Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị bệnh cơ tim giãn nở bằng phương pháp gì, bệnh nhân sống được bao lâu?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương đưa ra các phương pháp điều trị bệnh cơ tim giãn nở, bệnh nhân cần ăn uống, vận động thế nào, có cần kiêng quan hệ tình dục hay không, và bệnh nhân sống được bao lâu?

Tiếp theo phần 1: Bệnh cơ tim giãn nở, bệnh tim to, bệnh cơ tim phì đại giống và khác nhau thế nào?

1. Điều trị bệnh cơ tim giãn nở có những phương pháp nào? Phương pháp nào triệt để nhất?

Điều trị suy tim do bệnh cơ tim giãn nở bao gồm cả điều trị đặc hiệu suy tim và điều trị nguyên nhân.

Điều trị suy tim

Đối với điều trị suy tim, tùy vào mức độ suy tim mà người bệnh sẽ phải dùng 1 hoặc kết hợp nhiều loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc lợi tiểu (thường là lợi tiểu quai) khi có tăng áp động mạch phổi, ứ máu tại phổi và ngoại biên.
  • Thuốc giãn mạch nhằm giảm gánh nặng cho tim. Lựa chọn hàng đầu là nhóm ức chế men chuyển dạng Angiotensin.
  • Digitalis tăng co bóp cơ tim trên bệnh nhân bị rung nhĩ có tần số thất cao.
  • Thuốc kháng vitamin K để phòng ngừa nguy cơ huyết khối gây tắc mạch.
  • Thuốc chống loạn nhịp, giảm nhịp bất thường và giúp kiểm soát nhịp bình thường.
  • Thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc Ivabradine giúp giảm nhịp tim.

Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định đặt các dụng cụ cấy được trong điều trị suy tim:

  • Máy tạo nhịp - phát ra những xung động điện để giữ nhịp tim bình thường trong một số trường hợp loạn nhịp tim.
  • Máy tạo nhịp hai buồng - được dùng trong tái đồng bộ tim. Máy phát xung động điện đến cả tim phải và tim trái làm cho chúng hoạt động đồng bộ với nhau.
  • Máy phá rung cấy được - dụng cụ này giúp phát hiện và điều trị rối loạn nhịp nguy hiểm có thể dẫn đến ngừng tim.

Cuối cùng, khi thuốc và dụng cụ không giúp kiểm soát hoàn toàn triệu chứng của suy tim, suy tim tiếp tục tiến triển thì bệnh nhân sẽ cần đến ghép tim. Ghép tim là phương pháp điều trị triệt để nhất hiện nay trong điều trị bệnh cơ tim giãn nở, tuy nhiên, vì chi phí cao và không đủ tạng ghép nên đây là phương án được xét đến cuối cùng khi bệnh không còn thể khống chế bằng các phương án khác được nữa.

Điều trị nguyên nhân

Điều trị nguyên nhân suy tim trong bệnh cơ tim giãn nở là một lĩnh vực đang được phát triển, bao gồm có ức chế miễn dịch và hấp phụ miễn dịch, sửa chữa gene, nhưng cần nhiều chứng cứ hơn nữa từ các thử nghiệm lâm sàng.

2. Nếu bệnh cơ tim giãn nở không được điều trị, có thể dẫn đến biến chứng gì?

Bệnh cơ tim giãn nở luôn tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng như suy tim, tắc mạch do huyết khối hay đột tử do rối loạn nhịp nếu không được điều trị từ sớm.

  • Suy tim: Trong giai đoạn đầu của bệnh, tâm thất bị dãn ra nhưng người bệnh không cảm thấy khó chịu gì. Bởi lúc này tim thực hiện cơ chế bù trừ bằng cách tăng nhịp tim, tăng co bóp tim. Đến giai đoạn sau, cả lưu lượng tim và thể tích nhát bóp đều giảm, tim không còn khả năng bù trừ và suy yếu, không cung cấp đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể hoạt động bình thường. Suy tim chính là biến chứng của bệnh cơ tim giãn phổ biến nhất.
  • Huyết khối (cục máu đông) gây tắc mạch: Tim bơm máu kém khiến máu ứ lại tại tâm nhĩ trái, tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành. Sau đó, các cục máu đông đi theo dòng máu và gây tắc nghẽn, dẫn đến đột quỵ nhồi máu não hay tổn thương các cơ quan khác.
  • Đột tử do rối loạn nhịp tim: Những thay đổi trong cấu trúc tim và áp lực trong mỗi buồng tim có thể gây rối loạn nhịp tim khiến tim ngừng đập đột ngột (trụy tim). Thống kê cho thấy, có tới 50% bệnh nhân cơ tim giãn nở bị đột tử do rối loạn nhịp tim.

3. Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cơ tim giãn nở cần lưu ý gì?

Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân bệnh cơ tim giãn nở giống với những bệnh nhân suy tim do các nguyên nhân khác, bao gồm:

  • Ăn đủ dinh dưỡng và vitamin
  • Ngưng thuốc lá và các thực phẩm chứa cồn: rượu, bia.
  • Hạn chế muối, nhất là suy tim nặng, thường giới hạn < 2g muối mỗi ngày. Do đó bệnh nhân suy tim cần tránh thực phẩm đã chế biến, thực phẩm đóng hộp hoặc thức ăn nhanh. Tập thói quen đọc hàm lượng natri (sodium) ghi trong thành phần trong thực phẩm đóng gói sẵn.
  • Lượng nước uống tính theo nhu cầu của bệnh nhân và mức độ suy tim. Tránh truyền dịch nếu không có chỉ định của nhân viên y tế. Nếu BN phù nhiều thì cần phải hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể và ăn nhạt hoàn toàn.
  • Chế biến món ăn dưới dạng mềm, nhừ. Không nên ăn các loại thức ăn lên men như: cải bắp, rau cải, đậu đỗ, dưa muối.
  • Bữa ăn phải xa giờ ngủ ban đêm, sau khi ăn cần phải nghỉ ngơi 30-40 phút.
  • Đối với bệnh nhân có sử dụng thuốc chống đông: Nên hạn chế ăn các loại rau quả có lá màu xanh sậm màu như: cải bó xôi, bông cải xanh, đậu Hà Lan, đậu xanh, củ cải, mùi tây và rau diếp…

4. Bệnh nhân cơ tim giãn nở nên vận động, thể dục thế nào là phù hợp? Hoạt động nào không được tham gia?

Bệnh nhân có bệnh cơ tim giãn nở vẫn có thể làm việc, vận động thể lực chứ không phải chỉ nghỉ ngơi tại chỗ, bởi vì hoạt động thể lực mang lại rất nhiều lợi ích:

  1. Kiểm soát cân nặng.
  2. Ổn định huyết áp và nhịp tim.
  3. Ổn định đường huyết và mỡ máu.
  4. Giúp thư giãn và cải thiện sức khỏe.

Để đạt được hiệu quả tối ưu trong làm việc, luyện tập, người bệnh cần chú ý:

  • Đặt ra mục tiêu làm việc/tập luyện vừa phải, không quá sức. Khi mới bắt đầu cần tập nhẹ, làm nhẹ, tăng dần cường độ.
  • Tránh những hoạt động nặng như chạy bộ, nâng vác nặng, tránh những động tác làm căng, duỗi, co cơ liên tục.
  • Tránh làm việc/tập luyện ngoài trời khi thời tiết quá nóng, quá lạnh, ẩm ướt: độ ẩm cao làm mau mệt, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực.
  • Nếu cảm thấy mệt mỏi ngay sau khi làm việc/tập luyện, thì cần giảm bớt cường độ vào ngày hôm sau.
  • Nếu cảm thấy có những triệu chứng như tức ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, nôn ói... hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm cần đến bác sĩ kiểm tra.

5. Người bệnh cơ tim giãn nở có phải kiêng quan hệ tình dục không?

Người bệnh cơ tim giãn nở nói riêng và bệnh nhân suy tim nói chung, không có chỉ định kiêng quan hệ tình dục nếu như bệnh nhân vẫn đủ khả năng! Bác sĩ dùng cụm từ “vẫn đủ khả năng” trong việc quan hệ tình dục là bởi vì quan hệ tình dục được xếp vào nhóm hoạt động gắng sức mức độ trung bình đến cao, nên tùy khả năng gắng sức của bệnh nhân mà họ có thể tham gia và kéo dài được bao lâu là tùy mức độ suy tim của mỗi người.

Mặt khác, một số thuốc trong điều trị bệnh suy tim, bệnh cơ tim giãn nở cũng có làm giảm đi ham muốn tình dục, như thuốc chẹn beta.

Do đó, bệnh nhân suy tim hay bệnh nhân cơ tim giãn nở không phải kiêng quan hệ tình dục, nếu họ vẫn có thể quan hệ tình dục được là một chuyện tốt, chỉ nhớ là đừng có “cố quá” sẽ dễ thành “quá cố” lắm.

6. Bệnh nhân cơ tim giãn nở sống được bao lâu?

Trước khi có các hướng dẫn điều trị suy tim thì có đến 77% bệnh nhân tử vong trong vòng 2 năm sau chẩn đoán, hầu hết là do suy tim tiến triển. Đột tử do tim và thuyên tắc mạch máu hệ thống, hầu hết do rung nhĩ, chiếm phần còn lại tử vong do tim mạch (theo một nghiên cứu tim mạch năm 1981).

Trong vòng ba thập kỉ qua, kết cục của bệnh nhân bệnh cơ tim giãn nở đã được cải thiện với các tiến bộ trong điều trị suy tim. Trong một nghiên cứu trên những bệnh nhân bệnh cơ tim giãn nở ở Nhật Bản được ghi nhận từ năm 1982 đến năm 1989, tỉ lệ sống còn 5 năm và 10 năm lần lượt là 61% và 35%. Ở những bệnh nhân được đánh giá từ năm 1990 đến 2002, tỉ lệ sống còn 5 năm và 10 năm đã tăng, lần lượt là 81% và 65%.

Theo một báo cáo tim mạch năm 2011, tiên lượng khả quan hơn với bệnh nhân bệnh cơ tim giãn nở được ghi nhận với điều trị nội khoa theo hướng dẫn, cho thấy tỉ lệ sống còn của bệnh nhân chưa ghép tim tại thời điểm theo dõi 1 năm, 2 năm và 4 năm lần lượt là 94%, 92% và 88%.

Như vậy, cùng với sự tiến bộ của y học, thời gian sống của bệnh nhân bệnh cơ tim giãn nở ngày càng được kéo dài hơn, 5 năm, 10 năm và còn dài hơn nữa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X