Hotline 24/7
08983-08983

Hệ tiêu hóa: Vì đâu nên nỗi?

Men tiêu hóa và men vi sinh thường được bác sĩ khuyên sử dụng điều trị các hội chứng liên quan đến rối loạn tiêu hóa. Vậy men tiêu hóa và men vi sinh là gì, có chức năng như thế nào đối với hệ thống tiêu hóa? Mời bạn đọc cùng theo dõi chương trình giao lưu trực tuyến "Hệ tiêu hóa: Vì đâu nên nỗi?" với sự tham gia của BS Lương Lễ Hoàng và ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư.

PHẦN 1: TRÒ CHUYỆN CÙNG CHUYÊN GIA

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Trong y khoa, có 1 sự nhất quán, đó là khi nào thầy thuốc sử dụng thuật ngữ dễ hiểu, và đôi khi chỉ vì 1 tiếng đơn giản mà nó rất khó hiểu, ngay cả trong giới chuyên môn. Với đề tài của chương trình hôm nay, tôi sẽ nói về men. Vậy men có nghĩa là gì? Khi nghe đến men, tôi nghĩ đến hình ảnh của 1 ổ bánh mì mà người ta ủ bột, cho men, vài giờ sau mở ra thấy bột dậy lên thành một khối để người ta nướng lên thành ổ bánh mì. Vậy, khi nhìn về mặt sức khỏe thì men có những chức năng như thế nào, từ tâm lý đến thể chất?

Để rộng đường dư luận, tôi cũng không thể giải thích hết được. Vì vậy tôi đã nhờ một đồng nghiệp trẻ, có khả năng chắc chắn sẽ đóng góp rất nhiều ý kiến hữu ích trong chương trình này, đó là BS Đặng Huỳnh Anh Thư, đến từ khoa Sinh lý học, ĐH Y Dược TPHCM.

Chào BS Anh Thư, như tôi vừa trình bày, nếu nói về men, thì men là gì, để bệnh nhân hay người ngoài giới chuyên môn có thể hiểu được?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Để trả lời câu hỏi của BS Hoàng, tôi xin trình bày như sau: men vốn dĩ là chất xúc tác sinh học, tức là một chất thúc đẩy quá trình phản ứng có thể xảy ra. Nó có thể làm cho mình 2 việc sau:

- Giảm năng lượng hoạt hóa phản ứng, ví dụ, để một phản ứng xảy ra, giả dụ cơ thể cần 10kcal. Khi có men cơ thể chỉ cần 2kcl thì phản ứng vẫn có thể xảy ra một cách trơn tru.

- Men  giúp tăng tốc độ phản ứng lên đến cả triệu lần. Giả dụ cơ thể đang có trạng thái thoải mái, như ngủ, hay ăn, nằm nghỉ, coi phim, nhưng thật ra bên trong cơ thể có hàng tỉ phản ứng đang xảy ra một cách nhộn nhịp. Nếu như không có men thì không thể nào có hoạt động sinh lý như thế, vì tất cả những phản ứng bên trong cơ thể quá chậm để có thể duy trì hoạt động sinh lý bình thường.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Nói nôm na thì người ta có chất A, gặp chất B thì sinh ra chất C cần thiết cho sức khỏe, thậm chí bảo vệ sức khỏe. Mà theo phân tích vừa rồi rất tượng hình và dễ hiểu của BS Anh Thư thì men là chất xúc tác, tức là có nó thì A+B sẽ ra đúng C. Và ngược lại, nếu không có nó thì A+B không được, tệ hon nữa là A+ B ra chất D có thể có hại cho sức khỏe.

Đó là lý do tại sao sau này người ta chứng minh rõ ràng trong những tiêu chí khách quan và thực nghiệm, đó là khi bắt đầu vào lứa tuổi 40-50, cơ thể người sẽ thiếu men, vì thiếu những men bảo vệ, cơ thể sẽ lão hóa trước tuổi và dễ bị bệnh hơn. Trong y khoa còn thêm yếu tố, đó là thầy thuốc khi trình bày cũng phân loại. BS Anh Thư có thể cho khán hính giả biết nếu phân loại trong thể con người có bao nhiêu loại men, bao nhiêu nhóm men?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Nếu phân loại về mặt chức năng, men được chia thành các loại sau:

- Thứ nhất, là men tiêu hóa. Những men này do tế bào của hệ tiêu hóa tiết ra, nhiệm vụ là giúp bản thân tiêu hóa hết khối lượng thức ăn ăn vào thành những phân tử nhỏ nhất và hấp thu vào máu.

- Nhóm men thứ hai là men chuyển hóa. Chuyển hóa này lấy những nguyên liệu lúc nãy vừa hấp thy vào máu và đem tới tế bào. Tế bào nhờ men này chuyển nguyên liệu lúc nãy thành năng lượng để nó hoạt động. Bên cạnh việc tạo nên năng lượng, nó còn tạo nên cấu trúc của tế bào, giúp tế bào tăng trưởng, sinh trưởng và sinh sản.

- Thứ ba là men vi sinh. Cơ thể không phải lúc nào cũng hoàn toàn sạch sẽ và có vi khuẩn ở trong đó. Cho nên men vi sinh là nhóm vi khuẩn có lợi bên trong cơ thể.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Theo phân loại của BS Anh Thư, rõ ràng khi bước vào tuổi trung niên, người ta sống cuộc sống quá căng thẳng như stress, thì khó trành những rối loạn nội tiết tố, chẳng hạn testosterone ở đàn ông hay progesterone và estrogen ở phụ nữ, thì các men cũng bắt đầu giảm xuống, chính lúc đó cơ thể cần nhiều men hơn bình thường, chính vì vậy mới đặt vấn đề có nên bổ sung men hay không?

Dựa trên phân tích vừa rồi của BS Anh Thư, bên cạnh chuyện bệnh cấp tính, người ta cần thêm men kháng viêm để hỗ trợ điều trị cấp bách, chống viêm nhiễm. Các loại men mà BS Anh Thư vừa trình bày chắc chắn sẽ quan trọng cho nhóm bệnh khác mà hiện nay đông hơn, đó là bệnh mãn tính. Quan điểm của BS Anh Thư việc sử dụng men để bổ sung, phòng chống bệnh mãn tính có quan trọng hay không?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Về men để phòng chống bệnh mãn tính, BS Thư nghĩ mọi người đã nghe khá nhiều về men Coenzyme Q10. Đây là chất oxy hóa tự nhiên, vốn dĩ là chất không có nó thì các tế bào không tạo ra được năng lượng. Như vậy không có năng lượng thì chắc chắn sẽ chết. Do đó mới nói là chất chống oxy hóa tự nhiên là như thế. Một số nghiên cứu trong những thập niên gần đây cho rằng men này góp phần vào vai trò phòng chống bệnh mãn tính, ưu thế ở những nhóm bệnh về tim mạch, giả dụ như suy tim sung huyết, rối loạn nhịp, tăng huyết áp…

Thật ra, gần đây, giới hức uy tế thế giới rất quan tâm những bệnh mãn tính không lây. Những nhóm bệnh mãn tính không lây NCD gồm 5 nhóm: tăng huyết áp, đột quỵ, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), đái tháo đường, ung thư. Để phòng chống nhóm bệnh này, vai trò của việc ăn uống lành mạnh, như ăn ít đồ ngọt, ít mỡ, nhiều rau, tập thể dục, ngưng thuốc lá và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Việc này hiệu quả và rõ rệt hơn so với trông mong uống vào loại men nào đó giúp cơ thể phòng bệnh mãn tính.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Thường khi nói về men tiêu hóa, thì sẽ nghĩ nó tập trung khu trú vào bệnh lý hay sinh lý hệ tiêu hóa. Thực tế như vừa rồi BS Anh Thư phân tích, thì chắc quý khán thính giả cũng đồng ý là men tiêu hóa khong chỉ hữu ích trong chuyện tiêu hóa, thậm chí nhờ men tiêu hóa đóng vao trò đòn bẩy mà người ta có thể phòng những bệnh rất xa trong tiêu hóa.

Nói thí dụ cụ thể, có những trường hợp miêu tả ăn không tiêu, nhưng kết quả là không ngủ được. Vậy vấn đề là thiếu men tiêu hóa có làm mất ngủ hay không? BS Anh Thư nghĩ sao về vấn đề này?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Trước khi nói về mất ngủ là do men tiêu hóa thì cần phải khám để xem bệnh nhân có phải là dạng rối loạn giấc ngủ hay không. Ở người lớn tuổi, giấc ngủ khác với giới trẻ. Số lượng giờ cần ngủ của họ ít hơn người trẻ. Giả dụ như tầm trung thanh niên cần 8 tiếng, thì người lớn  tuổi chỉ cần 5 tiếng trong ngày. Vậy là họ ngủ sớm và ban đêm ít giờ hơn. Tuy nhiên người già rất khó đi vào giấc ngủ. Chính vì vậy họ rất mệt mỏi, sáng ra thì lừ đừ, kém ăn…

Những rối loạn giấc ngủ ngoại trừ tác động rõ lên bệnh lý tim mạch như gây tăng huyết áp, nguy cơ rối loạn nhịp tim, ngoài ra còn tăng nguy cơ đái tháo đường, bên cạnh đó còn gây stress, bởi vậy còn có tác động lên tế bào của hệ tiêu hóa. Stress nhiều dẫn tới viêm dạ dày, viêm ống tiêu hóa làm cho việc bài tiết kém đi của men tiêu hóa kém đi, hoặc nặng hơn nữa có thể gây tình trạng loạn khuẩn.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này là vì dựa theo 2 công trình nghiên cứu đã thực hiện ở TPHCM. Qua khảo sát ở hơn 100 bệnh nhân cao tuổi, thì khi người ta được áp dụng men tiêu hóa (không dùng thuốc an thần) thì chất lượng giấc ngủ được cải thiện, từ ngủ dễ hơn, số giờ ngủ và độ sâu của giấc ngủ được chứng minh rõ hơn.

Nhóm đối tượng thứ hai là những đứa trẻ bị đầy hơi, ngủ không được. Chuyện đầy hơi ngủ không được ở trẻ trong đêm, do rối loạn chất điệ giải như kali, magie khiến chân ngo ngoe suốt đêm, thường được gọi là hội chứng chân không yên. Sau khi áp dụng men tiêu hóa, trẻ ăn xong ợ được, thì những đứa trẻ này có giấc ngủ bình yên, thức dậy vui vẻ hơn… Điều đó cho thấy khi người ta dùng men tiêu hóa, thật sự nó như điểm bắt đầu, giống như khi đưa một lượng thực phẩm vào cơ thể nhưng không được dùng tối ưu thì lại trở thành phế phẩm, tạp phẩm sẽ ảnh hưởng sức khỏe.

Có một câu hỏi thực tiễn, đó là hiện nay không thiếu bệnh nhân viêm loét dạ dày và được điều trị hiệu quả hoàn toàn là rất ít. Men tiêu hóa có vai trò gì không cho bệnh nhân viêm loét dạu dày?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Men tiêu hóa là trợ thủ đắc lực trong quá trình điều trị viêm của hệ thống tiêu hóa, ví dụ viêm dạ dày tá tràng hay viêm đại tràng… Men tiêu hóa là do tế bào tiêu hóa tiết ra, nhằm phục vụ chức năng của hệ tiêu hóa, tức là giúp nó hoàn thành nhiệm vụ. Khi viêm như vậy tức là tiết ra không đủ, thức ăn ăn vào bị ứ trệ, làm cho bệnh nhân có cảm giác đầy hơi, căng tức, ăn không ngon. Lúc này, men tiêu hóa từ bên ngoài đi vào giúp hoàn thành nhiệm vụ.

Vậy làm sao để lành? Bác sĩ sẽ có những nhóm thuốc đặc hiệu như thuốc ức chế bơm proton (PPI) hay kháng tiết axit, hoặc điều trị diệt vi trùng Hp… giúp lành niêm mạc. Men tiêu hóa giúp hệ thống ruột hoàn thành nhiệm vụ.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Trong y khoa, nói có sách thì mách phải có chứng. Hai lô bệnh nhân của tôi đều được điều trị viêm loét dạ dày tác tràngvới cùng liều lượng và loại thuốc, nói cách khác là cùng phác đồ điều trị.

Nhưng nhóm bệnh nhân có thê, men tiêu hóa dù họ ăn uống dễ tiêu thì nhóm bệnh nhân này có thấy thời gian khởi động tác dụng của thuốc đặc hiệu ngắn hơn, tác dụng dài hơn, sáng dậy không bị ợ chua. Điều này cho thấy men tiêu hóa giúp xay nhuyễn thức ăn và tạo khối thức ăn mà dạ dày không phải mệt nhọc khi đẩy xuống ruột non. Đó là một trong những điều kiện quan trọng để điều tị viêm loét dạ dày tá tràng.

Một số người con đưa bố mẹ đến khám than cha mẹ ngủ gà ngủ gật, lừ đừ là như BS Anh Thư vừa mới giải thích, họ có thời gian ngủ ngắn hơn, do đó họ thường có khuynh hướng ban ngày lừ đừ, không ngủ trưa được, ngủ sớm thức sớm không đảm bảo chất lượng giấc ngủ.

Trong điều trị này, khi làm thống kê, hầu như 70% những người không có giấc ngủ như mong muốn có tình trạng rối loạn tiêu hóa dưới dạng đầy hơi. Việc áp dụng men tiêu hóa theo BS Anh Thư có ích gì không, để cho người lớn tuổi có giấc ngủ trở lại, bình thản, nhẹ nhàng, đừng thức dậy quá sớm?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Chuyện lừ đừ, ngủ gà ngủ gật của những người lớn tuổi, ngoại trừ giấc ngủ cũng nên đề cập đến nhóm nguyên nhân thứ hai là thiểu năng tuần hoàn não, tức là người lớn tuổi tự động có cảm giác chóng mặt, lừ đừ, không phản ứng nhanh nhẹn như người trẻ.

Nếu đã loại trừ ra được 2 nguyên nhân thường gặp phổ biến này ở người già rồi, và những nhóm nguyên nhân này xuất hiện trên những ông bà cụ có triệu chứng rõ ràng của hệ thống tiêu hóa vì một nhóm bệnh lý do thiếu men tiêu hóa làm cho đầy bụng, ợ hơi… thì rõ ràng men tiêu hóa vào sẽ giúp cho ông bà cảm giác dễ chịu, thoải mái. Như vậy vừa nhẹ bụng, ban đêm hệ tiêu hóa không cần làm việc và tạo giấc ngủ ngon, và cũng giảm đi triệu chứng ngủ gà ngủ gật, tại vì ban đêm đã ngủ rất sảng khoái.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Thật sự ngay cả trong môi trường không khí không hoàn toàn trong sạch, thì người ta vẫn có đủ dưỡng khí để sống. Khi xét nghiệm chỉ số PO2 và PCO2 trong mao mạch của những người cao tuổi bị khó ngủ, việc áp dụng men tiêu hóa sau thời gian 4 tuần, thì chỉ số PO2 đã được cải thiện và PCO2 giảm xuống. Những nhóm bệnh nhân cải thiện PO2 và giảm PCO2 đều cùng có giấc ngủ tốt hơn. Do đó, việc sử dụng men tiêu hóa cho người cao tuổi phải làm.

Hiện nay, mình đang sống trong môi trường theo thuật ngữ y khoa là stress. Mặt khác, không thể loại bỏ được tác động của streess, có thể gọi là đòn bẩy kích hoạt chức năng kháng bệnh. Do đó, các phản ứng thặng dư và tích lũy nội tiết tố được sản sinh trong tình huống stress như tuyến thượng thận, giáp trạng khiến người ta ngã bệnh.

Ở đây cho thấy có một số bệnh nhân còn trẻ, khỏe mạnh, nhưng đến than phiền bị đầy hơi. Tất cả những chẩn đoán khác như xét nghiệm huyết học, sinh hóa đến chẩn đoán hình ảnh không phát hiện được loại bệnh nào về tiêu hóa. Nhưng họ có điểm chung, đó là khi hỏi cuộc sống, nếp sinh hoạt là luôn stress. Vậy sử dụng men tiêu hóa cho những đối tượng chưa hẳn đầy hơi nhưng đồng hànhvới stress có nên làm hay không?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Hệ thần kinh sẽ trải dài từ trên đầu đến dưới chân, ngay cả thành ruột  gồm có 4 lớp, những sợi thần kinh này sẽ len lỏi theo hết chiều dài giữa 2 lớp cơ. Khi bị stress tự bản thân stress tạo ra những hóa chất trung gian, và như vậy nó sẽ đi theo những đường dẫn truyền thần kinh khắp cơ thể. Nếu đi tới dạ dày, sẽ làm dạ dày tăng tiết axit, vậy thì chuyện gì xảy ra? Viêm dạ dày, nặng hơn một tí là loét dạ dày. Vậy thì không đủ men tiêu hóa tiết ra làm cho ứ trệ, đầy hơi…

Nếu đi xuống ruột già, sẽ làm ruột già co bóp không đồng bộ, lúc quá nhanh, lúc quá chậm. thường bệnh nhân hay khai là: Bác sĩ ơi, tôi đi ngoài rất ngộ. Có những ngày tiêu chảy liên tiếp, sau đó mấy ngày bị bón. Hiện tượng này thường gọi là hội chứng đại tràng kích thích. Từ “kích thích” đó là do stress. Bác sĩ thường sẽ trấn an bệnh nhân, khuyên thay đổi lối sống, bớt strees, cái nào bớt được thì nên bớt, thêm men tiêu hóa và men vi sinh, thì rõ ràng, trong thực tế lâm sàng thường có hiệu quả tốt.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Vừa rồi BS Anh Thư có nói men tiêu hóa và men vi sinh. Vậy chúng ta nên bàn tiếp về loại men mà theo kinh nghiệm điều trị nội khoa mãn tính tôi cho là quan trọng không kém men tiêu hóa.

Với những phân tích ban nãy của BS Anh Thư, khi cuộc sống đồng hành với stress gây ra tình trạng cơ thể có khuynh hướng phản ứng sai lệch, khiến hệ tiêu hóa hoạt động cũng sai lệch. Khi sử dụng men tiêu hóa chính là giúp khối thức ăn không còn độ cứng gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Vừa rồi BS Anh Thư có nhắc đến bổ sung men vi sinh. Câu hỏi là tại sao phải cần vi sinh?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Như đã đề cập lúc đầu, cơ thể thật sự không hoàn toàn sạch. Ở bên dưới ruột có nguyên một hệ sinh thái đường ruột, hệ sinh thái này thông thường được giữ ở mức độ cân bằng, đó là 85% lợi khuẩn, 15% hại khuẩn. Nếu như những lợi khuẩn này giảm đi chắc chắn sẽ bị rối loạn tiêu hóa.

Những bé lợi khuẩn này giúp tiêu hóa, đó là tăng dung nạp sữa. hệ sinh thái đường ruột rất dễ bị rối loạn ở trẻ con. Trong khẩu phần ăn của trẻ chủ yếu là uống sữa, nhưng vì sao trẻ thường ọc, ói, buồn nôn, tiêu chảy… Nguyên nhân là do hệ sinh thái đường ruột mong manh, rất dễ mất cân bằng.

Men vi sinh với những lợi khuẩn giúp tiêu hóa sữa. Ngoài ra còn giúp tiết những men để giúp tiêu hóa tinh bột và chất đạm. như vậy, nó hỗ trợ rất nhiều ở những thức ăn chưa hoàn toàn tiêu hóa được ở khúc phía trên như dạ dày, ruột non đi xuống tới dưới thì loại men này giúp tiêu hóa hết những phần đó.

Một đặc tính thứ hai rất quan trọng, đó là đặc tính chiến đấu, chống lại những vi sinh vật có hại, vì nó giúp tiết ra axit. Những lợi khuẩn sẽ làm những hại khuẩn chết đi. Hoặc các lợi khuẩn bám vào bề mặt niêm mạc, như vậy các hại khuẩn sẽ không bám được vào bề mặt niêm mạc, bởi thế sẽ không thể làm hại tế bào niêm mạc ruột.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Những phân tích của BS Anh Thư đã tạo nên niềm lạc quan cho người nghe, là trong cơ thể của mình có lực lượng 85% là vi sinh có ích, phần còn lại là vi sinh có hại. Trên thực tế, lực lượng vi sinh hữu ích thường không đủ mạnh để trấn áp lực lượng vi sinh có hại. Lực lượng vi sinh có ích rất mong manh, dễ tự hủy nếu thiếu chất dinh dưỡng và các yếu tố khác.

Một trong những yếu tố mà chúng tôi vừa đề cập là stress. Khi sống mà quá stress thì các lực lượng vi sinh hữu ích yếu đi, và khi chúng yếu đi thì không thể trấn áp lực lượng vi sinh có hại. Tới đây người ta sẽ đặt câu hỏi: Tại sao không uống thuốc để diệt vi sinh có hại? Nhưng cho dù có loại thuốc diệt được vi sinh có hại thì thuốc đó chắc chắn diệt trước lực lượng vi sinh có ích.

Vậy giải pháp “giết gà bằng dao mổ trâu” chắc chắn không thực dụng. Hơn nữa, diệt các vi sinh cho dù  có hại hay hữu ích, thì vô tình bắt tay cho lực lượng thứ ba lúc nào cũng chực chờ là nấm mốc. Người ta biết rõ các bệnh do nấm mốc khó chữa hơn các bệnh do nhiễm siêu vi hay nhiễm vi khuẩn. Người ta cần thế quân bình, làm sao cho phe ta đừng bất ngờ bị yếu, hoặc đủ sức để cầm cự với bên phe nghịch là vi sinh có hại và cả lực lượng nấm mốc. Ngày nào mình còn giữ được thế cân bằng đó thì phản ứng lên men ở cuống ruột luôn luôn phải có.

Phản ứng lên men tạo ra những chất hơi có mùi khó chịu, những chất hơi không có lợi cho sức khỏe. Nhờ phản ứng lên men có hơi đó mà ruột căng ra, tạo nhu động đúng cho chức năng đại tiện. Nó chỉ bệnh khi nào lượng men quá cao, quá nhiều và lọt qua niêm mạc, thậm chí vào máu và gây những tác hại ở xa đường tiêu hóa.

Những phân tích của tôi chỉ để bổ sung ý kiến của BS Anh Thư là không nên để lượng vi sinh hữu ích bị hao mòn hay mất đi hoạt tính, muốn vậy cần phải bổ sung. Giống như ví dụ của BS Anh Thư, đó là những đứa trẻ có môi trường đường ruột rất yếu, chỉ là nơi “thực tập” cho cơ thể biết bệnh nguyên vi khuẩn là loại nào để tổng hợp kháng thể,do đó nó rất nhạy cảm với chuyện lên men.

Chuyện lên men nếu “thái quá” thì trẻ sẽ khóc, khó chịu, hoặc xen kẽ táo bón, tiêu chảy để cha mẹ rối trí, chữa táo bón thành tiêu chảy và ngược lại. Ở đây cho thấy có hai nhóm: nhóm người cao tuổi, uống các loại thuốc điều trị bệnh lý nền sẽ gây bất lợi với nhóm vi sinh có ích. Và thứ hai là nhóm trẻ em. Đây là hai nhóm cần quan tâm để không thiếu men vi sinh hữu ích. Chắc chắn tới đây thì quý khán thính giả, những người có con cháu sẽ đồng ý: đúng là con cháu mình có cái bụng khỏe thì cả nhà đều khỏe.

Vậy thì, việc kết hợp men tiêu hóa và men vi sinh qua phân tích của BS Anh Thư và tôi thì cho thấy rằng không nên chỉ bổ sung một trong hai. Men vi sinh uống hiệu quả thì phải cần men tiêu hóa “dọn đường” trước đó. Men tiêu hóa muốn có hoạt tính tối ưu thì phải cần khung ruột phía dưới không đầy hơi, chất mật trên gan tiết xuống với hàm lượng và tiến độ thích hợp.

Nhóm đối tượng đang dùng thuốc trị bệnh có lực lượng men vi sinh dễ bị hao hụt là những người bị viêm gan do độ cồn. Vậy theo BS Anh Thư, những người này trong phác đồ điều trị có nên kết hợp liền các loại men vi sinh và tiêu hóa cùng một lúc?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Hậu quả của rượu bia tác động đế rất nhiều cơ quan, trong đó cơ quan chịu tổn thất nặng nề nhất là hệ tiêu hóa. Khi đưa rượu vào, cơ thể hấp thu rất nhanh chóng, 20% đã hấp thu ở dạ dày và 80% hấp thu ở ruột. Như vậy, khi cồn vào sẽ phá hủy tế bào niêm mạc ruột, và do đó chắc chắn hậu quả tiếp theo là thiếu men tiêu hóa. Đó là lý do tại sao rõ ràng đây là chứng cứ để  bổ sung thêm men tiêu hóa trên nhóm bệnh nhân bị hậu quả do rượu bia.

Khi rượu đi vào bên dưới đường tiêu hóa, lúc này những vi sinh lợi khuẩn rất yếu. Cồn chạy xuống thì đầu tiên sẽ bị mất đi, đây là căn cứ thứ hai để phối hợp cả men vi sinh trên bệnh nhân nghiện rượu. Uống rượu nhiều hơn một tí, qua thời gian dài hơn một xíu, thì sẽ tổn hại lên gan. Và gan có vai trò giúp bài tiết mật, mật giúp tiêu hóa lipid.

Vậy là trong tất cả thành phần ăn vào, bao gồm đường, tinh bột, đạm, lipid, chỉ có lipid khi tiêu hóa không tốt thì gây triệu chứng đầy bụng, đầy hơi… Chốt lại, với những đối tượng nghiện rượu bia dẫn tới các hậu quả viêm gan, xơ gan,… thì rất cần có sự bổ sung men tiêu hóa và men vi sinh dựa vào những chứng cư mà lúc nãy BS Hoàng vừa nói.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Thông thường, hầu như ngày nào tôi cũng có bệnh nhân đến xin điều trị vì lý do tăng men gan. Điều mà tôi muốn nhắn nhủ với mọi người là men gan luôn luôn có mặt trong cơ thể khi tế bào gan phân hủy thì nó thải ra. Có điều chúng ta đừng nói nghe nhẹ nhàng quá. Tăng men gan đồng nghĩa với viêm gan.

Trong viêm gan có 2 nhóm, viêm gan siêu vi có khi không tăng men gan vì chưa phát bệnh, trường hợp này chỉ theo dõi. Nhưng viêm gan do độ cồn, một khi đã tăng men gan nghĩa là đã có bệnh thì phải điều trị theo đúng bài bản. Vì viêm gan do độ cồn không giống với viêm gan siêu vi là có người phát người không, một khi đã viêm gan do độ cồn thì bệnh không bao giờ dậm chân tại chỗ mà sẽ tiếp tục đi về hướng viêm gan nặng rồi xơ gan.

Những người đang giao tế với rượu bia kiếm lý do rất hợp lý là công việc, cuộc sống phải nhấp môi, vậy theo BS Thư, những người chưa tăng men gan thì có nên lót đường bọc lót bằng men tiêu hóa, men vi sinh hay đợi đến lúc thực sự viêm gan mới bắt đầu dùng?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Câu trả lời tốt nhất vẫn là hạn chế, nhưng nhiều người thường nói “Em hạn chế không được bác sĩ ơi?” Nếu uống rượu bia nhưng chưa có bất kỳ triệu chứng nào của hệ thống tiêu hóa, không xuất hiện đầy hơi, căng bụng... chứng tỏ cơ thể vẫn có khả năng chống chọi và bài tiết đủ để thực hiện nhiệm vụ của nó. Khi đó bổ sung chưa chắc đã có lợi.

Trong trường hợp khuyên bệnh nhân không được thì nên dặn hờ, nếu bắt đầu có những triệu chứng này thì nên bỏ rượu bia hoặc có thể uống thêm để trợ giúp hệ tiêu hóa hoạt động. Còn như BS Hoàng nói, một khi đã tăng men gan rồi thì chứng tỏ tổn thương gan đã bắt đầu tiến triển. Như vậy lúc này rất cần sự phối hợp.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Tôi cho bệnh nhân sử dụng men tiêu hóa, men vi sinh, đặc biệt có giao tế với rượu thì thường bệnh nhân hay đặt câu hỏi “Bây giờ tôi chưa tăng men gan, vậy mỗi lần phải uống rượu bia thì có nên bổ sung 1 viên thuốc như men tiêu hóa hay men vi sinh? Làm như vậy có ích gì không? Cần sử dụng trong một liệu trình hẳn hoi như định kỳ mỗi tháng 10 ngày, 15 ngày hay khi nào tiếp xúc rượu bia mới dùng tới men?” Vậy theo BS Thư, đâu sẽ là liệu pháp toàn diện hơn?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Bổ sung men tiêu hóa hay men vi sinh trên những bệnh nhân sử dụng đồ uống có cồn thực ra chỉ là cố gắng giải quyết hậu quả. Do đó, nếu như bệnh nhân uống rượu bia và có triệu chứng thì khi đó mình mới cần phải dùng.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Ở đây tôi muốn hỏi là khi dùng thì dùng 1 ngày, hay nên dùng nhiều ngày liên tục để tích lũy vì lực lượng men đi vào đường tiêu hóa dù nhà sản xuất có làm hay cách mấy thì một phần cũng hao hụt. Người ta đã có những công trình nghiên cứu, dùng men vi sinh không thì sẽ không bằng việc trộn nó trộn với sữa chua, nhưng dù là vậy thì tỷ lệ xuống đến ruột non còn sống rất thấp.

Do đó, không nên ăn sữa chua theo kiểu khi nào nhớ mới ăn mà trái lại người ta khuyến khích sử dụng thường xuyên. Một trong những điểm rõ ràng là dinh dưỡng của chúng ta vẫn thường hay thiếu sót đó là không có thói quen ăn yaourt hay sữa chua có men vi sinh vào điểm tâm nhưng quan điểm này nên được thay đổi.

Tôi nói điều này để nhấn mạnh, nếu ta đưa một lượng vào trong cơ thể thì thế nào cũng thất thoát. Cho dù chúng ta có một thành phẩm tốt, việc thất thoát coi như tối thiểu nhất, thì việc uống một viên khi cần chắc chắn sẽ không tốt bằng việc sử dụng chủ tâm hơn. Khi bổ sung, tiếp tế nó nhiều ngày liên tục thì hàm lượng tích lũy của các loại men chắc chắn sẽ cao hơn là tiếp tế một lượng mà chẳng giúp ích được gì cả, hay nói theo ngôn ngữ bình dân chằng qua chỉ để làm màu chứ không có hiệu quả.

Do đó, tôi thường khuyên bệnh nhân, nếu chưa có bệnh nên chọn một liệu trình định kỳ thì việc thất thoát, thiếu hụt trước đó chưa đến mức xuống số 0 hay âm tính thì chắc chắn việc bổ sung sẽ ý nghĩa hơn.

Vậy chúng ta nên phối hợp như thế nào? Ăn uống khó tiêu là uống men tiêu hóa, thấy tiêu chảy liền uống men vi sinh thì có đúng không BS Anh Thư? Có nên phối hợp theo triệu chứng từng đợt hay dù là không có triệu chứng vẫn nên bổ sung 2 loại men cùng lúc?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Một viên thuốc không phải là một viên thần dược để uống xong một lần là hết bệnh. Do đó, để đánh giá hiệu quả một viên thuốc ít ra cũng phải dùng theo khuyến cáo của hãng, chẳng hạn như 5 ngày, 7 ngày hoặc maximun là 14 ngày nếu mà vượt qua được thì mình kết thúc. Còn nếu như không cải thiện thì nên tìm bác sĩ.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Thứ nhất, người ta ngại nhất là men vi sinh đưa vào mà gặp ngay chất chua của đường bao tử thì chất chua sẽ tiêu diệt nó trước khi xuống tới nơi. Thứ 2, dùng men tiêu hóa không thể dùng với hàm lượng theo kiểu đánh phủ đầu cho chắc ăn, uống nhiều không được vì lượng men tiêu hóa để xúc tác nghĩa là đúng chất mới tốt chứ không phải nhiều mới tốt.

Hiện nay, khi sử dụng người ta nên chọn một thành phẩm để làm sao khi đưa xuống đường ruột còn một lượng men tiêu hóa và lượng men vi sinh đáng kể. Thậm chí có thành phẩm bên trong đó chứa cả dưỡng chất để nuôi men vi sinh, chứ còn đưa xuống tới nơi mà men nào men nấy ngất ngư thì cũng chẳng giúp ích được gì.

Ở đây còn một điểm nữa mà vẫn còn phảng phất ngày 8/3 đó là nhiều phụ nữ muốn có nước da đẹp thì ngoài việc không thiếu sinh tố, khoáng tố thì chuyện quan trọng nhất là tiến trình tổng hợp collagen xảy ra trong đêm khi người phụ nữ ngủ ngon và ngủ sâu.

Tiến trình tổng hợp collagen này không phải mình uống collagen thì tạo thành mà phải từ những chất axit amin cơ thể dưới tác dụng của nội tiết tố tổng hợp thành đúng collagen.

Từ mấy ngàn năm trước theo kinh nghiệm y học cổ truyền ghi nhận những người đầy hơi, nặng bụng, ăn không tiêu, thường xuyên xen kẽ giữa tiêu chảy và táo bón nghĩa là bị rối loạn các chất điện giải thì họ không thể có nước da đẹp. Xin hỏi BS Anh Thư men vi sinh, men tiêu hóa có phải những chất góp phần làm đẹp từ bên trong?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Nếu ai đã từng có vấn đề về da và gặp bác sĩ da liễu cũng sẽ nhận được lời khuyên ăn nhiều rau, uống nhiều nước, ngủ đủ, ngủ thật ngon. Rõ ràng phần ngủ mà BS Hoàng mới giải thích cho chúng ta hiểu vì sao bác sĩ da liễu khuyên mình như thế.

Để ăn được nhiều rau, uống nhiều nước thì trước hết hệ tiêu hóa phải khỏe trước đã. Nếu như chúng ta khó chịu thì ăn rau vào làm sao dễ chịu được. Một khi hệ tiêu hóa bất ổn khiến chúng ta khó chịu vào ban đêm thì cũng không thể nào ngủ ngon. Vậy để cho đẹp thì trước hết phải ngủ ngon đã. Và để ngủ ngon thì phải hỗ trợ cho hệ tiêu hóa ban đêm. Đó là lý do vì sao mình ngủ ngon, ngủ sâu, tinh thần thoải mái thì tự khắc da dẻ cũng sẽ đẹp không phải dùng mỹ phẩm gì.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Trong y khoa quan trọng không phải vấn đề người ta đã miệt mài tâm huyết với nhà sản xuất mà quan trọng là điều tâm đắc trong quá trình áp dụng nó. Với đề tài nhờ có đủ men để có thể sống vui, sống khỏe, sống đẹp thì điều gì gọi là tâm đắc mà BS Anh Thư muốn gửi cho bạn đọc?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Những năm gần đây người ta mới nghiên cứu ra được một chất Serotonin - hoạt chất để cho con người có cảm giác hưng phấn, vui vẻ, hạnh phúc. Thực ra khi mình hạnh phúc chính là do trong cơ thể nồng độ Serotonin này ở mức cao, nếu không ở mức cao sẽ không tạo cho mình cảm giác hạnh phúc. Một điểm hay nữa đó là Serotonin lại do hệ thần kinh ruột tiết ra, nên mình thấy được vì sao ăn ngon lại đem cho mình hạnh phúc, vì nó làm tăng lượng Serotonin, tạo cảm giác sảng khoái và hạnh phúc.[/DAP]

[HOI]BS Lương Lễ Hoàng: Câu kết luận vừa rồi của BS Anh Thư cho thấy để có được cuộc sống thăng hoa vì người ta có giấc ngủ yên bình, mà chắc chắn ai cũng biết câu "ăn được, ngủ được là Tiên", bằng chứng là không có hình vẽ Tiên nào mà Tiên nhăn nhó vì táo bón. Thứ nữa, khi ăn được, ngủ được thì sau khi thức dậy thì người ta có cảm giác yêu đời, yêu người, yêu mình. Nhờ vậy, Tổ chức Y tế thế giới - WHO có lý do vững chắc khi kết luận liều thuốc quan trọng nhất trong điều trị bệnh mạn tính, đặc biệt nhất là trong điều trị bệnh ung thư chính là cảm giác lạc quan.

Người ta đã chứng minh là thậm chí điều trị đúng thuốc, đúng bài bản nhưng bệnh nhân bi quan, sợ bệnh thì bệnh nhân cũng có thể trở nặng hơn, di căn xảy ra sớm hơn. Ngược lại có những bệnh nhân có tinh thần lạc quan thì tỷ lệ điều trị hiệu quả, nhất là tần suất tái phát thấp.[/HOI]

PHẦN 2: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

[HOI]1. Con tôi thường phải dùng kháng sinh vì hay viêm họng. Xin cho biết tôi nên dùng men vi sinh như thế nào, vào lúc nào?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Đây là một trong những vấn đề thường gặp trên lâm sàng. Hậu quả thường gặp ở trẻ em khi dùng kháng sinh bố mẹ hay than phiền là bị tiêu chảy. Kháng sinh thường gặp nhất hay rơi vào nhóm điều trị nhiễm trùng hô hấp trên.

Khi cho trẻ dùng men vi sinh thì phải nhớ dặn phụ huynh một nguyên tắc đó là làm sao để giữ con men vi sinh sống được cho đến phần của ruột, nghĩa là nó phải sống.

Vậy uống thế nào là đúng cách? Uống men vi sinh phải cách kháng sinh 2 tiếng đồng hồ, trước hay sau đều được nhưng đừng uống chung vì men vi sinh là vi khuẩn, khi uống kháng sinh vào chẳng khác nào tiêu diệt nó. Khi đó, uống một đống xác vi khuẩn vào thì lấy đâu ra quân lính để đánh chặn đối với những con hại khuẩn bên dưới. Đó là đặc điểm thứ nhất.

Thứ hai là trẻ em rất khó uống thuốc nên các bậc phụ huynh thường hay khuấy men vi sinh vào sữa nhưng lại dùng nước nóng. Vậy là nhiệt độ đó cũng giết chết men vi sinh.

Đây là 2 điểm mà phụ huynh cần nhớ khi sử dụng men vi sinh để tái lập lại hệ sinh thái của đường ruột, bé sẽ đỡ tác dụng phụ của kháng sinh. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần nhớ thêm, khi bé bị tiêu chảy với một thuốc kháng sinh thì hãy nhớ nhãn thuốc, hiệu thuốc để lần sau trao đổi với bác sĩ để bác sĩ có thể không dùng loại đó nữa và thay thế bằng thuốc khác.

BS Lương Lễ Hoàng: Thêm một điểm nữa, khi áp dụng men vi sinh cho trẻ em thì nhớ áp dụng càng sớm càng tốt. Nghĩa là nếu bác sĩ có quên thì nhắc cho khéo để áp dụng nó. Thứ hai là áp dụng men vi sinh không ngưng ngay khi vừa chấm dứt liệu pháp kháng sinh. Trái lại người ta chứng minh với trẻ hay bất kỳ đối tượng nào cũng vậy cần sử dụng men vi sinh một thời gian tối thiểu 2 tuần sau khi chấm dứt kháng sinh. Khi đó lực lượng vi sinh hữu ích trong khung ruột mới có cơ hội sống sót để phát triển, sau đó làm tròn nhiệm vụ ức chế, trung hòa, phong bế lực lượng vi sinh có hại.[/DAP]

[HOI]2. Nếu dùng đầy đủ thực phẩm “xanh” có đủ hay phải thỉnh thoảng bổ sung men tiêu hóa dưới dạng thành phẩm có hàm lượng cao?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Các thực phẩm chúng ta cần ăn hàng ngày đó là tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Như vậy, các thực phẩm rau xanh chỉ giúp cung cấp vitamin và khoáng chất thôi, nó sẽ không có những men tiêu hóa ở trong đó. Do đó, ở trên những nhóm bệnh nhân mà rõ ràng thiếu hụt men tiêu hóa thì trả lời chính xác là những phần rau không hỗ trợ được men tiêu hóa.

BS Lương Lễ Hoàng: Ở trong các thực phẩm xanh đó điều quan trọng nếu chúng ta dùng nó ở dạng còn giữ được sinh tố, khoáng tố thì tốt, còn nếu dùng như nấu chín nhừ thì điều đó chẳng giúp ích được bao nhiêu ngoại trừ việc nó đưa vào trong cơ thể chất xơ.

Khi nghe đến chất xơ thì thường 10 người hết 9 người nghĩ chất xơ phải dùng nhiều một chút. Trên thực tế hàm lượng chất xơ đưa vào cơ thể để có một chức năng tiêu hóa, đại tiện bình thường không phải liều cao như chúng ta tưởng. Càng nhiều chất xơ nó càng khó tiêu hóa, do đó khi đưa đến ruột thì nó sẽ trở thành đòn bẩy nền để tạo thành những phản ứng lên men bất lợi cho cơ thể. Những phản ứng này sẽ làm cho người ta lừ đừ, buồn ngủ, viêm da và thậm chí có thể gây ra những rối loạn biến dưỡng như tăng mỡ máu chẳng hạn.

Việc sử dụng men tiêu hóa ở đây không có nghĩa là tôi thấy bàn ăn của tôi nhiều rau củ nên chắc sẽ đủ. Nhất là khi bước vào tuổi trung niên, lúc cần nhiều men hơn thì nó lại giảm nhiều hơn. Do đó, việc sử dụng men tiêu hóa với những dạng khác chẳng hạn như thành phẩm là rất quan trọng.[/DAP]

[HOI]3. Tôi đang được điều trị viêm gan B. Tôi nếu dùng men tiêu hóa có trở ngại nào bất lợi với thuốc đặc hiệu?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Nếu chúng ta đọc kỹ phần chống chỉ định hoặc thận trọng khi dùng của những nhóm thuốc đặc trị viêm gan B thì không có viết là nó sẽ chống chỉ định khi phối hợp với men tiêu hóa và men vi sinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi phối hợp nó có lợi chứ không có hại.[/DAP]

[HOI]4. Tôi thường bị đầy hơi. Bác sĩ cho tôi thuốc Simethicon. Uống thuốc thấy nhưng bệnh không hết. Dùng men tiêu hóa trong trường hợp này có lợi gì không?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Bản chất của Simethicon là làm thay đổi sức căng bề mặt của bọt khí, vì thế bọt khí vỡ và được thoát ra ngoài. Nó sẽ làm giảm một phần đầy hơi.

Khi uống xong Simethicon bạn lại có cảm giác đầy hơi, như vậy không phải đầy hơi do khí không mà có thể là do một nguyên nhân đường tiêu hóa của bạn không tiết ra đầy đủ được men tiêu hóa vì viêm nhiễm hay viêm teo.

Khi men tiêu hóa không có, lượng thức ăn còn nằm trong đó thì chắc chắn sẽ tạo cảm giác căng tức, tựa như cảm giác mà bệnh nhân cho rằng đầy hơi. Bạn có thể bổ sung thêm men tiêu hóa và nên đi khám với bác sĩ để xem tình trạng của mình là gì, phối hợp thêm các thuốc điều trị đặc hiệu khác thì lúc đó mới hoàn toàn chữa hết được bệnh.[/DAP]

[HOI]5. Tôi rất muốn uống sữa để bổ sung canxi, nhưng mỗi khi uống là bị tiêu chảy. Như vậy tôi dùng men vi sinh pha trong sữa chua được không hay sữa chua tôi cũng không dung nạp?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Vấn đề này của bạn cũng rất thường gặp. Tôi luôn khuyên bệnh nhân nên dùng sữa vì sẽ có lúc nào đó như bị bệnh hay già đi không thể ăn được bất kỳ món gì thì sữa là thứ cứu cánh cho mình.

Do đó, trong trường hợp không dung nạp sữa thì phải tập thói quen uống sữa. Thay vì pha đậm thì giờ pha loãng lại, mỗi ngày uống một chút và ở giai đoạn đầu này nên bổ sung thêm men vi sinh. Vì lúc nãy chúng ta có nói men vi sinh giúp tăng dung nạp với lactose, sữa này sẽ được tiêu hóa từ từ, sau một thời gian sẽ tăng dần độ đậm của sữa.

BS Lương Lễ Hoàng: Câu trả lời của BS Thư tôi đồng ý trong trường hợp những bệnh nhân nhạy cảm, dùng sữa gây kích ứng. Nhưng riêng với nhóm không có men để dung nạp thì người ta không thể uống sữa được. Những bệnh nhân này tôi hay nhắc họ giải pháp khác đơn giản hơn.

Nếu bệnh nhân không dung nạp được sữa thì đừng quên sữa chua vẫn là chất cơ thể dung nạp vì nó sẽ không gây ra phản ứng gọi là dị ứng.

Thứ hai trong trường hợp người ta dùng men vi sinh, thì có thể dùng loại sữa khác như sữa đậu nành chẳng hạn. Khi dùng sữa đậu nành thì như lúc nãy BS Anh Thư đã nói, đừng uống nóng, vì lúc này pha men vào thì cũng như không. Chúng ta nên dùng sữa đậu nành để nguội chứ không nhất thiết phải lạnh đến độ gây ra phản ứng trên đường tiêu hóa. Tóm lại, pha men vi sinh chính là giải pháp, lối thoát cho những người lỡ không có men để dung nạp sữa.[/DAP]

[HOI]6. Bác sĩ có điều trị viêm gan hay không? Và khi điều trị bệnh nhân viêm gan có dùng men 2 trong 1 hay không? Bác sĩ có kinh nghiệm cụ thể hay không?[/HOI]

[DAP]ThS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư: Xứ của mình là xứ viêm gan cho nên tôi gặp tương đối nhiều. Viêm gan có thể do viêm gan siêu vi A, B, C, D, E viêm gan do rượu gặp nhiều và một phần ít hơn là viêm gan do tự miễn.

Ngoại trừ xem xét bệnh nhân có cần sử dụng tới thuốc điều trị đặc hiệu hay không thì việc phối hợp vừa men tiêu hóa vừa men vi sinh qua một thời gian sử dụng tôi thấy bệnh nhân đáp ứng khá tốt.

Với câu hỏi men 2 trong 1, tức là trong một viên thuốc mà có 2 hoạt chất trong đó. Hiện, các tổ chức của hội y học khuyến cáo nên sử dụng viên phối hợp vì những lợi điểm: Một là làm cho bệnh nhân tăng chất lượng cuộc sống, ví dụ như một buổi sáng bệnh nhân phải uống 6 loại hoạt chất, nghe thì khủng khiếp nhưng trường hợp này gặp rất nhiều, như bệnh nhân có tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, viêm dạ dày... vậy là cầm chắc 6 thứ thuốc trong một buổi. Vì vậy, thay vì cầm 6 viên thuốc trong tay với cái ly nghẹn ngào thì bây giờ nếu có viên phối hợp thì chỉ cần uống 2 hoặc 3 viên, tự nhiên có cảm giác mình vẫn còn khỏe, vẫn còn niềm vui với đời.

Hai là, thường khi mua đồ mình cũng thích những gói combo hay mua sỉ hơn, khi nào cũng rẻ hơn một chút, như vậy 2 trong 1 sẽ có lợi điểm hơn về kinh tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào muốn sử dụng hoạt chất 2 trong 1 đều có, vì khi phối hợp các hoạt chất với nhau đòi hỏi công nghệ phải đặc biệt nên một số thuốc chỉ có những hãng thực sự có uy tín mới có thể tạo ra được.

BS Lương Lễ Hoàng: Trong quá trình điều trị bệnh nhân viêm gan mạn tính thì tôi có ột số ghi nhận như sau. Riêng trong nhóm bệnh nhân viêm gan do độ cồn thì có nhiều bệnh nhân mặc dù điều trị bài bản, thậm chí là bỏ rượu nhưng trong đó có một loại men gan GGT không giảm.

Qua công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây người ta đã chứng minh được nó chính là một yếu tố khiến cho viêm gan đang trong vòng kiểm soát có thể chuyển nhanh qua xơ gan nếu như thầy thuốc trong một khoảng thời gian chưa hạ được men GGT này.

Do đó, điểm đầu tiên tôi cần lưu ý là khi nào ta đi điều trị viêm gan mà nếu thầy thuốc quên xét nghiệm có 2 loại thì nhớ nhắc khéo men thứ 3 GGT cũng rất quan trọng.

Men GGT này khi áp dụng trong một phác đồ điều trị cũng y như vậy nhưng kết hợp với men tiêu hóa và men vi sinh không cần biết bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tiêu hóa hay rối loạn vi khuẩn đường ruột hay không thì điểm lý thú sau đó là khi xét nghiệm lại tỷ lệ giảm men GGT được ghi nhận đáng kể.

Hơn nữa, bệnh nhân điều trị bằng thuốc viêm gan trong thời gian dài thì hầu như khó tránh bệnh tiểu đường do điều trị viêm gan. Khi đó lượng đường máu tăng lên không phải do người ta hảo ngọt, ăn uống không theo đúng lời dạy của thầy thuốc mà cái chính là thuốc trị viêm gan phần nào cũng làm cho rối loạn đường huyết vì nó phong bế insulin của tụy tạng. Khì khi người ta phối hợp men tiêu hóa và men vi sinh vào trong phác đồ điều trị đó thì điểm đáng mừng là tỷ lệ sau đó bệnh nhân có nguy cơ tiểu đường giảm rất nhiều.

Vì vậy, đối với riêng cá nhân tôi, việc áp dụng men vi sinh và men tiêu hóa là một nhân tố không phải chủ lực nhưng quan trọng trong phác đồ điều trị viêm gan, không phải chỉ có điều trị bệnh viêm gan hiệu quả hơn mà thậm chí mang luôn ý nghĩa phòng ngừa những căn bệnh thường lén ăn theo bệnh viêm gan chẳng hạn như tiểu đường, viêm tụy, viêm đại tràng mạn...

Việc áp dụng các men này hiện nay, thậm chí là các nước Âu Mỹ có nhiều trường đại học đã nâng việc áp dụng men thành ra một khoa hẳn hỏi với tên gọi là Men liệu pháp. Các nhà khoa học đã sử dụng nó để đi vào chỗ chống xơ vữa mạch máu, chống rối loạn chuyển hóa và kết hợp trong việc điều trị các bệnh mạn tính mà có liên quan đến rối loạn biến dưỡng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X