Hotline 24/7
08983-08983

Giảm đau tại nhà, bạn có chắc mình làm đúng cách?

Đau nhức chắc hẳn là cảm giác khó chịu mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, khi thì đau đầu do thay đổi thời tiết, lúc khác lại đau cơ do vận động quá sức… Vậy làm sao để xoa dịu các cơn đau này, giảm thiểu sự khó chịu cho cơ thể?

1. Những loại đau thường xảy xa

Bạn có biết rằng, hơn 88% người trên toàn cầu bị đau nhức cơ thể và ít nhất 65% trong số đó bị đau ít nhất một lần một tuần? (Nguồn: multivu.com). Đây là những con số báo động cho thấy tình trạng này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nhiều người trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.

Cơn đau mà chúng ta chịu đựng có thể gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau, ví dụ như chấn thương trong sinh hoạt, bệnh lý, viêm nhiễm hay từ những cuộc phẫu thuật.

Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đau thường được phân loại thành ba dạng dựa vào con đường sinh lý gây nên cảm giác đau: đau do cảm thụ thần kinh (ví dụ cơ, da, nội tạng…), đau do nguyên nhân thần kinh và đau do căn nguyên tâm lý. Tuy nhiên, trên thực tế, các quá trình sinh lý này có thể kết hợp với nhau, khó có thể phân biệt rõ ràng nguyên nhân thực sự.

Đau là một hình thức phản xạ bảo vệ trước các yếu tố kích thích bên ngoài. Một số nguyên nhân thông thường có thể dẫn đến hiện tượng đau mỏi toàn thân là do vận động quá mức, chơi thể thao cường độ cao, do tư thế nằm ngồi không đúng, do ít vận động hay do thời tiết thay đổi (lạnh sâu hay đi mưa bị ướt),… dẫn đến đau đầu, đau cơ, đau lưng…

Đặc biệt, những người làm văn phòng, ngồi phòng điều hòa trong thời gian dài và nhiệt độ thấp cũng rất hay gặp phải hiện tượng đau nhức mỏi toàn thân do cơ thể bị nhiễm phong hàn, khí huyết lưu thông kém. Những nguyên nhân này sẽ khiến cho các cơ trên cơ thể bị căng cứng, gây nhức mỏi, khó chịu. Nhưng hiện tượng này sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, thông thường là từ 1-3 ngày.

Cuộc sống căng thẳng cùng với sự thay đổi thời tiết khiến tình trạng đau đầu trở nên phổ biến ở nhiều người (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nếu cảm giác đau kéo dài có thể dẫn đến suy nhược nghiêm trọng, cản trở sự tuân thủ điều trị và tin tưởng của bệnh nhân. Nếu bạn đang có hiện tượng đau nhức toàn cơ thể kéo dài thì khả năng cao đây là biểu hiện của một bệnh lý phức tạp hơn.

Tình trạng đau nhức này có thể do các bệnh liên quan đến dây thần kinh hay cơ xương khớp gây ra, phổ biến là, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, thoát vị đĩa đệm chèn ép vào dây thần kinh, đau dây thần kinh ngoại biên… Ngoài ra, nhức mỏi toàn cơ thể cũng có thể do sự rối loạn của hệ thần kinh, hệ nội tiết… Đây là những tình trạng đau cần đến gặp bác sĩ để có hướng xử trí, điều trị phù hợp.

2. Những biện pháp giảm đau nhanh tại nhà

Khi cơn đau mỏi “ghé thăm” trước tiên có thể áp dụng những liệu pháp tự nhiên không dùng thuốc, vừa giúp giảm đau hiệu quả vừa ít tác dụng phụ, thường có sẵn trong đời sống hằng ngày. TS.BS Tăng Hà Nam Anh cho biết, các biện pháp như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, yoga hay thiền... cũng được sử dụng rất phổ biến, khi áp dụng cùng với y học hiện đại sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho điều trị tình trạng đau.

Sử dụng hợp lý chườm nóng và lạnh: Đây là cách khắc phục cơn đau tại nhà phổ biến nhất. Bạn có thể đặt một túi chườm lạnh trực tiếp lên vị trí đau trong các trường hợp đau gân, cơ và dây chằng để giảm viêm và sưng đau. Sau khi viêm và đau đã biến mất thì lại nên dùng chườm nóng để giúp làm giảm căng cơ, giảm căng cứng gân.

Chườm lạnh trong một thời gian ngắn trên trán cũng có thể làm giảm triệu chứng cơn đau đầu. Nếu bạn có các vấn đề về viêm khớp, sử dụng nhiệt và ẩm cho khớp bị viêm (khăn/túi chườm ẩm và nóng) sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn so với dùng chườm lạnh. Túi chườm nhiệt có thể được làm ấm trong lò vi sóng và sử dụng nhiều lần.

Hít thở sâu, tập thể dục thường xuyên: Để kiểm soát cơn đau bằng cách thở, hãy hít một hơi thật sâu khi đếm từ 1 - 4 và thở ra từ từ cũng trong khoảng đếm từ 1 - 4. Lặp lại việc này 10 lần. Bên cạnh đó, khi tập thể dục cơ thể sẽ sinh ra hormone endorphin - một chất giảm đau tự nhiên, có tác dụng tương tự như thuốc giảm đau.

Thả lỏng cơ, massage: Đôi khi bạn cảm thấy đau do các cơ bị căng cứng. Cách tốt nhất để cải thiện tình hình đó là duỗi và thả lỏng cơ. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp với massage để cơ thể thư giãn, giúp máu lưu thông tốt hơn và tăng giải phóng endorphin để giảm đau.

Giấc ngủ sâu: Đôi khi cơ thể bạn chỉ cần một đêm ngủ thật sâu và ngon giấc để lấy lại năng lượng và phục hồi. Khi bạn ngủ đủ giấc, cơ thể bạn sẽ tự tái tạo lại năng lượng và thúc đẩy khả năng kiểm soát đau và làm lành vết thương. Vì vậy những người bị đau thường xuyên nên chú ý đến giấc ngủ của mình.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Một nghiên cứu gần đây tiến hành bởi một số nhà khoa học Brazil cho thấy việc ăn theo thực đơn kiểu Địa Trung Hải, ở đây có thể hiểu là một thực đơn nhiều rau xanh, hoa quả, dầu ô liu, cá cùng các loại hạt, cũng có thể giúp con người tăng khả năng chịu đau. Sở dĩ vậy do chế độ ăn này ít đường, giàu axit béo omega-3, thành phần cần thiết cho quá trình giảm đau tự nhiên của cơ thể.

Sử dụng thuốc giảm đau: Loại thuốc đầu tay để “giải quyết” các cơn đau từ nhẹ đến vừa có kể kể đến paracetamol. Đây là loại thuốc giảm đau không kê đơn, lành tính và an toàn, không gây ra những tổn thương trên đường tiêu hóa hoặc ảnh hưởng đến tim như thuốc thuộc nhóm NSAIDs.

Khi sử dụng, điều quan trọng là cần dùng đúng và đủ hàm lượng, liều dùng theo khuyến nghị quốc tế là từ 10-15mg paracetamol một kg mỗi lần, uống 4-6 lần một ngày, không quá 4 gam một ngày để đạt được hiệu quả giảm đau tối ưu.

Chẳng hạn, với cân nặng của người Việt trong thời đại mới hiện nay từ 43-65kg thì liều 650mg paracetamol cho mỗi lần sử dụng là liều phù hợp nhất. Không nên lạm dùng liều 1.000mg (2 viên 500mg paracetamol) quá “nặng đô” với thể trạng cơ thể gây mệt mỏi, hại gan thận. Hoặc sử dụng chưa đúng liều dẫn đến hiệu quả không đạt, khó khắc chế cơn đau.

3. Biện pháp phòng tránh đau trong sinh hoạt hằng ngày

Cơ thể đau nhức nhẹ thường cải thiện theo thời gian và được giảm bớt bằng cách nghỉ ngơi, bù nước và điều trị bằng thuốc không kê đơn thường không gây ra mối lo ngại. Nhưng TS.BS Tăng Hà Nam Anh khuyến cáo, nếu tình trạng đau cơ thể tiếp tục trong hơn 2 tuần, đau dai dẳng không cải thiện với biện pháp khắc phục tại nhà hoặc đau dữ dội (đặc biệt nếu không có nguyên nhân rõ ràng), kèm theo các dấu hiệu đỏ và sưng, sốt dai dẳng, khó thở, khó nuốt, kiệt sức… thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Tắm nước nóng, thư giãn … là những biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng đau như đau đầu do căng thẳng, đau mỏi cơ, đau lưng… (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, nếu biết cách phòng ngừa, bạn sẽ có được sức khỏe tốt cũng như ngăn chặn những cơn đau nhức xuất hiện. Để làm được điều này, bạn nên tắm nước nóng để cơ thể được thư giãn, tránh căng thẳng, vận động và tập thể dục ở mức độ vừa phải phù hợp với sức khỏe, nên áp dụng các bài tập yoga hoặc ngồi thiền

Song song đó, cần tăng cường bổ sung canxi, vitamin D cho cơ thể bằng các loại thực phẩm như sữa, rau dền, cá, trứng, ngũ cốc… và xoa bóp vai, tay và chân sau những giờ làm việc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X