klebsiella

Chuyên gia dẫn chứng hướng dẫn của EPOS 2012, để chẩn đoán xác định viêm mũi xoang ở người lớn với việc đột ngột xuất hiện 2 hoặc nhiều hơn các triệu chứng mà 1 trong số đó phải là ngạt tắc mũi hoặc chảy dịch mũi (trước hoặc sau), có thể có đau nhức mặt, nặng mặt, có thể có giảm hoặc mất ngửi, thời gian < 12 tuần”.

Về điều trị viêm mũi xoang, trong nội khoa gồm có trị toàn thân (kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng, giảm đau, thuốc loãng đờm), điều trị tại chỗ (thuốc xịt kháng viêm tại chỗ, thuốc co mạch, dung dịch rửa mũi, khí dung).

Trong bài báo cáo, PGS.TS.BS Trần Minh Trường đề cập Amoxicillin/ Acid clavulanic là chỉ định đầu tay trong điều trị viêm mũi xoang do vi khuẩn. “Trong đó, kháng sinh chất lượng cao là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn. Chất lượng thuốc không đảm bảo có thể dẫn đến thất bại điều trị, làm giảm hiệu quả kinh tế trong sử dụng ngân sách y tế” - chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến viêm mũi xoang, PGS.TS.BS Lê Công Định - Trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Bạch Mai khai thác một phía cạnh cụ thể hơn trong bài báo cáo “Viêm mũi xoang do nấm và thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai”.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ báo cáo viêm mũi xoang do nấm ngày càng tăng trên toàn thế giới, phổ biến nhất là ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nhưng cũng có thể gặp (tỷ lệ hiếm) ở người khỏe mạnh. Trong đó, Aspergillus spp như Aspergillus flavus là các tác nhân gây bệnh chính viêm mũi xoang do nấm.

PGS.TS.BS Lê Công Định cho biết, viêm mũi xoang do nấm gồm 2 loại không xâm lấn và xâm lấn, chiếm tỷ lệ cao trong viêm mũi xoang và có xu hướng gia tăng. Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, gánh nặng chi phí và có thể gây ra các biến chứng rất nguy hiểm.

Tại Việt Nam, thể loại nấm không xâm lấn đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, PGS.TS.BS Lê Công Định nhận định, đối với thể xâm lấn, chủ đề này còn tương đối mới, chưa có nhiều kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị. Vì vậy, trong bài báo cáo, chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích từ phân loại, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị viêm xoang do nấm. Đồng thời cũng cập nhật thực trạng của nhóm bệnh lý tại khoa Tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai.

Trong đó, về vấn đề điều trị, chuyên gia thông tin, đối với thể cầu nấm, phẫu thuật nội soi mở rộng xoang, lấy sạch tổ chức nấm; phục hồi chức năng dẫn lưu - thông khí xoang. Đối với viêm mũi xoang dị ứng nấm, phẫu thuật nội soi mở rộng các xoang; các thuốc corticoid (tại chỗ, toàn thân), kháng histamin, đối kháng Leucotriens, giải mẫn cảm đặc hiệu, kháng thể đơn dòng.

Đối với viêm mũi xoang do nấm, phẫu thuật (đường mổ nội soi hoặc kết hợp với đường ngoài); thuốc (kháng sinh chống nấm dựa theo loại nấm), điển hình như nấm Mucorales (Amphotericin B, Po-saconazole), nấm Aspergillus (Voriconazole, Itraconazole, Amphotericin B), thời gian và liều lượng thuốc phải cá thế hóa tùy theo từng trường hợp. Ngoài ra, còn có phục hồi chức năng miễn dịch, điều trị bệnh nền cùng các phương pháp hỗ trợ (liệu pháp oxy cao áp, chất tạo chelat với sắt, tăng miễn dịch).

Liên quan đến vấn đề viêm mũi xoang, TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng Đón vị Tai mũi họng - Trưởng đơn vị truyền thông giáo dục sức khỏe Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng mang đến hội nghị một góc nhìn thú vị về “Rối loạn miễn dịch tại chỗ trong viêm mũi xoang mạn”.

Chuyên gia thông tin, các tác nhân gây bệnh trong môi trường đã được nói đến trong viêm mũi xoang mạn. Nhiều tác giả cho rằng, các thay đổi đáp ứng miễn dịch của ký chủ dẫn đến sự tiến triển của viêm xoang mạn và sự nhạy cảm của ký chủ mới là yếu tố chính trong sinh bệnh học của bệnh này.

“Các hoạt động đáp ứng miễn dịch này liên quan đến tế bào biểu mô, tế bào viêm thâm nhập tại chỗ như là bạch cầu ái toan, bạch cầu trung tính, tế bào Lympho T... Trong đó, sự mất cân đối trong hoạt động của bạch cầu Lympho T-reg là trung tâm của rối loạn miễn dịch tại chỗ trong viêm mũi xoang mạn” - TS.BS Nguyễn Nam Hà lý giải.

Chuyên gia dẫn chứng, EPOS 2020 đã ghi nhận gần đây ngày càng có nhiều nghiên cứu về hoạt động và biến đổi gen liên quan đến con đường miễn dịch trong viêm mũi xoang mạn. Các nghiên cứu này được thực hiện theo kiểu liên đồ gen, ví dụ ưu thế BCAT (gen Eotaxin, IL-5…) - biến đổi hoạt động tế bào Lympho TH2 (gen IL-4, CCL18…) - biến đổi hoạt động tế bào Lympho regulatory (gen FOXP3, TGFB1…). “Các nghiên cứu theo hướng này là rất thực tế và cho cái nhìn toàn diện hơn trong bệnh lý viêm mũi xoang mạn” - TS.BS Nguyễn Nam Hà nhận định.

Thông qua kết quả nghiên cứu, trong bài báo cáo “Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, vi trùng học, kết quả điều trị áp xe vách ngăn” - BS.CK1 Quách Minh Tuấn - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM khuyến cáo, áp xe vách ngăn phần lớn được chẩn đoán nhầm thành viêm mũi xoang cấp trong giai đoạn sớm.

“Trong khi đó, áp xe vách ngăn có thể gặp ở cả nam và nữ. Tuổi trung niên là độ tuổi thường gặp nhất, trung bình là 51 tuổi. Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp nhất (75%) và phồng vách ngăn là triệu chứng quan sát được khi thăm khám qua nội soi mũi trước (100%). Thời gian khỏi bệnh là 9,14 ngày và phần lớn được chẩn đoán nhầm thành viêm mũi xoang cấp trong giai đoạn sớm”.

Chuyên gia cho biết thêm, chủng vi khuẩn gây áp xe vách ngăn thường gặp nhất là Staph-ylococus aureus (52,78%). Việc điều trị sớm, rạch dẫn lưu, băng ép vách ngăn đúng cách và sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch phù hợp sẽ giúp cải thiện triệu chứng và giảm tỷ lệ biến chứng sớm.

2. Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở trẻ em

Các vấn đề tai mũi họng, thính học ở trẻ em cũng được quan tâm không kém trong hội nghị. Trong bài báo cáo “Chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở trẻ em”, ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn nhận định, chẩn đoán và điều trị bệnh lý tai mũi họng nhi dựa vào phối hợp chặt chẽ với các ngành khác để điều trị các bệnh nền phối hợp phức tạp và các bệnh lý gia đình di truyền, bao gồm tiếp cận và chăm sóc đặc biệt, gây mê và các chuyên khoa khác như nhi, truyền nhiễm, huyết học.

Trong đó, chuyên gia đề cập đến các vấn đề nhận diện, điều trị các bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở trẻ. Đối với cảm thông thường, không có thuốc đặc trị, điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng, chờ bệnh tự khỏi. Đối với viêm họng, việc điều trị tập trung vào giải quyết các triệu chứng như súc họng nước muối ấm, uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ, ngậm các thuốc giảm đau họng, ăn nhiều cam, chanh, trái cây giàu vitamin C. Riêng với kháng sinh, chỉ sử dụng khi đủ tiêu chuẩn theo bảng điểm Centor cải tiến.

“Đối với viêm mũi xoang cấp không biến chứng từ mức độ trung bình đến nhẹ, các guideline hướng dẫn khuyến nghị điều trị khởi đầu bằng Amoxicillin (45mg/kg/ngày chia 2 lần). Phương pháp điều trị thay thế cho bệnh nhân dị ứng penicilln bao gồm Cefdinir, Cefuriox-ime axetil, Cefpodoxime hoặc Cefixime. Ở trẻ lớn hơn, Levofloxacin là một loại kháng sinh thay thế.

Đối với trẻ có yếu tố nguy cơ (điều trị kháng sinh trong trước 1-3 tháng, đi nhà trẻ hoặc dưới 2 tuổi) cho sự hiện diện của các loài vi khuẩn kháng thuốc và đối với những trẻ không đáp ứng với điều trị ban đầu bằng Amoxicillin trong 72 giờ, hoặc đối với viêm xoang nặng, điều trị bằng Amoxicillin-clavu-lanate liều cao (80-90mg/kg ngày) nên được bắt đầu. Đối với viêm mũi xoang mạn tính, các liệu pháp được chấp nhận bao gồm tưới rửa nước muối mũi xoang, kháng sinh nhỏ, xịt mũi steroid và steroid toàn thân” - ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương cho biết.

Trong điều trị viêm tai giữa cấp, chuyên gia lưu ý, chỉ nên sử dụng kháng sinh khi có mủ (mủ trong ống tai ngoài, hoặc trong tai giữa, sốt cao, công thức bạch cầu có nhiễm trùng). Kháng sinh lựa chọn đầu tay là Amoxicillin 80mg/kg/ngày chia 2 lần trong 5-10 ngày; Amoxicillin-clavulate 90mg/kg/ngày chia 2 lần trong 5-10 ngày. Khi có dị ứng Amoxicillin, thay thế bằng Azithromycin 30mg/kg/ 1 liều (tối đa 1.500mg) trong ngày, kéo dài 3 ngày.

Bên cạnh đó, trong bài cáo cáo, chuyên gia cũng đề cập đến các hướng dẫn điều trị viêm tai giữa ứ dịch, viêm tai giữa mạn mủ, viêm tai giữa dính, viêm amidan và VA ở trẻ em.

Với báo cáo “Đánh giá 12 năm cấy ốc tai tại Bệnh viện Nhi đồng 1”, BS.CK2 Phạm Đoàn Tấn Tài - Trưởng Đơn vị Tai - Thính học, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ về một nghiên cứu hồi cứu trên 69 bệnh nhi nghe kém tiếp nhận - thần kinh được cấy điện cực ốc tai từ năm 2010 đến tháng 11/2022.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 88% bệnh nhân được cấy tai đầu tiên trước 5 tuổi, nhóm dưới 2 tuổi chiếm gần 22%. 78% các trường hợp cấy tai phải, 13% cấy tai trái và 9% cấy cả 2 tai. Duy nhất 1 trường hợp cấy ốc tai do điếc sâu cả 2 tai sau ngôn ngữ. Kết quả, hơn 70% bệnh nhân được cấy 1 và 2 tai, sau khi học AVT từ 2 năm trở lên, có thể học hòa nhập trường bình thường. Các trường hợp còn lại sau cấy 2 năm vẫn học trường học khuyết tật, đây là các trường hợp có kèm chậm phát triển tâm thần, vận động hoặc có bất thường giải phẫu ốc tai như thần kinh mảnh…

Thông qua đó, BS.CK2 Phạm Đoàn Tấn Tài nhận định: “Ngày nay, phẫu thuật cấy điện cực ốc tai trở thành một can thiệp thường quy cho trẻ nghe kém nặng sâu không phát triển ngôn ngữ đầy đủ với can thiệp bằng máy trợ thính. Trong các kết quả thì khả năng được hòa nhập vào trường học bình thường của trẻ sau cấy điện cực ốc tai là mối quan tâm hàng đầu của cả nhà chuyên môn lẫn thân nhân bệnh nhi khi quyết định can thiệp cho trẻ”.

Khai thác một khía cạnh khác của cấy ốc tai điện tử trong bài báo cáo “Có nên phẫu thuật cấy ốc tai ở trẻ hemophilia B”, dựa trên các khuyến cáo cũng như kinh nghiệm, PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Giảng viên chính, giáo vụ bộ môn Tai mũi họng - Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, bệnh nhân hemophilia B có thể phẫu thuật cấy ốc tai điện tử khi với 3 điều kiện. Thứ nhất là có đầy đủ xét nghiệm đông cầm máu và định lượng yếu tố đông máu. Thứ hai là xét nghiệm yếu tố đông máu có cải thiện sau khi tiêm yếu tố đông máu. Thứ ba là chuẩn bị dự trù đầy đủ các thuốc đông cầm máu cho quá trình phẫu thuật trước - trong và sau mổ.

3. Phẫu thuật Đầu Cổ và những điểm thú vị

Hàng loạt báo cáo hấp dẫn khác về Phẫu thuật đầu cổ cũng được ghi nhận tại chương trình hội nghị dựa trên các nghiên cứu, chứng cứ khoa học.

Trong bài báo cáo “Một số vạt tại chỗ trong tái tạo khuyết hỗng vùng đầu - mặt - cổ”, ThS.BS.CK1 Nguyễn Đức Hương - Khoa Phẫu thuật đàu cổ - tai mũi họng - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM nhấn mạnh, tạo hình các khuyết hổng vùng mặt cần được tạo hình khéo léo để phục hồi chức năng và thẩm mỹ vì đây là vùng rất nhạy cảm về thẩm mỹ.

“Phẫu thuật viên cần phải biết rõ về giải phẫu học, hình dạng và chức năng của vùng này. Ngoài ra, điều quan trọng cũng được đặt ra là sự liên hệ giữa các vị trí được tái tạo như da, mũi, môi, tai, gò má, da đầu và da trán với các cấu trúc xung quanh”.

Trong quá trình tạo vạt, phẫu thuật viên phải chú ý tác động của mô và cấu trúc bên cạnh. Chủ yếu là vạt được tạo ra có thể di chuyển đến khuyết hổng mà không gây co kéo hoặc quá căng sau khi may khép. Một số vạt tại chỗ thường được sử dụng trên lâm sàng gồm vạt trượt kiểu V-Y, vạt trán, vạt 2 hủy, vạt mũi môi, vạt xoay…” - chuyên gia cho biết.

ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh - Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với bài báo cáo “Điều trị dính mép trước dây thanh bằng phương pháp phẫu thuật tách dính đặt keel thanh quản: Báo cáo mô tả loạt ca” nhận định, điều trị dính mép trước thanh quản bằng phẫu thuật tách dính kết hợp đặt keel thanh quản là một phương pháp khả thi, an toàn với tỷ lệ biến chứng tương đối thấp. Sự hồi phục giọng nói đáng kể được ghi nhận ở phần lớn người bệnh và chưa ghi nhận trường hợp nào tái phát trong thời gian theo dõi.

Tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Thành Tuấn - Khoa Phẫu thuật Đầu cổ - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM trình bày một nghiên cứu mô tả, qua đó nhận định phương pháp tiêm botulinum toxin A vào cơ giáp phễu qua nội soi là một phương pháp điều trị an toàn, đạt hiệu quả cao trong việc phục hồi giọng nói của bệnh nhân bị rối loạn phát âm co thắt thể khép. Vì vậy, chuyên gia cũng đề xuất phương pháp cần được triển khai, áp dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng tại Việt Nam.

Qua kết quả nghiên cứu được chia sẻ tại một bài báo cáo trong hội nghị, BS.CK2 Hoàng Văn Nhạ - Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện K Tân Triều đánh giá, ứng dụng vạt da cơ ngực lớn là một phương pháp hữu hiệu, linh hoạt với tỷ lệ chết vạt thấp, liền vết mổ nhanh, thời gian nằm viện ngắn và an toàn trong việc tái tạo mất chất vùng cổ sau phẫu thuật ung thư vùng đầu cổ.

TS.BS Lý Xuân Quang - Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng tham gia hội nghị với một bài báo cáo, qua đó cho biết kỹ thuật chỉnh hình khí quản kiểu sliding là một lựa chọn mang lại nhiều lợi ích trong điều trị hẹp khí quản bẩm sinh vì việc sửa chữa các đoạn hẹp dài có thể được xử lý triệt để nhưng không gây rút ngắn chiều dài khí quản đáng kể.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung (thứ 6 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng ban chấp hành mới của Liên chi hội Tai mũi họng TPHCM và các tỉnh phía Nam cùng các báo cáo viên

Khép lại hội nghị, phần đông người tham dự đều có chung nhận định, đây là hội nghị rất đáng chú ý, bởi vì được hưởng những kiến thức cập nhật trên thế giới, đồng thời được trao đổi - tiếp xúc với các thầy cô giàu kiến thức và giàu cả kinh nghiệm thực hành lâm sàng, có thể ứng dụng thực tiễn trong công tác chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.

Phương Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X