Hotline 24/7
08983-08983

F0 tại nhà cần làm gì để đối phó với COVID-19? Vì sao phải tập thở?

BS Trương Hữu Khanh có những chia sẻ về vấn đề “chăm sóc và tự chăm sóc F0 tại nhà”, những mốc thời gian bệnh diễn biến nguy hiểm, theo dõi dấu hiệu khó thở...

1. Người F0 cách ly tại nhà thường lo lắng điều gì?

Có 2 tình huống:

- Trường hợp là F0 chưa được đưa đi cách ly điều trị hoặc được cách ly tại nhà: Nhóm bệnh nhân này có khả năng là cả gia đình cũng nhiễm bệnh, rất ít trường hợp chỉ một số người trong gia đình mắc bệnh. Chỉ có trường hợp người nhà đã mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện. Những trường hợp F0 chưa được đưa đi cách ly này sẽ rất lo lắng, tuy nhiên, bạn cần hết sức bình tĩnh.

Nếu bạn không biết mình là F0, sau 10 ngày bệnh sẽ tự khỏi và khi test nhanh sẽ cho kết quả âm tính. Do đó, nếu bạn là F0 chưa được đưa đi cách ly điều trị thì hết sức bình tĩnh, đặc biệt khi bản thân không có yếu tố nguy cơ.

Trước đây, chúng ta bị cảm thì đó là chuyện bình thường, không lo lắng gì nhưng chẳng may bị cảm ngay lúc đang là F0 thì sẽ có những tưởng tượng như bệnh đang nặng hơn, người đang mệt thêm,... Những sự tưởng tượng thái quá đều do tâm lý hoảng loạn gây ra.

Con nít khi bị mắc COVID-19 sẽ vẫn thoải mái vui chơi, và không có những tưởng tượng như người lớn.

Tóm lại, khi F0 được chăm sóc tại nhà hoặc là người chăm sóc F0 tại nhà cần nhớ:

  • Hết sức bình tĩnh
  • 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Nếu có triệu chứng,  bệnh nhân sẽ sốt, ho, sổ mũi trong 8 ngày đầu. 95% bệnh nhân tự khỏi sau ngày thứ 8.
  • Sức chịu đựng và tâm lý của mỗi người trong gia đình là khác nhau, do đó, bản thân phải hết sức bình tĩnh và là trụ cột của gia đình.
  • Khi cả gia đình cùng là F0 cách ly điều trị tại nhà thì cùng nhau sinh hoạt, bảo ban nhau bình tĩnh, không rối lên.
  • Việc vệ sinh trong ăn uống và trong sinh hoạt phải được đảm bảo tốt. Nếu vệ sinh không tốt, virus sẽ tấn công cơ thể mạnh hơn.

2. F0 cách ly tại nhà cần làm gì để tránh lây nhiễm?

Nếu trong gia đình có trường hợp chưa mắc bệnh, cần phải tuân thủ 5K nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm. Bệnh nhân F0 cách ly trong phòng phải mở cửa thông thoáng, sạch sẽ và vận động.

- Trường hợp F0 đã cách ly điều trị 10 ngày, lượng virus trong cơ thể thấp, không còn nguy hiểm và được cho trở về nhà: thời gian tới nhóm bệnh nhân này sẽ được xuất viện nhiều và họ rất hiếm khi diễn tiến nặng hơn.

Bệnh nhân tuyệt đối không được ra khỏi nhà vì sẽ có nguy cơ lây cho người khác. Mặc dù khả năng lây bệnh cho người khác thấp nhưng phải giữ khoảng cách 2m, mang khẩu trang. Người nhà có thể tiếp tế lương thực trên 1 cái bàn và phải luôn mang khẩu trang. Chúng ta có thể sử dụng chén, đũa tiện lợi để dùng 1 lần và vứt bỏ khi sử dụng xong.

Khi lấy quần áo của bệnh nhân đi giặt phải mang khẩu trang và găng tay, ngâm quần áo trong xà phòng hoặc tốt hơn là nước nóng (50 độ C) để diệt virus.

Bệnh nhân F0 ở trong phòng 1 mình thì không cần đeo khẩu trang, có gắng tự theo dõi nhịp độ của bản thân 1 lần/ngày; cố gắng uống nhiều nước, vận động.

Khi đi vệ sinh, cần lưu ý giữ nhà vệ sinh sạch sẽ, không để dơ bẩn. Người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh để không bị đau bụng. Vì khi đau bụng, bệnh nhân sẽ tưởng tượng ra nhiều vấn đề khác.

Có như vậy, khi được xét nghiệm lại âm tính, bệnh nhân sẽ được hết cách ly tại nhà.

3. Mốc thời gian nào là nguy hiểm đối với F0 cách ly tại nhà?

Bệnh COVID-19 thường diễn tiến nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Đa số các trường hợp bệnh nhân sẽ ổn sau ngày thứ 8. Khi lấy dịch họng, người ta phát hiện nồng độ virus trong cơ thể sẽ thấp ở ngày thứ 1,2; từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 nồng độ virus sẽ cao, sau ngày thứ 8 sẽ thấp dần xuống. Đến ngày thứ 10, gần như không thể tìm thấy được virus, khả năng lây lan rất ít.

Sự lây lan dịch bệnh nhiều hay ít phụ thuộc vào nồng độ virus của người bệnh, nồng độ virus nhiều sẽ lây nhiều hơn.

Do đó, một số bệnh nhân COVID-19 khi xét nghiệm âm tính ở ngày thứ 7-8 sẽ được cho xuất viện vì khi đó đã an toàn.

4. F0 và F1 nên tập thở như thế nào?

Khi chúng ta bị cảm cúm thì sẽ cảm thấy bình thường, nhưng khi mắc COVID-19 thì sẽ tưởng tượng bệnh diễn tiến nặng hơn, sốt cao hơn, ho, khó thở nhiều hơn.

Hiện nay, đa số các trường hợp khó thở đều do sự tưởng tượng của người bệnh, không phải do phổi.

Bình thường, không tất cả các tế bào phế nang của cơ thể đều tham gia hoạt động thở. Nhưng khi khó thở, cơ thể phải huy động tất cả tế bào phế nang để trao đổi khí, cung cấp đủ oxy nuôi cơ thể.

Khi đó, cơ thể phải huy động cả cơ hoành để tham gia thở, không chỉ thở bằng cơ ngực. Thứ hai là thở bụng, hít vào thật chậm đến khi bụng phình lên và thở ra như thổi lửa cho đến khi bụng xẹp xuống. Mỗi đợt có thể làm từ 15-20 nhịp. Bệnh nhân dù có khó thở hay không đều phải tập thở, nó sẽ rất tốt cho cơ thể trong thời gian mắc COVID-19.

Khi gia đình có bệnh nhân mắc COVID-19 có yếu tố nguy cơ (bệnh nền, trên 65 tuổi) cần thông báo cho trạm y tế địa phương về trường hợp này.

Bệnh nhân mắc COVID-19 phải cố gắng ăn đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn phải lỏng. Những bệnh nhân COVID-19 bị mất khứu giác, vị giác thì cảm giác ngon miệng sẽ không có mặc dù bụng rất đói và có cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, bệnh nhân phải ráng ăn đủ dinh dưỡng để vượt qua bệnh tật.

Nếu bệnh nhân COVID-19 ở xứ lạnh thì cần giữ ấm, còn xứ nóng cần phải uống nhiều nước.

5. Làm sao để biết F0 cách ly tại nhà có bị thiếu oxy hay không?

Đối với những người có yếu tố nguy cơ, họ sẽ không biết bản thân đang thiếu oxy hoặc khó thở. Ví dụ, bình thường, họ ngồi ngửa vẫn có thể thở được nhưng bây giờ vẫn tư thế đó lại cảm thấy khó thở, đó có thể là dấu hiệu của khó thở. Khi đó, bạn có thể cúi người tập thở, từ từ hít sâu và thở nhẹ ra.

Những bệnh nhân vẫn nói chuyện bình thường nhưng lại được đưa đi thở oxy vì nồng độ oxy trong máu của họ thấp. Những bệnh nhân khó thở, có vẻ mệt mỏi nhưng đôi khi nồng độ oxy trong máy của người này lại tốt.

Những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cần được đo nồng độ oxy, nếu chỉ số dưới 93% hoặc 95% cần báo ngay với bác sĩ. Điều này hết sức quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà.

Bệnh nhân COVID-19 tự nhiên choáng váng hoặc đau tức ngực cũng phải được tập thở. Khi đã làm mọi biện pháp nhưng không cải thiện, bệnh nhân có thể nằm sấp để phế nang hoạt động hết công năng, và cơ thể sẽ khỏe lại.

Nếu bệnh nhân vẫn còn khó thở, cần gọi ngay cho trung tâm cấp cứu 115 để được đưa đến bệnh viện.

6. Thuốc điều trị COVID-19 tại nhà gồm những thuốc gì?

Bệnh COVID-19 rất giống với bệnh cảm cúm, cho nên khi cảm cúm mình uống thuốc nào thì bây giờ mình tiếp tục dùng thuốc đó. Nếu sốt, đau đầu có thể uống paracetamol, ho uống thuốc ho, tiêu chảy có thể uống thuốc tiêu chảy hoặc uống bù nước. Không cần thiết phải uống loại thuốc đặc biệt nào. Những loại thuốc đặc biệt phải được bác sĩ chỉ định.

Rõ ràng là, hiện nay, Việt Nam có rất nhiều ca bệnh nhưng đa số bệnh nhân đều vượt qua. Những trường hợp xét nghiệm dương tính ngoài cộng đồng nếu không được phát hiện cũng sẽ tự khỏi bệnh. Tuy nhiên bệnh lây lan quá nhanh nên bắt buộc phải sàng lọc để bệnh không “len lỏi” vào nhóm người nguy cơ cao.

[DAP]Tóm lại:

Nếu bạn là F0 thì không nên lấy đó là nỗi buồn, bởi hiện nay số lượng bệnh nhân F0 rất nhiều.

Nếu bạn là F0, bạn phải nghĩ đây là bệnh rất giống với cảm cúm. Bệnh này do siêu vi mới gây ra, nhưng không có nhiều độc tính. Tuy nhiên, không nên lơ là trước dịch bệnh.

Nếu là F0 bạn phải tập thở, tập trung thở để đầu óc không lo lắng. Bên cạnh đó, phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh, giữ môi trường sống sạch sẽ.

Trước đây chúng ta từng trải qua nhiều lần cảm cúm, và giờ vẫn có thể dùng cách như vậy để vượt qua đợt bệnh này.[/DAP]

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X