Hotline 24/7
08983-08983

Gối thảo dược có công dụng gì, dùng sao cho đúng?

Gối thảo dược (túi chườm nóng thảo dược) được khá nhiều người sử dụng, nhất là những người trung niên, cao tuổi bị đau đầu khó ngủ, nhức mỏi vai lưng. Vì đây là một phương pháp chữa bệnh nên BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ sẽ hướng dẫn mọi người cách dùng sao cho đúng.

1. Gối thảo dược, túi chườm nóng thảo dược có lịch sử thế nào?

Xin BS cho biết việc sử dụng những chiếc gối thảo dược có lịch sử như thế nào?

Chườm nóng là dùng vật dụng hoặc dược liệu nóng ấm chườm trực tiếp hoặc gián tiếp lên các vùng da để trị liệu bệnh tật. Phương pháp này có được mô tả trong các tác phẩm Đông y kinh điển, như: Nội kinh tố vấn - Điều kinh luận có chép: “Bệnh trong xương thì hơ nóng kim châm hoặc dùng thuốc sao nóng chườm vào”; chườm trên da chữa chứng hàn tý (đau khớp do lạnh, có giới thiệu bài thuốc ở phần sau), các sách cổ... đều có chép về phương pháp chườm nóng bằng thuốc.

Như vậy, có thể nói chườm nóng là phương pháp chữa bệnh có lịch sử lâu đời và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Phương pháp này đơn giản dễ làm, có tính an toàn cao mà hiệu quả lại nhanh chóng, mang lại cảm giác dễ chịu.

2. Dùng thảo dược bọc viên gạch nóng có phải là tiền thân của túi thảo dược hiện đại?

Ở nông thôn một số nơi lưu giữ cách chữa bệnh là nướng một viên gạch cho nóng, đặt vào giữa bó ngải cứu tươi, rắc một chút muối, sau cùng dùng vải cuộn lại, để cho người đang bị đau đầu gối đầu lên. Đó có phải là tiền thân của những chiếc gối thảo dược hiện đại ngày nay không ạ?

Phương pháp chườm nóng có lịch sử lâu đời, với nhiều hình thức và dược liệu khác nhau. Đặt ngải cứu cùng với gạch nóng cũng là một hình thức chườm nóng vì tận dụng được sức nóng từ sự tỏa nhiệt từ từ của gạch nung.

Gối thảo dược ngày nay và gạch nóng với thảo dược đều là những biến thể khác nhau của phương pháp chườm nóng đã có từ lâu đời. Ngày nay công nghệ hiện đại hơn thì túi thảo dược làm nóng bằng lò vi sóng hoặc các thiết bị điện khác sẽ nhanh chóng, tiện lợi, sạch sẽ hơn; túi chườm thảo dược được sản xuất sẵn theo tiêu các tiêu chuẩn nhất định, chỉ cần mua về tháo túi ra sử dụng.

3. Cấu tạo của gối thảo dược gồm có thành phần gì?

Thành phần chính là thảo dược sẽ thì tùy theo điều kiện sẵn có và nhu cầu sử dụng.

Với mục đích giảm đau nhức khớp thì dùng các thảo dược có tác dụng hành khí hoạt huyết giảm đau như quế chi, đại hồi, thiên niên kiện… Tác dụng an thần thì dùng các thảo dược có tính an thần như cúc hoa, tang diệp, bạch thược, mạn kinh tử…

Ngoài ra còn phần vỏ gối cần làm bằng chất liệu cotton mềm mại, dày dặn, chịu được nhiều lần làm nóng mà không bị hư hỏng.

4. Dược liệu cho vào trong gối phải đảm bảo những yêu cầu gì?

Theo BS, có loại dược liệu gì không nên cho vào trong gối không? Nếu chúng ta tự làm gối này tại nhà thì có tùy ý thay đổi thành phần dược liệu được không ạ?

Dược liệu nên lựa chọn loại có phẩm chất tốt, không bị nấm mốc, sâu mọt, có độ ẩm thấp để tránh nấm mốc và dễ bảo quản, phải là loại dược liệu có tác dụng đối với bệnh.

Loại dược liệu không nên dùng: các dược liệu mà phẩm chất không đạt (ẩm mốc, mối mọt). Mỗi loại dược liệu có tính chất khác nhau, nếu thay đổi thì nên tham khảo ý kiến thầy thuốc về thành phần dược liệu để đạt được mục đích sử dụng phù hợp.

Ngoài ra, dược liệu cho vào gối thường chọn cành và hạt, không dùng lá và hoa vì lá, hoa dễ bị cháy khi làm nóng gối.

5. Gối thảo dược có hạn sử dụng như thế nào?

Một chiếc gối thảo dược có thể sử dụng bao nhiêu lần, thưa BS? Có phải gối hết mùi thì là hết hạn sử dụng không?

Một chiếc gối thảo dược sử dụng được bao nhiêu lần là do thiết kế của nhà sản xuất, dao động phụ thuộc vào kích thước, trọng lượng của túi, thể chất của vị thuốc… Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của từng loại.

Thông thường theo cảm quan thì hết mùi thơm tức là dược liệu trong túi đã ra hết thì có thể dùng túi chườm mới được, tuy nhiên trường hợp này túi vẫn còn công dụng chườm nóng nên có thể tận dụng thêm.

Chúng ta nên thay trong trường hợp phát hiện túi bị ẩm mốc, bị mọt, có mùi lạ…. Tức là phẩm chất gối thảo dược đã xấu đi thì nên thay mới.

alobacsi BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên Đại học Y Dược TPHCMBS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM

6. Cách làm nóng gối thảo dược thế nào là đúng?

Cách làm nóng hiện nay thường sử dụng lò vi sóng là tiện lợi nhất, ngoài ra có thể quấn giấy bạc làm nóng bằng lò nướng. Cần thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất về cách làm nóng, thời gian và công suất làm nóng khi sử dụng các thiết bị điện. Trong quá trình làm nóng cần theo dõi xem túi chườm có bị cháy, kẹt vào thành lò…

Túi thuốc 1kg thì làm nóng trong lò vi sóng với công suất 600-800W trong 2-3 phút.

7. Những ai nên và không nên dùng gối thảo dược?

Hiện nay chiếc gối này khá phổ biến, như vậy có cần hỏi BS trước khi sử dụng gối không ạ?

  • Không sử dụng cho vùng da bị trầy xước, lở loét, mụn nhọt, các bất thường ngoài da khác.
  • Thận trọng khi sử dụng cho trẻ em và người bị giảm cảm giác.

Để sử dụng an toàn và hiệu quả nên hỏi ý kiến bác sĩ trước, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X