Em mê chàng vì cần tây
Rau cần tây có thể dùng như gia vị, rắc vài cọng cần tây lên tô hủ tíu, dĩa đồ xào… cho thơm. Cần cũng có thể dùng như những món rau xào.
Cần tây có kha khá hai hormone androstenone và androstenol nên đàn ông ăn rau cần tây thì cơ thể sẽ tiết ra mùi được cho là làm hấp dẫn phụ nữ.
Cần tây lại có dược tính, có thể xay, ép lấy nước uống để trị một số bệnh. Nhưng cần tây còn nổi tiếng (ở bên Tây) là bùa mê thuốc lú. Đàn ông ăn cần tây, cơ thể sẽ tiết ra mùi thơm làm phụ nữ mê mẩn. Sự thật thế nào?
Lợi ích của cần tây
Cần tây chứa 95% là nước, phần còn lại có đủ thứ nào là protein, lipid, bột đường, vitamin, khoáng… nhưng những thứ này số lượng không đáng kể, về mặt dinh dưỡng tổng quát. Nổi bật, nếu có, là chất xơ và vitamin K (làm đông máu). 100gr cần tây cung cấp 28% nhu cầu vitamin K mỗi ngày. Cần tây, tuy “nghèo” dinh dưỡng nhưng lại rất đẹp để ăn kiêng. 100 gr cần tây chỉ cho ra 16 kcal.
Ưu thế vượt trội của cần tây chính là những hóa chất thực vật (phytochemicals). Nhờ đó mà cần tây còn được dùng làm thuốc trong y học dân gian ở nhiều nước. Dưới đây là vài lợi ích của cần tây được khoa học xác nhận:
Hạ huyết áp và mỡ máu: nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy, khi thử trên động vật, chất phthalide có trong cần tây làm giảm mức LDL (cholesterol xấu) khoảng 7%, và làm hạ huyết áp khoảng 14%. Phthalide cũng làm giãn mạch máu. Một nghiên cứu khác trên người bị cao huyết áp nhẹ trong 6 tuần cho thấy huyết áp giảm.
Chống viêm: các flavonoids (có tính chống oxid hóa) trong cần tây có thể làm giảm viêm, như viêm màng lót dạ dày.
Cần tây hấp (trong 10 phút) giữ được nguyên 83-89% các chất chống oxid hóa, nhưng nếu đem luộc hoặc chần qua nước sôi, sẽ mất từ 38-41%.
Tập tính khác bản năng
Điều thú vị là trong rau cần tây có chứa hai chất: androstenone và androstenol, được xem là chất dẫn dụ (pheromone) của phái nam. Thế là một nhà tâm lý học kết luận luôn, đàn ông ăn rau cần tây thì cơ thể sẽ tiết ra mùi làm hấp dẫn phụ nữ. Rồi thêm nhiều tờ báo “bốc” lên. Cần tây phút chốc trở thành một thứ bùa yêu mê hoặc phụ nữ.
Androstenone và androstenol là hormone loại steroid được tìm thấy nhiều trong nước dãi của heo đực cũng như một số loài thực vật, trong đó rau cần tây có kha khá.
Heo cái trong mùa “tình yêu”, đánh hơi được mùi của hai chất dẫn dụ này, đặc biệt là androsterone, thì sẽ sẵn sàng trong tư thế di truyền nòi giống ngay. Trong chăn nuôi, androsterone là hoạt chất chính trong thuốc thử để xác định xem heo cái có đang trong thời gian thích hợp để sẵn sàng thụ tinh hay chưa.
Ở người cũng có androsterone. Nếu androsterone có trong nước dãi của heo đực, thì androsterone lại có trong mồ hôi của đàn ông, nhất là mồ hôi nách. Ngay lập tức, androsterone được ‘tôn vinh” thành chất dẫn dụ phái tính ở người. Nhưng đáp ứng của phụ nữ với androsterone như một chất dẫn dụ, là một chuyện, còn ngửi được mùi của mồ hôi trong đó có androsterone, lại là chuyện khác.
Cho đến nay, khoa học vẫn chưa thừa nhận androsterone là chất dẫn dụ phái tính ở người. Nói cách khác, không phải phụ nữ (trong thời gian trứng rụng) hễ ngửi thấy mùi androsterone là đã chịu… xáp vào. Tế bào khứu giác ở người không có thụ thể để tiếp nhận androsterone như là chất dẫn dụ, mặc dù họ vẫn ngửi được mùi đặc trưng của androsterone trong mồ hôi. Rất tiếc, mùi của androsterone lại chẳng dễ chịu chút nào. Có bà nào ngửi mồ hôi đàn ông mà khen… thơm đâu, trừ một hai người gì đó, mà trong ca dao gọi là “Lia thia quen chậu…”. Tập tính khác với bản năng là ở chỗ đấy.
Thế còn hormone andorostenol thì sao? Chất này thì tiết ra mùi thơm. Mùi thơm của andorostenol mất rất nhanh ngay sau khi mồ hôi tiết ra. Mặc dù andorostenol được xem là hormone sinh dục (chất dẫn dụ phái tính ở heo), nhưng khoa học vẫn không thừa nhận andorostenol có công dụng tương tự ở người (trừ mấy hãng sản xuất nước hoa).
Từ bến hy vọng đến bờ ảo vọng
Tóm lại, chất dẫn dụ ở heo không phải chất dẫn dụ ở người. Mà giả dụ có là chất dẫn dụ ở người đi nữa thì androsterone và andorostenol trong cần tây khi vào tới hệ tiêu hóa cũng không còn nguyên vẹn để thành bùa mê.
Chất dẫn dụ ở người vẫn còn nhiều điều thú vị và bí ẩn. Nói nữa sẽ đi quá xa với chủ đề an toàn thực phẩm. Cần tây hay thậm chí dùng nước hoa “chuyên dụng” với tham vọng thần thánh (hay trời đánh) rốt cuộc chỉ đi từ bến hy vọng đến bờ ảo vọng.
Rau cần tây được xem là thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe sức như chống viêm, hạ huyết áp, hạ mỡ máu ở mức độ nhẹ… và đã được khoa học xác nhận. Việc lạm dụng cần tây để ăn kiêng đến độ lơ là cơm gạo thịt cá rau quả là điều không nên, vì mức dinh dưỡng tổng quát của cần tây ít, chủ yếu là chất xơ.
Còn quý ông lạm dụng cần tây với giấc mơ chinh phục thì e rằng, mỹ nhơn chưa kịp đến, heo cái đã cuồng si phải lòng, thì trùng trùng oan nghiệt.
Theo Vũ Thế Thành - Thế giới hội nhập/ TGTT
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình