Hotline 24/7
08983-08983

Đứt dây chằng chéo trước khớp gối điều trị như thế nào?

Để giữ cho khớp gối vững chắc, cần có sự tham gia của các hệ thống như gân, cơ, dây chằng, sụn nêm, trong đó dây chằng chéo khớp gối đóng vai trò quan trọng nhất.

Triệu chứng nhận biết

Đang chơi bóng đá hăng say, anh Nguyễn Như Nam (TP.HCM) bị té đập đầu gối xuống đất trong một pha tranh bóng. Anh cảm thấy khớp gối đau nhói. Sau 1 tuần, cơ đùi teo lại thấy rõ, khớp gối trở nên yếu và lỏng lẻo.
 
Tại Khoa Y học thể thao của BV Nhân dân 115 (TP.HCM), anh Nam được chẩn đoán đã bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối, một tổn thương khá phổ biến ở những ai chơi các môn thể thao có tính đối kháng mạnh như bóng đá, võ thuật và bóng rổ. Nhiều bệnh nhân khác bị đứt loại dây chằng này trong tai nạn giao thông hoặc bị té mạnh ở tư thế đập đầu gối xuống đất trong sinh hoạt hằng ngày.
 

Một ca phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối
Một ca phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối - Ảnh: B.V

 
Dây chằng chéo trước khớp gối bị đứt sẽ tạo ra một thiếu hụt rất lớn trong toàn bộ hệ thống giữ vững khớp gối. Với những trường hợp nặng (đứt dây chằng chéo trước khớp gối kèm theo tổn thương sụn), thường xảy ra khi bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, người bệnh rất nhanh chóng phát hiện ra sự bất thường trong cơ thể, bởi họ thường bị đau, nghe tiếng kêu lạo xạo trong khớp, bị kẹt khớp (khớp cứng, phải gập duỗi một hồi mới trở lại bình thường), xương cẳng chân và xương đùi xộc xệch, cạ vào nhau...
 
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ có cảm giác lỏng lẻo ở đầu gối, thỉnh thoảng bị sụm gối, vẫn đi đứng được nên có khi không phát hiện chấn thương, nhất là ở những người ít vận động. Nhưng nếu để cho một nền móng trụ cột của hoạt động khớp gối như dây chằng chéo sụp đổ mà "chủ nhà" không quan tâm gì, họ sẽ phải lãnh hậu quả về lâu dài, thường thấy nhất là rách sụn chêm và thoái hóa khớp.

Điều trị

Để điều trị bệnh lý này không quá phức tạp, trong đó phẫu thuật là chỉ định đầu tay. Với các phương tiện hiện đại ngày nay, phẫu thuật tái tạo dây chằng được thực hiện bằng phương pháp nội soi chỉ trong khoảng 1 giờ, thời gian nằm viện 3 ngày. Hiện nay, bảo hiểm y tế đã trả chi phí phẫu thuật này. Bệnh nhân được lấy gân tự thân (gân chân ngỗng, gân bánh chè, gân cơ mác dài...) để tạo hình lại dây chằng chéo trước khớp gối. Chức năng hoạt động của khớp gối sau phẫu thuật có thể lên đến 90% so với bình thường. Bệnh nhân có thể tiếp tục chơi thể thao.

Với những trường hợp không thể phẫu thuật, điều trị bảo tồn cũng mang lại nhiều hiệu quả nhất định. Người bệnh sẽ được hướng dẫn mang nẹp gối, tập các bài tập nhằm tăng cường sức mạnh của các hệ thống gân cơ, dây chằng còn lại. Khi các hệ thống này mạnh lên sẽ hỗ trợ, bù đắp lại sự thiếu hụt do dây chằng chéo trước khớp gối bị đứt gây ra, giúp khớp gối trở nên vững chắc hơn, từ đó giảm quá trình teo cơ và kéo dài thời gian trước khi hư khớp.

Điều trị bảo tồn thường được chỉ định trong những trường hợp:

- Bệnh nhân lớn tuổi: Nhóm này thường không có nhu cầu vận động cao, lại thường kèm theo loãng xương và các bệnh lý nội khoa, vì thế việc thực hiện phẫu thuật sẽ có nhiều nguy cơ tai biến. Kết quả phục hồi cũng không cao.

- Trẻ em nhỏ tuổi: Do còn băng sụn giúp phát triển chiều cao nên khi phẫu thuật tái tạo dây chằng có thể sẽ làm tổn thương băng sụn, ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ. Trẻ thường được điều trị bảo tồn, đến năm 16 tuổi sẽ phẫu thuật.

- Những trường hợp có chống chỉ định phẫu thuật, chẳng hạn bệnh nhân bị thiếu các yếu tố đông máu.

AloBacsi.vn
Theo BS Ngô Thành Ý - Thanh niên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X