Đục thủy tinh thể ở người tiểu đường nguy hiểm thế nào?
Tiểu đường là bệnh không lây nhiễm có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đục thủy tinh thể ở người tiểu đường là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh mang lại thách thức lớn đối với cộng đồng. Việc phát hiện bệnh và ngăn ngừa các biến chứng kịp thời sẽ luôn là liều thuốc tốt nhất cho người bệnh.
I. Đối tượng dễ bị đục thủy tinh thể do tiểu đường
Mặc dù ai cũng có thể bị đục thủy tinh thể, nhưng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường thì có thể gặp những vấn đề mắt này ở độ tuổi trẻ hơn và bệnh tiến triển nhanh hơn ở những người không bị tiểu đường.
Bên cạnh đục thủy tinh thể do tiểu đường, bạn có thể bị đục thủy tinh thể sớm hơn nếu bạn: Hút thuốc lá; lạm dụng rượu bia, tiếp xúc ánh sáng mặt trời trong một thời gian dài.
Lão hóa cũng chính là yếu tố thúc đẩy chủ yếu của đục thủy tinh thể, nhưng bạn không nhất thiết phải cao tuổi mới bị đục thủy tinh thể. Trong thực tế, mọi người có thể bị đục thủy tinh người già ở tuổi 40 - 50. Tuy nhiên trong độ tuổi trung niên, hầu hết đục thủy tinh thể thường nhẹ và không ảnh hưởng đến tầm nhìn. Sau 60 tuổi, hầu hết các trường hợp đục thủy tinh thể sẽ lấy đi tầm nhìn.
II. Nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể ở người tiểu đường là gì?
Đục thủy tinh thể do tiểu đường là do giảm nồng độ plasma trong thủy dịch dẫn đến thủy tinh thể bị ngấm nước và cuối cùng dẫn đến đục.
Nguyên nhân chủ yếu được cho là do tăng nồng độ glucose máu làm glucose khuếch tán vào thủy tinh thể. Một phần glucose được chuyển thành sorbitol. Sorbitol không được chuyển hóa mà tích lũy lại trong thủy tinh thể và ngấm vào các sợi thể thủy tinh gây xơ hóa và đục thủy tinh thể. Ngoài ra, sobitol còn gây rối loạn áp lực thẩm thấu, làm tăng ngấm nước vào sợi thủy tinh thể.
Quá trình polyol cũng làm giải phóng nhiều gốc tự do gây tổn thương cho sợi thủy tinh thể. Ngoài ra, nồng độ sobitol cao trong nội bào của tế bào biểu mô sẽ gây tăng tốc độ chết theo chương trình. Nồng độ glucose trong thủy dịch cao gây glycat hóa các protein tạo ra các sản phẩm độc với thủy tinh thể. Các quá trình trên phối hợp gây ra bệnh đục thủy tinh thể ở bệnh nhân tiểu đường.
III. Dấu hiệu nào thường gặp ở người đục thủy tinh thể do bệnh tiểu đường?
Các triệu chứng thường gặp của bệnh đục thủy tinh thể do đái tháo đường bao gồm:
Giai đoạn đầu: Gần như không có các triệu chứng bất thường ở thị giác.
Giai đoạn tiến triển: Một số triệu chứng thường gặp bao gồm: Nhìn mờ, hình ảnh bị tối đi nhưng không đau, màu sắc nhạt hơn trước hoặc hơi ngả sang màu vàng, nhạy cảm với ánh sáng (bị lóa mắt), khó nhìn vào ban đêm hoặc ở nơi không đủ ánh sáng, nhìn một thành hai ở một bên mắt, phải đổi độ kính mắt thường xuyên hơn.
IV. Đục thủy tinh thể ở người tiểu đường nguy hiểm như thế nào?
Nếu tình trạng đục ngày càng nặng sẽ dẫn tới tăng nhãn áp, gây vỡ bao và phản ứng viêm màng bồ đào, mắt không thể điều tiết dịch khiến người bệnh cảm thấy đau dữ dội. Phần thủy tinh thể bị đục lâu ngày sẽ trở nên cứng hơn và dẫn tới viêm, mắt bị thoái hóa, đồng tử dính lại và rất khó khăn khi phẫu thuật. Tiếp theo đó có thể dẫn tới làm teo thần kinh mắt, khả năng phục hồi của bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ rất kém và thậm chí có nhiều trường hợp dẫn tới mù lòa.
Xem thêm: Phù hoàng điểm do biến chứng tiểu đường
V. Điều trị đục thủy tinh thể do tiểu đường theo phương pháp nào?
Ở mức độ nhẹ: Người bệnh chỉ cần đeo kính thường xuyên và sử dụng mắt kính chống chói.
Đối với đục thủy tinh thể gây trở ngại rất lớn cho tầm nhìn, các bác sĩ thường loại bỏ thủy tinh thể. Đôi khi bệnh nhân được ghép thủy tinh thể mới.
Ở những người bị tiểu đường, bệnh võng mạc tiểu đường có thể nghiêm trọng hơn sau khi cắt bỏ thể thủy tinh và tăng nhãn áp có thể phát triển.
Phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể (mổ đục tinh thể) thường là an toàn. Vì vậy nên chọn loại phẫu thuật nào phụ thuộc một phần vào từng cá nhân. Hầu hết các ca thường là phẫu thuật trong ngày với kỹ thuật gây tê vùng thường được ưa chuộng và là công đoạn khó chịu nhất.
VI. Làm thế nào để phòng tránh đục thủy tinh thể do tiểu đường?
Để phòng tránh đục thủy tinh thể do tiểu đường, người bệnh cần: Kiểm tra mắt thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác ở giai đoạn sớm nhất; bỏ hút thuốc lá; giảm uống rượu; đeo kính mắt để ngăn chặn tia cực tím vì tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể; duy trì cân nặng lành mạnh bằng cách: Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần, giảm cân từ từ bằng cách giảm lượng calo và tăng số lượng bài tập mỗi ngày nếu bạn đang thừa cân, béo phì; chọn chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây và rau quả.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình