Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị, giảm đau nhức xương khớp trên người lớn tuổi

Đau nhức xương khớp thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là khi bước vào giai đoạn chuyển mùa, trái gió trở trời khiến cơn đau tái phát. Vậy làm gì để giảm đau nhức xương khớp ở người cao tuổi? PGS.TS.BS Võ Thành Toàn - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất sẽ giải đáp vấn đề này.

Đau nhức xương khớp phổ biến ở thời điểm giao mùa

Tại Bệnh viện Thống Nhất, thời điểm nào trong năm, bệnh viện đón nhiều bệnh nhân đến khám vì đau nhức xương khớp nhất, thưa BS?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Đây là vấn đề dân gian đều biết đến, đặc biệt là nhóm người lớn tuổi nói chung hoặc các bệnh liên quan đến xương khớp nói riêng, khi giao mùa hoặc khi trái gió trở trời, là khi bệnh nhân đau nhức xương khớp đến bệnh viện nhiều nhất. Tại miền Nam, có hai mùa mưa nắng, trong đó, mùa mưa là thời điểm bệnh nhân xương khớp dễ gặp nhiều vấn đề và cần sự tư vấn của thầy thuốc.

Những vị trí đau nhức phổ biến nhất

Thông thường, bệnh nhân đến khám sẽ gặp vấn đề đau nhức tại vị trí nào nhiều nhất?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Tùy theo các bệnh lý khác nhau của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ gặp nhiều vị trí đau nhức xương khớp. Ví dụ, đối với người lớn tuổi, bệnh lý gặp hàng đầu là thoái hoá khớp, bệnh lý này thường xảy ra ở vùng khớp thường xuyên vận động hoặc chịu lực nhiều như: cột sống cổ, cột sống thắt lưng, khớp háng, khớp gối…

Còn đối với các bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp sẽ đau các khớp bàn ngón chân; hoặc đối với những bệnh nhân có bệnh lý tăng axit uric, bệnh gout sẽ đau các khớp ở xa như khớp bàn ngón chân, các khớp ở vùng xa tim (khớp xa đầu chi).

Như vậy, không đặc hiệu riêng nhưng tùy vào bệnh lý khác nhau sẽ đau ở những vị trí khác nhau, đối xứng hoặc không đối xứng…

Thoái hóa khớp là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh xương khớp ở người cao tuổi

Nguyên nhân do đâu dẫn đến đau khớp ở người cao tuổi?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Nguyên nhân hàng đầu gây đau nhức xương khớp ở người cao tuổi là các bệnh lý thoái hoá khớp. Sau nhiều năm vận động, xương khớp người cao tuổi sẽ bắt đầu thoái hóa. Theo các nghiên cứu gần đây tại các trung tâm thực nghiệm thấy rằng, quá trình thoái hóa khớp ở người bắt đầu diễn ra ở giai đoạn 25 tuổi, diễn tiến âm thầm, do đó, nếu quan tâm, chăm sóc xương khớp, phát hiện sớm, có thể làm chậm quá trình thoái hóa khớp và giảm tình trạng đau.

Ngoài ra, các bệnh lý khớp khác do chấn thương cũ, biến dạng khớp, bệnh lý thấp khớp, tùy diễn biến từng bệnh sẽ có những nguyên nhân khác nhau.

Đau nhức xương khi trái gió trở trời, tại sao?

Nhiều người ví von xương khớp của họ như máy dự báo thời tiết, hễ trái gió trở trời, thay đổi thời tiết họ lại đau nhức xương khớp, lý giải cho hiện tượng này như thế nào, thưa BS?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Đây là kinh nghiệm của ông cha ta ta ngày xưa và hoàn hoàn đúng. Theo các nghiên cứu gần đây thấy rằng, khi thay đổi thời tiết, ví dụ, trời bình thường bỗng đổ cơn mưa, trái gió trở trời, đổi mùa… Thụ thể đau khớp rất nhạy cảm với áp suất trong không khí, khi áp suất trong không khí thay đổi sẽ tác động lên các thụ thể, đối với những người lớn tuổi, người có bệnh lý thoái hóa khớp, người bệnh bao hoạt mạc, bao hoạt khớp,… thụ thể sẽ cảm nhận và gây phản ứng viêm khác nhau, dẫn đến tăng dịch tiết khớp, làm đau khớp.

Ngoài ra, các bệnh lý về hệ miễn dịch khi trái gió trở trời, thời tiết thay đổi, áp lực không khí thay đổi sẽ làm hệ miễn dịch của cơ thể thay đổi, tác động lên bao khớp làm bệnh nhân đau khớp.

2 phương pháp điều trị đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi

Phương pháp nào giúp giảm đau nhức xương khớp cho người cao tuổi?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Việc đau nhức xương khớp ở người cao tuổi nói chung và các bệnh lý về khớp nói riêng được quan tâm tới nhiều, như các bệnh lý khác, luôn có hai phương pháp điều trị: dùng thuốc và không dùng thuốc.

Đối với phương pháp không dùng thuốc, với các bệnh lý, việc đầu tiên cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để điều trị nguyên nhân trước, còn lại là điều trị triệu chứng của bệnh nhân. Ví dụ, thay đổi thói quen hàng ngày, nhiều bệnh nhân ngồi vắt chân chữ ngũ, gây tăng áp lực lên khớp gối, làm tình trạng thoái hóa khớp gối nặng thêm.

Đối với trường hợp thoái hóa khớp gối hoặc thoái hóa khớp háng, thoái hóa cột sống cổ, cột sống lưng, một số động tác không được tập luyện, một số môn thể thao không được vận động vị trí khớp đó thì bệnh nhân thực hiện quá mức; khi cần vận động thì bệnh nhân nghỉ ngơi quá mức, ngược lại khi cần nghỉ ngơi bệnh nhân vận động quá mức… điều này gây ra tình trạng thoái hóa khớp.

Theo nghiên cứu, khi bắt một con thỏ hoạt động quá mức, có thể gây tăng thoái hóa khớp lên 5-10 lần, hoặc nếu cột chân con thỏ, không cho vận động trong một thời gian ngắn, khớp cũng có tình trạng thoái hóa. Do đó, tùy lứa tuổi, bệnh lý, bệnh đồng mắc và thể trạng của một người, sẽ có các bài tập vận động khác nhau, và các môn thể thao phù hợp với người đó.

Bên cạnh đó, thừa cân, béo phì cũng làm tăng gánh nặng lên khớp, lối sống lười vận động, giảm tập luyện làm các cơ không khoẻ, không gánh được phần khớp, tăng gánh nặng cho khớp…

Đối với phương pháp dùng thuốc, hiện nay có rất nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị cho bệnh nhân đau nhức xương khớp, có đầy đủ từ các tác động trị liệu, đơn trị tới đa trị, cùng nhiều phức hợp khác nhau để giúp bệnh nhân giảm gánh nặng và phiền toái cuộc sống về bệnh lý cơ xương khớp.

Các phương pháp điều trị giảm đau cơ xương khớp tại Bệnh viện Thống Nhất

Tại Bệnh viện Thống Nhất có phương pháp giảm đau cơ xương khớp nào được bệnh nhân đánh giá cao nhất?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Tại Bệnh viện Thống Nhất có nhiều phương pháp điều trị, tùy theo bệnh lý, độ tuổi sẽ có lựa chọn khác nhau. Ví dụ, tại khoa Phục hồi chức năng có đầy đủ các phương pháp; có hệ thống vi tính để tập luyện, vận động; có các phương pháp như cấy chỉ, phương pháp chiếu sóng ngắn, phương pháp tập luyện phục hồi chức năng ở các cấp độ khác nhau. Bên cạnh đó, tại bệnh viện còn có phương pháp điều trị đa mô thức để điều trị cắt cơn đau, đặc biệt là các cơn đau cấp.

Bệnh viện Thống Nhất có đầy đủ Nội Cơ Xương khớp và Ngoại Chấn thương chỉnh hình để giải quyết các nguyên nhân gây ra các bệnh lý cơ xương khớp cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, các tác động khác, phương pháp điều trị khác giúp hỗ trợ ổn định xương khớp cho người bệnh.

Cần lưu ý gì khi điều trị đau nhức xương khớp tại nhà?

Song song với việc điều trị tại bệnh viện, khi về nhà, người bệnh cần lưu ý những vấn đề gì để giảm thiểu cơn đau, thưa BS?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Khi điều trị, vấn đề người bệnh thường mắc phải là không tuân thủ điều trị của bác sĩ, tự tăng giảm liều thuốc, không dùng thuốc giảm đau… Quá trình đau khớp, viêm khớp, thoái hóa khớp là một vòng xoắn bệnh lý. Nếu càng đau nhức, càng viêm, càng thoái hóa khớp nặng. Khi tình trạng thoái hóa khớp càng nặng càng dẫn đến đau nhức. Do đó, có những thời điểm bệnh nhân cần dùng thuốc chống viêm, giảm đau để cắt quá trình vòng xoắn bệnh lý, không chỉ đơn thuần là giảm đau.

Nhiều trường hợp thay vì chườm lạnh, bệnh nhân lại chườm nóng và ngược lại, khi cần chườm nóng thì bệnh nhân lại chườm lạnh. Do đó, cần hiểu nguyên lý, khi phản ứng khớp quá mỏi tăng đột biến, người bệnh cần chườm lạnh; còn những phản ứng của cơ thể không đáp ứng, lúc đó cần chườm nóng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần phối hợp tập luyện, nhiều trường hợp cần tập luyện, bệnh nhân không thực hiện, còn trường hợp cần kiêng vận động như viêm thấp khớp thì người bệnh ra sức tập luyện, dẫn tới tình trạng viêm tăng lên.

Một số thay đổi lối sống sẽ khá khó khăn với bệnh nhân, tuy nhiên, cần hợp tác với bác sĩ, thói quen về luyện tập sẽ tương đương với việc dùng thuốc điều trị. Đôi khi bệnh nhân chỉ muốn dùng thuốc để có hiệu quả nhanh, tuy nhiên, việc tập luyện giúp củng cố vấn đề xương khớp lâu dài còn dùng thuốc là hỗ trợ cho việc tập luyện và điều trị cho bệnh nhân.

Khớp trong tình trạng viêm cấp tính nên bất động

BS khuyến cáo nên tập luyện tại nhà, tuy nhiên, xương khớp bệnh nhân có lức lên cơn đau dữ dội, vậy khi nào nên tập luyện, khi nào ngưng, thưa BS?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Đối với những khớp đang trong tình trạng viêm cấp tính, bệnh nhân nên bất động, vì càng vận động, quá trình viêm càng trở nặng. Ngược lại, với trường hợp khớp đang đông cứng, co cứng, người bệnh nên vận động đúng mực để các khớp hồi phục lại dần các chức năng.

Vì vậy, tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ hướng dẫn những vận động về biên độ và cường độ khác nhau để bệnh nhân tuân thủ, bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của bác sĩ tư vấn thêm. Ví dụ, trong vấn đề sử dụng một số loại thuốc, bệnh đồng mắc, có thể làm tăng tình trạng đau nhức xương khớp, vì vậy, cần có các tư vấn đầy đủ về các bệnh đồng mắc và vấn đề tập luyện một cách phù hợp. Đối với những bệnh lý khác nhau sẽ có những bài tập khác nhau để bệnh nhân tự tập tại nhà, phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân và tình trạng bệnh.

  1. Lạm dụng/không dùng thuốc giảm đau gây kết cục xấu cho hệ cơ xương khớp

Một số quan điểm cho rằng, nếu bị đau nhức, có thể uống thuốc giảm đau, sau 30 phút có thể tập luyện. Theo BS, phương pháp này có nên áp dụng?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc giảm đau, ngay cả thuốc vitamin, thuốc bổ đều có chỉ định riêng, nếu dùng sai chỉ định sẽ không đem lại lợi ích mà còn gây ra tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn gây hại hơn cho bệnh nhân.

Thuốc giảm đau không ngoại lệ, đối với một số trường hợp viêm cấp, các trường hợp cần thiết, người bệnh mới được sử dụng thuốc giảm đau, không phải tất cả trường hợp đều được sử dụng thuốc giảm đau trước khi tập luyện. Mức độ dùng thuốc, liều lượng dùng cần có sự tư vấn của bác sĩ, bởi vì, việc lạm dụng/không sử dụng thuốc giảm đau đều dẫn tới kết cục không mong muốn đối với hệ xương khớp của người bệnh.

  1. Lời khuyên của chuyên gia cho bệnh lý cơ xương khớp

Nhờ bác sĩ đưa ra lời khuyên cho các bệnh nhân đau nhức xương khớp, các vấn đề nên và không nên làm để không làm nặng nề tình trạng đau nhức xương khớp.

 PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Đối với các bệnh lý cơ xương khớp, nên được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, với từng cơ thể khác nhau, từng giai đoạn bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ có những lời khuyên thích hợp. Bệnh nhân nên tương tác với bác sĩ để có các bài tập và liệu trình điều trị phù hợp, giúp người bệnh có một hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, vóc dáng đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống.

https://www.youtube.com/watch?v=e9FZxVsi2EY

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X