Hotline 24/7
08983-08983

Dùng thuốc đúng cách và điều chỉnh lối sống để kiểm soát hiệu quả tăng huyết áp

Trong kỳ phát sóng số 2 của chuỗi chương trình do LCH Lão khoa TPHCM thực hiện với sự đồng hành của Công ty Gigamed, BS.CK2 Lê Thị Đẹp - Trưởng khoa Nội Tim mạch, Viện Tim TPHCM đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp người bệnh tăng huyết áp dễ ghi nhớ - dễ thực hành để kiểm soát căn bệnh này tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. 20 - 25% người Việt trưởng thành bị tăng huyết áp

Tình hình bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đẹp trả lời: Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến trong cộng đồng. Trên thế giới ước tính có khoảng 20 - 25% người trưởng thành trên 25 tuổi bị tăng huyết áp.

Tại Việt Nam, theo thống kê có khoảng 20 - 25% bệnh nhân trưởng thành bị tăng huyết áp. Trong đó, có hơn 50% bệnh nhân không biết bị tăng huyết áp và hơn 60% bệnh nhân tăng huyết áp nhưng không được điều trị. Đối với các trường hợp được điều trị, chỉ có khoảng 38% bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu theo các khuyến cáo.

2. Không kiểm soát tốt tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?

Tăng huyết áp nếu không được điều trị, kiểm soát tốt sẽ gây ra những nguy hiểm nào, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đẹp trả lời: Tăng huyết áp rất dễ điều trị, tuy nhiên chỉ khoảng 1/3 những người được điều trị tăng huyết áp kiểm soát được huyết áp mục tiêu theo khuyến cáo hiện tại.

Ước tính mỗi năm, thế giới có khoảng 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó có 9,4 triệu ca do biến chứng từ tăng huyết áp.

Tỷ lệ tử vong do tăng huyết áp rất lớn. Các biến chứng có thể gặp phải như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, tổn thương thận và gần đây có tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới. Cứ 3 - 4 bệnh nhân đến khám vì tăng huyết áp thì có khoảng 1 người than phiền về rối loạn cương dương.

Tăng huyết áp lâu ngày nếu không điều trị có thể dẫn đến suy tim do tổn thương. Khi suy tim nặng, bệnh nhân không thể sinh hoạt bình thường, không ngồi nói chuyện được và phải thở oxy.

Ngoài ra, còn có những ảnh hưởng khác của tăng huyết áp như tổn thương màng lọc cầu thận dẫn đến suy giảm chức năng thận. Có sự tương quan chặt chẽ giữa tăng huyết áp và suy thận, cũng như suy thận đối với tăng huyết áp.

Một biến chứng khác mà nhiều người lo sợ và đi khám rất nhiều là đột quỵ do tăng huyết áp. Khi đột quỵ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Từ một người khỏe mạnh, bệnh nhân đột ngột liệt nửa người hoặc nặng hơn là hôn mê và có thể tử vong.

Ước tính trên thế giới nếu một bệnh nhân tăng huyết áp > 160/100 mmHg thì có thể tăng 4,3 lần nguy cơ bị xuất huyết não. Nếu không điều trị thì có đến 50% bệnh nhân có bệnh lý mạch máu não và biến chứng trầm trọng khác là nhồi máu cơ tim.

Theo nghiên cứu, có từ 30 - 40% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ST chênh lên và 70% bệnh nhân nhồi máu cơ tim không ST chênh lên có bệnh nền tăng huyết áp. Vì vậy, việc kiểm soát cũng như chẩn đoán huyết áp rất quan trọng đối với bệnh nhân.

Những chia sẻ từ chuyên gia nhận được nhiều lời cảm ơn từ khán thính giả xem chương trình, vì dễ hiểu, dễ nhớ và có thể áp dụng để tuân thủ điều trị tăng huyết áp tốt hơn

3. Các lợi ích khi kiểm soát tốt huyết áp

Các yếu tố nào thúc đẩy biến chứng tăng huyết áp đến nhanh hơn và nguy cơ nặng hơn trên người bệnh, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đẹp trả lời: Việc chẩn đoán và điều trị sớm, cũng như theo dõi định kỳ để phát hiện các biến chứng là điều rất quan trọng đối với bệnh nhân tăng huyết áp. Muốn đạt được điều này cần phải có mối tương tác giữa bệnh nhân và nhân viên y tế để điều trị huyết áp đạt mục tiêu sớm hơn và kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác ngoài tăng huyết áp gây ra.

Kiểm soát tốt huyết áp sẽ mang lại những lợi ích gì cho người bệnh thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đẹp trả lời: Kiểm soát huyết áp tốt sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, còn giúp giảm chi phí chăm sóc cho bệnh nhân, chi phí về các hoạt động, sinh hoạt, công việc thường ngày.

Đối với bệnh nhân bị tăng huyết áp việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa rất quan trọng. Khi kiểm soát được huyết áp tốt sẽ giảm đến 30% nguy cơ đột quỵ, giảm 25% nguy cơ nhồi máu cơ tim và giảm 23% nguy cơ bệnh thận mạn. Nếu bệnh nhân có các bệnh lý khác đi kèm ngoài tăng huyết áp thì khi điều trị sẽ mang lại nhiều lợi ích, cũng như chất lượng cuộc sống tốt hơn.

4. Kiểm soát huyết áp trên người cao tuổi cần lưu ý gì?

Việc kiểm soát huyết áp cho ông bà trong gia đình có những khó khăn gì và cần lưu ý những điểm nào?

BS.CK2 Lê Thị Đẹp trả lời: Theo thống kê, người trên 60 tuổi tại Việt Nam bình quân mắc 3 - 4 bệnh cùng lúc, con số này sẽ tăng lên 6 bệnh ở người trên 80 tuổi.

Đối với bệnh đồng mắc thường gặp là cao huyết áp phối hợp với đái tháo đường và bệnh thận, đau xương khớp, suy tim, thiếu máu cơ tim,…Với nhiều bệnh như vậy, việc lựa chọn thuốc phù hợp cho bệnh nhân là rất quan trọng.

Ví dụ, bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường cần lựa chọn thuốc vừa kiểm soát huyết áp tốt vừa bảo vệ thận như thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể…

Đối với bệnh nhân lớn tuổi, việc uống nhiều loại thuốc, thậm chí thuốc tiêm sẽ rất khó nhớ, vì vậy khi có một loại thuốc gồm nhiều thành phần trong một cùng viên thuốc sẽ giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn, từ đó đem lại hiệu quả cho bệnh nhân.

Điều trị cần cá thể hóa, ví dụ một người cao huyết áp có tình trạng hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim > 100 lần/phút thì nhóm thuốc ức chế beta Bisoprolol, Metoprolol có thể kiểm soát được nhịp tim cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân lớn tuổi, đêm thường thức khuya đi loanh quanh làm gia đình tỉnh giấc thì thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương Methyldopa có thể giúp cho bệnh nhân ngủ ngon, kiểm soát được huyết áp.

Như vậy, khi điều trị phải tìm hiểu xem bệnh nhân có bao nhiêu bệnh đồng mắc, từ đó đưa ra những loại thuốc hữu ích để đem lại chất lượng cuộc sống, cũng như sinh hoạt cho bệnh nhân tốt hơn.

5. Cần làm gì để giúp bệnh nhân tăng huyết áp tuân thủ điều trị, ít bỏ thuốc?

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính và hầu như bệnh nhân cần điều trị suốt đời, nhưng trong cộng đồng vẫn có tình trạng kiểm soát huyết áp tốt một thời gian sẽ ngưng thuốc. Theo BS, làm sao giúp bệnh nhân tăng tuân thủ điều trị, ít bỏ thuốc?

BS.CK2 Lê Thị Đẹp trả lời: Một số bệnh nhân thường nói rằng mình đã uống thuốc nhiều năm nên muốn giảm hoặc ngưng sử dụng thuốc. Khi đó các bác sĩ cần giải thích cho bệnh nhân về tầm quan trọng của việc điều trị tăng huyết áp, cũng như hậu quả khi không uống thuốc.

Để bệnh nhân tuân thủ điều trị cần đảm bảo 3 yếu tố:

- Chọn thuốc hiệu quả kiểm soát huyết áp kéo dài 24 giờ, bảo vệ cơ quan đích quan trọng như tim, não, thận và ít tác dụng phụ, từ đó bệnh nhân uống thuốc cảm thấy dễ chịu và giúp tăng tuân thủ điều trị.

- Chọn thuốc có sẵn trong bệnh viện và được BHYT thanh toán, kinh tế cho bệnh nhân khi điều trị lâu dài.

- Hiện nay, có các thuốc điều trị tăng huyết áp, kết hợp các hoạt chất trong 1 viên giúp kiểm soát tốt hơn, giảm số viên uống trong ngày, dễ nhớ, dễ tuân thủ điều trị.

Số phát sóng liên quan đến chủ đề tăng huyết áp nhận được sự quan tâm của đông đảo khán thính giả

6. Những lưu ý cần nhớ khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp

Trong khi điều trị tăng huyết áp, có những điểm nào mà người bệnh cần tránh? Đối với việc sử dụng thuốc, cần ghi nhớ điều gì?

BS.CK2 Lê Thị Đẹp trả lời: Khi sử dụng thuốc huyết áp trong một thời gian dài và đã ổn định, bệnh nhân sẽ cảm thấy chán hoặc lơ là, quên uống thuốc. Tuy nhiên, tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy phải nhắc nhở về những lợi ích khi uống thuốc để bệnh nhân nhận thức được tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh này.

Ngoài ra, tự ý bỏ thuốc là điều không nên, trừ trường hợp phải nhập viện vì một bệnh lý khác và cần phẫu thuật. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại thuốc cần ngưng hoặc tiếp tục sử dụng hoặc thay đổi thuốc.

Bên cạnh đó, cần tránh sử dụng thuốc truyền miệng. Ví dụ bệnh nhân uống toa thuốc này nhiều năm tốt và gửi toa thuốc đó cho bạn bè, người xung quanh uống cùng là điều không nên. Vì mỗi người là một cá thể khác nhau, mang một bộ gen khác nhau. Khi muốn uống bất kỳ loại thuốc nào cũng nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

7. Thay đổi lối sống tích cực để kiểm soát huyết áp hiệu quả

Thay đổi lối sống rất quan trọng trong kiểm soát tăng huyết áp. Xin hỏi BS, trong chế độ dinh dưỡng cần tránh những gì và nên tăng cường sử dụng các loại thực phẩm nào?

BS.CK2 Lê Thị Đẹp trả lời: Trong tất cả các bệnh lý, thông thường điều trị có 2 phương pháp cơ bản là điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc.

Trong đó, phương pháp điều trị không dùng thuốc là thay đổi lối sống. Ví dụ, một bệnh nhân nặng cân, chỉ số khối cơ thể cao cần tăng cường chất xơ, thực phẩm nguyên hạt, rau, trái cây nhiều hơn và nên giảm các thức ăn có lượng mỡ cao như da gà, da vịt, nội tạng,…

Bên cạnh đó, cần có chế độ tập luyện, lựa chọn môn thể thao phù hợp, như đi bộ nhanh, bơi, câu lạc bộ dưỡng sinh, yoga,… Điều này rất quan trọng đối với những người tăng huyết áp, đái tháo đường, giúp cải thiện sự nhạy cảm với thuốc điều trị.

Lưu ý phải tập vừa sức, từ 30 - 60 phút/ngày và từ 5 - 7 ngày/tuần sẽ giúp kiểm soát yếu tố nguy cơ, cân nặng, góp phần kiểm soát huyết áp tốt hơn.

Ngoài ra, áp lực công việc (stress) cũng ảnh hưởng phần nào đến việc kiểm soát huyết áp. Ví dụ, một bệnh nhân nữ khoảng 60 - 65 tuổi, thường ngày kiểm soát huyết áp ổn định nhưng gần đây con không nghe lời dẫn đến bực mình và tức giận, đó gọi là stress.

Cách kiểm soát stress tốt nhất là tập thể dục. Ngoài ra chúng ta sử dụng những thực phẩm có lợi như rau và trái cây.

Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt. Mời Quý khán giả đón xem.

Cảm ơn BS.CK2 Lê Thị Đẹp - Trưởng khoa Nội Tim mạch, Viện Tim TPHCM và Công ty Gigamed đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X