Hotline 24/7
08983-08983

Gai gót chân: Nhận biết, điều trị và lưu ý trong lối sống, sinh hoạt

Bệnh gai gót chân thường gặp ở người cử động cổ chân nhiều, người béo phì, mang thai... Đáng nói, bệnh rất dễ tái phát sau khi điều trị. ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ hướng dẫn cách phòng ngừa gai gót chân từ A-Z.

1. Những ai có nguy cơ bị gai gót chân?

Thưa BS, bệnh gai gót chân là gì và những ai có nguy cơ mắc bệnh này ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Gai gót chân là cách gọi thông dụng của bệnh viêm cân gan chân. Trong bàn chân có một cái cân trải dài lòng bàn chân từ trước ra sau. Cân này thường bám vào vùng phía sau xương gót - vùng chịu lực nhiều nhất. Khi đi lại nhiều, cử động cân nhiều sẽ dẫn đến viêm cân.

Khi viêm kéo, dài chụp X-quang sẽ thấy cân vôi hóa, hay gọi là gai gót chân. Nhiều trường hợp gai không thấy đau, hoặc đau giai đoạn đầu (giai đoạn viêm) chưa hình thành gai nên chụp X-quang không thấy.

Những người có nguy cơ bị gai gót chân:

- Người cử động cổ chân nhiều do đi bộ, đạp xe, chạy nhảy.

- Người chịu lực nhiều lên gót chân như khuân vác nặng và béo phì.

- Người mang giày khiến lực không phân bổ đều cả bàn chân mà tập trung vào gót chân.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

2. Điểm qua hai nhóm nguyên nhân chính gây gai gót chân

Thưa BS, nguyên nhân, yếu tố nào dẫn đến tình trạng gai gót chân ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn đên gai gót chân:

- Những người vận động cổ chân nhiều như vận động viên chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đá bóng. Hoặc những người chơi những môn chạy nhảy nhiểu như múa ballet, aerobic.

- Những người hay mang giày cao gót, béo phì, mang thai và khuân vác nặng.

3. Hai giai đoạn tiến triển của bệnh gai gót chân

Thưa BS, bệnh gai gót chân diễn tiến thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh gai gót chân diễn tiến qua 2 giai đoạn:

Giai đoạn viêm: Người bệnh có biểu hiện đau gót chân vào sáng sớm. Khi ngủ dậy, bước chân đầu tiên xuống giường rất thốn, đau. Nhưng khi càng đi thì tình trạng đau càng giảm, đó là đặc điểm nổi bật và đặc trưng của gai gót chân. Có thể thấy triệu chứng gai gót chân ngược lại với các bệnh khớp khác. Ví dụ thoái hóa khớp gối càng đi càng đau.

Giai đoạn sau hết viêm tự phát, do điều trị hoặc chuyển qua viêm mạn. Giai đoạn này canxi lắng đọng ở gân nên khi chụp X-quang sẽ thấy gai ngay gót.

4. Đau gót chân rõ nhất bước đầu tiên mỗi sáng và giảm dần sau đó

Thưa BS, những triệu chứng của gai gót chân là gì ạ? Những triệu chứng này có dễ nhầm lẫn với bệnh về gót chân nào khác không ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Triệu chứng đặc hiệu nhất là đau gót chân ở bước đầu tiên mỗi sáng và giảm dần sau đó. Triệu chứng này giúp phân biệt với các bệnh lý khác như viêm gân Achilles, thoái hóa khớp cổ chân, viêm nhiễm trùng xương gót. Những bệnh này càng đi càng thấy đau, hoặc nằm cũng đau.

5. Tập vật lý trị liệu và dùng thuốc là 2 phương pháp chính để điều trị gai gót chân

Thưa BS, hiện tại có những phương pháp nào để điều trị gai gót chân ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh gai gót chân có 2 phương pháp điều trị chính: tập vật lý trị liệu và dùng thuốc. Trong phương pháp dùng thuốc gồm uống thuốc và tiêm thuốc.

Ngoài ra còn có phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên phẫu thuật rất hạn chế, chỉ áp dụng trong trường hợp uống thuốc, tiêm thuốc nhưng không hiệu quả. Bác sĩ sẽ phẫu thuật bằng cách cắt gân vôi hóa và nối lại, nhưng cũng rất dễ tái phát. Do đó, bệnh nhân chủ yếu chỉ điều trị bằng cách tập vật lý trị liệu, uống thuốc và tiêm thuốc.

Tập vật lý trị liệu là phương pháp quan trọng nhất được áp dụng trong mọi trường hợp. Phương pháp dùng thuốc được áp dụng khi tập vật lý trị liệu không bớt. Bệnh nhân thường uống thuốc kháng viêm, giảm đau, nếu uống không hết sẽ chuyển sang tiêm. Nếu vẫn không đỡ, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật.

6. Bệnh gai gót chân có thể tái phát sau điều trị

Thưa BS, một liệu trình điều trị gai gót chân kéo dài bao lâu và có khỏi hoàn toàn không ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Liệu trình điều trị còn tùy thuộc vào yếu tố gây bệnh của bệnh nhân. Ví dụ người béo phì, công việc chạy nhảy thì quá trình điều trị khá khó khăn vì không thể nào buộc bệnh nhân ngưng công việc hay giảm cân.

Thông thường, đối với những yếu tố gây gai gót chân can thiệp được, việc uống và tiêm thuốc trong 2-4 tuần sẽ cải thiện. Chỉ những trường hợp để lâu không điều trị từ vài tháng chuyển sang viêm mạn, hoặc không giải quyết được yếu tố gây gai gót chân thì bệnh kéo dài. Sau khi điều trị, bệnh có thể tái phát.


7. Vật lý trị liệu có tác dụng điều trị và ngăn ngừa tái phát gai gót chân

Thưa BS, làm sao để phòng ngừa gai gót chân tái phát ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có 2 phương pháp phòng ngừa chính:

Đầu tiên, nếu được, hãy thay đổi các yếu tố gây bệnh gai gót chân như béo phì, đi giày cao gót, công việc chạy nhảy quá nhiều.

Thứ hai, hãy tập vật lý trị liệu. Việc tập vật lý trị liệu không chỉ có tác dụng điều trị mà còn ngăn ngừa tái phát. Vì vậy, sau khi điều trị khỏi, bệnh nhân nên tiếp tục duy trì tập vật lý trị liệu với cường độ thấp hơn. Tập vật lý trị liệu khá đơn giản, chúng ta có thể thực hiện tại nhà trong vòng 5 phút.

8. Thuốc corticoid đường uống không có tác dụng điều trị gai gót chân

Thưa BS, nhiều bệnh nhân lo ngại tác dụng phụ khi khi dùng corticoid điều trị gai gót chân. Nhờ BS chia sẻ để giúp bệnh nhân yên tâm hơn ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Như đã chia sẻ, gai gót chân có 2 phương pháp điều trị nội khoa là uống thuốc và tiêm thuốc. Nhiều bác sĩ cho bệnh nhân uống corticoid nhưng với gai gót chân, corticoid đường uống hoàn toàn không có tác dụng. Do đó uống corticoid vừa không hiệu quả vừa gặp tác dụng phụ.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể tiêm corticoid tại chỗ. Thuốc tiêm corticoid được cấu tạo dưới dạng tinh thể, chỉ điều trị tình trạng viêm tại gót chân, thấm vào máu rất ít. Do đó, tiêm thuốc có hiệu quả tốt, trong khi tác dụng phụ đường toàn thân gây tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương ít hơn nhiều so với trường hợp uống. Tuy nhiên, trong một năm bệnh nhân chỉ được tiêm tối đa từ 2-3 lần, không được tiêm thường xuyên.

9. Bệnh nhân gai gót chân cần tránh những động tác nào?

Thưa BS, trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, bệnh nhân gai gót chân cần lưu ý những gì và tránh động tác nào ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:

-  Hạn chế mang giày cao gót. Tuy nhiều điều này khá khó vì đôi khi công việc yêu cầu phải mang giày cao gót.

- Hạn chế đi giày quá cứng.

- Khi đi hạn chế tiếp đất bằng gót chân.

- Khi đi lên, xuống cầu thang hạn chế mang vác quá nặng.

10. Người gai gót chân nên lựa giày dép sao cho đúng?

Thưa BS, người gai gót chân cần lưu ý gì khi mua giày dép ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đối với bệnh nhân gai gót chân, thậm chí những người chưa bị gai gót chân, việc lựa chọn giày dép rất quan trọng.

Đầu tiên, chúng ta phải coi độ chênh lệch giữa mũi chân và gót chân là bao nhiêu. Những loại giày cao từ trước ra sau không quá ảnh hưởng do không thay đổi cấu trúc bàn chân nhiều. Trường hợp giày cao gót đế cao, mũi thấp là nguy hiểm nhất. Giày này không chỉ gây gai gót chân mà còn làm vẹo ngón chân cái.

Tuy nhiên, việc mua giày dép đế bằng chưa hẳn tốt. Những đôi giày dép đế bằng nhưng đế quá mỏng, nếu đi trên sàn cứng, áp lực dội ngược lên gót chân gây viêm cân gan chân.

Tóm lại, khi mua giày dép cần lưu ý:

- Độ chênh lệch giữa mũi và gót không quá nhiều.

- Đế giày phải tương đối dày từ 3 phân từ trước ra sau (phía sau có thể dày thêm 2 phân) và mềm. Như vậy mới không thay đổi cấu trúc của bàn chân nhiều.

Giày bata được cấu tạo tốt nhất cho bàn chân, tuy nhiên không phải ai cũng đi được. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X